Thực trạng ngành cao su Việt Nam

Thực trạng ngành cao su Việt Nam

Hiệp hội Cao su Việt Nam ký kết hợp tác với Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, phát triển “nhãn hiệu Cao su Việt Nam – Viet Nam Rubber” - Ảnh: VGP/Lê Anh

Chiều 31/8, tại TPHCM, Hiệp hội Cao su Việt Nam ký kết hợp tác với Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, phát triển "nhãn hiệu Cao su Việt Nam – Viet Nam Rubber"

Theo biên bản ký kết hợp tác, hai bên ưu tiên phối hợp thực hiện đổi mới phương thức, đa dạng hóa hoạt động xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp, sản phẩm ngành cao su. Trong đó, phát triển thương hiệu ngành cao su thông qua nhãn hiệu chứng nhận "Cao su Việt Nam - Viet Nam Rubber" ở trong và ngoài nước, qua đó nâng cao năng lực xây dựng và phát triển thương hiệu cho các doanh nghiệp ngành cao su Việt Nam. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số cho Hiệp hội Cao su Việt Nam và doanh nghiệp của ngành để đáp ứng xu hướng xúc tiến thương mại trên môi trường số và xúc tiến thương mại đa kênh.

Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết, nhãn hiệu chứng nhận "Cao su Việt Nam/ Viet Nam Rubber" được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ trong nước từ năm 2014 và được công bố sử dụng vào năm 2016. Ngoài ra, nhãn hiệu này đã được đăng ký bảo hộ ở các thị trường trọng điểm là:  Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ, Lào, Trung Quốc và Campuchia. Tính đến nay đã có 82 sản phẩm của 29 nhà máy thuộc 17 doanh nghiệp được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu này và được ghi nhận/nhận diện tại thị trường trong và ngoài nước.

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, hiện nay, Việt Nam là nước đứng thứ 5 thế giới về diện tích trồng cao su nhưng đứng thứ 3 thế giới về sản lượng cao su xuất khẩu nhờ năng suất dẫn đầu thế giới. Tuy nhiên, giá bán cao su của Việt Nam lại thấp hơn các nước trong khu vực do khách hàng chưa tin cậy và sự ổn định chất lượng và uy tín của thương mại của doanh nghiệp. Do đó, việc nâng tầm thương hiệu ngành cao su Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết trong thời gian tới, Cục Xúc tiến thương mại, sẽ phối hợp cùng Hiệp hội Cao su Việt Nam xây dựng chiến lược quảng bá thương hiệu ngành cao su Việt Nam trong khuôn khổ chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, gia tăng sự nhận biết của các nhà nhập khẩu cũng như người tiêu dùng cuối cùng về các sản phẩm mang nhãn hiệu "Cao su Việt Nam/Viet Nam Rubber".

Ông Vũ Bá Phú cũng khuyến nghị các doanh nghiệp cao su cần chủ động thích ứng với xu hướng tiêu dùng xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế xanh của thế giới để tránh bị động trong thời gian tới.

Lê Anh


Việt Nam được biết đến là quốc gia xuất siêu cao su thiên nhiên. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cao su thiên nhiên (CSTN) của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 714.319 tấn, giá trị xuất khẩu 1,2 tỷ USD với đơn giá bình quân 1.685 USD/tấn; tăng 48,2% về lượng và 88,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Đây được xem là dấu hiệu tích cực đối với ngành cao su trong giai đoạn khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 đang gây nhiều tác động tiêu cực lên nền kinh tế Việt Nam và thế giới như hiện nay.


Xuất khẩu cao su thiên nhiên giai đoạn 2017 – 2021 (tấn)

Thực trạng ngành cao su Việt Nam

Văn phòng HHCSVN tổng hợp từ nguồn TCHQ

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây có một số thông tin được đăng tải về cán cân thương mại của ngành cao su Việt Nam chưa được hiểu đúng, có thể gây nhầm lẫn rằng Việt Nam chỉ là “Trạm trung chuyển” cao su thiên nhiên giữa các nước và gần như đánh mất vị thế là nước xuất khẩu. Hơn nữa, số liệu dẫn chứng trong các thông tin đăng tải chỉ là góc nhìn từ một hướng và chưa đi sâu vào tình hình sản xuất, xuất khẩu thực tế trong ngành.

Thứ nhất, cần phân biệt rõ giữa 2 nhóm: cao su thiên nhiên (CSTN) và cao su tổng hợp (CSTH) khi phân tích kim ngạch ngành cao su. Cho đến nay, số liệu nhập khẩu của Tổng cục Hải quan vẫn đang được ghi nhận chung là “cao su” nên dễ gây nhầm lẫn khi đánh giá về ngành cao su. Cụ thể là, trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng lượng nhập khẩu cao su, bao gồm cả CSTN và CSTH, ước đạt 872.788 tấn với kim ngạch 1,3 tỷ USD. Trong đó, nhập khẩu CSTN ước đạt 609.133 tấn với kim ngạch 702,9 triệu USD triệu USD, đơn giá bình quân đạt 1.154 USD/tấn, chủ yếu từ các thị trường Campuchia, Lào. Còn CSTH luôn có giá thành cao hơn so với CSTN nên đơn giá trung bình khi nhập khẩu đạt 2.205 USD/tấn với lượng ước đạt 263.655 tấn và giá trị đạt 581,5 triệu USD, chủ yếu từ Đài Loan, Hàn Quốc. Như vậy, có thể thấy Việt Nam vẫn là nước xuất siêu CSTN. Đối với CSTH, hiện nay Việt Nam hoàn toàn chưa có doanh nghiệp sản xuất trong nước, vì vậy, đều phải nhập khẩu 100% từ các thị trường như châu Âu, Đài Loan, Hàn Quốc... cho nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cao su tại Việt Nam. Việc nhập cao su tổng hợp này để chế biến sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao hơn nhằm nâng cao giá trị gia tăng của ngành cao su. Đây là điều mà phần lớn các thông tin đăng tải chưa đề cập, dẫn đến thông tin chưa phản ánh đầy đủ thực trạng của ngành cao su Việt Nam hiện nay.

Thứ hai, việc nhập khẩu CSTN từ Campuchia và Lào kể từ năm 2015 về bản chất là nhập khẩu CSTN từ các vườn cây trong các dự án đầu tư trồng cao su của doanh nghiệp Việt Nam tại hai thị trường này. Vì yếu tố khoảng cách địa lý và tình trạng thiếu hụt nhà máy chế biến tại địa phương, một số doanh nghiệp có xu hướng vận chuyển CSTN về Việt Nam để chế biến và xuất khẩu. Ngoài ra, tại các tỉnh gần biên giới hai nước như Tây Ninh và Bình Phước, các doanh nghiệp thương mại Campuchia đã tổ chức thu mua cao su từ các hộ tiểu điền và vận chuyển về Việt Nam thông qua các cửa khẩu. Theo số liệu ghi nhận từ Hải quan Việt Nam, lượng CSTN nhập khẩu từ hai thị trường này đang có chiều hướng gia tăng trong năm 2020 và 6 tháng năm 2021, đóng góp không nhỏ vào lượng và giá trị CSTN xuất khẩu hàng tháng của Việt Nam. Điều này cho thấy nhu cầu CSTN của toàn cầu đang hồi phục dần, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, sau một thời gian gián đoạn do ảnh hưởng của dịch bệnh trong khi sản lượng trong nước không đủ đáp ứng, việc nhập khẩu từ thị trường khác là giải pháp duy nhất trong bối cảnh Việt Nam không có chủ trương gia tăng diện tích trồng cao su để đảm bảo quy hoạch của Nhà nước và sự phát triển bền vững của ngành hàng.

Thứ ba, theo chủ trương của Chính phủ, ngành cao su Việt Nam không chỉ chú trọng đến xuất khẩu CSTN mà còn có cả sản phẩm cao su, vì vậy, một lượng lớn CSTN được sử dụng trong sản xuất sản phẩm nhằm tạo giá trị gia tăng cho ngành. Trong 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm cao su Việt Nam ước đạt 1,96 tỷ USD, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực như: lốp xe, găng tay và sản phẩm may mặc bằng cao su, linh kiện và cao su kỹ thuật, đế giày cao su, dụng cụ thể thao cao su...

Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm cao su trong 6 tháng đầu năm 2021

Thực trạng ngành cao su Việt Nam

Văn phòng HHCSVN tổng hợp từ nguồn TCHQ

Nhìn chung, Việt Nam nhập khẩu cao su thiên nhiên hay cao su tổng hợp đều mang ý nghĩa quan trọng để góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu của ngành cao su Việt Nam. Đây là tín hiệu tích cực khi các doanh nghiệp cao su vẫn ứng phó và phát triển tốt trong bối cảnh hàng trăm doanh nghiệp phải ngưng hoạt động trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Để tìm hiểu thêm thông tin về ngành, Văn phòng Hiệp hội hàng tháng đều xuất bản “Thông tin chuyên đề” nhằm cập nhật các số liệu xuất nhập khẩu cao su nhanh chóng và xác thực nhất đến người đọc. Nếu có ý kiến phản hồi, vui lòng liên hệ về Văn phòng Hiệp hội cao su Việt Nam.

Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam