Có bao nhiêu dân tộc ít người?

Nhằm thiết thực hỗ trợ, từng bước phát triển vùng đồng bào DTTS rất ít người, những năm qua, ngoài chính sách chung đối với các DTTS, Đảng, Nhà nước còn có những chính sách riêng đặc thù áp dụng với DTTS rất ít người. Về giáo dục, năm 2010, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 2123/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010-2015 với mục tiêu tạo điều kiện phát triển về số lượng, nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em, học sinh, sinh viên các dân tộc rất ít người; năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2017/NĐ-CP quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên DTTS rất ít người. Về kinh tế-xã hội, năm 2011, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1672/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế-xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao, thực hiện tại 88 thôn, bản trên 27 xã thuộc 9 huyện của các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên và Hà Giang. Đặc biệt, ngày 31-10-2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2086/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội các DTTS rất ít người giai đoạn 2016-2025. Đề án này có đối tượng áp dụng rộng (thực hiện tại 194 thôn, bản sinh sống tập trung các DTTS rất ít người trên địa bàn 93 xã thuộc 37 huyện của các tỉnh Cao Bằng, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Kon Tum), nhằm mục tiêu duy trì, phát triển, nâng cao vị thế của các DTTS rất ít người; xóa đói, giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào một cách bền vững, giảm dần sự chênh lệch về khoảng cách phát triển với các dân tộc khác trong vùng; xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các thôn, bản nơi sinh sống tập trung của đồng bào DTTS rất ít người...

Đánh giá về kết quả thực hiện các chính sách đối với vùng DTTS rất ít người thời gian qua, đồng chí Hoàng Thị Hạnh, Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc khẳng định: "Các chương trình, chính sách đặc thù này đã được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó Bộ đội Biên phòng là một trong những lực lượng nòng cốt trong triển khai thực hiện. Chính sách đã tác động tích cực, tạo chuyển biến ở tất cả các lĩnh vực, góp phần phát triển, ổn định kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống cho đồng bào các DTTS rất ít người. Ví dụ như trước đây, một số DTTS rất ít người còn sống trong rừng, nay đã được đưa về bản, làng sống ổn định. Trẻ em đến trường ngày một nhiều hơn, trong hai đợt tuyên dương học sinh, sinh viên người DTTS xuất sắc do Ủy ban Dân tộc tổ chức gần đây, xuất hiện gần như đầy đủ các DTTS rất ít người...".

Cũng theo đồng chí Hoàng Thị Hạnh, vấn đề đặt ra trong thời gian tới là phải duy trì các kết quả đã đạt được một cách bền vững, tạo cơ sở để tiếp tục phát huy hiệu quả chính sách. Để làm được việc này, cần triển khai thực hiện đúng, đủ, đều các chính sách đã và sẽ được ban hành, quá trình thực hiện phải có trọng tâm, trọng điểm để thể hiện rõ tính đặc thù; tăng cường tính minh bạch, sự kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện, đặc biệt, phải có cơ chế, chính sách khơi dậy nội lực, tính tự lực tự cường của đồng bào các dân tộc.

Lễ Tết Mừng tiếng sấm còn được gọi là lễ cúng Tết Chăm Phtrong ở bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương (Nghệ An)

Nước ta có 54 dân tộc, trong đó dân tộc Kinh chiếm 85% dân số với gần 80 triệu người, còn lại 53 dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 14,6%. Dân tộc Ơ Đu là dân tộc ít người nhất, mới có gần 400 người (theo điều tra dân số năm 2009).

Người Ơ Ðu xưa kia cư trú quần tụ thành bản dọc theo hai con sông Nậm Mộ và Nậm Nơn bắt nguồn từ Lào chảy vào tỉnh Nghệ An. Sau này, do những biến cố của lịch sử và nhu cầu của đời sống kinh tế - xã hội, họ phải di dời đi các nơi, sống cùng với các tân tộc khác. Hiện nay, Xốp Pột và Kim Hòa là hai bản thuộc xã Kim Đa, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An có số dân thuộc dân tộc Ơ Ðu cư trú đông nhất.  

Cũng do sống xen kẽ với đồng bào các dân tộc khác nên đồng bào Ơ Đu bỏ dần được những phong tục lạc hậu. Điển hình như những phong tục trong sinh đẻ. Trước đây phụ nữ Ơ Đu chỉ được ngồi đẻ ở góc nhà phía gian dành cho phụ nữ;  nhau thai của trẻ bỏ vào ống tre, đem chôn ngay dưới gầm sàn; tuổi đứa con được tính từ ngày có tiếng sấm trong năm, khi đó đứa bé được coi là đầy năm và được bố mẹ làm lễ đặt tên; hay phong tục làm nhà sàn, phải dựng quay đầu vào núi… nay  không còn nữa. Phụ nữ sinh đẻ đến nhà hộ sinh; ngươi Ơ Đu ở nhà sàn  giống như nhà sàn người Thái.

Ngay phong tục Lễ hội “Mừng tiếng sấm đầu năm”, là phong tục độc đáo, điển hình nhất của người Ơ Đu cũng đã mai một nhiều; hiện chỉ còn được lưu giữ, duy trì khá nguyên vẹn (khi có tiếng sấm đầu tiên trong năm, người Ơ Đu mở hội tế trời, mổ trâu, bò, lợn ăn mừng, làm lễ cúng tạ ơn trời đất và mới bắt đầu một mùa canh tác mới), ở bản Xốp Pột, xã Kim Ða,huyện Tương Dương.

Theo khảo sát năm 2020 cuả Ủy ban Dân tộc và tỉnh Nghệ An thì đồng bào Ơ Đu cũng là tộc người có đời sống khó khăn nhất. Chính vì thế để bảo tồn dân tộc Ơ Đu, nhiệm vụ đặt ra là phải kết hợp giữa khơi dậy những giá trị văn hoá truyền thống, phong tục tập quán trong đời sống cộng đồng, với phát triển kinh tế - xã hội;  kết hợp giữa “xây” và “chống” trong quá trình đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn văn hóa ngoại lai hoặc phục hồi một cách máy móc văn hóa truyền thống.