Singapore có bao nhiêu đảng phái?

Để hiểu được tình hình chính trị của đảo quốc sư tử, chúng ta không thể không nhìn nhận tầm quan trọng của thể chế chính trị và các nhân vật, đảng phái, phong trào đối lập ở đất nước này. Bài viết này hy vọng sẽ không chỉ giúp người đọc có một góc nhìn khái quát về các nhân vật và đảng phái tiêu biểu của Singapore mà cũng sẽ hiểu được vai trò và ảnh hưởng của các đảng phái và phong trào đối lập đến các chính sách của PAP, cũng như vai trò của PAP đến sự tổ chức và định hướng của các đảng phái đối lập. 

Nội dung chính:

  • Đảng phái đối lập ở Singapore có nguồn gốc và chịu ảnh hưởng lớn từ phong trào lao động. 
  • Đường lối của các đảng phái đối lập chịu nhiều ảnh hưởng từ các biện pháp giới hạn, đàn áp và khống chế của đảng cầm quyền, đặc biệt là Luật An ninh Nội địa (ISA) – dù việc áp dụng của đạo luật này đến phe đối lập đã bị PAP thay bằng những biện pháp mới trong thế kỷ 21.
  • Hai đường lối chính của các đảng đối lập bao gồm đường lối ôn hòa – chủ trương hợp tác với PAP và thay đổi trong lâu dài, và đường lối cấp tiến – chủ trương đối đầu và lật đổ PAP.   
  • Các nhân vật thuộc các nhóm xã hội dân sự độc lập tận dụng mạng xã hội đang dần gây ảnh hưởng đến luồng dư luận cũng như các chính sách được cả PAP và các đảng đối lập theo đuổi. 

Ảnh hưởng của phong trào lao động đến các đảng đối lập Singapore

Như nhiều vùng lãnh thổ trong khu vực, nền chính trị hậu Thế Chiến thứ Hai của Singapore chịu ảnh hưởng lớn bởi hai xung đột lớn của thế giới đương đại. Một là Chiến tranh Lạnh giữa phe tư bản và xã hội chủ nghĩa. Hai là phong trào phi thực dân hóa ở những thuộc địa. Đình trệ kinh tế hậu chiến cũng như tự do hóa chế độ chính trị thực dân là những yếu tố giúp các phong trào lao động ở Singapore cũng như bán đảo Malaya nở rộ, với hàng loạt cuộc đình công đòi tăng lương và cải thiện điều kiện lao động nổ ra và bị đàn áp nặng nề. Áp lực giành độc lập từ các phong trào dân tộc chủ nghĩa cũng khiến Đảng Tiến bộ Singapore cầm quyền với chủ trương tự trị lâu dài bị chỉ trích gay gắt. 

Cải cách Hiến pháp Rendel năm 1954 tạo điều kiện cho nhiều đảng phái được thành lập tranh giành ảnh hưởng. Với sự ủng hộ lớn từ giai cấp lao động, Mặt trận Lao động dưới sự lãnh đạo của luật sư David Marshall đánh bật Đảng Tiến bộ khỏi vị trí lãnh đạo trong cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp đầu tiên của Singapore năm 1955. Dù vậy, thắng lợi này vẫn không cho phép Mặt trận có đa số ghế trong Hội đồng cũng như quyền lãnh đạo trong chính phủ, và phải thỏa hiệp với các đảng phái khác, đặc biệt là đảng dân tộc cực hữu UMNO. 

Phong trào lao động ở Singapore càng trở nên gay gắt, đặc biệt với bạo loạn ở công ty vận tải hành khách Hock Lee năm 1955 giữa công đoàn với sự ủng hộ của các liên đoàn học sinh gốc Hoa và ban lãnh đạo công ty với sự ủng hộ của chính quyền thực dân. Với David Marshall bất lực trong việc vực dậy nền kinh tế, giải quyết các xung đột của giới lao động cũng như hoàn thành sứ mệnh giành độc lập cho Singapore, năm 1956 David Marshall từ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Lâm Hữu Phúc (Lim Yew Hock) đảm nhiệm vị trí này và bắt đầu đàn áp phong trào lao động và học sinh ở Singapore, đặc biệt với việc sử dụng Luật An ninh Nội địa (ISA) khét tiếng để giam giữ các lãnh đạo cộng đoàn, học sinh và chính trị gia đối lập của các đảng phái tả khuynh. (Đây không phải là lần cuối cùng chính quyền Singapore sử dụng ISA để củng cố quyền lực, và sự hiện diện của ISA được xem như là một yếu tố có tầm ảnh hưởng quan trọng đến chiến lược và tổ chức của các đảng đối lập ở Singapore trong tương lai.)

Singapore có bao nhiêu đảng phái?
Lâm Tường Thành và Lý Quang Diệu (giữa) năm 1955. Ảnh: theindependent.sg.

Một trong những nạn nhân nhưng đồng thời giành nhiều ảnh hưởng nhất từ những diễn biến này là Đảng Nhân dân Hành động (PAP) dưới sự lãnh đạo của Lý Quang Diệu (Lee Kuan Yew) và Lâm Tường Thành (Lim Chin Siong). Dù nhiều thành viên bị giam giữ bởi chính quyền Lâm Hữu Phúc, PAP nhận được sự ủng hộ lớn từ giới lao động, bình dân và người Hoa. Từ vị thế của một đảng đối lập nhỏ, PAP đã trở thành một thế lực lớn của chính trị Singapore, với Lý Quang Diệu là luật sư bào chữa cho các công nhân trong cuộc bạo loạn năm 1955, và Lâm Tường Thành là một nhà tổ chức cũng như là một diễn thuyết gia tiếng Hoa tài ba. PAP thay Mặt trận Lao động trở thành ngọn cờ đầu của phong trào lao động và phong trào tự trị của Singapore, giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp năm 1959, với Lý Quang Diệu là thủ tướng đầu tiên của Singapore.

Tuy nhiên, sau thắng lợi năm 1959, trong nội bộ lãnh đạo PAP xuất hiện sự chia rẽ giữa phe cánh tả của Lâm Tường Thành và phe ôn hòa của Lý Quang Diệu và Ngô Khánh Thụy (Goh Keng Swee). Phe ôn hòa hiểu được tầm quan trọng của Lâm Tường Thành và tầng lớp lao động đến thắng lợi của PAP, tuy nhiên họ cũng nghi ngờ khuynh hướng thân cộng sản của phe cánh tả của PAP và ảnh hưởng của phe này đến các chính sách kinh tế – xã hội có chiều hướng ôn hòa hơn của Lý Quang Diệu và Ngô Khánh Thụy. 

Đỉnh điểm của sự chia rẽ này là vấn đề sáp nhập giữa Singapore và Liên bang Malaya, với phe cánh tả cực lực phản đối quá trình sáp nhập do PAP chủ trương. Lâm Tường Thành, Lý Thiệu Tổ (Lee Siew Choh) và phe cánh tả của PAP rời đảng và thành lập Barisan Sosialis với tư cách là đảng đối lập lớn nhất ở Singapore. 

Chịu sự ảnh hưởng của Vương quốc Anh và Liên bang Malaya, chính quyền Lý Quang Diệu áp dụng ISA để bắt giữ Lâm Tường Thành và các cán bộ cấp cao của Barisan Sosialis và Hiệp hội Các Công đoàn Singapore (Chiến dịch Coldstore), cho rằng đây là những thành phần tổ chức “âm mưu cộng sản”. Với bộ máy tổ chức bị tê liệt và các nhân vật cốt cán bị giam giữ, Barisan Sosialis thất bại hoàn toàn trong những cuộc bầu cử tiếp sau. 

Sự trỗi dậy của phe đối lập những năm 1980-90

PAP hiểu được mối đe dọa từ việc phe đối lập vận động tầng lớp lao động và liên kết với các công đoàn để gây khó dễ cho họ. Vì vậy, chính quyền Lý Quang Diệu thi hành hai chính sách chủ chốt nhằm giới hạn khả năng cạnh tranh và vận động của phe đối lập. 

Một là giới hạn khả năng tổ chức của giai cấp lao động bằng việc cấm các công đoàn độc lập hoạt động và giới hạn quyền đình công, thay vào đó là sự độc tôn của NTUC – tổ chức công đoàn trung thành với PAP và có xu hướng thân thiện hơn với giới tư bản. 

Hai là việc PAP nắm giữ khả năng sử dụng ISA để đàn áp những cá nhân và tổ chức “gây đe dọa đến an ninh trật tự quốc gia”, đặc biệt với việc gán mác “cộng sản” đến những cá nhân và tổ chức này. Hai chính sách trên đã giúp PAP nắm quyền không có đối thủ trong vòng gần 20 năm. 

Những năm 1980 đánh dấu cao trào kinh tế thị trường theo chỉ đạo của nhà nước của PAP, tuy vậy, nhiều vấn đề kinh tế – xã hội mới nảy sinh. Nền kinh tế thị trường mang lại tăng trưởng kinh tế nhưng cũng gây ra bất bình đẳng thu nhập và xã hội, với giới lao động phổ thông một lần nữa đối đầu với chính quyền PAP. 

Thêm vào đó, một loạt các chính sách xã hội của Lý Quang Diệu được Quốc hội thông qua nhưng lại bị công chúng chỉ trích gay gắt, đặc biệt là chính sách “Những người mẹ Cử nhân”. Với chủ đích chỉ khuyến khích phụ nữ với bằng cử nhân trở lên lập gia đình, chính sách này bị cho là phân biệt giai cấp, phân biệt sắc tộc (đa số phụ nữ học đại học bấy giờ là người Hoa) và là một chính sách ưu sinh học (giống như chính sách thuần huyết của Đức Quốc xã). 

Đằng sau những thiếu sót này của PAP là sự chuyển giao quyền lực giữa hai thế hệ lãnh đạo của PAP, với Ngô Tác Đống (Goh Chok Tong) được Lý Quang Diệu chuẩn bị để trở thành thủ tướng thứ hai của Singapore. Trong bối cảnh này, các đảng phái đối lập nhanh chóng nắm bắt cơ hội, với hai đại diện tiêu biểu là Đảng Công nhân và Đảng Dân chủ Singapore.

Singapore có bao nhiêu đảng phái?
Ông J.B Jeyaretnam trong một cuộc mít-tinh của Đảng Công nhân ngày 25/8/1988. Ảnh: Bộ Thông tin và Nghệ thuật Singapore.

Đảng Công nhân (WP) được thành lập bởi David Marshall sau thất bại của ông năm 1957, nhưng không có nhiều ảnh hưởng bởi sự hiện diện của Barisan Sosialis. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của J.B Jeyaretnam (JBJ), Đảng Công nhân trở thành một trong những đảng đối lập với sự hiện diện lớn, cạnh tranh với PAP ở nhiều quận khác nhau. Năm 1981, JBJ giành thắng lợi ở quận Anson và trở thành nghị sĩ đối lập đầu tiên của Singapore sau độc lập năm 1965, phá thế độc tôn của PAP trong quốc hội. 

Đảng Dân chủ Singapore (SDP) được thành lập năm 1980 dưới sự lãnh đạo của luật sư Chiêm Thời Trung (Chiam See Tong). Chiêm Thời Trung tranh cử ở quận Potong Pasir năm 1984 và giành thắng lợi áp đảo so với ứng cử viên của PAP, trở thành nghị sĩ đối lập thứ hai của Singapore. Chiêm Thời Trung giữ ghế Potong Pasir cho đến năm 2011 (với tư cách là đảng viên SDP và Đảng Nhân dân Singapore – SPP), và là nghị sĩ đối lập giữ ghế lâu dài nhất của Singapore cho đến thời điểm hiện tại.  

Singapore có bao nhiêu đảng phái?
Ông Chiêm Thời Trung và J.B Jeyaretnam. Ảnh: wakeupsg.com.

Việc mất thế độc tôn ở Quốc hội là hồi chuông cảnh tỉnh cho chính quyền PAP, đòi hỏi chính quyền phải có những hành động đáp trả để bảo vệ quyền lực. Tiếp tục áp dụng ISA, chính quyền tạm giam 22 nghi phạm bị cáo buộc tổ chức “âm mưu Mác-xít” (Chiến dịch Spectrum năm 1987), cáo buộc đã bị nhiều nhà sử học chỉ trích là thiếu căn cứ. 

Thêm vào đó, năm 1986, chính phủ cấm nghị sĩ JBJ tham gia tranh cử cho đến năm 1991 vì cáo buộc sai phạm trong việc kiểm toán nội bộ WP – một cáo buộc được cho là có động cơ chính trị. 

Bên cạnh đó, Quốc hội thông qua các thay đổi về luật bầu cử, đặc biệt là với sự xuất hiện của các “vùng tranh cử nhóm” – một chính sách được cho là nhằm bảo vệ các ứng cử viên mới của PAP không bị qua mặt bởi các ứng cử viên đối lập nhiều kinh nghiệm hơn. 

Dù bị ảnh hưởng bởi những diễn biến này, WP và SDP vẫn tiếp tục giữ vững vị thế của mình trên chính trường. Trong cuộc bầu cử năm 1991, tân Thủ tướng Ngô Tác Đống và PAP mất thêm ba ghế vào tay phe đối lập: ba ghế cho SDP, và một ghế ở quận Hậu Cảng cho ứng cử viên WP Lưu Trình Cường (Low Thia Kiang) – một nhân vật quan trọng của phe đối lập cho đến thời điểm hiện nay.  

Cần phải nói thêm về di sản của hai nghị sĩ đầu tàu của phe đối lập là JBJ và Chiêm Thời Trung. Đều cạnh tranh với PAP, lập trường và định hướng của hai nhân vật này khá khác nhau. Nếu JBJ là một người chủ trương bài PAP mọi lúc mọi nơi, Chiêm Thời Trung được xem như là một người chủ trương ôn hòa theo hình mẫu “đối lập trung thành” của Anh quốc, chỉ chỉ trích PAP khi thật sự cần thiết, và không thách thức quyền lực của đảng cầm quyền. Cho đến thời điểm hiện tại, đây chính là hai xu hướng chính của phe đối lập Singapore: bị ảnh hưởng bởi các hình thức đáp trả của PAP, cũng như gây ảnh hưởng đến nhận thức của PAP về tương lai chính trường Singapore – một tương lai mà đảng cầm quyền phải chia sẻ quyền lực với phe đối lập. 

Đường lối nào cho phe đối lập ở thế kỷ 21?

Thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 đánh dấu một lần nữa giai đoạn chuyển giao quyền lực giữa thế hệ lãnh đạo thứ hai và thứ ba của PAP, cũng như những bất trắc kinh tế – xã hội, hậu quả của khủng hoảng tài chính châu Á cũng như sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực đoan hậu 11/9. Đây cũng là giai đoạn chuyển tiếp của các đảng đối lập, với tiêu điểm là Lưu Trình Cường của WP và Từ Thuận Toàn (Chee Soon Juan) của SDP. 

Singapore có bao nhiêu đảng phái?
Ông Lưu Trình Cường và Thủ tướng Lý Hiển Long bên hành lang Quốc hội Singapore năm 2018. Ảnh: Đảng Công nhân Singapore.

Sự thăng tiến của hai nhân vật đánh dấu những mâu thuẫn nội bộ dẫn đến sự hoán đổi về chủ trương của hai đảng. Nếu việc Lưu Trình Cường trở thành lãnh đạo của WP là do sự thất bại của JBJ và chủ trương của ông, Từ Thuận Toàn trở thành lãnh đạo của SDP trong một cuộc “đảo chính” nội bộ, đẩy Chiêm Thời Trung khỏi đảng và theo đuổi chủ trương cực đoan và dân túy giống JBJ những năm 80-90. 

Kết quả của sự hoán đổi chủ trương này là thắng lợi lớn cho phe đối lập ôn hòa của Chiêm Thời Trung và Lưu Trình Cường. Từ Thuận Toàn và SDP liên tục thất bại trong các cuộc tranh cử hậu Chiêm Thời Trung, và không chỉ vậy ông còn gây tranh cãi khi cho rằng Thủ tướng Ngô Tác Đống cho cựu Tổng thống Indonesia Suharto vay 18 tỷ đô-la – cáo buộc khiến Từ Thuận Toàn bị kiện và phá sản năm 2006 và bị cấm tham gia tranh cử cho đến năm 2015 – một kết cục không quá khác với JBJ. 

Mặt khác, Chiêm Thời Trung và Lưu Trình Cường giành được nhiều thắng lợi trên chính trường. Cả hai giành thắng lợi ở Potong Pasir và Hậu Cảng trong tất cả các cuộc tranh cử. Đặc biệt, họ giành chiến thắng trước hai ứng viên PAP trong tổng tuyển cử năm 2006 khi chính Ngô Tác Đống được tân Thủ tướng Lý Hiển Long (Lee Hsien Loong) giao trách nhiệm giúp hai ứng viên PAP vận động tranh cử. 

Năm 2011 đánh dấu bước ngoặt lớn tiếp theo của phong trào đối lập ở Singapore. Với nền kinh tế Singapore bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính năm 2008-09, WP tận dụng cơ hội và giành thắng lợi không chỉ ở Hậu Cảng mà còn ở vùng tranh cử nhóm Aljunied – lần đầu tiên trong lịch sử PAP nhận thất bại ở một vùng tranh cử nhóm – nâng số nghị sĩ đối lập lên con số 9. Con số này là 10 nghị sĩ, khi WP giành thắng lợi ở quận Punggol Đông vào năm 2013. 

Singapore có bao nhiêu đảng phái?
Ông Từ Thuận Toàn (trái) đi tiếp xúc cử tri trước cuộc tổng tuyển cử năm 2015. Ảnh: Wikimedia Commons/Dexterleezh, CC BY-SA.

Tại sao WP có thể giành được thắng lợi trong khi SDP và Từ Thuận Toàn không thể? 

Lý do lớn nhất có lẽ là chủ trương của PAP trong việc kiểm soát và áp đặt một hệ thống tư tưởng lên Singapore – thay vì áp dụng ISA như trong quá khứ. Bao gồm trong hệ tư tưởng này là một chủ nghĩa thực dụng trong chính trị: các đảng phái và ứng cử viên đối lập cần phải theo các thước đo chuẩn mực của PAP để thắng cử. Mô hình này không chỉ dừng lại ở các chính sách ôn hòa, mà còn ở lý lịch và bằng cấp của các ứng viên đối lập của WP. 

Đơn cử là Pritam Singh, một chính khách từng nhận được học bổng đại học từ Quân đội Singapore và du học cao học ở Vương quốc Anh. Pritam Singh là hình mẫu của chính khách đối lập hiện đại của Singapore, khác biệt với hình mẫu của các ứng viên từ tầng lớp bình dân trong quá khứ. Vì lý do này, kể cả khi PAP thất bại ở Hougang, Aljunied và Punggol Đông, hệ tư tưởng của PAP tiếp được củng cố. WP thắng khi trở thành một “PAP phiên bản thu nhỏ” trong tiềm thức của người dân Singapore, còn SDP thua khi cố gắng là một đảng phái hoàn toàn khác biệt với đảng PAP cầm quyền. 

Singapore có bao nhiêu đảng phái?
Ông Pritam Singh phát biểu tại Quốc hội Singapore. Ảnh: motherhip.sg.

Thắng lợi của WP bị rút ngắn khi PAP giành thắng lợi lớn năm 2015 – năm kỷ niệm 50 năm giành độc lập cũng như là năm cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu qua đời. WP đánh mất Punggol Đông, và số phiếu bầu cho phe đối lập giảm mạnh so với năm 2011. 

Tuy vậy, PAP trong “cơn men say chiến thắng” đã phạm một số sai lầm chính trị trong bốn năm trở lại đây. 

Thứ nhất, quyết định giới hạn quyền tranh cử tổng thống năm 2017 chỉ cho các ứng viên người gốc Mã Lai dẫn đến nhiều bức xúc trong công chúng, đặc biệt khi ứng viên được PAP ủng hộ, nguyên Chủ tịch Quốc hội và Tổng thống đương nhiệm Halimah Yacob hoàn toàn có thể giành chiến thắng một cách công bằng nếu như tranh cử mở. Quyết định này của PAP được nhiều người xem như là một phản ứng nhất thời để ngăn chặn Trần Thanh Mộc (Tan Cheng Bock), một ứng viên đối lập được công chúng ủng hộ, trở thành tổng thống. 

Thêm vào đó, việc chính phủ theo đuổi Bộ luật Phòng chống Thao túng và Giả mạo Thông tin mạng (POFMA) (một đạo luật gần giống Luật An ninh mạng ở Việt Nam) đã gây nhiều biến động trong dư luận. Đa số chỉ trích cho rằng chính phủ muốn dùng luật để khống chế luồng thông tin mạng và phủ nhận những gì khác với luồng thông tin lề phải của PAP. Hơn nữa, những vấn đề kinh tế – xã hội từ đầu thập niên vẫn tiếp diễn, ví dụ như vẫn đề tăng giá căn hộ công, minh bạch đầu tư nhà nước và những căng thẳng về chính sách nhập cư. 

Một trong những thay đổi lớn của phong trào đối lập đương đại là quá trình phân cấp và phân hóa của các nhóm đối lập. WP vẫn giữ vai trò trung tâm, tuy nhiên với việc đảng này quá ôn hòa và không chỉ trích PAP quyết liệt hơn – nhiều nhóm đối lập cũ và mới nhanh chóng giành lấy cơ hội để tạo ảnh hưởng. Từ Thuận Toàn và SDP vẫn là đầu tàu của phe cực đoan, nhưng bên cạnh đó là Đảng Quốc dân Vị tiến (SingFirst) cực hữu đòi hạn chế dân nhập cư, Đảng Cải cách (RP) đòi minh bạch hóa tài chính nhà nước, cũng như những đảng phái đã và đang tiếp tục hoạt động từ thế kỷ trước như SPP và Đảng Quốc dân Đoàn kết (NSP). 

Thêm vào đó là những nhân vật độc lập từ các nhóm xã hội dân sự, học giả, các nhà hoạt động xã hội trí thức công chúng như Jolovan Wham, Alfian Sa’at, Đàm Bỉnh Hâm (Thum Ping Tjin) và các trang thông tin – tin tức độc lập như Rice Media và New Naratif sử dụng mạng xã hội để chỉ trích các chính sách của nhà nước và phơi bày các hậu quả kinh tế xã hội của những chính sách này. 

Một trong những diễn biến nổi bật của các nhóm này là việc phơi bày ảnh hưởng của các chính sách PAP đến các vấn đề giai cấp và bất bình đẳng xã hội. Bắt đầu với đầu sách “Đây là Bất bình đẳng xã hội” của học giả xã hội học Teo You Yenn, vấn đề bình đẳng xã hội trở thành tiêu điểm của dư luận trong những năm 2018-2019 và buộc PAP phải điều chỉnh các chính sách cũng như hệ tư tưởng về công bằng xã hội. Chính những nhân vật bên ngoài chính trường truyền thống này đã gây ảnh hưởng lớn đến đường lối của PAP, đặc biệt là sự tái xuất hiện của một số chính khách thân tả trong nội bộ PAP. 

Singapore có bao nhiêu đảng phái?
Năm ứng cử viên nổi bật của mùa bầu cử 2020: Heng Swee Keat (PAP), Pritam Singh (WP), Tan Cheng Bock (PSP), Jamus Lim (WP) và Paul Tambyah (SDP). Ảnh: ibtimes.sg.

Tiến đến tổng tuyển cử 2020

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, nền kinh tế nhiều khả năng suy giảm, PAP mắc phải nhiều sai lầm chính trị, WP chịu chỉ trích là quá ôn hòa, cũng như sự xuất hiện của các tiếng nói đối lập trong quần chúng, Singapore đang tiến đến cuộc tổng tuyển cử vào ngày 10/7/2020. Đây là thách thức lớn tiếp theo đối với sự chuyển giao quyền lực của PAP, giữa thế hệ lãnh đạo thứ ba của Thủ tướng Lý Hiển Long và người kế thừa thuộc thế hệ thứ 4 (4G) Vương Thụy Kiệt, cũng như là thách thức lớn cho WP bây giờ dưới sự lãnh đạo của Pritam Singh, người thay Lưu Trình Cường làm bí thư đảng. 

Bị chỉ trích là quá ôn hòa so với các bậc tiền bối, Pritam Singh sẽ chịu sức ép không chỉ từ PAP – đặc biệt về vấn đề quản lý tài chính của Ban Quản lý khu vực Aljunied-Hougang – mà còn từ các phe đối lập có xu hướng cực đoan và cấp tiến hơn. Tuy vậy, với việc ra mắt hàng loạt những ứng viên trẻ và tài năng, Pritam Singh và WP hy vọng gia tăng sự ủng hộ của giới trẻ cũng như gia giảm khoảng cách về tiềm lực với PAP. Ngược lại, Vương Thụy Kiệt và thế hệ 4G của PAP cũng vấp phải nhiều khủng hoảng chính trị trong giai đoạn chuyển tiếp, đặc biệt trong việc đối phó với dịch COVID-19. Vương Thụy Kiệt cũng thường bị xem là thiếu quyết đoán và cá tính như các chính trị gia tiền bối, với nhiều người dân Singapore cho rằng ông không có khả năng để làm thủ tướng so với những chính trị gia khác của PAP. 

Thêm vào đó, hai đảng phái mới là Đảng Tân Tiến Singapore (PSP) và Đảng Tiếng nói Nhân dân (PVP) xuất hiện trên chính trường. 

Do cựu ứng viên tổng thống Trần Thanh Mộc thành lập và lãnh đạo, PSP được xem như là một đảng phái ôn hòa mới, với Trần Thanh Mộc là một cựu nghị sĩ PAP thuộc thế hệ lãnh đạo thứ hai rất được dân chúng yêu mến. Tuy vậy, dư luận cho rằng PSP là “bình mới rượu cũ”, đại diện cho những quyền lực cũ của PAP hơn là một đảng phái với tầm nhìn và chính sách có mục đích cải thiện nền chính trị – xã hội Singapore. PVP dưới sự lãnh đạo của Lâm Đỉnh được xem như là một phiên bản của SDP, theo đuổi chủ nghĩa dân túy của Từ Thuận Toàn và JBJ nhưng mang màu sắc cực hữu, phản đối chính sách dân số của PAP. 

Trước thềm bầu cử PAP tiếp tục giới hạn ảnh hưởng của phe đối lập bằng các biện pháp như thay đổi ranh giới các khu vực bầu cử và kiểm soát thông tin, dư luận về tình hình kinh tế – xã hội và các chính sách nhà nước thông qua các đạo luật. 

Tuy vậy, Singapore năm 2020 là một xã hội rất khác so với năm 1965, 1988 hay thậm chí là 2015, với xu hướng bài PAP ngày càng trở nên gay gắt về vấn đề dân số, việc làm và dịch COVID-19. Và dù PAP vẫn sẽ tiếp tục giành thắng lợi, phe đối lập với sự hiện diện của những chính trị gia cũ và mới – đặc biệt là từ WP – hy vọng gây bất ngờ và giành thêm nhiều số ghế trong quốc hội, đồng thời làm giảm uy tín của thế hệ lãnh đạo 4G của đảng cầm quyền PAP.