Vì sao lại có tên nhan đề muối của rừng


Từ gốc độ phong cách thể loại, nếu giọng điệu chủ yếu trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp là dửng dưng, lạnh lùng thì “Muối của rừng” là một nốt trầm, là thanh bằng hiếm hoi, đáng quý - chất giọng đầy tâm trạng - chút gia vị nhưng không thể thiếu!
Để thể hiện tốt nội dung, tư tưởng, theo tôi tác giả đã khéo léo chọn cho mình cách thể hiện phù hợp: Thứ nhất, độc thoại nội tâm theo phương pháp “Tảng băng trôi”. Thứ hai, là cách hoán đổi vị trí nhân vật trong truyện. Thứ ba và cùng đồng thời với hai vấn đề trên là những giá trị nhân sinh sâu sắc toát ra từ câu chuyện.
1. Khi viết về chuyện một ông già câu cá giữa biển khơi, chỉ một mình ông đối diện với biển thì câu chuyện “Ông già và biển cả” của Hemingway được kể lai bằng những độc thoại nôi tâm, một sự lựa chọn tối ưu. Đến với “Muối của rừng” Nguyễn Huy Thiệp kể về một cuộc đi săn một mình của ông Diểu trong rừng. Nếu ông già Ti-a-gô một mình đối diện với biển thì ở đây ông Diểu cũng một mình đối diện với rừng. Nguyễn Huy Thiệp lựa chọn cách thể hiện bằng phương pháp độc thoại nội tâm sẽ là công cụ hữu ích cho việc miêu tả tâm lý cho người đọc thấy được sự phức tạp về tâm trạng của nhân vật…
Từng cung bậc của tâm trạng diễn biến theo quá trình ông Diểu tiếp cận đàn khỉ. Mỗi thời điểm, mỗi lần tiếp cận trong những tình thế khác nhau thì tâm trạng khác nhau. Tâm trạng của ông Diểu thể hiện bắt đầu khi ông ngồi phục đàn khỉ “ không buồn, không vui, không lo lắng cũng không tính toán. Sự tĩnh lặng, bình thản của rừng xuyên suốt trong ông”. Khi con khỉ đầu đàn xuất hiện thì ông Diểu “mỉm cười và chăm chú nhìn”. Rồi nó biến mất thì “niềm vui nhen lên từ khi ở nhà ra đi trong ông vơi đi một nữa”. Có thể nói đây là tâm trạng bình thường của một người đi săn.
Khi con khỉ đực “buông tay ngã xuống đất nặng nề” thì sự hỗn loạn của đàn khỉ đã lây sang cả ông “ông Diểu sợ hãi run lên”. Một chút xao lòng sau khi “ông vừa làm điều ác” bởi thế chân tay ông rủn ra nó khác với tâm trạng của ông khi ngồi phục đàn khỉ. Tiếp đó là tâm trạng ông Diểu khi ông dồn con khỉ nhỏ khiến nó lăn xuống vực “ông Diểu tái mặt, mồ hôi toát ra như tắm. Đấy là sự khiếp sợ trước cái rú của con khỉ nhỏ, khiếp sợ trước sự nguy hiểm của vực núi “vừa kinh dị vừa đầy tử khí”. Sự khiếp sợ đó đã dẫn tới sự hoảng loạn trong tâm trí của ông. Sự hoảng loạn khiến ông đặt ra những câu hỏi tu từ “Hay là ma?”, “Ta có mê không ?”, “Tất cả như trong mộng mị?”…Thực tại con mồi lai kéo ông trở lại khi ông nghe con khỉ đực kêu thoảng thốt vì vậy “ông tìm hướng leo lên”. Khi bắt được con khỉ đực nhìn đôi mắt nó “ông Diểu bổng thấy thương hại”. Hành động và ý nghĩ “tránh nhìn vào đôi mắt” con khỉ đã báo hiệu sự mủi lòng đã nảy sinh. Từ khi đặt bàn tay vào con khỉ là lúc ông đã chiếm đoạt được nó, đã thành công trong việc chinh phục con mồi nhưng cũng chính từ đó tâm trạng của ông lại chuyển từ thương hại đến mũi lòng, ông hái lá đắp cho nó, cởi chiếc quần lót- mảnh giáp cuối cùng trên cơ thể ông để băng cho nó. Tránh nhìn vào mắt nó là ông tránh đi phẩm chất người trổi dậy trong ông vì ông biết nếu ông cứ nhìn vào mắt nó thì sự đau thương, ánh mắt cầu cứu của nó sẽ làm ông mềm lòng, ông không thể nào thực hiện được mục đích là bắt nó.


Lời kể mang giọng khách quan của một người đứng bên ngoài câu chuyện. Lời nhân vật trùng với “Người tiêu điểm hoá”. Tức truyện kể có người kể chuyện hàm ẩn kể theo điểm nhìn của chính mình. Người kể chuyện đồng thời là người nhận xét bình luận đánh giá: “ông Diểu tức giận giương súng”, “ông Diểu nhình lên vách núi bàng hoàng”…
Điều đó cũng làm cho giọng điệu “Muối của rừng” có nét riêng. Một chất giọng hiếm hoi trong hệ thống truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp. Hơn một lần ông viết về đề tài đi săn nhưng những tác phẩm của ông như: “Sói trả thù”, “Trái tim hổ”, “Con thú lớn nhất” thì giọng điệu khác. Bao trùm lên toàn bộ những tác phẩm đó là giọng điệu dửng dưng lạnh lùng không có sự tham gia bình luận của người kể chuyện “Con sói như điên dại không buông tha thằng bé. Nó cắn, cào, nhay, nhá, nó rứt từ cổ thằng San ra từng mảnh thịt, từng sợi gân và dây chằng bê bết máu. Thằng San chết ngay, mắt trợn ngược” (Sói trả thù); “Đùng! Phát súng nổ, lão nghe thấy tiếng rú rất thanh. Lão chạy lại, con thú bị bắn ngã. Đấy là vợ lão.”(Con thú lớn nhất )…Còn “Muối của rừng” xuyên suốt là giọng văn đầy tâm trạng “Con khỉ sống không ra sống, chết không ra chết. Kéo nó trên đất thì quá đau lòng, mà bế ẩm nó trên tay thì không đủ sức”. Hàng loạt từ ngữ thể hiện tâm trạng như: “đau lòng”, “sợ hãi”, “tức giận”, “buồn bả”, “tái mặt”…thể hịên điều đó. Với chất giọng trên câu chuyện đã thể hiện được các cung bậc tâm trạng phức tạp trong nhân vật ông Diểu. Những tâm trạng không đồng nhất ẩn chứa đằng sau là sự giằng xé giữa mục đích, ham muốn và tình thương, giữa khả năng của một ông già và sức mạnh của thiên nhiên. Tâm trạng nhân vật không đơn thuần mà phát triển phúc tạp điều đó đã làm cho câu chuyện có tính thực hơn. Con người cá nhân được mổ xẽ nhiều hơn…


Câu chuyện diễn ra không một lời đối thoại, âm thanh của câu chuyện chủ yếu là âm thanh của thiên nhiên. Dường như không có âm thanh phát ra từ con người mà chỉ là hành động và tâm trạng. Những lời độc thoại cũng rất kiệm âm thanh “ông Diểu rên lên khe khẻ”, “ông rủa thầm”… điều đó hợp lý với bối cảnh câu chuyện vì lúc này ông đang đi săn nên sự im lặng là yêu cầu quan trọng. Hơn nữa ông chỉ đi săn có một mình nên biết nói chuyện với ai? Cũng chính sự im lặng đó mà âm thanh của những tiếng rú ghê rợn của con khỉ đặc biệt là tiếng rú của con khỉ nhỏ càng nổi bật giữa rừng sâu. Những âm thanh đó như không có vật ngăn cách nó xoáy sâu, vọng mãi vào lòng người đọc…


2. Điều thứ hai làm nên nét duyên cho “Muối của rừng” là sự hoán đổi dần vị trí của nhân vật.
Không phải là những kết truyện đảo ngược tình huống như trong các truyện của O Henri, “Muối của rừng” tính chất nhân vật được dần hoán đổi cho nhau theo trình tự câu chuyện, theo hành động và thái độ, tâm trạng của nhân vật. Người đọc bắt gặp trong truyện nhiều lần nhân vật tự phủ định phần con người của mình. Đầu tiên là một câu nói tình cờ nhưng đầy dụng ý của nhà văn khiến người đọc thốt tim “Nó biết mình là người thì thôi hổng việc!”. Trên thế gian có biết bao sinh linh nhưng sự xuất hiện của con người là tai hoạ? Vì sao muốn bắn chúng được trước hết đừng để cho chúng biết ông là người? Rõ ràng đây là dụng ý của tác giả vì nếu chỉ có nội dung thông báo tình huống đó là cần ẩn nấp và sợ lũ khỉ phát hiện ra ông thì ông không cần phải nói như vậy mà chỉ cần nói “Nó biết mình thì thôi hỏng việc”,. Thêm “là người” vào là để phủ nhận nó cứ không phải là để khẳng định nó. Đến đoạn gần cuối tác giả viết tiếp “Cái bộ ba ấy cứ thế lầm lũi xuyên rừng”. Bộ ba ấy là ai? Là khỉ đực, khỉ cái, và… ông Diểu đã hoà thành một bộ: “bộ ba”. Ta không còn phân bịêt được đâu là người đâu là khỉ trong tình huống này nữa. Lúc này ông Diểu trần như nhộng, không mảnh giáp che thân. Y phục của ông đã được lột bỏ theo tiến trình tiếp cận với đàn khỉ. Càng chiếm đoạt được chúng ông càng phải lột bỏ dần y phục. Ông lột bỏ mũ và áo bông kẻo nóng lúc bắt đầu tiếp cận; khi bắn được con khỉ đực ông cởi luôn áo quần dài và dày; khi bắt được con khỉ đực thì ông đã cỡi luôn chiếc quần lót để băng bó cho nó. Và như vậy thì đúng là một “bộ ba” vì lúc này ông Diểu khác gì con khỉ?


Khỉ thì từ bị động sang chủ động còn ông Diểu thì ngược lại. Thứ nhất, do càng chinh phục ông càng kiệt sức. Thứ hai, ông đã thấy mủi lòng trước sự vật lộn, trước tình yêu và sự thuỷ chung của đàn khỉ “Thôi Diểu ơi…ông buồn bã nghĩ- với đôi chân thấp khớp thế này thì làm sao mày chạy nhanh bằng lòng tận tuỵ thuỷ chung của khỉ”. Ông như bất lực trước đôi “vợi chồng khỉ”, ông đã kiệt sức, ông đành chịu thua. Điều đặc biệt là khi trên người ông Diểu không còn mảnh giáp che thấn thì trên thân con khỉ lại có, giữa bộ ba đó thì có thể nói rằng lúc này con khỉ mới xứng đáng có mảnh giáp che thân vì sự dũng cảm, sự hi sinh, lòng thuỷ chung, tình yêu mà có những con người chẳng bao giờ được như chúng…


3. Đông thời và cùng với các phương thức nghệ thuật “Muối của rừng” đã mạng lại cho người đọc những giá trị nhân sinh cao cả. Người phương Đông từ ngàn xưa đã quan niệm “Thiên nhân hợp nhất”, “Thiên nhân tương cảm”…khi chúng ta quay lưng lại với thiên nhiên thì thiên nhiên liền lên tiếng.
Muối của rừng không phải là truỵên duy nhất viết về đề tài này. Lão thợ săn (Con thú lớn nhất) săn được con thú lớn nhất đấy là bắn vào vợ mình; trong “Sói trả thù” cha con ông Nhân giết chết gia đình sói thì bị sói con giết chết đứa con của lão… Muối của rừng không chỉ có gia đình khỉ lên tiếng mà các hiện tượng thiên nhiên khác cùng đông thời phản ứng. Lũ mối đã nghiền thành ụn đống áo quần đầu tiên và nắm cơm của ông. Núi lở lấp ngay áo quần dài và đôi dày của ông. Đặc biệt là gia đình khỉ mà đầu tiên phải nói là hành động của khỉ con. Khỉ con tha khẩu súng rồi rơi xuống vực là một dụng ý của nhà văn. Súng biểu tượng cho sự huỷ diệt. Khỉ con là biểu tượng cho tương lai của những sinh linh ở chốn rừng núi. Hình ảnh “Giữ chặt dây súng, nó lăn xuống miệng vực không một chút chần chừ” không chỉ là hành động của một con khỉ nữa mà là lời lên án của thiên nhiên dành cho con người, là sự phản đối của thiên nhiên trước hành động của con người. Sự hi sinh “không chút chần chừ” cùng với tiếng “rú thê thảm của con khỉ nhỏ” là lời cảnh báo. Là phản ứng của thiên nhiên không chỉ với ông Diểu mà còn cho cả loài người.


Con người sẽ bị vật hoá nếu để sự độc ác, tham vọng lấn át, chếm lĩnh trong nhân cách của họ. Nếu thiếu đi tình yêu thương thì con người sẽ không bằng con vật. Ông Diểu cuối cùng cũng phải “phóng sinh” cho con khỉ chủ yếu do ông chịu bất lực trước chúng. Sự bám sát, đeo đẳng của con khỉ cái bên con khỉ dực, một nghị lực không chịu buông tha của khỉ cái, đã làm cho ông Diểu mủi lòng “ông thấy cay cay nơi sống mũi”; sự vùng vẫy, cào xé của con khỉ đực…, làm cho ông kiệt sức không thể mang con khỉ về nhà được nữa vì vậy ông đã “phóng sinh”. Xét cho cùng ông Diểu không phải là người đã mất hết nhân tính, ông cũng không phải là người có trái tim sắt đá. Ông cũng biết mủi lòng trước sinh linh nhưng ông đã không quyết đoán. Trong ông tham vọng vẫn chiếm ưu thế. Chỉ đến khi ông quá kiệt sức ông mới chịu buông tay. Dù sao ông cũng đã bị trả giá. Ông trở về với bàn tay trắng với con người trần. Nhưng có lẽ trời đất cũng đã ghi nhận chút gì phần người còn trỗi dậy trong ông vì vậy ông được gặp rất nhiều hoa tử huyền loài hoa biểu tượng cho may mắn, trời đổ mưa xuân nặng hạt như để che chở cho thân thể của ông trên quảng đường về.
Chinh phục tự nhiên là thể hiện trình độ của con người. Nhưng tàn sát tự nhiên thì hậu quả khôn lường. “Muối của rừng” mang lời cảnh báo thái độ của con người trước thiên nhiên. Tình yêu sẽ là sức mạnh chinh phục và cải biến xã hội. Tình yêu cũng là thước đo phẩm chất người với tất cả những gì đúng nghĩa của nó. “Muối của rừng” đáp ứng trọn vẹn chức năng văn học của mình. Những tác phẩm như thế này giá trị hơn hằng đống sách vở tuyên truyền, kêu gọi nhảm nhí.


Sơn Trạch
6/2006


Page 2

TRANG CHỦ GOM NHẶT KỶ NIỆM QUA ẢNH HÀI GẶP MẶT VĂN C ÂM NHẠC - PHIM ẢNH SÁCH HAY PHÊ BÌNH VĂN HỌC