Trẻ ho khan uống thuốc gì

Trẻ ho khan uống thuốc gì

SKĐS - Ho là triệu chứng thường gặp ở trẻ em, nhưng thuốc ho không phải lúc nào cũng là “vị cứu tinh” cho trẻ. Cha mẹ cần hiểu đúng để có thể chăm sóc trẻ một cách tốt nhất.

Thời tiết giao mùa, trời trở lạnh là những lúc trẻ nhỏ dễ gặp các vấn đề liên quan đến đường hô hấp, đặc biệt là ho. Nhiều khi  trở thành nỗi "ám ảnh" khiến cha mẹ lo lắng không yên. Tuy nhiên,ho có thực sự xấu không và cần điều trị như thế nào để giúp trẻ giảm ho hiệu quả?

1. Vì sao trẻ lại ho?

Ho là triệu chứng thường gặp ở trẻ và không phải là bệnh. Đây thực chất là một phản xạ bảo vệ cơ thể, giúp tống xuất đờm hay virus, vi khuẩn ra khỏi đường thở.

Có nhiều nguyên nhân gây ho ở trẻ em. Điển hình trong số đó là do các bệnh lý đường hô hấp như: Cảm lạnh, viêm họng, viêm phổi, hen phế quản, viêm mũi dị ứng... Tuy nhiên, trẻ em bị ho cũng có thể do bệnh trào ngược dạ dày thực quản, hoặc do tiếp xúc với các chất kích thích như khói thuốc, bụi, nấm mốc, phấn hoa...

Trẻ dễ bị ho nhiều khi thời tiết thay đổi hay trời trở lạnh, song nhiều nghiên cứu đã cho thấy, nhiệt độ thấp là điều kiện thuận lợi cho một số virus tồn tại lâu, khiến khả năng lây bệnh cao hơn, chứ nhiệt độ không gây bệnh cho trẻ.

Trẻ ho khan uống thuốc gì

Thay đổi thời tiết hay trời trở lạnh là yếu tố thuận lợi cho một số virus tồn tại lâu hơn, chứ không phải là nguyên nhân gây bệnh cho trẻ.

2. Ho là tốt hay xấu?

Ho là phản xạ có lợi vì giúp làm thông thoáng đường thở để trẻ dễ thở hơn. Tuy nhiên, ho quá nhiều sẽ dẫn đến những hậu quả xấu như trẻ bị nôn ói, kém ăn, khó ngủ và mệt mỏi.

Ho bao gồm: Ho khan và ho đờm.

Ho khan là thể ho không xuất đờm hoặc nếu có thì rất ít. Tiếng ho khan cảm giác khô hơn nên sẽ gây rát, đau họng cho bé. Trong khi đó, cơn ho đờm là tình trạng ho kèm đờm. Bản chất của 2 loại ho này khác nhau, nên cách điều trị cũng sẽ hoàn toàn khác nhau.

Trẻ ho khan uống thuốc gì

Ho vừa là tốt, vừa là xấu.

3. Phân biệt thuốc ho và thuốc long đờm

Các bậc cha mẹ thường hay nhầm lẫn giữa thuốc ho và thuốc long đờm. Thuốc ho có tác dụng giúp trẻ đỡ ho, được sử dụng khi trẻ ho khan, ho do dị ứng, ho quá nhiều khiến trẻ mệt mỏi. Trong khi đó, thuốc long đờm có tác dụng làm loãng dịch tiết, cắt nhỏ khối đờm đặc quánh giúp trẻ dễ dàng nôn hoặc khạc ra ngoài.

3.1 Thuốc ho trẻ em thường dùng

Đối với trẻ từ 4-6 tuổi bị ho, cha mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi cho con sử dụng bất kỳ loại thuốc nào. Hầu hết các thuốc giảm ho thường dùng cho trẻ em hiện nay chứa hoạt chất dextromethorphan. Có rất nhiều sản phẩm giảm ho chứa hoạt chất này nên cha mẹ lưu ý cho trẻ uống thuốc đúng liều lượng và hướng dẫn của bác sĩ.

Lưu ý, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã ban hành lệnh cấm không cho trẻ dưới 4 tuổi uống thuốc trị ho bán trên thị trường mà không có đơn của bác sĩ. Báo cáo cho thấy, không có lợi ích từ việc cho trẻ uống thuốc ho, ngược lại một vài trường hợp có hại từ một số chất trong thuốc giảm ho.

Các loại thuốc bị cấm sử dụng để giảm ho cho trẻ nhỏ bao gồm các loại thuốc thông mũi như: Ephedrine, phenylephrine hoặc pseudoephedrine và các thuốc kháng histamine như: Diphenhydramine, brompheniramine hoặc chlorpheniramine.

3.2 Các loại thuốc long đờm phổ biến

Trẻ bị ho có đờm sau khi thăm khám bác sĩ có thể được chỉ định dùng thuốc long đờm (guaifenesin, acetylcystein, bromhexin…) để làm đờm lỏng hơn, dễ dàng thoát từ phế quản ra ngoài.

Khi cho trẻ uống thuốc long đờm, cha mẹ cần lưu ý những vấn đề sau:

  • Dùng thuốc với đúng liều lượng đã được bác sĩ chỉ định.
  • Tuyệt đối không được lạm dụng thuốc ở trẻ có phản xạ ho kém.
  • Thuốc long đờm có thể gây co thắt phế quản nên trẻ bị hen suyễn cần thận trọng khi sử dụng.
  • Không nên sử dụng thuốc long đờm cho trẻ bị suy nhược vì cơ thể yếu nên không thể khạc hoặc nếu khạc đờm không đúng cách sẽ dễ làm ứ đọng đờm khiến bệnh càng nặng hơn.
  • Tránh dùng cùng lúc thuốc ức chế ho với thuốc long đờm.
  • Nếu đờm loãng ở phế quản nhiều mà trẻ ho kém thì cần phải hút đờm ra.
  • Không dùng thuốc long đờm cho những trẻ đang bị loét dạ dày - tá tràng.

3.3 Thuốc ho thảo dược

Các loại thuốc thảo dược thường được chiết xuất từ nhiều loại dược liệu khác nhau như bạch linh, bách bộ, cát cánh... để giảm ho, long đờm. Dù được quảng cáo là các loại thuốc ho có thành phần từ thảo dược hoàn toàn an toàn với trẻ nhỏ, tuy nhiên cha mẹ không nên lạm dụng mà vẫn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho con sử dụng thuốc. Khi cho trẻ uống thuốc, cha mẹ cần sử dụng thìa hoặc cốc đong kèm theo loại thuốc đó, tránh trường hợp quá liều.

Trẻ ho khan uống thuốc gì

Cha mẹ cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho con uống thuốc, kể cả đối với thuốc không kê đơn.

4. Cách thức để trẻ giảm ho mà không cần dùng thuốc

Chăm sóc và hỗ trợ trẻ khi trẻ bị ho là việc làm rất quan trọng và cần thiết. Việc này sẽ giúp hỗ trợ cho trẻ mau khỏi bệnh. Dưới đây là một số mẹo giúp giảm ho an toàn tại nhà mà cha mẹ có thể áp dụng:

  • Khuyến khích trẻ uống nhiều nước để giảm cơn ho. Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, mẹ nên cho trẻ bú nhiều bữa hơn. Trẻ lớn hơn có thể bổ sung thêm nước hoa quả để tăng cường vitamin và khoáng chất, giúp nâng cao sức đề kháng.
  • Sử dụng máy phun sương, tăng độ ẩm không khí cũng là một biện pháp hữu hiệu giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn.
  • Với trẻ lớn, cha mẹ có thể hướng dẫn con súc miệng bằng nước muối loãng, ấm nhiều lần trong ngày.
  • Nếu trẻ bị ho kèm theo sổ mũi, cha mẹ có thể dùng nước muối sinh lý để nhỏ vào mũi hoặc dùng chai xịt chứa nước biển sâu để rửa mũi.

5. Khi nào nên dùng thuốc ho cho trẻ?

Thuốc ho ở trẻ em chỉ nên dùng khi trẻ ho khan, ho do kích ứng. Khi trẻ ho khan nhiều quá, bị mất sức vì ho ban đêm thì mới cho uống thuốc ho để làm dịu cơn ho.

Thuốc long đờm nên dùng khi trẻ ho có đờm hoặc đờm quá đặc không khạc ra được. Tránh dùng cùng lúc thuốc long đờm với thuốc giảm ho.

Mời độc giả xem thêm video:

Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19