So sánh đàn tranh việt nam và trung quốc

Căn cứ theo một số nguồn sử liệu cổ, khi nhắc tới âm nhạc của Việt Nam đầu tiên phải kể đến âm nhạc thời Hùng Vương (khoảng thế kỷ thứ 5 trước CN đến năm 43 sau CN), tiếp đến là âm nhạc thời Hai Bà Trưng (từ năm 43 đến khoảng năm 544) và âm nhạc sau thời Lý Nam Đế (từ năm 544 đến năm 939). Đây là các thời kỳ mà các nhà nghiên cứu Tây phương gọi là thời kỳ tối tăm (période obscure) vì họ không thể tìm thấy tư liệu lịch sử nào. Song, những gì còn lại như các hình vẽ vũ nhạc trên trống đồng, trên các bệ đá chùa Vạn Phúc cùng các tư liệu thành văn của Trung Hoa,… cũng cho ta hình dung được sự hiện diện sinh động và khá phát triển của âm nhạc trong đời sống dân tộc Việt thời đó. Nếu đã có đời sống âm nhạc tất phải có phương tiện diễn tả, đó là các nhạc cụ (ít nhất 12 nhạc cụ thời Mâu Tử), các thể loại âm nhạc (giáo nhạc, thế nhạc, quân nhạc), và có thể đã hình thành tư duy âm nhạc lý luận về mặt lý thuyết (Mâu Tử biết có những sách vở về âm nhạc, sự thông dụng của ngũ âm, của luật lữ và những thang âm kết hợp của chúng). m nhạc Việt thời đó không chỉ thịnh hành trong cộng đồng dân tộc mà còn thâm nhập ngược vào Trung Hoa, tạo nên sự giao thoa văn hóa trong giai đoạn đầu chống Bắc thuộc.

m nhạc Việt không chỉ có thang âm ngũ cung (pentatonic). Ngoài thang âm này, nhạc lý nước ta còn có thang âm nhị cung (C-G, C-F), thang âm tam cung (ngũ cung khuyết, C-F-G, C-D-G, C-F-Bb), thang âm tứ cung (C-F-G-Bb, C-D-F-G, C-Eb-F-Bb, C-D-G-A), thang âm thất cung (thất cung đều nhau trong âm nhạc Huế: C-D-E-F#-G#-A#). Tuy nhiên nước Việt Nam vẫn nằm trong vùng có nhạc ngữ ngũ cung, cho nên thang âm ngũ cung là nổi trội hơn cả. Vả lại tuy trong âm nhạc nước ta có đủ bảy âm nhưng các cung khuyết chỉ xuất hiện trong các bản nhạc có sử dụng kỹ thuật chuyển hệ (metabole).

Thang âm ngũ cung là hệ thống nhạc lí cổ truyền của nhiều quốc gia Phương Đông bao gồm 5 âm điệu chính gọi là ngũ âm. Năm âm thanh này được sắp xếp thành: Cung – Thương – Giốc – Chủy – Vũ. Theo triết lý Phương Đông, thang âm ngũ cung có mối liên hệ mật thiết đến sự vận động của hệ thống Ngũ hành. Trong sự phát triển chung ấy, nhạc lý truyền thống Việt Nam đã sử dụng thang âm ngũ cung của âm nhạc Phương Đông nhưng vẫn tạo nên những nét riêng độc đáo của dân tộc, không sử dụng 5 âm Cung – Thương – Giốc – Chủy – Vũ mà dùng 5 âm Hò – Xự – Xang – Xê – Cống (cách nhau các khoảng 1 – 1,5 – 1 – 1 – 1,5 cung). Nốt “Hò” là nốt chủ âm trong thang âm ngũ cung, đây là âm chủ đại diện làm mốc cho các âm sau, vì thế nốt Hò có thể thay đổi tương ứng với nốt C, nốt D hay nốt F bên Tây nhạc tùy vào cách lên dây. Nốt “Xự” là nốt kế tiếp, cách nốt “Hò” 1 cung. Kế đến là nốt “Xang” cách nốt “Xự” 1 cung rưỡi. Chữ “Xang” đọc trại từ chữ “Thượng” trong tiếng Quan Thoại, nghĩa là âm cao nhất tính theo ngũ cung cổ truyền. Tiếp đến “Xang” là nốt “Xề”, cách nốt “Xang” 1 cung. Nếu “Xang” nghĩa là “Thượng” thì “Xề” là âm trại từ chữ “Hạ”, theo tiếng Quang Thoại, để chỉ nốt bắt đầu, nốt thấp nhất theo hệ thống ngũ cung cổ truyền, nay đã đổi lại là “Hò”. Và cuối cùng là nốt “Cống” cao nhất, cách “Xề” 1,5 cung và cách “Hò” 6 cung. Sau đó sẽ quay lại nốt “Hò” trên, hay còn phân biệt với cách gọi là nốt “Líu”, với đúng 7 cung từ “Hò” đến “Líu”. Ngoài ra còn có 2 nốt ẩn trong thang âm ngũ cung là nốt “Y” và nốt “Oan”, nốt “Y” nằm giữa nốt “Xự” và “Xang” cách nốt “Xự” 0,5 cung; nốt “Oan” nằm giữa nốt “Cống” và “Líu” cách nốt “Cống” 0,5 cung. Để dễ hiểu hơn có thể xem bảng so sánh ngũ cung Phương Đông và thất cung Phương Tây.

2. Sự khác nhau giữa một số nhạc cụ Việt Nam và Trung Quốc

2.1. Đàn tranh

Đàn tranh, còn được gọi là đàn thập lục, là nhạc cụ truyền thống của người phương Đông, có xuất xứ từ Trung Quốc. Qua quá trình phát triển, đàn cổ tranh Trung Quốc đã xuất hiện nhiều biến tấu khác nhau tại Việt Nam, Triều Tiên và Nhật Bản. Đàn tranh là loại đàn có nhiều dây, người chơi có thể gãy, dùng cần kéo hoặc gõ. Đàn tranh sở dĩ còn gọi là thập lục huyền tranh vì đàn có 16 dây. Nay đã được tân tiến đến 21 – 26 dây (cổ tranh của Trung Quốc). Về âm sắc, đàn tranh cho ra âm thanh liền mạch, liên tiếp và trong trẻo, thường tấu những bản nhạc vui tươi và ngày nay thường xuất hiện trong nhạc hiện đại, nhạc điện tử.

2.1.1. Cổ tranh Trung Quốc.

Theo lịch sử ghi chép trong Kinh Thư và Luận Ngữ, đàn tranh xuất hiện sớm nhất tại Trung Quốc. Ban đầu, đàn gọi là đàn sắt (cổ sắt), to nặng và cồng kềnh. Đàn sắt có dạng hình hộp dài, gồm khoảng 50 dây với âm vực rộng 5 quãng 8 và chốt đàn giấu trong đàn, không có nhạn đàn, dùng một tay gảy đàn một tay nhấn phím. Đến thời nhà Chu, đàn sắt chủ yếu dùng trong tế lễ và rất khó sử dụng. Qua gần 500 năm biến đổi, đàn cầm (cổ cầm) và đàn tranh (cổ tranh) dần xuất hiện sau, được cải biến từ đàn sắt. Tương truyền rằng Mông Điềm thời nhà Tần, do thấy đàn sắt qua nặng nề và không linh hoạt nên đã cải biến thành đàn tranh (cổ tranh). Đàn tranh về cơ bản giống đàn sắt nhưng nhỏ hơn và ít dây hơn. Lúc này đàn tranh có loại 25 dây, về sau được cải tiến thành 21, 18, 17 và 16 dây. Dây đàn tranh từng được se bằng tơ lụa, nhưng dây lụa ngày nay chỉ có dòng đàn tranh của Triều Tiên mới sử dụng.

Cổ tranh hiện nay ở Trung Quốc có số dây chuẩn là 21 dây được sắp xếp từ cao nhất (dây 1) lên đến thấp nhất (dây 21). Dây đàn thường là dây sắt, nhưng để phù hợp cho các dòng nhạc sau này, cổ tranh Trung Quốc đã được cải biến bọc nilon các sợi dây đàn, cốt để âm thanh trầm ấm và đanh hơn. Trên mặt đàn cổ tranh còn có các nhạn đàn, các chốt vặn dây đàn được thiết kế ở trong hộp đàn bên tay trái, dây được kéo dài qua khỏi cầu đàn vào trong hộp đàn để chỉnh dây. Bên cạnh đó, móng gảy của người đàn cổ tranh thường sử dụng móng nhựa. Một bộ móng đầy đủ sẽ gồm 8 móng (4 ngón tay phải và 4 ngón tay trái). Nghệ sĩ khi biểu diễn sẽ dùng dây vải hoặc băng keo vải để quấn các móng gảy vào ngón tay.

Theo dòng phát triển của văn hóa, từ sắt – cầm và cổ tranh, người Trung Quốc còn chế tạo ra nhiều loại đàn cải biến. Đơn cử như đàn trúc (trúc cầm) do Cao Tiệm Ly thời Chiến Quốc chế tác, sử dụng một que để gõ vào dây đàn (chi gõ) tương tự như đàn tam thập lục. Hoặc đàn yết (yết tranh) có từ thời nhà Đường, sử dụng cây vĩ để kéo (chi kéo); khi du nhập vào bán đảo Triều Tiên trở thành đàn ajaeng (nha tranh). Nếu yết tranh Trung Quốc cũng như ajaeng Triều Tiên kéo theo phương nằm ngang khi đặt đàn thì văn chẩm cầm và ni tranh cầm của người Choang được đặt dọc để chơi, giống như kéo đàn cello của Phương Tây. Cũng chính vì thế mà họ đàn tranh ở Châu Á ngày càng trở nên phong phú. Từ sự ảnh hưởng chung của dòng chảy phát triển nhạc cụ ở Đông Á, đàn tranh Việt Nam cũng được học hỏi từ Trung Quốc nhưng có những sáng tạo riêng của người Việt.

So sánh đàn tranh việt nam và trung quốc

Cổ tranh Trung Quốc (Ảnh: Phong Vân)

2.1.2. Đàn tranh Việt Nam.

Về nguồn gốc lịch sử, đàn tranh Việt Nam được học hỏi từ đàn sắt, nhưng cũng vì bất tiện nên ít được thông dụng. Đến thời nhà Đường, khi cổ tranh xuất hiện có thể được xem là giai đoạn truyền bá nhạc cụ sang Việt Nam. Đây là điều tất yếu của dòng chảy văn hóa, vì cổ tranh giai đoạn này không chỉ truyền bá sang Việt Nam mà còn đến Triều Tiên, Nhật Bản, Lưu Cầu, Mông Cổ và được biến tấu cho phù hợp. Đàn tranh truyền thống của Việt Nam có 16 dây nên có thể, xuất xứ của nó là từ thập lục cương huyền cổ tranh từ khu vực Triều Châu, phía Nam Trung Quốc hoặc từ vùng đảo Đài Loan truyền sang nước ta. Theo ước tính khoảng từ thời Lý – Trần, tương đương với thời Tống – Nguyên bên Trung Quốc, đàn tranh đã được du nhập trong khi ban giao hoặc chiến tranh. Đàn tranh từ trước đến nay dùng trong dân gian phổ biến dưới dạng 15 – 16 dây, đôi khi ít thấy các biến thể 17, 19, 22 hoặc 24 dây hay hiện đại hơn là 26 dây. Đây là điểm đặc biệt của đàn tranh Việt Nam và đàn tranh ở Triều Châu, Đài Loan có mà các loại đàn tranh Á Đông khác không hề có. Qua 7, 8 thế kỷ, người Việt đã sử dụng và bản địa hóa đàn tranh Triều Châu, tạo cho nó phong cách đặc thù trong thủ pháp, ngón đàn, tay nhấn nhá, trong thang âm điệu thức, biến nó trở thành một loại nhạc cụ bản địa mang tính dân tộc, phù hợp với quan điểm thẩm mỹ của người Việt, và âm điệu phù hợp với ngôn ngữ âm nhạc Việt Nam.

Theo tài liệu của Thạc sĩ Võ Thanh Tùng và thông tin nghệ sĩ Chí Tâm chia sẻ: “Đàn tranh Việt Nam còn được gọi là đàn bán nguyệt, vì có hình dáng nửa vầng trăng… Nửa vầng trăng, tức bán nguyệt, tượng trưng cho nửa tháng, do đó đàn tranh có 15 -16 dây ứng với 15 – 16 ngày trong một tháng… Do đó đàn tranh còn gọi là thập lục huyền cầm (đàn mười sáu dây)… Đàn tranh Việt Nam lên dây theo lối cổ điển, dây 1 ứng với dây Hò nhất có âm vực 3 quãng 8…” Ngoài sự khác nhau ở số dây đàn, từ trước đến nay, chất liệu dây đàn tranh cũng được thay đổi từ dây tơ sang dây cước, từ dây đồng sang dây thép. Trên mặt đàn tranh lưu ý có 3 bộ phần là cầu đàn, trục đàn và con nhạn. Chỉ có đàn tranh Việt Nam và Đài Loan mới có trục đàn để lên dây, mặt phải đặt cầu đàn đế giữ dây đàn, còn mặt trái gắn các trục đàn đặt trực tiếp lên đàn, xếp hàng chéo để dây có độ ngắn dài khác nhau, tạo các âm thanh cao thấp trầm bổng. Trục đàn tốt thường được làm bằng chất liệu gỗ quý, khi muốn lên dây sẽ dùng khóa để lên dây. Điều này khác với những loại đàn tranh còn lại như koto (Nhật), gayageum (Hàn Quốc), yatga (Mông Cổ) và cổ tranh (Trung Quốc) không hề có trục đàn thì phần chỉnh dây đàn được giấu trong hộp điều âm ở cần đàn bên trái. Khi mở hộp ra có phần chỉnh dây đàn gọi là chốt dây, và người chơi sử dụng cờ lê chuyên dụng cho việc lên dây đàn để lên dây. Khi chơi đàn tranh, các nghệ sĩ Việt Nam không dùng 8 móng rời như nghệ sĩ cổ tranh mà dùng 3 móng có khoen tròn như nhẫn, đeo trực tiếp vào ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa của tay phải để gảy dây đèn.

Trong đó, điều đặc biệt của đàn tranh chính là ngựa đàn (hay còn gọi là con nhạn) đàn tranh Việt Nam được đặt vị trí giữa cầu đàn và trục đàn, nâng dây đàn lên và chia thành hai phần âm & dương. Khi rải dây đàn, gọi là “á”, sẽ rải bên phần dương bên phải con nhạn, nghe tiếng đàn như tiếng suối chảy; còn khi nhấn thì nhấn bên phần âm, phía bên trái con nhạn. Nhạn đàn tranh có một lỗ nhỏ xâu dây đàn qua. Trong hầu hết các biển thể của đàn tranh tại các quốc gia Á Đông đều có nhạn đàn nhưng vị tri sẽ khác nhau tùy theo mục đích sử dụng. Con nhạn cổ tranh Trung Quốc song song với hộp điều âm; khoảng cách giữa con nhạn với hộp điều âm là tiền nhạc sơn (bên phải) và hậu nhạc sơn (bên trái) của con nhạn. Nhạn đàn sắt, cổ tranh Trung Quốc, yatga Mông Cổ hay đàn tranh Việt Nam đều sử dụng con nhạn hình chiếc kìm chữ A mỏ vuông và có thể di chuyển được.

Nói về đàn tranh còn phải nhắc đến cách chơi đàn, các thủ pháp và kỹ thuật đặc biệt riêng của mỗi biến thể. Với những biến thể cổ tranh khác nhau lại có một cách chơi khác nhau, cùng các thủ pháp riêng giúp bản nhạc hay hơn, hoặc có thể sử dụng thêm các dụng cụ để chơi đàn. Do đó, khó có thể liệt kê hết tất cả các thủ pháp trong đàn tranh, quan trọng là cách học và tiếp thu của mỗi người chơi đàn. Đàn tranh có thể được xem là một dạng thức nhạc cụ phổ biến, có sức ảnh hưởng sâu rộng của âm nhạc Phương Đông, nó không chỉ lan tỏa đến các nước trong khu vực Đông Á mà còn lan tỏa đến các nước trong khu vực Đông Nam Á, Nam Á và Trung Á như ngày nay.

So sánh đàn tranh việt nam và trung quốc

Đàn tranh (Ảnh: Kênh iTV)

2.2. Đàn Nguyệt

Đàn nguyệt, bên cạnh đàn tranh, là một trong tứ tuyệt huyền cầm của dàn nhạc truyền thống. Đàn nguyệt, hay trong các dàn đờn ca tài tử còn gọi là đờn kìm, sở dĩ được gọi là nguyệt cầm do mặt đàn tròn như hình mặt trăng. Nguồn gốc của đàn nguyệt vốn xuất xứ từ Trung Quốc, ban đầu cần đàn ngắn và có 4 dây, về sau rút lại còn 2 dây. Đàn nguyệt chỉ rộng 2 quãng 8 nhưng lại có thể chơi được các cung linh hoạt, có thanh âm đanh, thường đảm nhận vai trò chính trong phần thể hiện phần dây cung của dàn nhạc.

2.2.1. Nguyệt cầm Trung Quốc

Theo lịch sử ghi chép từ thời Tây Tần và Chiến Quốc, nguyên bản của đàn nguyệt được phát minh ở Trung Quốc từ triều đại Tần thế kỷ III – thế kỷ V. Nguồn gốc của đàn nguyệt ngày nay là sự thay đổi từ đàn nguyễn (nguyễn huyền cầm). Theo Tỳ bà phú (Biên niên sử đàn tỳ bà) của Phụ Huyền của thời Tây Tấn, tỳ bà là cách gọi các loại đàn dây tơ có cần dài, không chỉ riêng loại đàn có mặt hình trái lê như ngày nay; có thể hiểu “tỳ” là gảy, còn “bà” là nhấn. Do đó, đàn dây tơ thời nhà Tần sẽ có tên gọi chung là Tần tỳ bà. Đến khoảng đời nhà Đường, trong triều đại của Võ Tắc Thiên có Đông Tấn – Nguyễn Hàm, cải tiến từ một loại đàn Tần tỳ bà thành một dạng đàn mới, mặt đàn hình tròn, có cần đàn ngắn cố định 13 phím đàn, phía trên gắn 4 trục ứng với 4 dây. Vì Nguyễn Hàm là một chuyên gia và nổi tiếng sử dụng nhạc cụ nên loại đàn này gọi là đàn nguyễn (nguyễn cầm). Đồng thời, chiếc nguyễn huyền cầm cũng được du nhập sang Nhật Bản từ Trung Quốc. Đây là một cây đàn nguyễn được làm bằng gỗ đàn hương đỏ và trang trí với khảm xà cừ. Riêng người Triều Tiên có loại đàn nguyệt là wol geum, gồm 4 dây và 13 phím. Đầu đàn hình lá liễu nhọn, có hốc luồn dây gồm 4 chốt chỉnh dây; cần đàn dài và thẳng. Từ các hiện vật cổ đại của đàn nguyễn còn sót lại cho thấy rằng diện mạo của nó ngày nay đã không thay đổi nhiều kể từ thế kỷ thứ VIII. Từ đó, chúng ta có thể nhận thấy được rằng chiếc đàn nguyệt (nguyệt cầm) của người Việt có nguồn gốc cơ bản từ đàn nguyễn.

Ngày nay, tuy đàn nguyễn không phổ biến như tỳ bà nhưng đàn nguyễn đã được cải tiến thành nhiều nhạc cụ khác nhau, nhỏ hơn và phổ biến nhiều hơn qua vài thế kỷ, như đàn nguyệt (nguyệt cầm) và đàn tần (tần cầm). Nguyệt cầm cải biến lại từ đàn nguyễn, có cần đàn dài hơn có gắn 8 phím đàn, hộp âm tròn như mặt trăng, và rút lại chỉ còn 2 dây (song thanh). Đàn nguyệt Trung Quốc có phần bầu vang hình bán cầu, bán nguyệt hoặc hình bát giác. Phần bầu đàn gắn với cần đàn dài, cố định 8 – 11 phím đàn cách nhau tạo nên âm ngũ cung. Phía đầu đàn có 4 trục luồn 4 dây đàn khác nhau, thường khảm khắc tinh xảo hình đầu rồng hay trông như cánh dơi. Điểm đặc biệt của nguyệt cầm Trung Quốc là học tập từ đàn nguyễn nên có 4 dây đàn, thường được làm bằng tơ se, hoặc ngày nay đã thay bằng dây cước hoặc dây thép bọc nylon. Về âm vực của nguyệt cầm Trung Quốc rộng và ít khi sử dụng toàn bộ, chỉ thấy dùng trong Kinh Kịch, với dây cao nhất (dây 1) lên thấp nhất (dây 4). Tần cầm và nguyệt cầm lúc bấy giờ là hai loại nhạc cụ trong nhóm đàn nguyễn thịnh hành ở khu vực Quảng Đông và Triều Châu, riêng Đài Loan có loại nguyệt cầm 7 ngăn. Và từ đây, đàn nguyệt dần truyền bá sang âm nhạc Việt Nam.

2.2.2. Đàn nguyệt Việt Nam

Trong giai đoạn cùng thời với đàn tranh, các loại nhạc cụ cổ truyền Trung Quốc lan rộng đến các vùng xa hơn ở phía Nam và phía Đông Trung Quốc, và dần truyền bá sang Việt Nam, Triều Tiên, Lưu Cầu, Nhật Bản và có thể đến cả Mông Cổ, Trung Á. Đàn nguyệt là một nhạc cụ nhỏ gọn, dễ sử dụng và di chuyển, do đó không khó để đàn nguyệt từ Quảng Đông, Triều Châu sang Việt Nam. Theo chia sẻ của nhạc sĩ Thanh Tâm về cây đàn nguyệt: “Đàn nguyệt trước kia gọi là nhật cầm, thời gian sau xuất hiện đàn đoản, cũng có mặt đàn tròn với cần đàn ngắn, nên người ta chuyển sang gọi đàn đoản là nhật cầm còn đàn nguyệt là nguyệt cầm…” Cứ theo những sử liệu của Trung Quốc cùng sự phân tích về thuyết khuếch tán văn hóa, chia sẻ của nhạc sĩ có thể đúng và đáng tin cậy. Đàn đoản mà dân gian gọi được miêu tả giống với đàn nguyễn bên Trung Quốc, vốn xuất hiện trước và tập trung nhiều ở vùng kinh đô. Khi đến các vùng và quốc gia lân cận, đàn nguyễn đã dần biến đổi thành đàn nguyệt và người dân sử dụng đàn nguyệt với tên gọi “nhật cầm” do mặt đàn tròn như mặt trời, về sau đàn nguyễn du nhập vào Việt Nam và theo người Trung Quốc gọi đàn cần dài là “nguyệt cầm” nên đã đổi đàn đoản thành “nhật cầm”. Thêm về tên gọi, khi vào trong miền Trung và Nam Bộ, đàn nguyệt xuất hiện nhiều trong các loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử, chầu văn Huế, ngâm thơ,… và có tên gọi khác là “đờn kìm”.

Theo tài liệu “Cổ nhạc tổ truyền nguyên lý” của nhạc sư Hai Ngưu có phân tích cấu tạo chiếc đờn kìm, hay đàn nguyệt rất chi tiết và đậm chất triết lý Phương Đông. Đàn nguyệt có tổng chiều dài 3 thước, đường kính hộp âm khoảng 6 tấc 5 phân, ý chỉ 365 ngày của một năm. Nếu so với đàn tranh, đàn tranh có hình bán nguyệt gồm 16 dây tương ứng với 16 ngày trong 1 tháng, cùng 16 con nhạn có thể di dời như cách mặt trăng vận hành có thể thay đổi và mang tính âm. Trong khi đó, đàn nguyệt (lúc còn gọi là nhật cầm) tròn như mặt trời có các số đo 3 thước – 6 tấc – 5 phân tượng trưng cho 365 ngày của 1 năm, cùng 8 phím cố định trên cần đàn không thể xê dịch, như bát quái chỉ 8 hướng, không thay đổi, mang tính dương. Đàn nguyệt Việt Nam khác nguyễn huyền cầm vì chỉ có 2 dây, tượng trưng cho âm dương lưỡng nghi, lúc trước gắn 4 trục biểu thị cho tứ tượng nhưng về sau chỉ còn 2 trục để chỉnh dây.

Tại Việt Nam, đàn nguyệt ở miền Bắc ứng dụng nhiều vào trong hát cung văn, ả đào và có một số điểm lưu ý khác với đờn kìm trong miền Nam dùng nhiều trong đờn ca tài tử, cải lương. Đàn nguyệt miền Bắc thường gắn 11 phím đàn cho âm vực rộng hơn, trong khi ở miền Nam chỉ có 8 phím. Khi đàn phải lên dây và đổi dây cho phù hợp với từng thể loại cụ thể, tuy đàn ở miền Bắc hay ở miền Nam đều có 2 dây nhưng cách lên dây sẽ khác nhau. Dây Bắc là kiểu lên dây cách nhau 5 quãng (C-F hay G-C), thường chơi những bản vui tươi, phấn khởi; còn dây Oán là kiểu lên dây cách nhau 6 quãng (C-E hay G-B), thường mang âm điệu trầm buồn, sâu lắng. Bên cạnh đó còn có dây Tố Lan, dây Tứ Nguyệt, dây Sa Giang, dây Nhị Ngũ,,… Do đó, điểm đặc biệt của đàn nguyệt Việt Nam là ở sự linh hoạt của việc lên dây đàn.

Nhìn chung, đàn nguyệt ở Việt Nam có những điểm khác với nguyệt cầm ở Trung Quốc. Tuy cùng chung nguồn gốc nhưng qua sự cải biến, cách sử dụng cũng như thêm thắt nhiều thủ pháp chơi đàn khác nhau, nhấn nhá tạo được các làn điệu đặc trưng trong nhã nhạc cung đình Huế hay trong các tác phẩm cải lương nên đàn nguyệt Việt Nam có thể nổi bật hơn nguyệt cầm của Trung Quốc. Mỗi nhạc cụ, mỗi cách sử dụng đều có cái hay, cái độc đáo riêng, tất cả đều hòa chung tạo nên một dàn nhạc độc đáo mang bản sắc, dấu ấn riêng biệt của dân tộc Việt Nam nhưng những điểm đặc sắc mà đàn nguyệt mang lại trong âm nhạc truyền thống Việt Nam là điều ta không thể phủ nhận.