Chương trình 135 giai đoạn 2 là gì năm 2024

TCCS - Chương trình 135 giai đoạn II (chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010) được thực hiện trên địa bàn 50 tỉnh, 354/567 huyện với tổng số 1.946 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu và 3.274 thôn, bản đặc biệt khó khăn của 1.140 xã khu vực II (khu vực khó khăn) đã có nhiều tiến bộ đáng kể...

Theo số liệu điều tra cơ bản của Chương trình 135 giai đoạn II, đầu năm 2006, tỷ lệ đói nghèo tại các xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi bình quân là 47%; tỷ lệ hộ nghèo thuộc các thôn, bản bình quân là trên 80%. Đặc biệt có tới 62 huyện tỷ lệ hộ nghèo trên 50%. Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống còn thiếu và yếu kém, cụ thể: Đường giao thông đến thôn, bản là 54,3%; hệ thống tưới tiêu quy mô nhỏ: 53,7%; bưu điện văn hóa xã: 85,3%, số xã có điện lưới quốc gia: 84,6% (song tỷ lệ hộ được sử dụng điện chỉ có trên 60%); số xã có đủ trường tiểu học kiên cố: 69%. Tỷ lệ hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh: 53,27%, số hộ sử dụng dịch vụ pháp lý: 24,27%, tỷ lệ học sinh tiểu học trong độ tuổi đi học: 77,46%. Sản xuất chủ yếu theo quy mô hộ gia đình và còn nhỏ lẻ, phân tán. Đời sống xã hội còn nhiều khó khăn, bức xúc, trong đó có tới 29.718 hộ còn du canh du cư và trên 300.000 hộ định cư nhưng còn du canh; trên 375.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số có đời sống đặc biệt khó khăn.

Xuất phát từ thực tế trên, ngày 10-01-2006 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 07/2006/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010 (gọi tắt là Chương trình 135 giai đoạn II). Chương trình có mục tiêu chung là "Tạo sự chuyển biến nhanh về sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất gắn với thị trường; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn một cách bền vững, giảm khoảng cách phát triển giữa các dân tộc và giữa các vùng trong cả nước. Phấn đấu đến năm 2010, cơ bản không còn hộ đói, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 30%; trên 70% số hộ đạt được mức thu nhập bình quân đầu người trên 3,5 triệu đồng/năm vào 2010". Chương trình có 4 nhiệm vụ chính để góp phần xóa đói, giảm nghèo, gồm: Hỗ trợ phát triển sản xuất và chuyển địch cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ sản xuất của đồng bào các dân tộc; phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn; đào tạo bồi dưỡng cán bộ cơ sở, nâng cao trình độ quản lý hành chính và kinh tế, đào tạo nâng cao năng lực cộng đồng; hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật. Sau 4 năm thực hiện, Chương trình đã đạt được một số kết quả như sau:

Nhìn chung các bộ, ngành trung ương đã phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo, điều hành, nhất là trong nghiên cứu, xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách thực hiện các nhiệm vụ của chương trình giảm nghèo. Do vậy, các văn bản hướng dẫn đã cơ bản đồng bộ, đơn giản, phù hợp điều kiện thực tế của các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Các văn bản chỉ đạo, các cơ chế, chính sách đã phân cấp mạnh cho cơ sở nên đã tăng cường vai trò, trách nhiệm cho cấp dưới, phát huy được dân chủ cơ sở, đề cao trách nhiệm của từng cấp, từng ngành; bảo đảm công khai, minh bạch, người dân được biết, được bàn, được trực tiếp tham gia, đóng góp và kiểm tra giám sát các hoạt động của Chương trình tại địa phương. Đến nay, một số chương trình khác đã vận dụng cơ chế của Chương trình 135 để áp dụng và thực hiện; đặc biệt các tổ chức quốc tế đã đánh giá cao và tin tưởng vào tính minh bạch của Chương trình để tài trợ thông qua hỗ trợ ngân sách cho Chương trình 135 giai đoạn II. Đây là một bước đột phá mới trong cải cách thủ tục hành chính.

Ở địa phương cấp tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010 và Chương trình 135 giai đoạn II (gọi tắt là ban chỉ đạo thực hiện các chương trình giảm nghèo tỉnh). Trong đó, trưởng ban chỉ đạo tỉnh là phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh; Ban Dân tộc là cơ quan thường trực Chương trình 135 giai đoạn II; một số tỉnh giao cho sở kế hoạch và đầu tư hoặc thành lập văn phòng điều phối hoặc tổ chuyên viên 135 trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh để giúp việc ban chỉ đạo chương trình. Cấp huyện: thành lập ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010 và Chương trình 135 giai đoạn II (gọi tắt là ban chỉ đạo thực hiện các chương trình giảm nghèo huyện), do phó chủ tịch ủy ban nhân dân huyện làm trưởng ban chỉ đạo; cơ quan làm công tác dân tộc được giao làm cơ quan thường trực Chương trình 135. 100% số xã đã thành lập ban giám sát xã để giám sát các hoạt động của Chương trình trên địa bàn xã; những xã được giao làm chủ đầu tư thành lập ban quản lý dự án để tổ chức thực hiện Chương trình.

Chương trình 135 giai đoạn II được triển khai trong những năm chịu tác động của suy thoái kinh tế, lạm phát, thiên tai xảy ra nghiêm trọng, nhưng Chính phủ đã có quyết tâm cao bố trí vốn cho Chương trình, mức vốn đầu tư cho xã được tăng dần: từ 860 triệu đồng/xã/ năm (năm 2006 - 2007) lên 1.064 triệu đồng/xã/năm (năm 2008 - 2009) và lên 1.364 triệu đồng/xã/năm (năm 2010). Trong 5 năm, ngân sách trung ương đã bố trí 14.025,25 tỉ đồng, bằng 108,5% so với kế hoạch vốn tại văn kiện Chương trình. Huy động nguồn lực từ các tổ chức quốc tế: 7 nhà tài trợ quốc tế đã cam kết hỗ trợ 450 triệu USD (tương đương 7.800 tỉ đồng) cho Chương trình 135 theo phương thức hỗ trợ ngân sách để tăng thêm kinh phí đầu tư hỗ trợ Chương trình 135. Đến nay, các nhà tài trợ đã chuyển được 300 triệu USD (tương đương 5.100 tỉ đồng) vào ngân sách nhà nước để phân bổ vốn cho Chương trình 135 giai đoạn II theo định mức được quy định tại các quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Kinh phí còn lại sẽ tiếp tục chuyển vào ngân sách nhà nước khi hoàn thành các mục tiêu đã cam kết. Mặc dù nhiều địa phương còn nghèo, ngân sách khó khăn nhưng trong 4 năm qua các địa phương đã bố trí thêm trên 635 tỉ đồng từ ngân sách địa phương cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

- Theo kế hoạch 5 năm (2006 - 2010), dự án hỗ trợ sản xuất cho 1,6 triệu hộ nông dân (trong đó hộ nghèo 1,3 triệu hộ) và xây dựng trên 4.500 mô hình sản xuất, nhu cầu vốn khoảng 4.080 tỉ đồng. Kết quả đạt được như sau: đã bố trí được 2.301,3 triệu đồng, đạt 56,4% kế hoạch, trong đó ngân sách trung ương 1.946,86 tỉ đồng (bằng 87,4% kế hoạch), ngân sách địa phương 355 tỉ đồng. Từ năm 2006 - 2009, ngân sách Trung ương bố trí 1.280,71 tỉ đồng, hỗ trợ cho 1.534.281 hộ, đạt 96% kế hoạch, với 4.088 tấn giống mới cây lương thực, 493 triệu cây công nghiệp, cây đặc sản và cây lâm nghiệp, 119.437 con gia súc, 113.699 tấn phân hóa học, 4.125 mô hình phát triển nông - lâm - ngư nghiệp, 42.632 máy móc phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm, 264.519 lượt người được tập huấn khuyến nông, khuyến lâm... Quá trình thực hiện Dự án đã được lồng ghép với một số chương trình, chính sách khác trên địa bàn (như: chương trình khuyến nông, khuyến lâm trồng rừng, khoanh nuôi bảo vệ rừng), đến nay có 100% số xã, thôn, bản thuộc diện hỗ trợ của Chương trình 135 được tiếp cận với giống cây trồng, vật nuôi mới, trên 50% số hộ nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức khuyến nông, khuyến lâm, kinh nghiệm sản xuất. Sau hỗ trợ, nhận thức và tập quán sản xuất của đồng bào có nhiều chuyển biến rõ nét, nhiều nơi từ chỗ sản xuất mang tính tự cung, tự cấp đã chuyển sang sản xuất hàng hóa, nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả được nhân rộng, kỹ năng và tập quán sản xuất mới với những giống cây trồng, vật nuôi năng suất cao, chất lượng tốt đang từng bước thay thế tập quán sản xuất lạc hậu, nhiều dịch vụ xã hội (thông tin, tín dụng, thị trường,...) đã đến được với người dân. Tuy nhiên, do số lượt hộ nông dân nghèo cần hỗ trợ khá lớn, nguồn vốn có hạn, đồng thời các địa phương chưa chỉ đạo, lồng ghép tốt các nguồn lực khác nên chưa tập trung nguồn lực đủ lớn để đầu tư, phát triển sản xuất bảo đảm tính bền vững.

- Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giai đoạn 2006 - 2010 là rất khả quan, các địa phương dự kiến xây dựng 23.700 công trình hạ tầng tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; tổng nhu cầu vốn là 22.957 tỉ đồng, trong đó đường giao thông thôn, bản: 7.560 công trình (chiếm 31,9%); thủy lợi: 5.546 công trình (23,4%); trường lớp học: 3.532 công trình (14,9%); nước sinh hoạt: 2.298 công trình (9,7%); điện: 1.730 công trình (7,3%), chợ: 1.114 công trình (4,7%), trạm y tế: 925 công trình (3,2%), nhà sinh hoạt cộng đồng: 995 công trình (4,2%).

Kết quả đạt được từ năm 2006 đến 2009: đã triển khai đầu tư xây dựng 12.646 công trình đạt 53,4% so với kế hoạch, với số vốn đã thực hiện 7.892,52 tỉ đồng; trong đó đường giao thông: 3.375 công trình (đạt 44,6% so với nhu cầu), thủy lợi: 2.393 công trình (đạt 43,1% so với nhu cầu), trường học: 2.478 công trình (đạt 70,2%), nước sinh hoạt: 1.573 công trình (đạt 68,45%), điện: 995 công trình (đạt 57,5%), chợ: 367 công trình (đạt 32,9%), trạm y tế: 489 công trình (đạt 52,86%), nhà sinh hoạt cộng đồng: 976 công trình (đạt 98,1%). Đến ngày 31-12-2009 đã có 10.242 công trình hoàn thành được đưa vào sử dụng, trong đó giao thông: 2.925 công trình, trường học: 2.113 công trình, thủy lợi: 1.987 công trình, trạm y tế: 436 công trình, nhà sinh hoạt cộng đồng: 945 công trình...

Nhìn chung, đa số các tỉnh đều rà soát, bổ sung quy hoạch kết cấu hạ tầng làm cơ sở để triển khai kế hoạch đầu tư hằng năm. Khi triển khai xây dựng công trình, cộng đồng thôn, bản được tham gia từ khâu lập kế hoạch, lựa chọn công trình xếp thứ tự ưu tiên, ra quyết định, thực hiện và giám sát thực hiện xây dựng công trình đến nhận bàn giao, quản lý, khai thác công trình hoàn thành, nên các công trình được đầu tư xây dựng cơ bản hợp lý và gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng được nguyện vọng của người dân. Chất lượng công trình bảo đảm theo thiết kế, khi đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, thúc đẩy phát triển sản xuất, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Từ năm 2008, ngân sách trung ương đã bố trí vốn bằng 6,3% kế hoạch vốn đầu tư phát triển cho các địa phương thực hiện công tác duy tu bảo dưỡng công trình hạ tầng sau đầu tư. Đa số các địa phương triển khai thực hiện khá tốt, có khoảng 5% - 7% công trình sau đầu tư được duy tu, bảo dưỡng, góp phần nâng cao tính bền vững công trình.

Ngoài ra các chương trình, dự án khác như: đào tạo nâng cao năng lực cán bộ cơ sở, hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện, nâng cao đời sống, trợ giúp pháp lý... cũng có tác dụng rất lớn trong việc xóa đói, giảm nghèo cùng chương trình 135 giai đoạn II. Kết quả đạt được qua chương trình là rất ấn tượng và rất đáng tin tưởng, mỗi năm giảm nghèo được 4%. Mục tiêu đến cuối năm 2010 sẽ đạt được về xóa đói, giảm nghèo như: tỷ lệ hộ nghèo thuộc chương trình đạt dưới 30%; bình quân thu nhập đầu người: 3,5 triệu đồng/năm. Đây là kết quả rất ấn tượng cùng với cả nước trong xóa đói, giảm nghèo.

Qua thực hiện xóa đói, giảm nghèo từ Chương trình 135 cho thấy:

- Chương trình 135 giai đoạn II là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Đây không chỉ là chương trình xóa đói, giảm nghèo, mà còn là chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng khó khăn. Chương trình đã đi vào cuộc sống, đã phát huy được sự sáng tạo, ý chí, nguồn lực của người dân toàn xã hội, làm thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn vùng dân tộc, miền núi đặc biệt khó khăn; đời sống đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện, tỷ lệ đói nghèo giảm nhanh; trình độ dân trí được nâng lên, tập quán và kỹ thuật sản xuất của đồng bào dân tộc có sự chuyển biến theo hướng sản xuất hàng hóa; tỷ lệ thôn, bản có điện, đường, lớp học, nhà văn hóa, công trình thủy lợi tăng lên; đội ngũ cán bộ cơ sở được đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng năng lực quản lý, điều hành phát triển ở địa phương, nhất là cấp ủy, chính quyền cơ sở được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

- Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và cấp ủy, chính quyền các địa phương đồng thuận, quan tâm chỉ đạo thực hiện Chương trình với quyết tâm cao. Trong điều kiện ảnh hưởng suy thoái kinh tế, lạm phát, ngân sách khó khăn nhưng Chính phủ đã thể hiện quyết tâm cao đối với Chương trình; đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương lồng ghép các nguồn lực để hỗ trợ đầu tư, giải quyết những vấn đề bức xúc nhất, bảo đảm ổn định sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân đối với địa bàn các xã, thôn, bản thuộc Chương trình. Chương trình đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương trong quản lý, chỉ đạo cũng như triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả, nhất là cơ chế quản lý, văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình đã kịp thời sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tế và giải quyết những khó khăn, vướng mắc tại địa phương. Chương trình cũng được cộng đồng quốc tế, nhất là các nhà tài trợ ngân sách cho Chương trình (Ngân hàng Thế giới, Phần Lan, Ai-len, AusAid, EC, UNDP...) quan tâm, đánh giá là Chương trình giảm nghèo toàn diện nhất, hợp lòng dân nhất, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, ít thất thoát nhất, hiệu quả nhất, được nhân dân cả nước đồng thuận, và đã được nhiều chính phủ, tổ chức quốc tế đến tham quan, học tập và chia sẻ kinh nghiệm.

- Thực hiện có hiệu quả nguyên tắc công khai, minh bạch, dân chủ và kết hợp với công tác truyền thông trong quản lý và thực hiện Chương trình. Đây là một Chương trình thu hút được sự tham gia sâu rộng nhất của người dân trong quá trình lập kế hoạch, ra quyết định, thực hiện và giám sát thực hiện các nội dung của Chương trình (theo kết quả kiểm toán có trên 98,13% số hộ hiểu biết về Chương trình 135; 87,7% số hộ được tham gia; 95,9% số hộ hài lòng). Với nỗ lực tăng cường công tác truyền thông đã trở thành kênh giám sát có hiệu quả từ cộng đồng, đặc biệt là người hưởng lợi; đồng thời qua truyền thông đã nâng cao năng lực cán bộ và sự hiểu biết của cộng đồng về chính sách của Đảng, Nhà nước và mục tiêu, phạm vi, nguồn vốn, nội dung của Chương trình 135.

- Cơ chế quản lý có nhiều bước tiến mới, đặc biệt là cơ chế tài chính minh bạch, rõ ràng, có xác nhận đối chiếu giữa chủ đầu tư với cơ quan Kho bạc Nhà nước theo quy định. Đồng thời việc thực hiện công khai, dân chủ, có sự giám sát của cộng đồng nên các công trình, dự án đầu tư đúng mục đích, hiệu quả đáp ứng các nhu cầu thiết thực của nhân dân, tăng cường năng lực quản lý của cán bộ chính quyền cơ sở và cán bộ thôn, bản. Cơ chế phân bổ nguồn lực từ Trung ương cho Chương trình bảo đảm công khai, minh bạch từ Trung ương đến các cấp chính quyền địa phương cả về phạm vi, đối tượng, mức đầu tư. Về phía địa phương, cơ chế phân bổ nguồn lực cho các xã đã thể hiện sự minh bạch trên cơ sở các tiêu chí như: tỷ lệ hộ nghèo, quy mô diện tích, mức độ khó khăn đặc thù... để phù hợp thực tế, không phân bổ bình quân như giai đoạn I. Chương trình phân cấp, trao quyền mạnh cho cơ sở, đến thời điểm này, có 65,7% số xã làm chủ đầu tư dự án kết cấu hạ tầng và trên 84% số xã làm chủ đầu tư dự án phát triển sản xuất, năm 2010 tiếp tục đẩy mạnh phân cấp để cơ sở phát huy vai trò và chủ động thực hiện Chương trình. Trình độ, năng lực quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ huyện, xã, thôn, bản đã được nâng cao một bước thông qua việc đào tạo, tập huấn, trực tiếp quản lý, triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình. Nhận thức của cộng đồng và người dân đã có nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế hộ gia đình, xóa đói, giảm nghèo thông qua công tác tuyên truyền, vận động và kiểm tra, giám sát./.