Cải cách hành chính tại TPHCM

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, UBND TP.HCM quyết định tạm hoãn đợt cao điểm cải cách hành chính theo chủ đề năm 2021 là Năm “Xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư.”


Khu vực Nhà thờ Đức Bà, quận 1 khá văng vẻ. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội.

Để nền hành chính công hoạt động không bị gián đoạn, giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời ổn định và phát triển kinh tế, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm chỉ đạo công tác cải cách hành chính, trong đó gắn với nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quyết định tạm hoãn đợt cao điểm cải cách hành chính nhằm thực hiện chủ đề năm 2021 là Năm “Xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư.” Thay vào đó, Thành phố xác định trong 6 tháng còn lại của năm 2021, công tác cải cách hành chính sẽ tập trung cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, thay đổi phương thức làm việc để phù hợp với tình hình.

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân Thành phố, các sở ngành, quận huyện đều đã thực hiện bố trí hạn chế đến mức thấp nhất số người đến cơ quan, đơn vị nhưng không để công việc bị đình trệ, đảm bảo thời hạn giải quyết công việc theo quy định; tăng cường việc tiếp nhận, giải quyết và trả hồ sơ thủ tục hành chính theo hình thức trực tuyến, qua dịch vụ bưu chính công ích.

Thành phố đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với 8 lĩnh vực gồm tư pháp, đăng ký biện pháp bảo đảm, giao thông vận tải, xây dựng, nông nghiệp, kế hoạch và đầu tư, an toàn vệ sinh thực phẩm, lao động; đồng thời, xây dựng bản đồ số COVID-19 nhằm phục vụ cộng đồng theo dõi trực quan thông tin, dữ liệu dịch tễ.

Để đáp ứng nhu cầu cấp phép xây dựng của người dân, hướng đến mục tiêu 100% hồ sơ cấp phép xây dựng được thực hiện trực tuyến cấp độ 4 cũng như đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, bắt đầu từ ngày 5/7 vừa qua, Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức triển khai cấp Giấy phép xây dựng trực tuyến trên địa bàn.

[Thủ tướng: TP.HCM cần rút kinh nghiệm từ các biện pháp giãn cách]

Các cá nhân, tổ chức có nhu cầu xây dựng nhà ở và tham gia hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, xây dựng có thể sử dụng phần mềm cấp phép xây dựng trực tuyến thông qua website: tpthuduc-cpxd.thongtinquyhoach.vn.

Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức lưu ý bản vẽ xin phép xây dựng thể hiện theo khổ giấy A3 nhằm thuận lợi trong việc scan thành file PDF để đính kèm hồ sơ trên phần mềm. Sau khi hoàn thành việc nộp hồ sơ, người dân có thể tra cứu tình trạng hồ sơ bằng chức năng “Tra cứu hồ sơ" tại trang chủ. Khi Giấy phép xây dựng được phê duyệt, người dân sẽ nhận được tin nhắn qua điện thoại và thư điện tử chứa đường dẫn để truy cập tiến hành thanh toán lệ phí qua cổng thanh toán trực tuyến.

Không chỉ tập trung trước mắt công tác phòng, chống dịch COVID-19, về lâu dài, cải cách hành chính tại Thành phố Hồ Chí Minh được xác định là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2021 là Năm “Xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư.”

Từ nay đến cuối năm 2021, Ủy ban Nhân dân Thành phố xác định nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế phối hợp, cơ chế một cửa liên thông giữa sở-ban-ngành-Ủy ban Nhân dân các cấp; nâng cao công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Thành phố.

Đồng thời, Ủy ban Nhân dân Thành phố tăng cường kiểm tra cải cách hành chính theo hướng đột xuất, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính. Thành phố đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, gia tăng số lượng thủ tục hành chính đủ điều kiện tích hợp lên môi trường mạng cũng như thường xuyên theo dõi, có giải pháp cải thiện sự hài lòng và khắc phục hồ sơ trễ hạn.

Trong khi đó, để cải thiện Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (chỉ số PAPI), Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đề ra mục tiêu trong năm 2021 nằm trong nhóm 16, tỉnh, thành đạt điểm trung bình cao, đến năm 2022 xếp vào nhóm 16 tỉnh, thành đạt điểm cao nhất. Nhằm đạt được mục tiêu này, Ủy ban Nhân dân Thành phố yêu cầu sở, ban, ngành, Ủy ban Nhân dân quận huyện, thành phố Thủ Đức triển khai nhiều biện pháp nâng cao trách nhiệm của công chức trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân, hạn chế hồ sơ trễ hạn, kịp thời xử lý các biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực của công chức.

Đối với Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu minh bạch thông tin về chính sách, pháp luật trên địa bàn; cung cấp, cập nhật đầy đủ thông tin về quy hoạch sử dụng đất và giá đất; mở rộng các kênh tiếp nhận thông tin và phản hồi của người dân về các hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực; xử lý nghiêm các trường hợp tham nhũng, đặc biệt là các thái độ hạch sách, tiêu cực trong tiếp nhận, xử lý thủ tục hành chính./.

Theo Báo Tin tức

Sáng 18-2, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác cải cách hành chính (CCHC) năm 2021 và triển khai công tác CCHC năm 2022.

32.000 hồ sơ quá hạn do đâu

Báo cáo về kết quả CCHC, ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, cho biết tính đến tháng 12-2021, tổng số hồ sơ TP.HCM đã giải quyết là hơn 17,8 triệu. Trong đó có đến 99,81% hồ sơ giải quyết đúng hạn, chỉ có 0,19% hồ sơ quá hạn (hơn 32.000 hồ sơ). TP đã thực hiện thư xin lỗi với 97,02% hồ sơ quá hạn, tập trung vào lĩnh vực đất đai, khiếu nại, tố cáo.


Chủ tịch Phan Văn Mãi phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: LÂM THOA

Trong năm 2022, TP.HCM đặt ra 10 chỉ tiêu trọng tâm về CCHC, trong đó phấn đấu chỉ số CCHC thuộc nhóm 15 địa phương dẫn đầu cả nước. Tỉ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn từ 98% trở lên, giảm tỉ lệ giải quyết hồ sơ trễ hạn trên lĩnh vực đất đai và lĩnh vực đầu tư, khiếu nại, tố cáo xuống còn dưới 4%...

Về 32.000 hồ sơ quá hạn, ông Mãi cho rằng đây là con số rất lớn, nếu trong số này toàn vụ việc lớn, tồn đọng lâu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế - xã hội. “Nói tỉ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn hơn 90% nhưng từ khi tôi về UBND TP thì có hồ sơ tồn hàng năm trời. Có người báo cáo là gửi hồ sơ lần thứ mấy chục. Cần phân tích rõ 32.000 hồ sơ này chậm ở đâu và có kế hoạch phân công giải quyết” - ông Mãi nói.

“Làm sao để người dân và doanh nghiệp tin vào việc làm thủ tục hành chính trực tuyến cũng giống làm trực tiếp. Làm sao để người dân thấy rằng giá trị pháp lý như nhau thì ngồi nhà làm sẽ khỏe hơn, tốt hơn” - Chủ tịch Phan Văn Mãi nói.

Năm 2022, cán bộ, đơn vị cần soi chiếu lại mình

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thẳng thắn nhìn nhận năm điểm hạn chế đã bộc lộ sau một năm rất khó khăn do dịch COVID-19. Đó là dù đã chuyển đổi phương thức hoạt động, rất năng động và sáng tạo nhưng tác động của dịch quá lớn nên TP cũng gặp khó khăn.

Về chuyển đổi số trong CCHC, ông Mãi cho rằng trước dịch thì tự tin rằng TP.HCM sẽ là địa phương chuyển đổi số ở tốp đầu cả nước. Thực tế khi xảy ra dịch, từ mô hình, quy trình hoạt động, cơ sở dữ liệu, hạ tầng, khung pháp lý để vận hành thông suốt trên nền tảng số đã gặp rất nhiều khó khăn. “Dữ liệu có nhưng rời rạc, sự liên kết để phát huy, quy trình phối hợp giữa các cơ quan với nhau cũng khó và còn rất nhiều bất cập cần tập trung mạnh mẽ vào năm 2022” - ông Mãi nói.

Một hạn chế nữa mà ông Mãi nêu ra là vẫn còn tình trạng một số cơ quan, bộ phận cán bộ, công chức do năng lực hoặc do e ngại trách nhiệm nên trong việc tham mưu xử lý các vấn đề của TP.HCM vẫn còn e dè, từ đó làm cho tiến độ công việc chậm trễ.

Từ những bộc lộ hạn chế đó, ông Mãi đề nghị lãnh đạo các cơ quan đơn vị, địa phương soi chiếu lại tình hình đơn vị mình để có giải pháp phù hợp trong năm 2022.

Cạnh đó, ông Mãi cũng đề nghị các cấp ngành, đặc biệt là người đứng đầu cần quán triệt vai trò, trách nhiệm trong việc CCHC, làm sao nâng cao chất lượng, hiệu quả CCHC, để đóng góp thực sự, tạo chuyển động mạnh mẽ thực sự trong kinh tế - xã hội. “CCHC thì địa phương, ngành nào cũng làm nhưng riêng TP.HCM, CCHC không chỉ tác động đến TP mà còn tác động lớn tới kinh tế - xã hội của đất nước. CCHC ở TP có ý nghĩa lớn hơn, vượt ra khỏi ranh giới của một địa phương” - ông Mãi nói.

Ông Mãi cũng đề nghị các cấp, các ngành, địa phương tập trung thực hiện chủ đề năm 2022 là “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”. Ông đề nghị cần tập trung xử lý các vấn đề có liên quan đến người dân, doanh nghiệp, lập các tổ công tác để giải quyết từng nhóm, từng việc. Từng ngành, từng địa phương phải có danh sách vụ việc cần giải quyết hằng tháng và cập nhật thường xuyên.

Cần có cơ chế đột phá cho TP.HCM

Trong năm nay, TP.HCM sẽ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Ông Mãi cho biết từ tổng kết này, TP sẽ có đề xuất với Quốc hội. “Hướng là TP sẽ đề xuất với Quốc hội gia hạn, có bổ sung, điều chỉnh Nghị quyết 54. Nhưng TP cũng tính đến việc tiếp cận giống Hà Nội có Luật Thủ đô, đối với TP.HCM nên chăng có Luật đô thị đặc biệt, hay có khung pháp lý cho một đô thị đặc biệt để chúng ta có cái áo vừa vặn, phù hợp, đẹp” - ông Mãi nói và cho rằng đây cũng là trăn trở của các lãnh đạo ngồi trong hội nghị này.

Do vậy, ông Mãi đề nghị lãnh đạo các sở/ngành, quận/huyện của TP.HCM tiếp tục trăn trở, suy nghĩ và góp ý để đề xuất với Quốc hội làm sao cho TP có cơ chế đặc thù phù hợp nhất. “Nhiều cán bộ hưu trí, chuyên gia góp ý TP.HCM không chỉ cần có một cơ chế đặc thù mà còn phải đột phá, vượt trội để phát triển” - ông Mãi nói.•

 


Thời gian tới, Sở TN&MT TP.HCM sẽ cải cách nhiều thủ tục về nhà đất.
Ảnh: HTD

Những cải cách cần làm trong năm 2022

Trong phần tham luận, lãnh đạo một số sở/ngành, quận/huyện đã thông tin, đề xuất nhiều giải pháp CCHC.

Đó là việc liên thông điện tử giữa văn phòng đăng ký đất đai và cơ quan thuế được ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, nêu ra. Theo ông Thắng, thời gian tới sở sẽ triển khai nhiều giải pháp kết nối, liên thông giữa các bộ phận và ngành thuế, kho bạc, ngân hàng… để hạn chế việc người dân, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục ở nhiều cơ quan. Từ đó, làm sao người dân chỉ đến bộ phận một cửa hai lần, thay vì bốn lần như trước đây, gồm một lần gửi hồ sơ và một lần nhận kết quả.

Một sáng kiến khác được bà Phạm Thị Thúy Hằng, Phó Chủ tịch UBND quận 3, nêu ra là giải pháp rút ngắn thời gian đăng ký hộ kinh doanh và tích hợp mã số thuế vào giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong 4 giờ làm việc. Với giải pháp này đã rút ngắn từ sáu ngày xuống còn 4 giờ làm việc.

“Điểm nổi bật của quy trình này là hai cơ quan thực hiện đồng thời việc thụ lý, giải quyết hồ sơ của người dân, không như trước đây là cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (ba ngày), sau đó thông qua phần mềm chuyển qua cơ quan thuế để kiểm tra rồi mới cấp mã số thuế (ba ngày)” - bà Hằng nói và cho rằng quy trình sáu ngày này còn dẫn đến việc nhiều trường hợp không đủ điều kiện cấp mã số thuế thì phải hủy bỏ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Tương tự, UBND quận 6 vận hành mô hình “Hệ thống tiếp nhận và trả hồ sơ tự động 24/7” vào tháng 3-2021. Mô hình này đã ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp nhận, trả hồ sơ giấy tự động và liên tục phục vụ người dân 24/24 giờ hằng ngày không thu phí. Từ đó giúp người dân và doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức.

Còn ông Đặng Quốc Toàn, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM, cho biết qua số liệu thống kê cho thấy TP.HCM còn số lượng lớn thủ tục hành chính chưa phát sinh hồ sơ. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cũng chưa thật sự hiệu quả, chưa thu hút, hấp dẫn cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp để sử dụng.

Do vậy, để đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, ông Toàn cho rằng trong năm 2022 cần đơn giản hóa, tái cấu trúc quy trình thực hiện thủ tục hành chính; rà soát, tinh gọn bộ thủ tục hành chính; tập trung lựa chọn thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; áp dụng chữ ký điện tử…

Video liên quan

Chủ đề