Tuyên truyền phòng, chống mua bán người

Sáng ngày 29/7, Hội LHPN thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị tuyên truyền pháp luật phòng chống mua bán người tại UBND phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân). Hơn 100 cán bộ, hội viên phụ nữ và các thầy cô giáo của 3 trường THCS Phan Đình Giót, Tiểu học Phan Đình Giót và trường Mầm non Thăng Long tham dự hội nghị.

Tuyên truyền phòng, chống mua bán người

Chương trình hội nghị nhằm hưởng ứng “Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” 30/7, góp phần nâng cao nhận thức và hành động của cộng đồng, ý thức cảnh giác cho các tầng lớp phụ nữ và nhân dân Thủ đô trong chủ động phòng ngừa và tích cực tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người.

Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm nói chung, mua bán người nói riêng có nhiều diễn biến hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng cả về số vụ và tính chất nghiêm trọng. Các đối tượng mua bán người thực hiện nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, nhiều trường hợp có tổ chức chặt chẽ đã gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự. Tội phạm mua bán người đã trở thành một vấn nạn, trực tiếp xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người, trong đó, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

Tuyên truyền phòng, chống mua bán người

Trung tá Luyện Huy Hoàng, Đội phó đội Hình sự, Công an quận Thanh Xuân là báo cáo viên của Hội nghị đã chia sẻ về tình hình tội phạm mua bán người hiện nay, thủ đoạn của các đối tượng mua bán người và đưa ra các giải pháp để phụ huynh, thầy cô giáo biết cách bảo vệ con em, học sinh của mình, trong đó, việc quản lý và đảm bảo an toàn khi tham gia mạng xã hội, phòng ngừa các thủ đoạn bắt cóc, lừa đảo đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài với chiêu bài “việc nhẹ, lương cao”…

Theo Trung tá Luyện Huy Hoàng, nạn nhân của nạn mua bán người chủ yếu là phụ nữ, trẻ em gái. Nhiều phụ nữ gặp khó khăn về kinh tế đã dễ dàng nghe theo đối tượng lừa đảo sang nước ngoài với mục đích nâng cao mức sống, đổi đời. Bên cạnh đó, những năm gần đây, nạn nhân là nam giới ngày càng tăng lên, tình trạng mua bán bào thai, trẻ sơ sinh cũng ngày càng nhiều… Đa số họ khi bị đưa sang nước ngoài đều bị bóc lột sức lao động, bị bán vào động mại dâm hoặc bị lôi kéo trở trở thành tội phạm lừa các nạn nhân khác… Do đó, mọi người cần nâng cao nhận thức về tội phạm mua bán người, các thủ đoạn lừa đảo, để từ đó, nâng cao cảnh giác, bảo vệ bản thân, đặc biệt là con em trong gia đình trước các chiêu bài của tội phạm này.


phòng, chống mua bán người

Phòng, chống mua bán người là nhiệm vụ chính trị thường xuyên và lâu dài của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Trước yêu cầu của tình hình mới, ngày 9/2/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 193/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương đã nghiêm túc, tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình.

Những biện pháp quyết liệt

Trong thời gian qua, nỗ lực nổi bật nhất trong công tác phòng, chống mua bán người đó là việc ban hành các văn bản chính sách, pháp luật liên quan đến phòng, chống mua bán người. Cụ thể với việc ban hành Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội quy định nạn nhân bị mua bán là đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp thuộc diện nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời tại cộng đồng và Thông tư số 02/2021/TT-BLĐTBXH ngày 24/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021, mức hỗ trợ dành cho nạn nhân đã được điều chỉnh (tăng số tiền ăn dành cho nạn nhân bị mua bán được chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời tại cộng đồng) nhằm hỗ trợ và tạo mọi điều kiện để đáp ứng nhu cầu của nạn nhân phù hợp với tình hình thực tiễn. Ngày 22/4/2021 Bộ Công an ban hành Thông tư 43/2021/TT-BCA quy định trách nhiệm của lực lượng công an nhân dân trong việc thực hiện một số trình tự, thủ tục tố tụng hình sự thân thiện trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi.

Bắt giữ đối tượng phạm tội mua bán người qua biên giới.

Bắt giữ đối tượng phạm tội mua bán người qua biên giới.

Về ngăn chặn mua bán người trong lĩnh vực việc làm và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cùng với việc ban hành Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 (Luật số 69), trong năm 2021 và đầu năm 2020, một loạt văn bản hướng dẫn thi hành đã được ban hành. Nghị định số 112/NĐ-CP ngày 10/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật số 69, quy định doanh nghiệp dịch vụ bị thu hồi giấy phép nếu lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động. Các hành vi lợi dụng hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài để bóc lột, cưỡng bức lao động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử phạt nghiêm theo quy định tại Nghị định 12/2022/NĐ-CP ngày 17/1/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Thông tư số 21/2021/TT-BLĐTBXH ngày 15/12/2021 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đã quy định cụ thể mức trần tiền dịch vụ thu từ người lao động đối với một số ngành, nghề, công việc cụ thể nhằm nghiêm cấm việc doanh nghiệp thu phí của người lao động trái quy định, trong đó một số ngành nghề tại từng thị trường không được phép thu tiền dịch vụ.

Liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người còn có một số văn bản quan trọng khác như: Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 3/3/2021 của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, trong đó giao Bộ Công an chủ trì, xây dựng, triển khai và báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống mua bán người; Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025” (Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 1/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ) nhằm chủ động phòng ngừa, phát hiện các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm đối với trẻ em dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật; Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 782/QĐ-TTg ngày 27/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ), trong đó một trong những nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình là phòng, chống tội phạm mua bán trẻ em vì mục đích bóc lột sức lao động.

Công an tỉnh Bắc Kạn tuyên truyền về phòng, chống mua bán người cho học sinh Trường Trung học cơ sở Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn.

Công an tỉnh Bắc Kạn tuyên truyền về phòng, chống mua bán người cho học sinh Trường Trung học cơ sở Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn.

Để ngăn chặn nguy cơ mua bán người trong di cư quốc tế, đặc biệt là trong các hoạt động đưa người di cư trái phép, ngày 20/3/2020, các bộ, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc Kế hoạch triển khai Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên hợp quốc (Quyết định số 402/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Việt Nam hiện đang xây dựng hồ sơ gia nhập Nghị định thư về chống đưa người di cư trái phép bằng đường bộ, đường biển và đường hàng không, bổ sung Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia năm 2000. Đây là một nỗ lực nhằm ngăn chặn nguy cơ mua bán người thông qua các hoạt động tội phạm đưa người di cư trái phép (dù hai loại hình tội phạm này là khác nhau).

Bên cạnh đó, công tác phối hợp liên ngành cũng được duy trì, củng cố dưới sự chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP). Đối với công tác phòng, chống mua bán người, bên cạnh cơ chế làm việc của Ban Chỉ đạo 138/CP, Bộ Công an đã thành lập Tổ Công tác liên ngành thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.

Đặc biệt, ngày 18/7/2022 vừa qua, hướng tới Ngày Thế giới và Toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7, các Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao đã ký Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Đây là một dấu mốc quan trọng, khẳng định nỗ lực và quyết tâm chung trong công tác phòng, chống mua bán người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân bị mua bán, khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn phối hợp triển khai việc tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân.

Việc ban hành Quy chế đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ về cam kết của Việt Nam trong việc nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người.

Trong thời gian đại dịch Covid-19, mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp ảnh hưởng nhất định đến việc triển khai công tác phòng, chống mua bán người, nhưng Việt Nam đã có nhiều giải pháp để thích ứng với tình hình. Trong đó, để bảo đảm tiến độ giải quyết, xét xử các loại vụ án (bao gồm vụ án mua bán người), Tòa án nhân dân tối cao đã yêu cầu Tòa án các cấp lên lịch xét xử, giải quyết các vụ việc kể cả vào ngày thứ bảy, chủ nhật để bảo đảm tiến độ, thời hạn giải quyết; tổ chức thuê phòng họp, bố trí phòng xét xử đáp ứng đủ điều kiện trong trường hợp không có đủ phòng họp, phòng xét xử; ưu tiên đưa ra xét xử, giải quyết các vụ việc chuẩn bị hết thời hạn xét xử, giải quyết. Đặc biệt, trên cơ sở đề xuất của Tòa án nhân dân tối cao, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 về tổ chức phiên tòa trực tuyến (có hiệu lực từ 1/1/2022).

Kết quả đượcghi nhận

Công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người được Việt Nam triển khai quyết liệt và đạt được kết quả tích cực.

  • Thống kê cho thấy từ năm 2015-2020, lực lượng chức năng đã phát hiện gần 1.300 vụ việcvới gần 1.700 đối tượng có hành vi lừa bán gần 3.000 nạn nhân.
  • Chương trình phòng, chống mua bán người của Chính phủ giai đoạn 2016-2020 đã được thực hiện hiệu quả, giảm trên 40% số vụ mua bán người so với giai đoạn trước.
  • Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, các lực lượng chức năng của Việt Nam đã phát hiện, điều tra 33 vụ, với 75 đối tượng phạm tội mua bán người (theo Điều 150 và Điều 151 Bộ luật Hình sự); trong đó kết thúc điều tra và chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát đề nghị truy tố 17 vụ; tạm đình chỉ điều tra 1 vụ. Số nạn nhân được tiếp nhận, xác minh, giải cứu, hỗ trợ là 66 người...

Một đối tượng lừa bán phụ nữ sang nước ngoài bị bộ đội biên phòng Lào Cai bắt giữ.

Một đối tượng lừa bán phụ nữ sang nước ngoài bị bộ đội biên phòng Lào Cai bắt giữ.

Hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người

Những năm qua, việc hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người được quan tâm thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực. Các bộ, ngành địa phương chủ động tham mưu và tổ chức triển khai hiệu quả các hiệp định hợp tác song phương và đa phương về phòng, chống mua bán người. Các khuyến nghị của phía nước ngoài liên quan đến phòng, chống mua bán người được Việt Nam quan tâm, xem xét một cách kỹ lưỡng, thấu đáo. Nhiều nội dung khuyến nghị đã đưa được vào Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.

Đặc biệt, trong thời gian gần đây, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã tăng cường hợp tác với phía nước ngoài trong việc xác minh, xác định bảo vệ nạn nhân bị mua bán. Bộ Ngoại giao đã kịp thời chỉ đạo Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài theo dõi sát tình hình công dân Việt Nam tại địa bàn, kịp thời phát hiện các xu hướng mua bán người và các vấn đề liên quan đến công dân để có biện pháp xử lý nhanh chóng, nhất là trong việc giải cứu, bảo vệ nạn nhân, qua đó hỗ trợ công tác truy tố, xét xử ở trong nước.

Ký cam kết phòng, chống mua bán người, chung tay hành động ngăn chặn và loại trừ tội phạm mua bán người năm 2019.

Ký cam kết phòng, chống mua bán người, chung tay hành động ngăn chặn và loại trừ tội phạm mua bán người năm 2019.

Gần đây nhất, cuối tháng 6 đầu tháng 7/2022, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Bộ Quốc phòng giải cứu, nhanh chòng đưa về nước an toàn 7 công dân bị mua bán sang Campuchia nhằm mục đích cưỡng bức lao động, kịp thời phục vụ công tác xử lý đối tượng cũng như góp phần giải quyết triệt để  tình trạng này do hiện nay, việc người Việt Nam bị đưa sang Campuchia lao động cưỡng bức hiện đang nổi lên và trở thành vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền của con người.

Nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới

Thực tiễn cho thấy, những nỗ lực và quyết tâm của Việt Nam trong công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người là không thể phủ nhận. Trước diễn biến ngày càng phức tạp của tình trạng mua bán người xuyên biên giới, đòi hỏi công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm mua bán người cần được tiếp tục đẩy mạnh. Theo đó, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các cơ quan chức năng có liên quan, cũng như phát huy vai trò hợp tác của cộng đồng; tăng cường phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người.

Các lực lượng chức năng, nòng cốt là lực lượng Công an nhân dân và Bộ đội Biên phòng tiếp tục nắm chắc tình hình, nhanh chóng phát hiện những biểu hiện bất thường trên địa bàn để có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời. Hoạt động của Ban Chỉ đạo “Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” các cấp cần chú trọng củng cố, xây dựng tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở các địa bàn trọng điểm, chiến lược, khu vực đồng bào tôn giáo, vùng dân tộc thiểu số…

Tăng cường cán bộ công an đến tận nhà bà con để tuyên truyền công tác phòng, chống mua bán người ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tăng cường cán bộ công an đến tận nhà bà con để tuyên truyền công tác phòng, chống mua bán người ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về phòng, chống mua bán người cần được chú trọng, triển khai dưới nhiều hình thức phong phú, gần gũi với cộng đồng. Thường xuyên cập nhật các hình thức, thủ đoạn mua bán người trên các phương tiện truyền thông. Việc tuyên truyền cần đi sâu đi sát tới các thôn, xóm, đặc biệt là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa để người dân có đầy đủ thông tin và thường xuyên đề cao cảnh giác.

Sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền, các cơ quan chức năng có liên quan và cộng đồng sẽ giúp tội phạm mua bán người tại Việt Nam từng bước được ngăn chặn và đẩy lùi.

Ngày xuất bản: 30/7/2022
Tổ chức thực hiện: PHONG ĐIỆP, CHÍ TRUNG
Thực hiện: HÀ NHÂN
Trình bày: TRUNG HƯNG
Ảnh: Cộng tác viên