Bắt chước theo lối sống của người khác là gì

Trong đời sống hằng ngày, chúng ta dùng ngôn ngữ để giao tiếp, miêu tả, bộc lộ cảm xúc,… Tuy nhiên, có khá nhiều từ chúng ta lại không hiểu rõ về cả cách dùng và nghĩa của từ đó.

Dưới đây chúng tôi cung cấp đến bạn đọc các thông tin liên quan đến Bắt chước là gì? Kính mời quý bạn đọc cùng theo dõi.

Trước khi tìm hiểu bắt chước là gì? hãy cùng đi giải nghĩa từng từ cấu tạo nên từ “bắt chước”:

+ Bắt:

1/ Nắm lấy, giữ lại, không để cho hoạt động tự do

Ví dụ: bắt kẻ gian; bắt sâu cho lá; mèo bắt chuột

2/ Tiếp nhận, thu lấy cái từ nơi khác đến

Ví dụ: bắt gọn quả bóng trong tay; bắt được của rơi; bắt sóng đài truyền hình

3/ Bám chặt hoặc để cho bám chặt lấy và tác động trực tiếp vào

Ví dụ: da bắt nắng; vải ít bắt bụi; lửa bắt vào mái tranh

4/ Phát hiện, chỉ ra sai phạm và làm cho phải chịu trách nhiệm

Ví dụ: bắt lỗi việt vị; bắt được quả tang

5/ Khiến phải làm việc gì, không cho phép làm khác đi

Ví dụ: bắt phải làm; điều đó bắt anh ta phải suy nghĩ

” Bắt phong trần, phải phong trần, Cho thanh cao, mới được phần thanh cao.” (T. Kiều)

6/ Làm cho gắn, cho khớp vào nhau để giữ chặt

Ví dụ: bắt đinh ốc; các thanh xà được bắt chặt với nhau bằng bu lông

7/ Nối thêm vào một hệ thống đã có sẵn

Ví dụ: bắt liên lạc; bắt điện vào nhà; bắt vòi nước

+ Chước: cách, kế sách khôn khéo để thoát khỏi thế bí hoặc để giải quyết cho được việc gì

Ví dụ: bày mưu đặt chước; “Thừa cơ lẻn bước ra đi, Ba mươi sáu chước, chước gì là hơn?” (TKiều)

Theo đó, mỗi từ đều mang những ngữ nghĩa riêng biệt, vậy khi ghép lại thì bắt chước là gì?

Có thể hiểu, Bắt chước là động từ dùng để chỉ những hành động học theo, làm theo hành động, cách làm của người khác và hành động này thường không được khuyến khích, tuy nhiên, trong một số trường hợp nếu bắt chước một cách sáng tạo thì vẫn mang lại hiệu quả tích cực.

Ví dụ: Trẻ con bắt chước người lớn; Anh ấy bắt chước ý tưởng vẽ của tôi ,…

Trong một ngữ nghĩa khác, khái niệm bắt chước dùng để chỉ hiện tượng một loài sinh vật này có đặc điểm giống hoặc tương tự như một loài khác để có thể sinh tồn và bảo vệ chính nó hoặc cả hai.

Ví dụ: Nhiều loài ruồi như là ruồi giả ong bắt chước loài ong bắp cày,…

Bắt chước tiếng Anh là gì?

Bắt chước trong tiếng Anh là copy; imitate hoặc mimic.

Ví dụ: She tried to copy the actress’s clothes. (Cô ấy cố gắng bắt chước trang phục của nữ diễn viên)

They produce artificial chemicals which exactly imitate particular natural ones. (Họ sản xuất các hóa chất nhân tạo bắt chước chính xác các hóa chất tự nhiên cụ thể.)

My five-year-old daughter is always trying to imitate her older sister. (Cô con gái năm tuổi của tôi luôn cố gắng bắt chước chị gái của mình.)

She was mimicking the various people in our office. (Cô ấy đang bắt chước những người khác nhau trong văn phòng của chúng tôi.)

She’s a fantastic mimic. (Cô ấy là một người bắt chước tuyệt vời).

Sự nhầm lẫn trong việc sử dụng bắt chước, bắt trước và bắt chiếc

Có lẽ còn khá nhiều bạn còn sai chính tả và nhầm lẫn chưa biết sử dụng từ nào trong các từ “bắt chước”, “bắt trước” và “bắt chiếc” mới đúng.

Sẽ có khá nhiều người thấy rằng, “bắt trước” là hợp lý bởi suy luận rằng bắt là nắm bắt còn trước là trước mắt, trước mặt. Vì vậy, “bắt trước” sẽ là nắm bắt và làm theo những hành động trước đó đã được nhìn thấy trước mắt.

Tuy nhiên, “bắt trước” chỉ là một từ sai chính tả, từ đúng và chính xác nhất được giải nghĩa trong từ điển dùng để diễn tả việc học theo, làm theo hành động của người khác phải là “bắt chước”.

Ngoài ra, “Bắt chiếc” cũng là từ mọi người hay sử dụng tuy nhiên đây là từ không có trong từ điển Việt Nam và chỉ là cách nói địa phương hóa của từ “bắt chước”, do người dân sử dụng nhiều mà thành thói quen.

Bắt chước là tốt hay xấu?

Như chúng ta đã biết, bắt chước là việc làm theo, học theo những hành động, cách làm của người khác. Theo đó, “bắt chước” đa số sẽ không được tán thành bởi trong một số trường hợp bắt chước một cách quá máy móc, kéo theo nhiều hệ quả tiêu cực. Tuy nhiên, ngoài mặt tiêu cực bắt chước cũng sẽ đem lại những lợi ích, kết quả tích cực.

Thứ nhất: Mặt tích cực

Đối với trẻ con việc bắt chước có thể giúp trẻ học được nhiều điều cần thiết để phát triển não bộ. Chẳng hạn như trẻ bắt chước qua ngôn ngữ giao tiếp, chào hỏi, thể hiện nhu cầu, mong muốn của bản thân, bắt chước việc cầm bút, vẽ hình, nhờ việc bắt chước mà trẻ phát triển khả năng nhận thức về việc đọc, viết, đánh vần, làm toán,…

Hay đối với trường hợp học một ngoại ngữ mới, bắt chước sẽ góp phần cho việc học ngoại ngữ được thuận lợi và hiệu quả hơn. Ví dụ bắt chước ngữ điệu, cách phát âm qua việc xem phim hay nghe những người xung quanh giao tiếp bằng ngôn ngữ đó.

Bắt chước một cách sáng tạo còn có thể mang tính nghệ thuật. Ví dụ: Nghệ sĩ bắt chước là những người bắt chước hay nhái lại những cử chỉ, điệu bộ của người khác và biến nó trở thành một màn nghệ thuật trình diễn. Hoặc đơn giản, nghệ sĩ bắt chước dùng những động tác cơ thể để miêu tả lại một sự vật, sự việc nào đó cho khán giả xem.

Ngoài ra, như trong sinh học việc bắt chước giúp cho loài sinh vật sống có thể sinh tồn. Ví dụ: Một loài bướm (không có độc) lại có hình dạng, màu sắc rất giống như ong vò vẽ (có độc). Loài bướm đó đã “bắt chước” ong vò vẽ để đánh lừa kẻ thù của nó(thường là chim sâu) tưởng nhầm nó là ong độc, nên không dám ăn thịt.

Thứ hai: Mặt tiêu cực

Đối với trẻ em bắt chước còn mang đến những mặt xấu, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ như trẻ bắt chước người lớn nói tục, chửi bậy, đánh người, thực hiện những hành vi nguy hiểm …

Việc bắt chước người khác quá máy móc, dập khuôn sẽ làm mai một sự sáng tạo, trí óc phát triển. Nhiều người chỉ lo bắt chước dẫn đến nhiều hệ quả tiêu cực trong học tập, công việc hay cuộc sống,… Ví dụ: Bắt chước ý tưởng kinh doanh của người khác, bắt chước bài văn mẫu mà không chịu suy nghĩ và tư duy khi viết bài, bắt chước lối sống không lành mạnh ảnh hưởng đến sức khỏe,…

Trên đây, chúng tôi mang tới cho Quý vị những thông tin cần thiết liên quan tới Bắt chước là gì? Để biết thêm thông tin chi tiết Quý vị đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ nhanh chóng nhất.