Chỗ bấc đèn dầu thò ra gọi là gì

“Sống dầu đèn, chết kèn trống” tưởng là câu thành ngữ Việt rất cổ mà không phải thế. Những nhu cầu này vẫn còn nguyên vẹn không chỉ với dân quê. Người ở phố nhiều khi còn quan tâm đến nó một cách đặc biệt.

Chỗ bấc đèn dầu thò ra gọi là gì

Cách chúng ta nửa vòng trái đất, ngày 31 tháng 12 năm 1879 nhà phát minh lỗi lạc của nước Mỹ Thomas Edison đã cho công bố sáng chế làm thay đổi hẳn phương cách chiếu sáng của nhân loại. Đó là chiếc đèn sợi đốt dùng điện. Hẳn là ông cũng không thể ngờ gần 100 năm sau vào đầu thập niên ’70 ở Việt Nam người ta vẫn còn phải dùng phổ biến chiếc đèn dầu.

Thực ra thì lúc ấy những đô thị lớn ở Việt Nam cũng đã có lịch sử dùng điện được mấy chục năm rồi. Nhưng chiến tranh tàn phá đất nước, nguồn cung cấp điện trở nên thiếu hụt nghiêm trọng. Những thành phố lớn như Hà Nội cũng được cấp điện theo giờ. Từ 5 giờ chiều đến 10 giờ đêm. Và cấp điện theo ngày chẵn lẻ.

Những lúc quá thiếu điện dù trong ngày giờ được cấp vẫn bị cắt như thường. Dân phố quá quen thuộc với cách nhà đèn cắt điện như thế cũng chẳng ai kêu ca một lời. Họ tự tìm về cách chiếu sáng của tổ tiên mình. Nhà nhà đi sắm đèn dầu, đèn bão, đèn măng sông...

Cùng với việc thiếu điện, chất đốt cũng là bài toán nan giải vào khoảng cuối thập niên ’60. Củi đóm trên rừng cạn kiệt, dân phố được mua phân phối dầu hỏa làm chất đốt nấu ăn hàng ngày. Chắc có lẽ đây là thời kỳ dân Hà Nội tiêu thụ dầu hỏa nhiều nhất trong lịch sử. Mỗi người được 4 lít một tháng.

Cũng phải tính toán tằn tiện lắm mới đủ đun cho những hộ ít người. Các loại bếp dầu to nhỏ ra đời. Nhà nước sản xuất bếp tráng men, dân phố có bếp dầu tự chế trên phố Hàng Thiếc. Giá cả và công dụng khác nhau xa. Duy chỉ có mùi khói dầu khi tắt bếp cay nồng là giống nhau tuyệt đối.

Phố Hàng Thiếc làm nghề tráng gương và chế tạo đồ sắt tây, tôn thép. Những năm chiến tranh ấy nghề tráng gương không còn mở mang phát triển nữa. Mọi con mắt đều đổ dồn hướng ra tiền phương. Chẳng mấy người còn quan tâm đến gương lược. Thế nhưng may được nghề gò hàn tôn sắt gỡ lại.

Đã có những ông chủ ở phố ấy trở nên cực kỳ giàu có vào thời kỳ này. Chỉ với nghề chế tạo chiếc đèn dầu và bếp dầu bằng phế liệu vỏ đồ hộp. Chiếc đèn dầu Hàng Thiếc có thiết kế giản đơn hết mức có thể. Nó chỉ gồm một phao dầu bằng vỏ hộp sữa hàn lại. Cổ đèn cũng bằng sắt tây dập thủng hàng lỗ lấy gió.

Ống muống sắt tây bằng chiếc đũa và máy đèn là dây thép 1 li quấn vòng như bánh xe ở tay vặn. Thông phong buộc phải đặt hàng ở những lò thổi thủy tinh quanh thành phố. Là thứ bóng đèn đầy bọt còn lộ nguyên vết khuôn và thường xuyên méo phần chân cắm.

Gia đình Hà Nội nào cũng phải có ít nhất hai chiếc đèn dầu tuy rằng ít khi dùng đến cả hai một lúc. Thường chỉ có một cái dùng thường xuyên. Cái còn lại để trên bàn thờ thắp hương ngày lễ tết. Vạn bất đắc dĩ mới đem xuống dùng khi chiếc kia hỏng hóc.

Lũ trẻ khéo tay có thể tự chế đèn dầu cho mình. Chúng dùng lọ mực Cửu Long làm phao dầu và van xe đạp làm ống muống. Khoét thủng nắp lọ lắp đầu van vào là có thể nhồi bấc châm lửa. Không có máy vặn thì dùng kim băng khêu bấc cho vừa đủ sáng. Những đứa khéo hơn có thể uốn dây đồng làm giá đỡ bóng đèn. Chúng tìm xuống bãi phế liệu ở Xí nghiệp dược phẩm cạnh vườn hoa Paster nhặt những đoạn ống thủy tinh mang về cắt ngắn làm bóng đèn. Chiếc bóng ống này trong suốt và hút gió tốt nên đèn sáng hơn rất nhiều.

Những gia đình khá giả hơn có thể mua những chiếc đèn bão sản xuất công nghiệp khá trau chuốt. Đèn bão phần lớn nhập từ Trung Quốc về phân phối cho các cơ quan là chính. Phải đến đầu những năm ’70 mới có vài nhà máy dưới Hải Phòng sản xuất được. Đó là loại đèn dân phố không ưa chuộng lắm. Nó chẳng sáng sủa gì mà mỗi lần thắp lên có thể nghe thấy tiếng uống dầu ro ro rất xót ruột. Nhưng chợ búa đêm hôm ngoài trời rất cần đến nó. Tha hồ gió bão chẳng bao giờ tắt.

Những cơ quan đoàn thể hoặc tổ dân phố có việc họp hành buổi tối thường phải dùng đèn măng sông. Cũng luôn phải có một tay thợ khéo léo mới thắp được ngọn đèn ấy lên. Họ biết lúc nào thì thông bép và lúc nào thì cần bơm dầu. Riêng việc thay cái lưới măng xông thì cần đến hẳn một ông thợ lành nghề. Người thường lóng ngóng rách hỏng như chơi. Mà cái lưới lại là bộ phận quan trọng hay hỏng nhất trong toàn bộ cái đèn. Nhưng ánh sáng của đèn măng xông vô cùng mạnh mẽ. Phòng cưới rộng thênh thang cũng chỉ cần thắp đến hai chiếc là cùng.

Thời của đèn dầu, bếp dầu đã qua. Chiếc bếp dầu đã hoàn toàn tuyệt chủng ở phố. Rất hiếm gia đình ở phố còn giữ ngọn đèn dầu trên bàn thờ. Ngày giỗ tết người ta dùng cốc nến sạch sẽ thơm tho hơn nhiều. Hàng chục loại bếp dùng điện, dùng gas rất thuận tiện cho việc nấu nướng đủ món. Thế nhưng dầu đèn vẫn là khái niệm bền vững cho đến tận bây giờ.

Các bà đi lễ chùa vẫn hay gửi một khoản nhỏ gọi là tiền “dầu đèn” cho nhà chùa mỗi khi ra về. Trong nhiều ngôi chùa cũng đã dùng đèn điện nhấp nháy bập bùng như ánh lửa nhưng chẳng ai gọi khoản ấy là tiền điện.