So sánh rcep và tpp

So sánh rcep và tpp

Trong số các hiệp ước thương mại đang tồn tại, RCEP được xem là một trong những hiệp định quan trọng nhất đối với các nước Châu Á.

Hiệp định RCEP, với tên gọi đầy đủ là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, hướng đến mở cửa nền thương mại giữa các nền kinh tế lớn nhất và phát triển nhanh nhất trong khu vực

Nếu được thông qua, hiệp định này sẽ tạo ra một khối thương mại lớn nhất thế giới, chiếm 1/4 GDP toàn cầu và gần một nửa dân số toàn cầu. Để hiệp định này được thông qua, 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng với Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc cần phải tìm được sự đồng thuận chung.

Sau bản Hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam vừa mới ký kết với Liên minh châu Âu (EU), hiệp định RCEP có thể mở đường cho ASEAN hội nhập hơn với EU, ông Termsak Chalermpalanupap, chuyên gia tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore cho biết.

Trong năm nay, các cuộc đàm phán sẽ bước vào thời khắc quyết định, bởi các nước ASEAN đặt mục tiêu ký kết thỏa thuận này vào tháng 11 tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN ở Bangkok.

Tuy nhiên cho đến nay, chỉ mới 7 trên tổng số 20 chương của hiệp định đã hoàn tất đàm phán, vậy nên mục tiêu hoàn thành hiệp định có vẻ nói dễ hơn là làm.

Các chuyên gia cho rằng nếu thành công, đây sẽ là bằng chứng mạnh mẽ cho việc các nước ASEAN đã sẵn sàng đảm nhận vị trí lãnh đạo trong nền thương mại toàn cầu.

Tại hội nghị G20 ở Osaka vào tháng trước, Chủ tịch Tập Cận Bình một lần nữa nhấn mạnh sự ủng hộ của Trung Quốc đối với việc nhanh chóng hoàn thành hiệp định này, lặp lại tuyên bố của các lãnh đạo tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN vào một tuần trước đó.

Cuộc đàm phán sẽ không thể đem lại kết quả nếu như các nhà đàm phán không thể giải quyết những bất đồng lâu năm trong các nội dung chi tiết. Wendy Cutler, nhà đám phán thương mại trước đây của Hoa Kỳ và là phó chủ tịch của Viện Chính sách Xã hội châu Á, cho biết: “Những tuyên bố ủng hộ việc gấp rút hoàn tất hiệp định đều không có giá trị nếu như các nước không chịu linh hoạt trong đàm phán.”

RCEP so với CPTPP

Không nên có sự nhầm lẫn giữa Hiệp định RCEP và Hiệp định CPTPP, hay còn gọi là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.

Hiệp định CPTPP ban đầu là Hiệp định TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) được hậu thuẫn bởi Mỹ. Sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi hiệp định này vào năm 2017, hiệp định đã đổi tên thành CPTPP. Trong phiên bản mới nhất, CPTPP bao gồm 4 nước ASEAN (Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam) cùng với Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand và Peru. Hiệp định hướng đến siết chặt các tiêu chuẩn chung trong các vấn đề lao động, bảo vệ môi trường và giải quyết tranh chấp. Những tiêu chuẩn này trong CPTPP được quy định chặt chẽ hơn so với những gì đề xuất trong RCEP.

Hiệp định RCEP được khởi xướng lần đầu vào năm 2011 và được hậu thuẫn bởi Trung Quốc, ban đầu được xem là hiệp định cạnh tranh và toàn diện hơn so với TPP do Mỹ hậu thuẫn. Cutler và các chuyên gia thương mại khác trong một bài báo cáo gần đây của Viện Chính sách Xã hội châu Á cho rằng mặc dù RCEP không hẳn đạt được các tiêu chuẩn cao như CPTPP, nó vẫn sẽ góp phần cắt giảm các rào cản thương mại ở châu Á – đặc biệt là đối với các nước gặp khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn của CPTPP.

Hiệp định RCEP có thể giúp nền kinh tế toàn cầu tăng hơn 285 tỷ USD mỗi năm – gần gấp đôi hiệp định CPTPP – nếu nó có hiệu lực vào năm 2030, theo như phân tích từ nhà kinh tế học Peter Petri của Viện Brookings và Michael Plummer của Viện Johns Hopkins.

Mặc dù tiến độ đàm phán của hiệp định RCEP khá chậm, Tu Xinquan, Trưởng khoa nghiên cứu về WTO tại Đại học Kinh doanh quốc tế và Tài chính Bắc Kinh, cho biết phạm vi to lớn của hiệp định – bao gồm cả Trung Quốc và Ấn Độ – là điều khiến nó trở nên quan trọng.

ASEAN nhận được gì từ RCEP?

Hiệp định RCEP sẽ tạo ra sự bình ổn giữa cơn bão căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, và giảm sự phụ thuộc kinh tế của các nước ASEAN vào Mỹ.

Nie Wenjuan, trợ lý giáo sư tại Đại học Ngoại giao Trung Quốc ở Bắc Kinh, cho biết: “Mục tiêu cơ bản của các nước ASEAN là tìm cách giải quyết những rủi ro thông qua hợp tác kinh tế khu vực.”

Matteo Vidiri, nhà kinh tế học tại công ty Mekong Economics ở Hà Nội cho rằng, nhận ra cách tiếp cận thương mại theo chủ nghĩa bảo hộ của chính quyền Trump, “chắc chắn” các nước sẽ vươn tay những người láng giềng trong khu vực để tìm kiếm sự hỗ trợ kinh tế.

Các chuyên gia cho rằng việc đưa các đối tác nặng kí như Trung Quốc và Ấn Độ vào bàn đàm phán về một thỏa thuận rộng lớn cho thấy ASEAN đã sẵn sàng nắm bắt vai trò lãnh đạo trong các vấn đề thương mại toàn cầu.

Cuối tháng trước, Việt Nam đã kí kết một thỏa thuận thương mại tự do với châu Âu sau 9 năm đàm phán. Còn Singapore thì kí kết một thỏa thuận FTA với Mỹ. Các cuộc đàm phán FTA giữa EU và Indonesia cũng như Philippines vẫn đang tiếp diễn. Việc hoàn tất đàm phán RCEP sẽ giúp từng nước thành viên trong ASEAN mở rộng các lựa chọn tự do thương mại của họ.

Việc hội nhập kinh tế chặt chẽ hơn sẽ giúp khối ASEAN hoàn thành mục tiêu xây dựng một thị trường kinh tế chung nhất – được biết đến với tên gọi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) - vào năm 2025.

Trung Quốc nhận được gì từ RCEP?

Bắc Kinh từ lâu đã ủng hộ RCEP như là một cơ hội để định hình các quy tắc trong nền thương mại đa phương – mà không có sự tham gia của Hoa Kỳ.

Bà Nie đến từ Đại học Ngoại giao Trung Quốc cho biết, việc thông qua thỏa thuận trong năm nay sẽ giúp nhấn mạnh sự ủng hộ của Trung Quốc dành cho chủ nghĩa đa phương, giữa giai đoạn nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ, đặc biệt là ở Mỹ.

Bà cho biết việc thúc đẩy hệ thống thương mại tự do dựa trên luật lệ là một phần trong chủ trương của Trung Quốc dưới vị thế là một cường quốc kinh tế, và việc mở cửa nền kinh tế Trung Quốc hướng đến hội nhập khu vực sẽ giúp tăng cường hoạt động “hợp tác chính trị, xã hội, và văn hóa với Trung Quốc”.

Cùng vì chủ trương này, mà ông Tập đã dành ưu tiên thảo luận về RCEP trong các cuộc họp song phương với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và những lãnh đạo khác tại Hội nghị G20.

Trở ngại hiện tại là gì?

Để hoàn thành RCEP trong năm nay, các bên cần thống nhất về quy định trong các lĩnh vực thương mại hàng hóa và dịch vụ, đầu tư và tài chính, và thương mại điện tử. Họ cũng cần xử lý các vấn đề gây tranh cãi về sở hữu trí tuệ và giải quyết tranh chấp.

Ấn Độ đang là nước bảo thủ nhất, nước này không muốn cắt giảm các rào cản thương mại bởi lo ngại về sự cạnh tranh từ hàng nhập khẩu Trung Quốc.

Bà Nie cho biết, trong khi một số nước thành viên gợi ý rằng Ấn Độ có thể cam kết mở cửa thị trường một cách hạn chế hơn, Bắc Kinh vào tháng 4 đã đề xuất xây dựng một thỏa thuận mà không có Ấn Độ. Nếu như Ấn Độ bỏ lỡ hiệp định RCEP, họ sẽ “lỡ chuyến xe” hợp tác kinh tế với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Termsak cho rằng việc loại bỏ một đối tác chỉ vì bất đồng chính trị không phải là bản chất của khối ASEAN – vì nguyên tắc của ASEAN là “không bỏ rơi ai ở phía sau.”

Nguồn: SCMP

Từ khóa: ASEAN, RCEP, hội nhập kinh tế, đàm phán hiệp định tự do thương mại, CPTPP

TTCT - Việt Nam đang cùng lúc tham gia đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (RCEP) và Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đâu là sự khác biệt giữa hai hiệp định này?

So sánh rcep và tpp

Hàng nội thất Thái Lan đang thâm nhập mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam đón đầu các hiệp định tự do thương mại (ảnh chụp tại Hội chợ kiến trúc và hàng nội thất Thái Lan năm 2014) - L.N.M.

Đàm phán cho RCEP - còn gọi là Hiệp định tự do thương mại ASEAN + 6 (*) - sẽ tiếp tục vòng đàm phán thứ 7 vào đầu tháng 2 này ở Thái Lan. Mục tiêu được các nước đặt ra là kết thúc đàm phán hiệp định vào cuối năm 2015, trùng với thời điểm ra mắt Cộng đồng kinh tế ASEAN, nhưng tiến trình đàm phán cho tới nay là khá chậm chạp.

Sự khác biệt tạo ra hạn chế

“Có ít nhất 4-5 lựa chọn trên bàn lúc này. Các bên vẫn chưa thống nhất được về cách thức đàm phán tiếp theo thế nào” - một nhà đàm phán thừa nhận sau vòng đàm phán với tờ Finance Express của Ấn Độ.

RCEP được đề xuất từ tháng 11-2011 tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á ở Bali, Indonesia. Hiệp định khi đó là nỗ lực dàn hòa hai quan điểm khác biệt giữa Trung Quốc (chỉ muốn xây dựng Thỏa thuận tự do Đông Á đóng gồm ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật) và Nhật (muốn xây dựng hiệp định đối tác toàn diện mở gồm thêm ba nước: Ấn Độ, Úc và New Zealand).

ASEAN đóng vai trò trung tâm khi cả sáu nước tham gia thêm đều đã có thỏa thuận FTA riêng rẽ với khối. RCEP theo đề xuất của ASEAN cũng mở hơn khi sẵn sàng cho phép các nước khác gia nhập miễn là đáp ứng được điều kiện của khối.

Mục tiêu hướng tới của RCEP là rất tham vọng khi đây là khu vực có khoảng 3 tỉ dân và có tổng GDP kết hợp khoảng 17.000 tỉ USD, chiếm khoảng 40% thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, sự khác biệt lớn về trình độ phát triển trong ASEAN khiến RCEP đối mặt với điểm yếu lớn nhất: không thể theo đuổi các chính sách tự do hóa thương mại sâu hơn.

Các nguyên tắc định hướng của RCEP thừa nhận sự khác biệt, đặc biệt ở các nước Campuchia, Lào, Myanmar, VN, và sẽ có sự linh động trong chính sách đối với các nước này. Điều kiện này cho phép thu hút các nền kinh tế kém phát triển vào khối và đảm bảo có số thành viên đông đảo ở RCEP. Tuy nhiên, chính sách khác nhau sẽ là cản trở cho hội nhập sâu hơn về kinh tế.

Viết cho Trung tâm nghiên cứu chiến lược CSIS ở Washington DC (Mỹ), Murray Hiebert, giám đốc nghiên cứu về Đông Nam Á của trung tâm, đánh giá “dù chính thức được coi là hiệp định thương mại tự do, mức độ tự do hóa của RCEP thực tế tương đối hạn chế.

Các chính sách “linh động” của RCEP cuối cùng cho phép các thành viên không phải thực hiện các chính sách thương mại mà họ không muốn, cho phép các nước bảo hộ đối với các ngành công nghiệp nhạy cảm”. Điều này tương đối đi ngược với bản chất của các hiệp định thương mại tự do hiện đại là các nước sẽ cùng nhượng bộ và thực hiện một số hi sinh nhất định để mở cửa. Nhiều nước sử dụng các hi sinh này như là động lực để thực hiện các cải cách nội bộ.

“Sẽ có nhiều nước bấu víu vào đó khi họ không sẵn sàng hay không thể tiến hành cải cách” - Murray Hiebert đánh giá.

RCEP hay TPP?

Hiệp định thương mại lớn ở khu vực (khác về nhóm thành viên) đang được đàm phán song song là TPP, đòi hỏi yêu cầu tự do hóa kinh tế sâu hơn nhiều.TPP về cơ bản không chấp nhận việc các nước tham gia bảo vệ các lĩnh vực “nhạy cảm” của mình - điều đó khiến đàm phán TPP phức tạp và lâu hơn nhưng đồng thời đảm bảo hội nhập được sâu và tác động lớn hơn.

Những người phê phán TPP cho rằng yêu cầu cao của hiệp định khiến các nước đang phát triển khó tham gia và thấy RCEP - vốn ít đòi hỏi về thay đổi - hấp dẫn hơn. Ngoài ra, vai trò trung tâm của ASEAN trong RCEP khác hoàn toàn so với TPP - nơi mà về mặt kỹ thuật các nước bị buộc phải bình đẳng.

Các nước thành viên RCEP vẫn hi vọng các nền kinh tế sẽ có lợi khi RCEP thật sự đi vào hoạt động. Các nền kinh tế hướng về xuất khẩu ở Đông Nam Á thì hi vọng được tiếp cận sâu hơn đối với các thị trường lớn ở Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ.

Tương tự, RCEP hi vọng sẽ thúc đẩy đầu tư từ các nước phát triển sang các nước kém phát triển hơn để hòa nhập toàn diện vào hoạt động kinh tế vùng.

Nhưng để đạt được mục tiêu thành mô hình FTA mới đàm phán, RCEP cần phải có kết quả thật sự: dỡ bỏ ở mức khoảng 95% các dòng thuế, có cơ chế đánh giá thị trường chung và mức độ hội nhập sâu hơn Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hợp tác sâu hơn về đầu tư, bảo vệ môi trường, dịch vụ tài chính và tiêu chuẩn về lao động.

Tập trung vào cải cách thể chế nội bộ, tạo thuận lợi cho thương mại xuyên biên giới như kết nối hệ thống giao thông, đẩy nhanh dịch vụ ở cảng và hải quan...

Trở lực Ấn Độ, Indonesia

Áp lực lớn nhất là với Ấn Độ (nước không có mặt trong TPP) cũng như Indonesia. Hiện các nước muốn Ấn Độ phải cam kết mở cửa nhiều hơn so với FTA hiện tại họ có với ASEAN (Ấn Độ cam kết bỏ thuế quan khoảng 79% dòng thuế của họ khi triển khai đầy đủ).

Hầu hết các nước ASEAN đang rất thận trọng: 6/10 nước ASEAN mới chỉ cam kết giảm thuế tương đương Ấn Độ. Singapore đồng ý bỏ hết thuế, Campuchia và Brunei đồng ý bỏ thuế ở 88% và 85%, Indonesia đồng ý bỏ chưa đầy 50% dòng thuế.

Ngoài ra, trong khi về quy mô, tổng GDP giữa các nước là lớn nhưng thực tế mô hình của nhiều nước trong RCEP là tương đối giống nhau - các nước thường là đối thủ cạnh tranh vào các thị trường lớn như Mỹ, EU và ít có tính bổ sung nhau.

Cuộc thanh lọc khắc nghiệt

Cựu bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đánh giá với những hiệp định đã ký và đang đàm phán chuẩn bị ký, “có thể nói đã chiếm đến 95-97% thương mại của Việt Nam với thế giới và chiếm gần như 99-100% đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”. Một FTA với lãnh thổ Đài Loan đang ở giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi, hay đề xuất ký FTA với vài quốc gia châu Phi cũng đã được nhắc tới.

Một thị trường rộng lớn với hơn 600 triệu dân, trong đó đến năm 2020 sẽ có thêm 120 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu là những gì mà ông Lê Trí Thông, phó tổng giám đốc Công ty Boston Consulting Group Việt Nam (BCG), nhìn thấy về AEC - Cộng đồng kinh tế ASEAN. Nhưng kèm với đó là những nỗi lo khi các đối thủ trong khu vực đã bén rễ chắc chắn tại thị trường Việt Nam trong khi các doanh nghiệp trong nước hầu như không có thông tin gì về bên ngoài. Một báo cáo của BCG mới đây cho thấy giới công ty đa quốc gia và các doanh nghiệp ở Malaysia đang tỏ vẻ lạc quan nhất, trong khi Việt Nam và Philippines được xếp chung khi các doanh nghiệp được hỏi tỏ vẻ bi quan, mà lý do là “hầu như chưa có sự chuẩn bị”. Ông Thông tỏ ý lo ngại vì trong cuộc chơi đó, lợi ích sẽ phần lớn rơi vào tay các doanh nghiệp lớn, còn đa số doanh nghiệp Việt Nam chỉ ở mức nhỏ và vừa. Báo cáo cũng dự đoán rằng kinh tế Việt Nam sẽ vẫn tăng trưởng dù một cuộc thanh lọc khắc nghiệt đang chờ phía trước. “Ai tận dụng được cơ hội thì người đó sẽ phát triển. Nhận thức, thái độ và hành động sẽ quyết định miếng bánh chúng ta có được trong cuộc chơi này” - ông Thông nhận định.         

Trần Phi Tuấn

Giáo sư Biswajit Dha của ĐH Jawaharlal Nehru đánh giá: “Động lực nội khối của RCEP thực tế chưa khả quan. Kể từ khi bắt đầu đàm phán giữa năm 2013, các thành viên RCEP vẫn chưa đạt được tiến bộ trong việc định hình bộ khung cuối cùng của hiệp định.

Các mô hình đến giờ vẫn hoàn toàn chưa rõ - từng phần của hiệp định vẫn chưa có cách thức tiếp cận chấp nhận được với cả 16 nước thành viên”.

“Rất nhiều người cho rằng sự bế tắc này không phải là dấu hiệu tốt cho RCEP khi mà các nước thành viên đồng ý sẽ kết thúc đàm phán vào cuối năm 2015” - ông nói.

Vấn đề Ấn Độ quan tâm nhất là về dịch vụ, gỡ bỏ hàng rào thương mại đặc biệt là các quy định về vệ sinh, rào cản đối với các mặt hàng như dược và dệt may.

Một đại diện của thành viên RCEP có mặt tại đàm phán đã bày tỏ thất vọng với mức độ tham vọng ít mà Ấn Độ đưa ra trong chương về đầu tư.

Về dịch vụ, đại diện này nói Ấn Độ lại thể hiện sự quyết liệt và đòi hỏi mức cam kết từ các nước khác, đặc biệt về chuyện đòi visa việc làm (Ấn Độ muốn bỏ hoặc nới lỏng).

Trong khi các nước RCEP vẫn muốn kết thúc đàm phán phần về hàng hóa trước thì hiện Ấn Độ muốn làm song song cả hàng hóa và dịch vụ (để làm cán cân trong đàm phán).

Ấn Độ cho rằng họ đã thiệt thòi trong đàm phán FTA với ASEAN khi họ kết thúc đàm phán hàng hóa trước và không thể ép ASEAN nhượng bộ khi đến chương dịch vụ vì hoàn toàn mất con bài đàm phán.

Bộ trưởng thương mại Ấn Độ Nirmala Sitharaman cảnh báo rằng đàm phán cần phải vượt qua tư duy “lợi ích song phương” để hướng tới “lợi ích cân bằng ở khu vực”.

“Chúng ta cần nhận ra đây là đàm phán phức tạp giữa rất nhiều nước và nhiều vùng khác nhau. Không có giải pháp nào phù hợp cho tất cả” - bà nói. Ấn Độ chịu nhiều áp lực để cắt mức thuế cao đối với nhiều nông sản và hàng sản xuất cũng như nới lỏng các chính sách cứng nhắc về đầu tư và tuân thủ các quy định về sở hữu bản quyền.

Thách thức lớn nhất đối với Ấn Độ là với các nhà đàm phán từ Trung Quốc. Ấn Độ hiện đang chịu thâm hụt ngân sách 36 tỉ USD với Trung Quốc nên không muốn nhượng bộ thêm với Trung Quốc.

Hiện các nước đang đề xuất theo phương án “chọn cho” - các nước sẽ chọn những lĩnh vực nào họ cam kết - trong khi với phương án “chọn bỏ”, các nước sẽ tự nguyện mở cửa tất cả lĩnh vực trừ một số lĩnh vực nhạy cảm đề xuất. 

(*): ASEAN + 6: gồm các nước ASEAN và Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand.