Tính nguyên hợp là gì

S.N. Broitman

KHÁI NIỆM NGUYÊN HỢP

A.N. Veselovski gọi thời kỳ đầu tiên trong lịch sử thi pháp là thời đại nguyên hợp (chữ “syncretisme”, “nguyên hợp”, có nguồn gốc Hy Lạp, nghĩa là không thể chia tách). Thuật ngữ này được xem là “đạt” hơn cả so với các thuật ngữ được đề xuất sau này vì nó bao hàm nguyên tắc mang ý nghĩa tạo sinh đối với cái nhìn thế giới và ý thức (trong đó có ý thức thẩm mỹ) của một thời đại khổng lồ tính theo chiều dài suốt từ thời đồ đá cũ đến thế kỷ thứ VII – VI trước công nguyên ở Hy Lạp và đến những thế kỷ đầu tiên sau công nguyên ở phương Đông. A.N. Veselovski dựa vào thành tựu của khoa dân tộc học đương thời, vào các công trình nghiên cứu thần thoại học và lễ hội, ông sử dụng rộng rãi số liệu của folklore học và tâm lý học để xây dựng nguyên tắc nguyên hợp. Sự phát triển sau này của văn học khẳng định rằng, sự khác biệt cơ bản nhất và lớn lao nhất  giữa ý thức của người cổ đại và ý thức của người hiện đại là bản chất dính liền-không thể chia tách, hay là bản chất nguyên hợp. Nó thấm sâu vào toàn bộ văn hóa cổ đại, bắt đầu từ cảm nhận cảm tính trực tiếp của những người đại diện cho nó cho tới cấu trúc ý thức hệ của họ, bao gồm thần thoại, tôn giáo và nghệ thuật. Người cổ xưa nhận biết bản thân và thiên nhiên, “tôi” và “người khác”, lời nói và đối tượng biểu nghĩa của nó, nghi lễ và hành động thường nhật, nghệ thuật và đời sống, cũng như  tiếp nhận dữ liệu của các giác quan một cách nguyên hợp  (ví như ở nông thôn Nga, đến giờ vẫn có thể nói: “Chúng ta đi xem sấm sét”). Theo A.N. Veselovski, nguyên hợp là sự biểu hiện của cái nhìn chỉnh thể mang đặc điểm của ý thức cổ xưa đối với thế giới, cái nhìn chưa bị phức tạp hóa bới lối tư duy trừu tượng, tư duy phân tích và phản ánh. Trong loại ý thức như vậy, ý niệm về sự đồng nhất và khác biệt vẫn chưa hình thành riêng rẽ, vì thế chúng không trùng khuýp với những hiện tượng được nhận thức. Ở đây “không diễn ra vấn đề đồng nhất của đời sống con người  với tự nhiên và không diễn ra sự so sánh đòi hỏi ý thức phải tách biệt các đối tượng được so sánh”[1], mà chỉ có sự nguyên hợp, chỉ có sự thụ cảm chúng theo cách cách dính kết, không chia tách, dẫn tới “sự vắng bóng những cái khác biệt, chứ không phải sự pha trộn”[2]. Nhà nghiên cứu viết: “Thủa xưa, khi người ta sáng tạo ra các hình dung từ: chim ưng sáng chói và trăng sáng chói, thì sự đồng nhất như vậy không xuất phát từ sự tìm kiếm trong thi ca một cách có ý thức về sự phù hợp giữa các ấn tượng cảm tính, giữa con người và tự nhiên, mà là sự thiếu rành mạch trong sinh lý chúng ta, nhất là trong tâm lý của người nguyên thủy”[3].

CÁC HÌNH THỨC BIỂU HIỆN CỦA NGUYÊN HỢP TRONG Ý THỨC VÀ NGHỆ THUẬT CỔ ĐẠI

Gọi A.N. Veselovski là người sáng tạo ra lý thuyết về nguyên tắc nguyên hợp thời nguyên thủy trước hết người ta thường nghĩ tới quan niệm của ông về hoạt động lễ hội mang tính nguyên hợp, trong đó đời sống và nghệ thuật, các loại hình nghệ thuật khác nhau, các loại và các thể của tác phẩm văn học trong tương lai được trình bày dưới dạng không chia tách[4].  Thực ra, nguyên tắc nguyên hợp được ông sử dụng theo nghĩa rộng hơn nhiều (điều đó thể hiện ở ngay những phát biểu của ông). Theo ông đó là nguyên tắc chung của tư duy nghệ thuật (vẫn còn gắn chặt với tư duy “phi nghệ thuật”, một nguyên tắc thâm nhập vào chiều sâu tận cùng của sự thụ cảm thế giới một cách trực tiếp, cảm tính (chẳng hạn, ông nói về “nguyên hợp sinh lý” ở nhận thức cảm tính[5], nguyên hợp của ngôn ngữ, của huyền thoại và lễ hội[6], về “nguyên hợp đồng ca” giữa tôi và “người khác). Trong các công trình nghiên cứu của mình, A.N. Veselovski đã khảo sát biểu hiện của nguyên tắc chung ấy trong nghệ thuật ngôn từ cổ đại – trong phạm vi của ngôn ngữ và phong cách thơ, trong cấu trúc của hình tượng nghệ thuật, trong tiền sử và lịch sử sơ khai của các loại và các thể văn học, trong sự hình thành tác quyền, cho tới tận motif và truyện kể, tức là tiến hành khảo sát tất cả các phạm trù trung tâm của văn học ở thời đại mà ông nghiên cứu.

Đồng thời, thấy hóa ra nguyên tắc nguyên hợp được lưu giữ lâu bền nhất trong hình tượng thi ca. Vì thế, ở những phần tiếp theo, khi nói về giai đoạn thi pháp mà chúng tôi quan tâm, chúng tôi sẽ không chỉ bàn về nghệ thuật nguyên hợp trong ý nghĩa trực tiếp của từ ấy (tức là chưa tách khỏi lễ hội hoặc các dạng nghệ thuật khác), mà bàn về cả loại nghệ thuật mà cấu trúc hình tượng của nó do nguyên tắc nguyên hợp quy định.

Sau A.n. Veselovski, các công trình nghiên cứu của O.M. Freidenberg có vai trò to lớn trong việc làm sáng tỏ nguyên tắc chủ đạo của nghệ thuật thời cổ xưa. Bà nhấn mạnh rằng ý thức huyền thoại đầy chất thơ ở thời kỳ này “có đặc tính toàn ven, không thể chia tách. Nếu buộc phải nói về các dạng thức ngôn ngữ, đồ vật, hành động của nó thì không có nghĩa là mỗi hình thức ấy có thể hoạt động tách rời các hình thức khác. Ngược lại, chúng song hành với nhau”[7]. Bản thân “sự phân chia thành hiện thực văn học và sự hoang đường, thành cái thường nhật, tôn giáo và nghệ thuật là sự phân chia được hình thành trong lịch sử. Nguồn gốc thế giới quan của chúng là thống nhất, duy nhất, khuôn mẫu của các hình thức văn học hoàn toàn giống khuôn mẫu của các hình thức đời sống, có nghĩa, cả hai, cả cái này lẫn cái kia đều sinh ra từ một loại tư duy và một loại tồn tại”[8].

        Nhưng O.M. Freidenberg không sử dụng thuật ngữ “nguyên hợp” và thậm chí còn luận chiến với nó. Bà cho rằng, thuật ngữ này chứa đựng ý niệm về sự phát triển xuất phát từ một nguồn cội, nhưng trên thực tế, trong nền móng tạo ra sự hình thành của sự vật bao giờ cũng có vô số nhân tố – nó không “mono”, mà “polyphile”. Theo bà, ở thời kỳ mà chúng ta đang quan tâm, quy luật chung ấy được thể hiện ở chỗ, cái chỉnh thể (trong hình tượng, truyện kể, nhân vật…) trên mọi cấp độ ở đây luôn có sự hoạt động của nguyên tắc đồng nhất ngữ nghĩa trong sự khác biệt của các hình thức, mà sự khác biệt chỉ là biểu hiện bên ngoài của sự thống nhất bên trong[9].

        Theo O.M. Freidenberg, điều trên đã dẫn A.N. Veselovski tới chỗ nhầm lẫn: “Tất cả mọi hình thức ấy của huyền thoại thống nhất về ngữ nghĩa tới mức tạo ra ấn tượng về những cái không thể tách rời. Veselovski đã xem cái đặc điểm bề ngoài, đặc điểm không có thật của chúng là chủ nghĩa nguyên hợp thuộc bản chất của chúng. Nhưng tất cả sự độc đáo của chúng là ở chỗ, chúng hoàn toàn khác nhau, hoàn toàn độc lập với nhau về nguồn gốc. Đặc điểm cơ bản của chúng được giải thích bằng thực tế là tư duy nguyên thủy đồng nhất những hiện tượng khác nhau của đời sống và lặp lại cá ý niệm của mình trong những hình thức hoán đổi lẫn nhau. Nguồn gốc của một hành động nguyên hợp theo kiểu gộp chung mâu thuẫn với đặc điểm của ý thức sáng tạo huyền thoại, loại ý thức bao giờ cũng lặp lại cùng một điều trong những hình thức khác nhau, mà không hề gắn kết chúng băng một quan hệ nhân quả nào cả”[10]. 

Cần tiếp thu quan điểm của O.M. Freidenberg với tinh thần phân tích tỉnh táo. Nhiều chỉ trích của bà đối với A.n. Veselovski là không chính xác. N.V. Blaginskaia đã chỉ ra: “Sự phê phán Veselovski đa phần nhắm vào môn đồ của lý thuyết nguyên hợp thời nguyên thủy, chứ không hẳn nhằm vào người sáng tạo ra lý thuyết ấy, bởi chính ông nói rất rõ rằng chủ nghĩa nguyên hợp không phải là “hỗn hợp, mà là thiếu sự khác biệt giữa các thể loại thi ca, giữa thơ và các nghệ thuật khác”[11]. Đồng thời phải thừa nhận rằng trong các công trình của bà, vấn đề đã được đào sâu thêm nhiều. Khi tính đến sự đồng nhất ngữ nghĩa trong sự khác biệt của các hình thức, thấy hóa ra nguyên hợp chủ yếu là thuộc tính cấu trúc, chứ không giống những gì A.N. Veselopski nhìn thấy. Giờ thấy rõ ra rằng, cái cần bàn không phải là chuyện thiếu sự khác biệt, mà là thuộc tính đặc biệt (“nguyên hợp”) của bản thân các khác biệt ấy. Bản thân tính chất không thể chia tách của các hình thức ngôn ngữ, động tác, âm nhạc hóa ra không phải là sự đồng nhất, mà là sự diễn xướng mang tính đặc thù của nó.

Trong các công trình khảo cứu hiện đại tiếp theo về thi pháp học lịch sử, quan niệm về nguyên tắc nguyên hợp do A.N. Veselovski đề xướng, nói chung, vẫn được tiếp nhận, nhưng thường không được xem xét ở toàn bộ nội dung đồ sộ của nó, mà người ta chỉ vận dụng học thuyết của ông về các loại và các thể của tác phẩm. Trong lĩnh vực này, đã thấy có sự bất đồng ý kiến với A.N. Veselovski. Theo ý kiến của một số nhà nghiên cứu,  A.N. Veselovski đã đánh giá quá cao vai trò của nghi lễ (nên chủ yếu ông chỉ phát hiện tính nguyên hợp về mặt hình thức của văn hóa nguyên thủy), nhưng ông lại đánh giá thấp vai trò của huyền thoại, và điều đó đã cản trở ông nhìn thấy tính nguyên hợp của văn hóa ở bình diện tư tưởng hệ[12]. Tuy nhiên, ý kiến phê phán này được phát biểu khá chung chung, chưa được chứng minh bằng những cứ liệu cụ thể, ngoài ra, nó chỉ dựa vào lí thuyết về thể và loại của tác phẩm nên chưa tính hết toàn bộ quan điểm của Veselovski.

Xem xét một cách tổng thể, cần nói rằng, cái nguyên tắc tác động lên suốt một thời kỳ dài nhất trong lịch sử thi pháp do Veselovski phát hiện vẫn chưa được khoa học chú ý thích đáng. Cho tới nay, những lời nói của M.M. Bakhtin vào những năm 1920 về A.N. Veselovski vẫn còn giữ nguyên tính thời sự: “Công trình nghiên cứu của ông còn nhiều điều chưa hoàn tất, cho đến nay, vẫn chưa được lĩnh hội thấu đáo và vẫn chưa có được vai trò như chúng tôi nghĩ là thực sự thuộc về nó”[13]. Việc nghiên cứu chưa thấu đáo ấy gây khó khăn không chỉ cho việc hiểu quá khứ, mà còn gây khó khăn cho cả việc hiểu bản thân nghệ thuật, bởi vì người đặt nền móng cho thi pháp lịch sử không hề xem nguyên tắc nguyên hợp là cái đã qua, đã  hoàn toàn thuộc về quá khứ.

Nên nhớ, điều ông nói chính là về “sự khó hiểu, sự thiếu rõ ràng trong cơ thể sinh lý của chúng ta, huống hồ tâm lý của người nguyên thủy”, và ông khẳng định tiếp: “Từ khi chúng ta học được cách tận hưởng một cách riêng rẽ, chúng ta vẫn nghĩ mình không pha trộn các hiện tượng âm thanh và ánh sáng, nhưng ý niệm của cái chỉnh thể, cái chuỗi tương hợp đầy bí ẩn vẫn vây quanh và quyết định cái “tôi” của chúng ta, vẫn lấp đầy và ràng buộc chúng ta nhiều hơn trước”[14]. Đâu là nguyên nhân khiến cái nguyên tắc cổ xưa ấy có tầm quan trọng như thế đối với nghệ thuật ? Với chúng ta, nó có vẻ như là cách tư duy của thời tiền sử, cổ giả, ngây thơ và xa xôi, còn từ quan điểm phân tích nghiêm nhặt, thì đó hẳn là sự “hỗn độn”. Nhưng từ lâu, người ta đã chỉ ra rằng, nghệ thuật càng cổ xưa, càng hiện đại, ngay cả sự tương tự như hỗn độn cũng có ý nghĩa sâu sắc của nó, nếu hiểu đó không phải là sự hỗn loạn, mà như trạng thái khởi thủy của hiện tượng (giai đoạn “phôi thai”), trạng thái có ý nghĩa mẫu gốc đối với toàn bộ lịch sử tương lai của nó. Nguyên tắc nguyên hợp đúng là sự “hỗn độn tổ tông” để từ đó xuất hiện ý thức và nghệ thuật hiện đại, và có thể hoàn toàn tự tin mà nói rằng, trên một mảnh đất khác (trên cơ sở tư duy phân tích nghiêm nhặt), thì nghệ thuật không thể sinh hạ. Với ý nghĩa như thế. Nguyên tắc nguyên hợp cổ xưa của văn học có chung huyết thống với huyền thoại, với tâm lý vô thức, với cái mà các nhà nghiên cứu tư duy trẻ em gọi là “tổ hợp” và với những cấu trúc khởi thủy khác (cấu trúc mang tính “mẫu gốc”) của ý thức và văn hóa để từ đó mọc lên các hình thức khác nhau sau này. Ở thời gian muộn hơn sau này – ở thời điểm hình thành của nó – mỗi loại văn học sẽ trải qua một trạng thái có họ hàng về mặt loại hình với cái mà chúng tôi gọi là nguyên hợp. Ví như vì sao nói Pushkin là “Tất cả của chúng ta” (Ap. Grigoriev)? Hiển nhiên bởi vì với văn học Nga, Pushkin là cái khởi nguyên mà ở đó dưới dạng nguyên hợp đã có đủ những khả năng tạo nên sự phát triển trong tương lại của nó.

Người dịch: Lã Nguyên

Nguồn: S.N. Broitman, Thi pháp học lịch sử// Lý luận văn học, bộ 2 tập, (N.D. Tamarchenko chủ biên), Tập II, Tr.14 – 18


[1] Veselovski A.N. Song hành tâm lý và các hình thức của nó trong sự phản ánh của phong cách thi ca// IP – tr, 125.

[2] Veselovski A.N. Lịch sử hay là lí thuyếttiểuthuyết?// Veselovski A.N. Tuyển tập bài báo.- L. 1939, tr. 3-4.

[3] Như trên, tr. 88-89.

[4] Xem: Veselovski A.N. Nguyêntắcnguyênhợptrongthơ catốicổ và cơ sở chiatáchcácthể loạithica. Từ cácbàigiảngvề lịchsử sử thi; từ cácbàigiảngvề trữ tìnhvà kịch/ IL

[5] Những hình dung từ mà tôi gọi là nguyên hợp tương ứng với sự hợp nhất của nhận thức cảm tính mà người nguyên thủy thường biểu đạt bằng cùng những dấu hiệu ngôn ngữ giống nhau. Tlđd

[6] Tài liệu trên.

[7] Freidenberg O.M. Dẫn luận lý luận folklorre cổ đại // MLD.- Tr. 75

[8] Freidenberg O.M.- Thi Pháp truyện kể và thể loại, L., 1936, tr. 241-242.

[9] Như trên

[10] Freidenberg O.M, Huyền thoại và văn học thời cổ đại. Tr. 76.

[11] Braginskaja N.V. Bhus giải// Huyền thoại và văn học thời cổ đại, tr. 571.

[12] Xem: Meletinski E.M., Thi pháp huyền thoại, M., 1976, tr. 178.

[13] Medvedev P.N. (Bakhtin M.M.), Phương pháp hình thức trong nghiên cứu văn học. M., 1963, tr. 65.

[14] Veselovski A.N. Thi pháp học lịch sử, tr. 89.