Xã hội hóa trang thiết bị y tế năm 2024

Xã hội hóa trong lĩnh vực y tế là chủ trương rất đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta, tuy nhiên việc thực hiện trong thực tế chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Bàn về vấn đề xã hội hóa y tế trong xây dựng Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 3 vừa qua, các đại biểu Quốc hội cho rằng cần quy định cụ thể vào trong dự thảo luật này những nguyên tắc, những yêu cầu đặc thù của xã hội hóa trong lĩnh vực y tế.

Xã hội hóa, liên doanh, liên kết giữa các cơ sở y tế công lập với các tổ chức, cá nhân ngoài xã hội là chủ trương rất đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta để bù đắp những thiếu hụt về ngân sách dành cho y tế, tuy nhiên, trong thực tế triển khai thực hiện, vẫn còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập, chưa phát huy được nguồn lực toàn dân. Trong xây dựng dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh, chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực y tế cũng được chú trọng. Cụ thể, Điều 90 của dự thảo Luật quy định: "Nhà nước thực hiện đa dạng hóa các loại hình khám chữa bệnh, khuyến khích huy động và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng cơ sở khám chữa bệnh. Hoạt động liên doanh, liên kết của cơ sở khám, chữa bệnh nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước". Đây là một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 vừa qua.

.jpg)

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn tham gia phát biểu

Quan tâm đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Thủy- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho biết, quy định mang tính chủ trương trong dự thảo tại Điều 90 là chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Theo đại biểu, hiện nay, những cơ sở y tế tuyến dưới, nhất là ở những địa phương mà có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn rất cần xã hội hóa thì lại không thể xã hội hóa được và dẫn tới thiệt thòi cho những bệnh nhân ở khu vực này. Nhấn mạnh nguồn lực trong xã hội còn rất lớn, đại biểu cho rằng, nếu như Quốc hội, Chính phủ ban hành những quy định thật cụ thể đầy đủ, rõ ràng về xã hội hóa liên doanh, liên kết sẽ giúp cho các bệnh viện có được hệ thống trang thiết bị hiện đại, sẽ mang lại lợi ích cho bệnh nhân và mang lại lợi ích cho nền y tế nước nhà.

Để đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực y tế và tận dụng hiệu quả nguồn lực của nhân dân, đại biểu Nguyễn Thị Thủy kiến nghị quy định cụ thể vào trong dự thảo luật này những nguyên tắc, những yêu cầu đặc thù của xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, bổ sung các cơ chế kiểm soát để nhằm chống sự biến tướng, chống lợi ích nhóm, bổ sung các cơ chế khuyến khích để triển khai xã hội hóa liên doanh, liên kết ở những địa phương, những vùng còn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Cùng chia sẻ quan điểm về vấn đề này, đại biểu Trần Khánh Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng Điều 90 trong dự thảo Luật chưa thể hiện được chủ trương bảo đảm sự bình đẳng giữa các cơ sở công lập và ngoài công lập, chưa cụ thể được các chính sách khuyến khích để thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân, chưa có sự phân tách giữa vùng thuận lợi, vùng khó khăn để thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và vùng khó khăn để khuyến khích xã hội hóa. Đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát lại và bổ sung thêm các nội dung nhằm đồng bộ, minh bạch, không phân biệt đối xử giữa các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập để thể hiện được chủ trương, quan điểm của Đảng đã nêu rất rõ về nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 20 Ban Chấp hành Trung ương.

.jpg)

Đại biểu Trần Khánh Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Đại biểu Trần Khánh Thu nêu rõ, trên tinh thần Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, các đơn vị sự nghiệp nói chung, trong đó có các bệnh viện công lập chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự chủ cũng là một trong các giải pháp để thực hiện xã hội hóa trong y tế. Nhưng trong dự thảo luật lại không có một điều khoản nào quy định cụ thể cho các đơn vị y tế yên tâm tự chủ. Do vậy, đại biểu đề nghị ngay trong luật cần cụ thể hóa các quy định về hình thức xã hội hóa trong y tế, hướng dẫn các quy định rõ ràng của tự chủ trong y tế.

Nhấn mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, trong công tác khám bệnh, chữa bệnh là giải pháp quan trọng trong chiến lược chăm sóc sức khỏe toàn dân, đại biểu Trần Thị Nhị Hà – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho biết, dự thảo Luật chưa có đổi mới trong nội dung này, chủ yếu đưa ra các quy định mang tính nguyên tắc, chưa làm rõ được cơ chế huy động thu hút nguồn lực xã hội hóa so với những quy định trước đây.

.jpg)

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội tham gia thảo luận

Cụ thể, đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho rằng, khoản 3 Điều 90 của dự thảo luật chưa thực sự phù hợp, bởi thực tế sau khi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định 151 của Chính phủ có hiệu lực thi hành, các hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực y tế rất vướng mắc, khó khăn do các văn bản pháp luật về quản lý sử dụng tài sản công của Nhà nước hiện nay chưa phù hợp với đặc thù của ngành y tế. Đại biểu đề nghị luật hóa các hình thức xã hội hóa cụ thể trong dự thảo luật hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này. Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị bổ sung thêm một khoản của Điều 90 quy định về việc Nhà nước khuyến khích các mô hình y tế phi lợi nhuận, đầu tư với trách nhiệm an sinh xã hội bằng các cơ chế ưu đãi đặc biệt về đất đai, tín dụng và thuế.

Tham gia thảo luận về xã hội hóa trong công tác khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu Khang Thị Mào – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái nhấn mạnh đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh là một chủ trương đúng đắn, nhằm huy động đa dạng các nguồn lực xã hội, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên, do vướng mắc về thể chế, chính sách, thời gian qua, việc xã hội hóa trong khám bệnh, chữa bệnh gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, một số trường hợp sai phạm đến mức phải xử lý hình sự. Vì vậy, đại biểu đề nghị trong dự thảo luật cần quy định rõ hơn hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết về phương thức, hình thức, cơ chế thực hiện xã hội hóa trong khám bệnh, chữa bệnh, nhất là các hình thức liên doanh, liên kết, đóng góp trang thiết bị, nhân lực, thương hiệu giữa tổ chức, cá nhân với các cơ quan khám bệnh, chữa bệnh.