Cross chain la gi

Cross-chain là gì?

Khi Blockchain mới đầu được xây dựng, mọi người đã hình dung rằng đây sẽ là một giải pháp dành cho tất cả, tức là tất cả các giao dịch, hợp đồng thông minh hoặc bất kỳ thứ gì khác đều được thực hiện trên một Blockchain duy nhất. Tuy nhiên cho tới nay, một hệ thống như vậy không còn thực tế nữa bởi vì ngày càng có nhiều nền tảng Blockchain được sinh ra sở hữu những cấu trúc khác nhau, các giới hạn về khả năng mở rộng càng được lộ rõ cũng như là các hạn chế về đổi mới. Từ đó, công nghệ cross-chain ra đời để có thể giải quyết được những vấn đề đó.

Cross-chain có nghĩa là chuỗi chéo, là một giải pháp mang đến khả năng tương tác giữa các blockchain độc lập, mang các blockchain đến gần nhau hơn. Công nghệ này cho phép người dùng chuyển giao, hoán đổi tài sản giữa các blockchain, tối ưu khả năng kết hợp giữa các chain và làm gia tăng đáng kể giá trị cũng những tài sản này vì chúng có thể được sử dụng trong nhiều trường hợp hơn, đem đến nhiều cơ hội lợi nhuận hơn.

Tại sao lại cần tới Cross-chain?

Như đã đề cập ở trên, hiện nay ngày càng có nhiều Blockchain được sinh ra, sở hữu những cấu trúc khác nhau, chức năng xử lý dữ liệu hay là những điểm sáng công nghệ khác nhau. Tuy nhiên, các Blockchain này có xu hướng hoạt động cô lập là chủ yếu, không thể tương tác với nhau và không cho phép người dùng có thể tận hưởng đầy đủ các lợi ích mà công nghệ sổ cái phân tán này mang lại. Công nghệ Cross-chain sẽ tạo điều kiện để các Blockchain có thể giao tiếp với nhau, chia sẻ thông tin liền mạch giữa các chuỗi, khai thác lợi thế của từng Blockchain, tạo bàn đạp cho các nền tảng này phát triển và không gian Crypto trở nên đầy đủ, trọn vẹn hơn.

Câu hỏi “tại sao lại cần tới Cross-chain?” có thể được trả lời đơn giản hơn thông qua một ví dụ sau: mỗi Blockchain đang hoạt động được ví như một quốc gia, vậy nếu một quốc gia luôn đóng cửa giao thương với các quốc gia khác, tự cung tự cấp đem so sánh với một quốc gia mở cửa hợp tác, giao thương với các láng giềng trong khu vực và trên thế giới, vậy thì quốc gia nào sẽ phát triển hơn, cơ sở vật chất đầy đủ hơn? Nhìn vào sự chênh lệch giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, có lẽ chúng ta đã nhận ra được sự cần thiết của công nghệ Cross-chain hay là việc mở cửa thương mại, giao thương hàng hóa của các quốc gia đang phát triển rồi nhỉ.

Ưu điểm và nhược điểm của công nghệ Cross-chain

Ưu điểm

Tăng khả năng tương tác: Công nghệ Cross-chain đem tới cho các nền tảng Blockchain khả năng giao tiếp, tương tác với nhau, tận dụng những thế mạnh của từng nền tảng để mang lại một giải pháp công nghệ Blockchain hoàn chỉnh hơn, đầy đủ hơn.

Hiệu quả: nhờ đến công nghệ Cross-chain, dòng tiền có thể dễ dàng di chuyển giữa các nền tảng Blockchain khác nhau, người dùng có được cơ hội để trải nghiệm, tham gia vào các dịch vụ, dự án mà ở trên các nền tảng hiện tại của họ vẫn chưa được xây dựng.

Nhược điểm

Đến hiện tại, nhược điểm lớn nhất của công nghệ Cross-chain này là nó vẫn còn rất mới, chưa được hoàn thiện. Bản thân các Blockchain riêng lẻ cũng vẫn đang trong quá trình phát triển, dần dần xây dựng đầy đủ nên khả năng của các giải pháp Cross-chain hiện tại mới chỉ dừng ở việc cho phép hoán đổi token. Có lẽ cần chờ đến thời điểm khi mà các nền tảng Blockchain đã được hoàn thiện, phát triển mạnh mẽ thì chúng ta mới được hoàn toàn chứng kiến được khả năng của giải pháp Cross-chain.

Các loại tương tác Cross-chain

Công nghệ Cross-chain được phân ra thành 2 loại dựa vào công nghệ đằng sau chúng, đó là:

Isomorphic cross-chain (chuỗi chéo đồng hình): các tính năng bao gồm cơ chế bảo mật, thuật toán đồng thuận, cấu trúc liên kết mạng và logic xác minh tạo khối và nhất quán và tương tác giữa chúng tương đối đơn giản, không phức tạp.

Heterogeneous cross-chain (chuỗi chéo không đồng nhất): các tương tác Cross-chain của loại này tương đối phức tạp, bao gồm các công nghệ như thuật toán PoW được sử dụng cho Bitcoin hay thuật toán đồng thuận PBFT được Tendermint sử dụng. Thành phần khối và cơ chế đảm bảo xác định có sự khác biệt, khiến cho việc thiết kế một cơ chế tương tác Cross-chain trực tiếp không hề dễ dàng và thường cần đến dịch vụ phụ trợ của bên thứ 3.

Một số hình thức tương tác thường gặp giữa các nền tảng Blockchain

Giao tiếp tập trung

Từ khi có sự xuất hiện của các sàn giao dịch tiền điện tử tập trung (CEX) thì đây là cách thức cơ bản nhất mà mọi người mặc dù sử dụng rất nhiều nhưng không nhận ra. Chúng ta sử dụng tiền đã nạp lên sàn để giao dịch, mua bán sang các loại tiền điện tử khác được sàn hỗ trợ và chúng ta có thể rút về ví phi tập trung của riêng mình. Tuy nhiên, việc tương tác này khá cồng kềnh với nhiều công đoạn khác nhau nên đây vẫn chưa thực sự là một giải pháp tối ưu cho việc tương tác giữa các Blockchain.

Wrapped Token

Wrapped token là token được bao bọc, nó được gọi như vậy bởi vì nó là một loại tiền điện tử có giá trị được neo theo giá của đồng tiền điện tử mà nó đại diện, được bao bọc bởi 1 lớp vỏ bên ngoài để có thể được hoạt động trên các nền tảng Blockchain không phải chính gốc của nó.

Ví dụ: wBTC là thế hệ đầu tiên của Wrapped token, 1 wBTC mang giá trị tương đương với 1 BTC và có khả năng sử dụng trên mạng lưới Ethereum như 1 token ERC-20 thông thường.

Tuy được coi là một hình thức tương tác giữa các Blockchain nhưng giải pháp này cũng chỉ là tạm thời bởi vì Wrapped token sẽ thiếu sót nhiều tính năng, khả năng ứng dụng so với định dạng ban đầu trên Blockchain chính gốc của nó. Các dự án đi theo hình thức tương tác này thường được gọi là Cầu nối (Bridge).

Atomic Swap

Cross chain la gi

Atomic Swap không được xem là một hình thức tương tác Blockchain chính thống bởi vì 2 Blockchain không thực sự giao tiếp với nhau mà cần sử dụng đến một loại hợp đồng thông minh có khoá thời gian gọi là HTLC (Hashed TimeLock Contracts) đóng vai trò làm trung gian, cho phép người dùng điều phối các giao dịch trên các Blockchain để có thể giao dịch một loại tiền điện tử này với một loại tiền điện tử khác trực tiếp trong 1 giao dịch P2P.

Một số dự án Cross-chain tiêu biểu

  • Polkadotlà một công nghệ mạng lưới Blockchain đa chuỗi (Multi-chain), không đồng nhất (heterogeneous) và có khả năng mở rộng, cho phép chuyển giao chuỗi chéo giữa các dữ liệu và tài sản, cung cấp quyền truy cập vào các mạng lưới Blockchain (Parachain) nằm trên mạng Polkadot.
  • Cosmos: là một mạng lưới phi tập trung, gồm các blockchain song song độc lập, các ứng dụng và dịch vụ của nền tảng Cosmos kết nối và hoạt động xoay quanh Cosmos Hub và thông qua cầu nối IBC để có thể chuyển giao các giá trị (dữ liệu, tài sản) giữa các Blockchain trong hệ sinh thái.
  • Blocknet: là một mạng phi tập trung kết nối các Blockchain và cho phép các nhà phát triển xây dựng các ứng dụng thông qua các thành phần và công cụ của mạng lưới, bao gồm XRouter và XBridge. XRouter kết nối mạng blockchain với các dApp đa chuỗi (multi-chain), trong khi XBridge kết nối các tài sản blockchain thông qua hoán đổi nguyên tử chuỗi chéo.

Lời kết

Hiện tại, các dự án Cross-chain vẫn đang trong quá trình khám phá và phát triển, nhu cầu cho các giao dịch Cross-chain phụ thuộc chủ yếu vào việc sử dụng các ứng dụng Blockchain (sử dụng các chức năng được đại diện bởi chứng chỉ như chuỗi tài sản, dự đoán Cross-chain, lưu trữ tài sản…) để thiết lập một mạng lưới lưu thông kết nối các tài sản kỹ thuật số.

Ngoài ra, công nghệ Cross-chain cũng là tiên quyết cần thiết để hướng tới một tương lai đa chuỗi giữa các Blockchain trong không gian Crypto. Hy vọng Allinstation đã cung cấp cho anh em những thông tin cơ bản nhất về Cross-chain, từ đó anh em có thể nắm được xu hướng của thị trường, tìm kiếm được những cơ hội đầu tư mới.