Sự vinh hiển là gì

“Ai có lòng khiêm- nhượng sẽ được tôn-vinh”.—CHÂM 29:23.

BẠN TRẢ LỜI THẾ NÀO?

  • Làm thế nào Ðức Giê-hô-va ban cho con người sự vinh hiển?
  • Ðiều gì có thể cản trở chúng ta nhận sự vinh hiển?
  • Làm thế nào gương chịu đựng của chúng ta giúp người khác nhận sự vinh hiển từ Ðức Chúa Trời?

1, 2. (a) Từ Hê-bơ-rơ được dịch là “tôn-vinh” hay “vinh-hiển” có nghĩa gì? (b)Bài này sẽ xem xét những câu hỏi nào?

Bạn nghĩ tới điều gì khi nghe cụm từ “tôn vinh” hay “vinh hiển”? Có phải vẻ đẹp rực rỡ của công trình sáng tạo? (Thi 19:1). Hay sự ngợi khen và tôn vinh mà những người giàu có, thông minh và thành đạt nhận được? Trong Kinh Thánh, từ Hê-bơ-rơ được dịch là “tôn-vinh” hay “vinh-hiển” có nghĩa là nặng. Vào thời xưa, tiền được làm từ những kim loại quý và đồng tiền càng nặng thì giá trị càng cao. Với thời gian, những từ diễn tả sự nặng được hiểu theo nghĩa bóng là quý giá, cao trọng hoặc ấn tượng.

2 Chúng ta thường ấn tượng trước quyền lực, địa vị hoặc tiếng tăm của người khác. Tuy nhiên, Ðức Chúa Trời, đấng ban cho con người sự vinh hiển, tìm kiếm điều gì nơi một người? Châm-ngôn 22:4 nói: “Phần thưởng của sự khiêm-nhượng và sự kính-sợ Ðức Giê-hô-va, ấy là sự giàu-có, sự tôn-trọng, và mạng-sống”. Môn đồ Gia-cơ cũng viết: “Hãy hạ mình xuống trước mắt Ðức Giê-hô-va thì ngài sẽ nâng anh em lên” (Gia 4:10). Làm thế nào Ðức Giê-hô-va ban cho chúng ta sự vinh hiển? Ðiều gì có thể cản trở chúng ta nhận được món quà này? Làm sao chúng ta có thể giúp người khác nhận sự vinh hiển?

3-5. Làm thế nào Ðức Giê-hô-va ban cho chúng ta sự vinh hiển?

3 Người viết Thi-thiên tin chắc Ðức Giê-hô-va sẽ nắm tay hữu ông và ban cho ông sự vinh hiển. (Ðọc Thi-thiên 73:23, 24). Ðức Giê-hô-va làm điều này như thế nào? Ngài ban sự vinh hiển cho những tôi tớ khiêm nhường theo nhiều cách. Ngài ban cho họ sự hiểu biết về ý định của ngài (1Cô 2:7). Những người lắng nghe và vâng lời ngài sẽ có vinh dự được hưởng mối quan hệ mật thiết với ngài.—Gia 4:8.

4 Ðức Giê-hô-va cũng tin cậy giao cho các tôi tớ ngài đặc ân rao truyền tin mừng (2Cô 4:1, 7). Thánh chức mang lại sự vinh hiển cho chúng ta. Ðức Giê-hô-va hứa với những người ngợi khen ngài và giúp người khác qua công việc thánh chức: “Phàm ai tôn-kính ta, ta sẽ làm cho được tôn-trọng” (1Sa 2:30). Ngài làm cho những người ấy được tôn trọng qua việc ban cho họ một danh tốt trước mắt ngài, và họ còn được anh em đồng đạo làm chứng tốt.—Châm 11:16; 22:1.

5 Những người “trông-đợi Ðức Giê-hô-va, và giữ theo đường Ngài” sẽ có tương lai nào? Kinh Thánh hứa: “Ngài sẽ nâng ngươi lên để nhận được đất! Khi kẻ ác bị diệt đi, thì ngươi sẽ thấy điều ấy” (Thi 37:34). Họ có triển vọng nhận được sự sống vĩnh cửu, sự vinh hiển không gì sánh bằng.—Thi 37:29.

“TÔI KHÔNG CẦN NGƯỜI TA TÔN VINH”

6, 7. Tại sao nhiều người không tin Chúa Giê-su là Ðấng Mê-si?

6 Ðiều gì có thể cản trở chúng ta nhận sự vinh hiển từ Ðức Giê-hô-va? Một yếu tố là quá đề cao quan điểm của những người không có vị thế tốt trước mắt Ðức Chúa Trời. Hãy xem sứ đồ Giăng viết gì về một số người có quyền thế vào thời Chúa Giê-su: “Có nhiều người trong giới lãnh đạo đã tin [Chúa Giê-su], nhưng họ sợ người Pha-ri-si nên không công khai nhìn nhận ngài để không bị đuổi khỏi nhà hội. Vì họ ưa chuộng sự khen ngợi của người ta hơn của Ðức Chúa Trời” (Giăng 12:42, 43). Thật tốt biết bao nếu những nhà lãnh đạo này không quá đề cao quan điểm của người Pha-ri-si.

7 Trước đó, Chúa Giê-su giải thích rõ lý do nhiều người không tiếp nhận ngài và đặt đức tin nơi ngài. (Ðọc Giăng 5:39-44). Dân Y-sơ-ra-ên chờ đợi sự xuất hiện của Ðấng Mê-si hàng thế kỷ. Vào lúc Chúa Giê-su khởi sự thánh chức, có lẽ qua lời tiên tri của Ða-ni-ên, một số người hiểu rằng đây là thời điểm Ðấng Ki-tô xuất hiện. Vài tháng trước, lúc Giăng Báp-tít đến rao giảng, nhiều người nói: “Phải chăng ông là Ðấng Ki-tô?” (Lu 3:15). Giờ đây, Ðấng Mê-si đang dạy dỗ ở giữa họ, nhưng những người dạy Luật pháp lại không tin ngài. Tại sao? Chúa Giê-su cho biết lý do khi hỏi họ: “Làm sao các ông tin tôi được khi các ông thích tôn vinh nhau nhưng không tìm kiếm sự khen ngợi đến từ Ðức Chúa Trời?”.

8, 9. Hãy dùng ví dụ về ánh sáng để giải thích làm thế nào sự vinh hiển từ con người có thể che khuất sự vinh hiển từ Ðức Giê-hô-va.

8 Làm thế nào sự vinh hiển từ con người có thể che khuất sự vinh hiển từ Ðức Giê-hô-va? Hãy xem ví dụ về ánh sáng. Vũ trụ của chúng ta tràn đầy ánh sáng hào quang. Bạn còn nhớ lần gần đây bạn ngắm nhìn muôn vàn ánh sao vào đêm thanh trong không? “Vẻ rực rỡ của mỗi ngôi sao” thật đáng kinh ngạc (1Cô 15:40, 41). Nhưng trong một thành phố nhiều ánh đèn, khi nhìn lên bầu trời, bạn có thấy cảnh như thế không? Chắc chắn không, vì những ánh đèn của thành phố khiến chúng ta khó có thể chiêm ngưỡng các vì sao. Phải chăng là do ánh đèn trên những con đường, sân vận động và các tòa nhà sáng và đẹp hơn các vì sao? Không! Nhưng vì các ánh đèn của thành phố gần chúng ta hơn nên khiến chúng ta khó có thể thấy rõ các vì sao. Ðể ngắm nhìn vẻ đẹp của những ánh sao đêm, chúng ta phải đi một nơi xa khỏi những ánh đèn của thành phố.

9 Tương tự, nếu quá đề cao sự vinh hiển của con người, có thể chúng ta không còn quý trọng và tìm kiếm sự vinh hiển đến từ Ðức Giê-hô-va nữa. Nhiều người không chấp nhận thông điệp Nước Trời vì sợ người thân và bạn bè sẽ nhìn mình bằng con mắt khác. Ngay cả tôi tớ của Ðức Giê-hô-va cũng có thể quá chú tâm đến quan điểm của người khác. Chẳng hạn, một anh trẻ được chỉ định đi rao giảng ở khu vực mà mọi người biết anh nhưng chưa biết anh là Nhân Chứng Giê-hô-va. Anh có thoái lui vì sợ hãi không? Nói sao nếu một người bị chế nhạo vì theo đuổi mục tiêu thần quyền? Người ấy có để cho những người không coi trọng hoặc không ưu tiên việc phụng sự Ðức Giê-hô-va ảnh hưởng đến lựa chọn của mình không? Hoặc khi một tín đồ phạm tội trọng, người ấy có che giấu vì sợ mất đặc ân trong hội thánh hoặc làm người thân yêu thất vọng? Nếu nghĩ tình bạn với Ðức Giê-hô-va là quan trọng nhất, người ấy sẽ “mời các trưởng lão hội thánh đến” và xin họ giúp đỡ.—Ðọc Gia-cơ 5:14-16.

10. (a) Ðiều gì có thể xảy ra nếu chúng ta quá coi trọng quan điểm của người khác? (b)Nếu khiêm nhường, chúng ta được đảm bảo điều gì?

10 Có thể chúng ta cảm thấy mình đang tiến bộ về thiêng liêng nhưng một anh chị nào đó vẫn khuyên mình. Nếu kiêu ngạo, sợ mất thể diện hoặc viện cớ để không điều chỉnh đường lối của mình, chúng ta sẽ không nhận được lợi ích từ lời khuyên chân thành ấy. Hoặc khi cùng tham gia một dự án với anh em đồng đạo, chúng ta cứ lo rằng không biết ai sẽ được khen ngợi nhờ ý tưởng và công khó của mình. Nếu nhận ra mình có các khuynh hướng trên, hãy nhớ rằng “ai có lòng khiêm-nhượng sẽ được tôn-vinh”.—Châm 29:23.

11. Khi nhận được lời khen, chúng ta nên phản ứng thế nào, và tại sao?

11 Các giám thị và những anh “đang vươn tới” đặc ân ấy nên thận trọng để tránh tìm kiếm sự vinh hiển từ con người (1Ti 3:1; 1Tê 2:6). Một anh nên phản ứng thế nào khi nhận được lời khen chân thành vì đã làm tốt một công việc? Có lẽ anh không dựng một bia kỷ niệm chiến công của mình, như vua Sau-lơ đã làm (1Sa 15:12). Tuy nhiên, anh có sẵn sàng thừa nhận rằng thành quả anh đạt được là nhờ Ðức Giê-hô-va trợ giúp, và sự thành công sau này của anh phụ thuộc vào sự ban phước và giúp đỡ của ngài không? (1Phi 4:11). Cách chúng ta phản ứng từ trong lòng trước lời khen cho thấy chúng ta đang tìm kiếm loại vinh hiển nào.—Châm 27:21.

“CÁC NGƯƠI MUỐN LÀM THEO ƯỚC MUỐN CỦA CHA MÌNH”

12. Ðiều gì cản trở một số người Do Thái lắng nghe Chúa Giê-su?

12 Yếu tố khác có thể cản trở chúng ta nhận sự vinh hiển từ Ðức Chúa Trời là những ước muốn sai trái. Những ước muốn này có thể khiến chúng ta hoàn toàn không muốn nghe sự thật. (Ðọc Giăng 8:43-47). Chúa Giê-su nói với một số người Do Thái là họ từ chối thông điệp của ngài vì ‘họ muốn làm theo ước muốn của cha mình là Kẻ Quỷ Quyệt’.

13, 14. (a) Các nhà nghiên cứu nói gì về cách bộ não xử lý giọng nói của con người? (b)Ðiều gì quyết định việc chúng ta chọn lắng nghe ai?

13 Ước muốn của chúng ta ảnh hưởng đến cách mình nghe (2Phi 3:5). Ðức Giê-hô-va tạo ra chúng ta với khả năng lờ đi một số âm thanh mà mình không muốn nghe. Thử ngừng lại trong giây lát xem bạn có thể cảm nhận bao nhiêu âm thanh khác biệt. Hẳn trong đó có nhiều âm thanh mà trước đó bạn không nghe thấy. Bộ não giúp bạn tập trung vào một âm thanh, dù bạn vẫn có thể nghe nhiều loại âm thanh cùng lúc. Nhưng các nhà nghiên cứu khám phá ra rằng một người khó có thể nghe nhiều người nói cùng một lúc. Vì thế, khi nghe hai giọng cùng lúc, bạn phải chọn lắng nghe một người. Sự lựa chọn của bạn phụ thuộc vào việc bạn muốn lắng nghe ai. Người Do Thái muốn làm theo ước muốn của cha họ là Kẻ Quỷ Quyệt, nên họ không lắng nghe Chúa Giê-su.

14 Kinh Thánh nói cả sự “khôn-ngoan” lẫn sự “điên-cuồng [“ngu dại”, Bản Dịch Mới]” đều cố gắng mời gọi chúng ta (Châm 9:1-5, 13-17). Chúng ta phải chọn lựa. Chúng ta sẽ nhận lời mời của ai? Câu trả lời phụ thuộc vào việc bạn muốn làm hài lòng ai. Chiên của Chúa Giê-su sẽ nghe tiếng ngài và theo ngài (Giăng 10:16, 27). Họ “đứng về phía sự thật” (Giăng 18:37). Họ “không quen tiếng người lạ” (Giăng 10:5). Những người khiêm nhường ấy sẽ nhận được sự vinh hiển.—Châm 3:13, 16; 8:1, 18.

“CHÚNG MANG LẠI VINH HIỂN CHO ANH EM”

15. Tại sao Phao-lô nói những hoạn nạn của ông “mang lại vinh hiển” cho anh em ở Ê-phê-sô?

15 Khi kiên trì làm theo ý muốn Ðức Giê-hô-va, chúng ta giúp người khác nhận sự vinh hiển. Phao-lô viết cho hội thánh ở Ê-phê-sô: “Xin anh em đừng bỏ cuộc khi biết những hoạn nạn mà tôi phải chịu vì anh em, bởi chúng mang lại vinh hiển cho anh em” (Ê-phê 3:13). Tại sao Phao-lô nói những hoạn nạn của ông “mang lại vinh hiển” cho anh em ở Ê-phê-sô? Khi sẵn lòng phục vụ anh em ở Ê-phê-sô, dù gặp thử thách, Phao-lô cho họ thấy việc phụng sự Ðức Chúa Trời nên là điều quý giá nhất đối với tín đồ đạo Ðấng Ki-tô. Nếu Phao-lô bỏ cuộc khi gặp hoạn nạn, thì họ có thể nghĩ rằng mối quan hệ của họ với Ðức Giê-hô-va, thánh chức và hy vọng của họ là không có giá trị. Qua gương mẫu về sự chịu đựng, Phao-lô cho thấy được làm môn đồ của Ðấng Ki-tô, dù phải hy sinh bất cứ điều gì cũng đáng công.

16. Phao-lô đã gặp hoạn nạn nào tại thành Lít-trơ?

16 Hãy suy nghĩ về lòng sốt sắng và chịu đựng của Phao-lô. Công vụ 14:19, 20 cho biết: “Những người Do Thái từ thành An-ti-ốt và Y-cô-ni đến thuyết phục đám đông, nên họ ném đá Phao-lô rồi kéo ông ra ngoài thành [Lít-trơ] vì tưởng ông đã chết. Nhưng lúc các môn đồ xúm lại quanh ông, ông đứng dậy và đi vào thành. Hôm sau, ông cùng Ba-na-ba đi đến thành Ðẹt-bơ”. Hãy hình dung, vừa hôm trước Phao-lô suýt chết, hôm sau ông đã thực hiện chuyến hành trình 100km, mà không có phương tiện!

17, 18. (a) Có lẽ nhờ đâu mà Ti-mô-thê biết những gian khổ của Phao-lô tại thành Lít-trơ? (b)Gương chịu đựng của Phao-lô đã tác động thế nào đến Ti-mô-thê?

17 Ti-mô-thê có mặt khi Phao-lô vừa bị ném đá không? Lời tường thuật trong sách Công vụ không cho biết điều này, nhưng có lẽ Ti-mô-thê cũng ở đó. Trong lá thư thứ hai gửi cho Ti-mô-thê, Phao-lô viết: ‘Con đã theo sát sự dạy dỗ, lối sống, những điều ta chịu, như đã xảy ra ở An-ti-ốt [bị đuổi khỏi thành], Y-cô-ni [suýt bị ném đá], Lít-trơ [bị ném đá]. Ta đã chịu đựng những điều đó và được Chúa cứu khỏi tất cả’.—2Ti 3:10, 11; Công 13:50; 14:5, 19.

18 Ti-mô-thê “theo sát” những biến cố ấy và biết rõ sự chịu đựng của Phao-lô. Hẳn điều này đã tạo ấn tượng sâu sắc trong tâm trí Ti-mô-thê. Khi Phao-lô đến thành Lít-trơ, ông thấy Ti-mô-thê là một tín đồ gương mẫu và “anh em ở thành Lít-trơ và Y-cô-ni đều nói tốt về anh” (Công 16:1, 2). Với thời gian, Ti-mô-thê hội đủ điều kiện để đảm nhận trọng trách.—Phi-líp 2:19, 20; 1Ti 1:3.

19. Gương chịu đựng của chúng ta có thể tác động thế nào đến người khác?

19 Việc chúng ta kiên trì làm theo ý muốn của Ðức Chúa Trời cũng có thể tác động như thế đến người khác, đặc biệt những người trẻ. Qua gương mẫu của chúng ta, nhiều người trong số họ sau này trở thành tôi tớ rất hữu dụng của Ðức Chúa Trời. Những người trẻ không chỉ quan sát và học cách ăn nói, kỹ năng rao giảng của chúng ta, mà còn học cách chúng ta phản ứng trước những tình huống khó khăn trong đời sống. Phao-lô “chịu đựng mọi thứ” để tất cả những người trung thành “cũng nhận được sự cứu rỗi qua Ðấng Ki-tô Giê-su và được vinh hiển mãi mãi”.—2Ti 2:10.

Những người trẻ quý trọng sự kiên trì của các tín đồ lớn tuổi

20. Tại sao chúng ta nên tiếp tục tìm kiếm sự vinh hiển từ Ðức Chúa Trời?

20 Vậy, chẳng phải chúng ta nên tiếp tục tìm kiếm sự vinh hiển từ Ðức Chúa Trời sao? (Giăng 5:44; 7:18). Ðức Giê-hô-va ban sự sống vĩnh cửu cho những ai nỗ lực để nhận sự vinh hiển. (Ðọc Rô-ma 2:6, 7). Hơn nữa, khi “kiên trì làm điều lành”, chúng ta khuyến khích người khác giữ trung thành để nhận được sự sống vĩnh cửu. Vì thế, đừng để điều gì cản trở bạn nhận sự vinh hiển từ Ðức Chúa Trời.