U Minh Cà Mau có bao nhiêu xã?

Nhằm cung cấp file bản đồ chất lượng cao cho bạn đọc hỗ trợ các nhu cầu lưu trữ, tra cứu in ấn. Địa Ốc Thông Thái đã tổng hợp lại các file bản đồ định dạng vector, Illustrator, PNG, JPG, GIF phân giải cao phục vụ nhu cầu in ấn HD, khổ lớn A1, A0.

Huyện ở phía Bắc của tỉnh Cà Mau; Đông giáp huyện Thới Bình; Tây giáp vịnh Thái Lan; Nam giáp huyện Trần Văn Thời; Bắc giáp tỉnh Kiên Giang. U Minh nổi tiếng với vườn quốc gia U Minh Hạ. Huyện cũng là nơi có Dự án khí - điện - đạm Cà Mau đang được xây dựng tại xã Khánh An. Giao thông đi lại của huyện này chủ yếu là đường sông, đường bộ kém phát triển. Về hành chánh, huyện bao gồm thị trấn U Minh và 7 xã: Khánh Hoà, Khánh Thuận, Khánh Tiến, Khánh Hội, Khánh Lam, Khánh An và Nguyễn Phích.

Huyện U Minh được thành lập theo Quyết định số 326-CP, ngày 29-12-1978 của Hội đồng Chính phủ, lúc này, huyện thuộc tỉnh Minh Hải, gồm 3 xã là Nguyễn Phích, Khánh An và Khánh Lâm. Ngày 25-07-1979, tách đất xã Nguyễn Phí lập 2 xã Nguyễn Phích A, Nguyễn Phích B và thị trấn U Minh; tách đất xã Khánh An lập 2 xã Khánh Minh, Khánh Hiệp; tách đất xã Khánh Lâm lập 4 xã Khánh Hội, Khánh Tân, Khánh Tiến, Khánh Hoà.

Ngày 02-02-1991, giải thể các xã Khánh Hiệp, Khánh Minh, Nguyễn Phích A, Nguyễn Phích B, Khánh Hội, Khánh Tân. Ngày 06-11-1996, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá IX, ra Nghị quyết chia và điều chỉnh địa giới một số tỉnh. Theo đó, chia tỉnh Minh Hải thành hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau. Huyện U Minh thuộc tỉnh Cà Mau.

Ngày 22-04-2003, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 41/2003/NĐ-CP, về việc thành lập xã thuộc các huyện Cái Nước và U Minh, tỉnh Cà Mau. Theo đó, thành lập xã Khánh Hội thuộc huyện U Minh trên cơ sở 3.360,80 ha diện tích tự nhiên và 9.780 nhân khẩu của xã Khánh Lâm. Huyện U Minh bao gồm thị trấn U Minh và 6 xã: Khánh An, Khánh Lâm, Khánh Tiến, Khánh Hoà, Nguyễn Phích, Khánh Hội.

Ngày 04-06-2009, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị quyết số 24/NQ-CP, về việc điều chỉnh địa giới hành chính xã; thành lập xã, phường, thị trấn thuộc huyện U Minh, huyện Ngọc Hiển và thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Theo đó, Thành lập xã Khánh Thuận thuộc huyện U Minh, tỉnh Cà Mau trên cơ sở điều chỉnh 17.148 ha diện tích tự nhiên và 13.127 nhân khẩu của xã Khánh Hoà.

Địa hình bằng phẳng, nhiều vùng trũng thấp; ngập nước trong mùa mưa, đất nhiễm phèn mặn. Vườn quốc gia U Minh Hạ với những cánh rừng tràm xanh ngút ngàn, một quần thể động thực vật phong phú. Đến mùa tràm nở hoa, những đàn ong khắp nơi lũ lượt kéo về hút mật, tạo nên một loại mật đặc sản. Huyện U Minh có chiều dài bờ biển hơn 30 km, có hai cửa lớn ăn thông ra biển là cửa Khánh Hội và Hương Mai. Hằng năm, khi vào mùa mưa bão, cư dân ven biển lại phải đối mặt với những khó khăn thách thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro do thiên tai gây ra.

Mùa khô năm 2009, một số khu vực trên đồng đất huyện U Minh đang bị xâm nhiễm mặn, đồng thời nắng nóng, khô hạn gay gắt đang hoành hành rừng tràm U Minh Hạ và ngày càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng bất lợi đến sản xuất nông nghiệp của nông dân cũng như công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Tại xã Khánh Lâm, nước mặn hầu như tràn ngập, xâm nhiễm hết diện tích đất sản xuất nông nghiệp xã này, gây xáo trộn hệ sinh thái ngọt, môi trường biến động, nông dân không thể cày ải phơi đất, vệ sinh đồng ruộng, cải tạo ao đìa nuôi cá, chuẩn bị cho sản xuất vụ mùa sắp tới. Trên lâm phần rừng tràm U Minh Hạ, hiện có gần 14.000 ha rừng bị khô hạn, trong đó hơn 13.000 ha dự báo cháy cấp II, cấp III và số diện tích còn lại báo động cháy cấp IV, cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm. Diện tích khô hạn này đang tăng nhanh từng ngày, nhất là vào giai đoạn cao điểm mùa khô trở về sau.

Điểm nhấn có tính quan trọng đối với tiến trình phát triển của U Minh là huyện đã bố trí cơ cấu sản xuất khá phù hợp. Kể từ năm 2006, huyện tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ thế độc canh cây lúa năng suất thấp sang sản xuất hàng hoá theo hướng đa cây, đa con, từng bước đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào đồng ruộng, thay đổi cơ cấu giống, mùa vụ, tạo bước đột phá mới trên đồng đất U Minh. Nếu như năm 1979, diện tích sản xuất của U Minh chỉ 6.000 ha, thì nay tăng lên 32.700 ha, với tổng sản lượng lương thực năm 2008 đạt 120 ngàn tấn, bình quân lương thực đầu người đạt 1.100 kg/người/năm. Năm 2008, huyện đã hình thành cơ bản những vùng kinh tế:

- Vùng sản xuất cây con, hệ sinh thái ngọt đã làm đuợc lúa 2 vụ gần 4.900 ha. Năng suất bình quân khoảng 4 tấn/ha. Ngoài ra, một số hộ nông dân còn cải tạo vườn tạp trồng nhiều loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, kết hợp với trồng màu, nuôi cá cho thu nhập cao từ 40- 50 triệu đồng/hộ.

- Vùng nước lợ có mô hình một vụ tôm - một vụ lúa. Tuy năng suất còn thấp bình quân chỉ đạt 100 kg/ha, riêng vụ lúa đạt năng suất bình quân 3 tấn/ha. Diện tích chuyển đổi mô hình tôm lúa của huyện trên 11.000 ha, trong năm 2006 đã cho sản lượng tôm nuôi trên 1.700 tấn.

Vụ mùa năm 2009, huyện U Minh đề ra kế hoạch gieo cấy 8.000 ha lúa trên đất nuôi tôm. Tập trung ở 4 xã trọng điểm: Khánh An, Nguyễn Phích, Khánh Hội và thị trấn U Minh. Điểm đáng chú ý trong vụ mùa này là những nơi không nằm trong vùng trọng điểm sản xuất một vụ lúa trên đất nuôi tôm, nông dân vẫn chủ động lúa giống, ban, cuốc bờ vuông, sân vườn để gieo mạ. Rút kinh nghiệm từ những vụ mùa trước, năm nay nông dân thường xuyên theo dõi báo, đài nắm được dự báo thời tiết, lịch thời vụ mà chủ động mùa vụ để gieo sạ. Thực tế cho thấy, việc gieo cấy 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm đã làm giảm sự lưu truyền mầm bệnh cho tôm nuôi từ vụ này sang vụ khác. Mặt khác, gieo cấy một vụ lúa trên đất nuôi tôm sẽ tạo ra nguồn lương thực nuôi sống gia đình và chăn nuôi. Đồng thời gốc rạ tạo nên thức ăn cho tôm nuôi và làm sạch môi trường nước, tôm nuôi không bị bệnh. Đây là một cách làm mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, nhà nước cần đầu tư nạo vét nâng cấp các công trình thủy lợi để tháo úng rửa mặn và cung cấp nước khi có nắng hạn. Cùng với cây lúa, việc cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn trái, rau màu cũng được quan tâm đầu tư và mang lại hiệu quả cao. Đặc biệt, huyện đã bước đầu khôi phục và phát triển vườn dâu truyền thống Cái Tàu, thu hút khách du lịch.

U Minh có chiều dài bờ biển hơn 30 km, với ngư trường khai thác trên 20.000 km2. Nghề khai thác biển ở U Minh hoạt động thật sự có hiệu quả kể từ năm 1994, sau khi cửa biển Hương Mai, Khánh Hội được nạo vét, mở rộng. Gần đây, khu kinh tế biển Khánh Hội được hình thành, với hàng trăm cơ sở kinh doanh dịch vụ nghề cá ra đời làm cho nghề khai thác biển ở U Minh nhộn nhịp hẳn lên. Theo đó, nghề nuôi tôm, cá đồng, cá hồ ao phát triển mạnh, với diện tích khoanh nuôi trên 32.000 ha, trong đó có trên 11.000 ha nuôi tôm. Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản hằng năm trên 34.000 tấn, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của huyện.

Rừng U Minh với diện tích hơn 44.000 ha, hằng năm trữ lượng khai thác trên 40.000 m3 gỗ nguyên liệu cho công nghiệp. Ngoài ra, rừng tràm còn là nơi bảo tồn các loài động thực vật quý hiếm và khoáng sản dưới tán rừng có giá trị kinh tế cao. Sự phát triển đồng bộ trên lĩnh vực sản xuất đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của U Minh.

U Minh là một huyện nghèo, lúc mới thành lập, hạ tầng cơ sở của huyện hầu như chẳng có gì. Giờ đây khu trung tâm huyện lỵ khá sầm uất, kết cấu hạ tầng nông thôn tương đối hoàn chỉnh. Những năm qua, bằng nhiều nguồn lực đầu tư, U Minh đã xây dựng hệ thống giao thông khá đồng bộ. Năm 2008, U Minh có 5/7 xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm. Tổng thu nhập bình quân đầu người năm 2008 đạt 9,33 triệu đồng.

Ngày 13-04-1994, trụ điện đầu tiên được dựng lên ở ngã ba sông Cái Tàu, cửa ngõ vào huyện để rồi sau đó 4 tháng, dòng điện quốc gia vượt sông Trẹm về đến đất U Minh. Từ đó đến nay, dòng điện không ngừng được nối dài, mở rộng, tỏa sáng đến trung tâm các xã, các cụm, tuyến dân cư. Hơn thế nữa, điện lưới quốc gia đã xuyên rừng tỏa sáng đến các tuyến dân cư giữa rừng U Minh Hạ, làm cho vùng đất U Minh không còn u ám như tên gọi của nó nữa.

Hệ thống giáo dục được đầu tư, năm 2008, toàn huyện có 93,5% phòng học cơ bản và bán cơ bản, đã xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng 116 phòng học thuộc chương trình kiên cố hoá trường lớp; có 86% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn, cơ bản đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học. Mạng lưới y tế được tăng cường về trang thiết bị và cở sở vật chất, 100% khóm ấp có y tế cộng đồng, các trạm y tế tuyến xã đều có bác sĩ trực tiếp khám điều trị.

Cuối năm 2008, tại xã Khánh An, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã khánh thành và đưa vào vận hành thương mại Nhà máy điện Cà Mau 1&2; đồng thời tiến hành xây dựng Nhà máy đạm Cà Mau, công suất thiết kế 800.000 tấn/năm. Theo đó, tỉnh Cà Mau đang tích cực triển khai xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị mới Khánh An, biến vùng đất này trở thành trung tâm công nghiệp của tỉnh và khu vực Tây Nam Bộ. Đây được xem là điều kiện thuận thuận lợi, là động lực để U Minh phát triển đi lên trong thời gian tới.