So sánh điều 178 và 303 trong blhs 2023 năm 2024

Trải qua quá trình lịch sử lập pháp hình sự, pháp luật hình sự Việt Nam đã có những quy định cụ thể về năng lực trách nhiệm hình sự của cá nhân để đáp ứng yêu cầu từ sự thay đổi của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội; bởi lẽ như C.Mác từng nói: “Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội”.

Theo quan điểm của những nhà tâm lý học, năng lực được hiểu là kiến thức, kỹ năng, khả năng và hành vi mà người lao động cần phải có để đáp ứng yêu cầu công việc, và là yếu tố giúp một cá nhân làm việc hiệu quả hơn so với những người khác; năng lực cũng có thể được hiểu như là tổng hợp các đặc điểm, thuộc tính tâm lý của cá nhân phù hợp với yêu cầu đặc trưng của một hoạt động nhất định nhằm đảm bảo cho hoạt động đó đạt hiệu quả cao.

Còn trong khoa học pháp lí, năng lực trách nhiệm hình sự được hiểu là năng lực có thể phải chịu trách nhiệm hình sự của một người nếu thực hiện hành vi phạm tội. Luật hình sự Việt Nam không trực tiếp quy định như thế nào là người có năng lực trách nhiệm hình sự mà chỉ quy định độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự và quy định thế nào là trường hợp trong tình trạng không có năng lực nhận thức, không có năng lực điều khiển hành vi.

Pháp luật Việt Nam xác nhận năng lực trách nhiệm hình sự dựa trên các cơ sở:

Thứ nhất, phải là người có năng lực nhận thức và năng lực điều khiển hành vi. (Năng lực điều khiển hành vi ở đây được hiểu đầy đủ là năng lực kiềm chế và năng lực lựa chọn cách xử sự trong những sự việc cụ thể). Năng lực này cũng như độ tuổi, để có năng lực này không phụ thuộc vào quy định của pháp luật. Do vậy, năng lực này có thể được coi là năng lực “tự nhiên” của con người.

Thứ hai, là người có độ tuổi phù hợp với quy định của pháp luật. Độ tuổi để có năng lực nhận thức và năng lực điều khiển hành vi và tuổi chịu trách nhiệm hình sự là khác nhau nhưng có liên quan mật thiết với nhau. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự được quy định không thể thấp hơn tuổi có năng lực nhận thức và năng lực điều khiển hành vi. Do vậy, luật hình sự chỉ cần xác định tuổi chịu trách nhiệm hình sự và được hiểu khi đủ tuổi đó thì chủ thể mặc nhiên được coi là có năng lực nhận thức và năng lực điều khiển hành vi, trừ trường hợp cá biệt do mắc bệnh dẫn đến hoạt động của bộ não bị rối loạn nên không có năng lực đó.

Luật hình sự Việt Nam xác định người có năng lực trách nhiệm hình sự là người đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (Điều 12 Bộ luật Hình sự) và không thuộc trường hợp ở trong tình trạng không có năng lực nhận thức hoặc năng lực điều khiển hành vi. (Điều 21 Bộ luật Hình sự gọi là tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự). Điều 21: Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự:

“Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Người không có năng lực nhận thức hoặc năng lực điều khiển hành vi do mắc bệnh được luật hình sự Việt Nam gọi là người trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự. Như vậy, trong luật hình sự Việt Nam, tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự được dùng để chỉ tình trạng mất năng lực nhận thức hoặc năng lực điều khiển hành vi do mắc bệnh mà khi không ở trong tình trạng đó thì người đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự được coi là có năng lực trách nhiệm hình sự.

Ở đây cần phân biệt người trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự (theo Điều 21 Bộ luật Hình sự) với người không có năng lực trách nhiệm hình sự. Người không có năng lực trách nhiệm hình sự có thể là người trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự (theo Điều 21 Bộ luật Hình sự) hoặc là người chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự (theo Điều 12 Bộ luật Hình sự).

Điều 21 Bộ luật Hình sự quy định tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự là tình trạng của người do “… mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình”. Người trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự là người không có (hoặc không còn) năng lực nhận thức liên quan đến hành vi gây thiệt hại cho xã hội mà họ đã thực hiện, là người không có năng lực đánh giá hành vi đã thực hiện là đúng hay sai, nên làm hay không nên làm. Như vậy, họ cũng không thể có được năng lực kiềm chế thực hiện hành vi đó. Người trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự còn có thể là người tuy có năng lực nhận thức, tuy có khả năng đánh giá được tính chất xã hội của hành vi của mình nhưng do bệnh lý không thể kiềm chế được việc thực hiện hành vi đó.

Việc xác định dấu hiệu này đều thuộc nội dung của cơ quan có chức năng giám định tâm thần. Kết luận giám định tâm thần không chỉ xác định người thực hiện hành vi có tính chất gây thiệt hại cho xã hội có mắc bệnh tâm thần và có trong trạng thái bệnh khi thực hiện hành vi đó hay không mà còn xác định ảnh hưởng của bệnh đã mắc đối với năng lực nhận thức và năng lực điều khiển hành vi của người bệnh.

Bên cạnh tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự, luật hình sự Việt Nam còn thừa nhận trường hợp tình trạng hạn chế năng lực trách nhiệm hình sự. Đây là trường hợp do mắc bệnh nên năng lực nhận thức hoặc năng lực điều khiển hành vi của chủ thể bị hạn chế. Người này không thuộc trường hợp không có điều kiện để có lỗi, nhưng tình trạng năng lực trách nhiệm hình sự hạn chế có ảnh hưởng nhất định đến mức độ lỗi. Lỗi của họ cũng là lỗi hạn chế và do vậy, luật hình sự Việt Nam coi tình trạng năng lực trách nhiệm hình sự hạn chế là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Tình tiết này được quy định cùng với những tình tiết khác tại Điều 51 Bộ luật Hình sự.

Pháp luật nước ta còn quy định người chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Theo quy định tại tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự thì “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này”.

Theo đó, những người dưới 14 tuổi hoặc mặc dù từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi nếu không phạm vào các tội được liệt kê tại các điều luật quy định tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự nêu trên thì không phải chịu trách nhiệm hình sự do…chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.

Như vậy, theo quy định tại Điều 21 BLHS năm 2015 quy định về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Do đó, hiện nay, vẫn có trường hợp “chạy” bệnh án tâm thần để trốn tránh trách nhiệm hình sự để thực hiện mục đích xấu, vì khi có bệnh án tâm thần đem đến nhiều thuận lợi cho các đối tượng phạm tội:

Thứ nhất, đối tượng phạm tội có thể thoát án tử hình: vì nếu có căn cứ xác định người phạm tội mắc bệnh tâm thần làm hạn chế khả năng nhận thức, điều khiển hành vi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Do đó, chắc chắn sẽ không bị tử hình nếu phạm phải tội mà khung hình phạt cao nhất là tử hình.

Thứ hai, đối tượng phạm tội được rút ngắn hoặc thậm chí có thể không phải chấp hành hình phạt tù: Khi đối tượng phạm tội bị bệnh tâm thần, vụ án có thể được tạm đình chỉ để bị can áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Khoản 3 Điều 49 BLHS 2015 quy định: “Thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù”.

Vì vậy, khi có điều kiện thuận lợi, các đối tượng sẵn sàng chi một khoản tiền lớn, hay thông qua các mối quan hệ xã hội nào đó để “chạy” nhằm có được hồ sơ bệnh án tâm thần, với mục đích được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hoặc thậm chí thoát tội…

Do đó, để xóa bỏ tình trạng làm giả hồ sơ, “chạy” bệnh án tâm thần, các cơ quan có thẩm quyền cần thiết phải thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra, giám sát định kỳ, đột xuất… để đảm bảo sự chính xác của công tác chuyên môn. Ngành Y tế cần chấn chỉnh công tác quản lý, xem xét quy trình cung cấp hồ sơ bệnh án tâm thần, kể cả trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ y bác sĩ; kịp thời xử lí nghiêm đối với các hành vi cố ý vi phạm. Có làm được như vậy thì vấn đề lợi dụng quy định về “tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự” hay “tình trạng hạn chế năng lực trách nhiệm hình sự” sẽ không còn kẽ hở để tồn tại; và vì thế, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân sẽ không ngừng được hoàn thiện, pháp chế được tăng cường, bảo vệ tốt hơn lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức và cá nhân; tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tình hình mới./.