Chương trình cải cách giáo dục

ANTD.VN - Trong khi Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới khẳng định sẽ giảm tải cho học sinh so với chương trình hiện hành thì không ít người vẫn nghi ngại tình trạng “bình mới rượu cũ” hay chỉ giảm trên đầu môn học nhưng thực chất là phép cộng dồn.

Chương trình cải cách giáo dục

Quá tải chương trình hiện hành vì đâu?

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới nhận định, nguyên nhân gây quá tải cho học sinh phổ thông theo chương trình hiện hành gồm 6 vấn đề.

Thứ nhất, nội dung giáo dục còn nặng về lý thuyết; nhiều nội dung không thiết thực, vừa khó học, dễ quên, vừa không gây được hứng thú cho học sinh. Thứ hai, phương pháp dạy học còn nặng về thuyết trình, không phát huy được tính tích cực của học sinh trong việc khám phá, thực hành. Thứ ba, thời lượng học được phân bổ đồng loạt đối với tất cả các trường trong cả nước, nhiều khi chưa tương thích với nội dung học tập.

Giáo viên không được quyền chủ động bố trí thời lượng dạy học phù hợp với học sinh và điều kiện thực tế của lớp mình. Thứ tư, học sinh phải đối phó với nhiều kỳ thi, đặc biệt là thi chuyển cấp và thi tốt nghiệp THPT, do đó phải học nhiều. Thứ năm, hiện tượng dạy thêm học thêm tràn lan chiếm thời gian nghỉ ngơi, khiến học sinh căng thẳng và mệt mỏi. Thứ sáu, do mong muốn quá nhiều ở con và do áp lực cạnh tranh, nhiều bậc cha mẹ bắt con tham gia quá nhiều chương trình học tập ngoài nhà trường.

Theo Bộ GD- ĐT, từ năm học 2020-2021 sẽ bắt đầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, sách giáo khoa mới ở lớp 1. Đến năm học 2024-2025 sẽ “cuốn chiếu” xong bậc học này. Tức là còn 9 tháng để chuẩn bị cho việc triển khai đại trà chương trình mới ở lớp 1.

Những vấn đề thuộc về chương trình giáo dục hiện hành được GS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định đã được khắc phục trong Chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo đó, đã có điều chỉnh về thời lượng học của các bậc học theo hướng giảm mạnh. 

Cụ thể, với chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, học sinh tiểu học học 2.353 giờ. Chương trình mới là chương trình học 2 buổi/ngày (9 buổi/tuần), tính trung bình học sinh học 1,8 giờ/lớp/buổi học; có điều kiện tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí nhiều hơn.

Chương trình hiện hành là chương trình học 1 buổi/ngày (5 buổi/tuần), tính trung bình học sinh học 2,7 giờ/lớp/buổi học; Ở THCS, theo Chương trình mới, học sinh học 3.070 giờ, còn chương trình hiện hành, học sinh học 3.124 giờ. Ở THPT, học sinh học 2.284 giờ theo Chương trình mới, còn theo chương trình hiện hành, học sinh Ban cơ bản học 2.546 giờ; học sinh Ban A, Ban C học 2.599 giờ. Như vậy, thời lượng học ở THCS giảm 53,5 giờ, ở THPT giảm khoảng hơn 200 giờ.

Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng giảm mạnh số lượng môn học so với chương trình hiện hành.  Theo chương trình tiểu học mới, lớp 1 và lớp 2 có 7 môn học; lớp 3 có 9 môn học; lớp 4 và lớp 5 có 10 môn học. Trong chương trình hiện hành, lớp 1, lớp 2 và lớp 3 có 10 môn học; lớp 4 và lớp 5 có 11 môn học.

Chương trình mới của các lớp THCS đều có 12 môn học. Trong chương trình hiện hành, lớp 6 và lớp 7 có 16 môn học; lớp 8 và lớp 9 có 17 môn học; Chương trình mới của các lớp THPT đều có 12 môn học. Trong chương trình hiện hành, lớp 10 và lớp 11 có 16 môn học; lớp 12 có 17 môn học. 

Đặc biệt, kiến thức kinh viện, hàn lâm trong chương trình hiện hành cũng đã được giảm tải trong Chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Hạnh phúc vì đến trường không chỉ để học

Chia sẻ với đội ngũ giáo dục trong việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ bày tỏ hy vọng với việc áp dụng chương trình mới này học sinh sẽ cảm thấy hạnh phúc khi đến trường. “Thời gian giảm tải có thể tận dụng cho học sinh tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí. Các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cũng không nên nặng nề về lý thuyết, cần để học sinh được hoạt động, là cơ hội để học sinh phát triển năng lực phẩm chất của mình” - Bộ trưởng lý giải.

Ngoài giảm tải cho học sinh, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh về việc cần giảm áp lực cho giáo viên bằng cách giảm gánh nặng hành chính, sổ sách. Và một trong những biện pháp là ứng dụng công nghệ thông tin, cắt giảm những thủ tục không cần thiết, rà soát đăng ký thi đua trên cơ sở thiết thực…

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, tới đây sẽ làm kiên quyết, có chế tài kiểm tra, thanh tra, để các Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng tăng cường kỹ năng quản trị nhà trường, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo môi trường thân thiện, đổi mới, tránh gây bức xúc, dồn nén cho thầy cô. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng đề nghị lãnh đạo địa phương chỉ đạo sở, ngành, Hiệu trưởng nhà trường thực hiện nghiêm túc việc này.

Vẫn còn nhiều băn khoăn

“Chương trình mới sẽ giảm tải, tạo điều kiện cho học sinh. Tuy nhiên, để giảm tải một cách triệt để, đòi hỏi phải hạn chế được tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan. Phụ huynh học sinh cũng không nên nặng về chuyện thi cử, đỗ đạt dẫn đến học sinh quá tải. Điều này nằm ngoài phạm vi của chương trình nên phụ thuộc vào nỗ lực của toàn xã hội” - GS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh.

Ngoài vấn đề khách quan này, nhiều giáo viên cũng đặt câu hỏi, chuyện giảm tải cho học sinh có thực sự được thực hiện triệt để với chương trình mới lần này.

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM) phân tích: “Nhìn qua ở bậc THPT thì đúng là chương trình mới có giảm giờ học so với chương trình cũ nhưng giảm giờ học không đồng nghĩa với giảm áp lực cho học sinh” - ông Huỳnh Thanh Phú chia sẻ.

Ông Huỳnh Thanh Phú phân tích, lâu nay chúng ta nhận thấy rõ chương trình cũ đã quá tải, áp lực với cả học sinh và giáo viên. Tuy nhiên, nếu chỉ giảm tiết học thì không phải là giảm áp lực, muốn hết áp lực phải đi kèm với đổi mới cách kiểm tra, đánh giá, thi cử. Điều cả giáo viên và học sinh mong mỏi là học thế nào thì thi thế ấy để tránh tình trạng học thêm, dạy thêm.

“Đơn cử, trong chương trình khung mới, với môn hóa học, ngay chương nguyên tử ở lớp 10 đã bê nguyên chương trình hóa học đại cương ở bậc đại học. Không những nặng nề hơn so với chương trình cũ mà còn quá hàn lâm, chưa kể học sinh học về nguyên tử xong thì ứng dụng gì vào cuộc sống? Chúng tôi chưa thấy hơi thở của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong chương trình lần này” - ông Huỳnh Thanh Phú nói.

Trong khoảng 10 - 15 năm trở lại đây, ở Việt Nam  người dân chứng kiến liên tục các động thái cải cách giáo dục. Đây cũng là chủ đề nóng trên các trang báo và mạng xã hội. Chính trong khoảng thời gian đó, giáo dục Việt Nam cũng đối mặt với hàng loạt các vấn đề và có những vấn đề ngày càng trầm trọng. Tại sao càng cải cách, càng có cảm giác giáo dục Việt Nam trở nên rối rắm và các biện pháp thực thi dần đi vào ngõ cụt?

Sẽ có nhiều cách giải thích khác nhau tùy vào cách nhìn và tiêu điểm. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ quản trị sẽ thấy có một nguyên nhân nằm ở chỗ hành chính giáo dục đã không được cải cách cho dù đã diễn ra nhiều lần cải cách giáo dục.

Chương trình cải cách giáo dục
Xu hướng quốc tế hóa tại các đại học Việt Nam
Tính cho đến nay, giáo dục Việt Nam (không kể giáo dục dưới chế độ VNCH) đã trải qua 4 lần cải cách lớn vào các năm 1950, 1956, 1979, 2013 (cuộc cải cách toàn diện triệt để đánh dấu bằng Nghị quyết 29). Tuy nhiên, nhìn vào các cuộc cải cách giáo dục này, chúng ta thấy hành chính giáo dục chưa bao giờ là nội dung trọng tâm hay nội dung lớn. Các nội dung được quan tâm đến trong các cuộc cải cách giáo dục đó thường sẽ vẫn là tái cơ cấu hệ thống trường học, mở rộng mô hình trường, thay đổi chương trình - sách giáo khoa, đổi mới phương pháp dạy học.

Trong cuộc cải cách giáo dục được gọi là “toàn diện, triệt để” lần này, nếu quan sát kỹ, ta cũng sẽ thấy trọng tâm cải cách chủ yếu nằm ở việc nhấn mạnh “dạy học theo năng lực”, “dạy học tích hợp”. Hệ thống trường học không có sự thay đổi lớn. Ý đồ ban đầu của các nhà làm chính sách là muốn tái cơ cấu các môn học với hàng loạt môn học mới ra đời như “Công dân với tổ quốc”, “Khoa học xã hội”, “Cuộc sống quanh ta”... nhưng rồi trước sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận, giáo viên, giới sử học - giáo dục lịch sử, cuối cùng những người có trách nhiệm đã quay trở lại phương án “rượu mới bình cũ” với các môn học có tên gọi không khác các môn học cũ là mấy.

Tuy nhiên, ngay cả trong một cuộc cải cách “toàn diện, triệt để”, người dân cũng chưa thấy các động thái cải cách thực sự ở phương diện hành chính giáo dục như về cơ chế vận hành hệ thống giáo dục, cơ chế tổ chức và chế tài hạn chế quyền lực của các cơ quan hành chính giáo dục đứng đầu là bộ phụ trách về giáo dục. Người dân cũng không thấy ở đó những động thái, công việc cơ bản nhất cần thiết phải tiến hành để tạo ra một nền hành chính giáo dục hiện đại như: dân chủ hóa bộ máy hành chính giáo dục và thực hiện nguyên tắc phân quyền cho các địa phương, tôn trọng tính tự chủ, tự trị của các địa phương, các trường học và quyền chủ động nội dung, phương pháp giáo dục của giáo viên.

Đây là những động thái rất cơ bản để xây dựng hành chính giáo dục hiện đại và hiệu quả. Một nền giáo dục hiện đại không thể nào không dựa trên các nguyên lý này.

Hệ lụy: bạo lực học đường và dạy học thiếu thực tiễn

“Điểm nghẽn” của cải cách giáo dục

Ở VN hiện tại, hành chính giáo dục đang trở thành “điểm nghẽn” của cải cách giáo dục. Rất nhiều ý tưởng, nội dung cải cách giáo dục học hỏi từ thế giới đã không thể thực hiện được hoặc khi thực hiện đã không thể có kết quả như mong đợi, thậm chí gây ra thêm rối loạn là vì chúng đã không có môi trường thuận lợi để tồn tại và phát triển. Hành chính giáo dục cần phải được cải cách mạnh hơn để tạo ra môi trường thuận lợi cho cải cách giáo dục. Đấy là hướng đi không thể né tránh để tiến tới xây dựng nền giáo dục dân chủ, hiện đại, nhân văn trong thời đại toàn cầu hóa.

Nhìn ở góc độ so sánh với hành chính giáo dục hiện đại trên thế giới, không khó để nhận ra hệ thống hành chính giáo dục mang nặng tính quan liêu và tập trung quyền lực cao độ vào Bộ GD-ĐT ở Việt Nam có mối liên hệ mật thiết với những vấn đề của hiện trường giáo dục. Có 2 ví dụ về mối liên hệ này.

Tình trạng bạo lực học đường ở Việt Nam  đã không được giải quyết cơ bản, có nguy cơ leo thang và đây cũng có thể xem như là hệ lụy của cơ chế hành chính giáo dục tập trung quan liêu, tập trung quyền lực.

Trong hệ thống hành chính giáo dục tập trung quan liêu, cấp trên sẽ ra các chỉ thị và đề ra, thực thi chính sách chủ yếu dựa trên các báo cáo và con số. “Chất lượng giáo dục” của trường học vì vậy phải được biểu đạt hóa bằng con số cụ thể như tỷ lệ học sinh khá giỏi, giáo viên giỏi, học sinh đỗ tốt nghiệp, các cuộc “thi đua” và “phong trào”... Kết quả là trường học - nơi vốn có sứ mệnh khai mở và phát triển tối đa các cá nhân học sinh có nhân cách riêng biệt, phong phú - bị biến thành cơ quan hành chính và thụ động. Sinh hoạt trường học trở nên đơn điệu và thiếu dân chủ, đầy căng thẳng. Như một quy luật tâm lý, giáo viên chuyển hóa áp lực, sự căng thẳng đó vào học sinh.

Hệ quả tất yếu là nảy sinh bạo lực học đường và hàng trăm dạng bạo hành tinh thần khác khiến cho trường học không còn trở thành nơi an toàn, thú vị nữa. Hành chính giáo dục, thay vì tạo điều kiện, hỗ trợ tối đa trong việc tạo ra môi trường giáo dục lý tưởng, đã trở thành hòn đá đè nặng lên trường học.

Ở nước ngoài, các thực tiễn giáo dục có thể tồn tại, phát triển phong phú, mạnh mẽ vì cơ chế hành chính giáo dục dân chủ, phân quyền đã tôn trọng và đảm bảo cho các thực tiễn này phát triển. Các trường học, địa phương, giáo viên đã trở thành chủ thể năng động được tự chủ nội dung và phương pháp giáo dục của mình.

Ở Việt Nam  trong suốt một thời gian dài, hành chính giáo dục quan liêu tập trung - mà biểu hiện cụ thể rõ nhất là cơ chế “Một chương trình - một sách giáo khoa” đã đè nặng lên trường học, dẫn dắt tư duy và các hoạt động giáo dục của giáo viên, học sinh. Hệ quả là giáo viên đã biến mình thành “thợ dạy” thuần túy. Dấu ấn và sự sáng tạo cá nhân thông qua thực tiễn giáo dục hầu như không tồn tại.

Một nghìn giáo viên (dạy cùng một môn) dạy cùng một nội dung phân thành tiết học, áp dụng một số phương pháp được chỉ dẫn như nhau cho hàng nghìn học sinh trên các địa phương khác nhau trong cùng một ngày, thậm chí cùng một thời điểm là hiện tượng khiến cho các nhà giáo dục nước ngoài khi đến VN khảo sát, nghiên cứu sợ hãi. Nhưng đấy cũng chính là một tiêu chí mà các nhà quản lý giáo dục, cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương mong muốn. Sổ đầu bài, sổ báo giảng là những công cụ được sinh ra và sử dụng chỉ để cơ quan quản lý nắm được giáo viên có theo đúng phân phối chương trình hay không.