Quy định về thanh toán hợp đồng xây dựng năm 2024

Hợp đồng xây dựng là văn bản quan trọng không thể thiếu khi bắt đầu hợp tác giữa chủ đầu tư và nhà thầu, mang ý nghĩa quan trọng về cả mặt lợi ích lẫn pháp lý, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của cả 2 bên. Vì vậy, thanh toán hợp đồng xây dựng lại càng quan trọng hơn. Mỗi loại hợp đồng sẽ có hình thức và hồ sơ thanh toán hợp đồng cần chuẩn bị khác nhau. Do đó, cần tìm hiểu kỹ các quy định để đảm bảo quyền và lợi ích khi tham gia ký kết hợp đồng xây dựng, đặc biệt khi thanh toán hợp đồng xây dựng để tránh mất thời gian về sau. Cùng NPLAW tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

I. Lưu ý khi thực hiện thanh toán hợp đồng xây dựng?

  • Khi thực hiện thanh toán hợp đồng xây dựng cần lưu ý đến các vấn đề sau:
  • Một, nguyên tắc thanh toán hợp đồng xây dựng để đảm bảo đúng luật và phù hợp với loại hợp đồng, giá hợp đồng và các điều kiện trong hợp đồng mà các bên đã ký kết.
  • Hai, trách nhiệm của các bên trong thanh toán hợp đồng xây dựng. Điều này nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên trong hợp đồng, tránh tranh chấp về sau.
  • Ba, thanh toán đối với các loại hợp đồng xây dựng. Bởi vì mỗi loại hợp đồng xây dựng có hình thức thanh toán khác nhau, do đó cần lưu ý xem loại hợp đồng mà các bên ký kết là gì để lựa chọn thanh toán phù hợp và đúng luật.
  • Bốn, thời hạn thanh toán hợp đồng xây dựng.
  • Năm, đồng tiền thanh toán hợp đồng xây dựng, các bên lưu ý không được sử dụng ngoại tệ để thanh toán hợp đồng vì đây là hành vi vi phạm pháp luật, trừ khi hợp đồng mà các bên ký kết thuộc trường hợp được phép sử dụng ngoại tệ.

II. Nguyên tắc thanh toán hợp đồng xây dựng là gì?

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 và khoản 9 Điều 19 Nghị định 37/2015/NĐ-CP về nguyên tắc thanh toán hợp đồng xây dựng phải đáp ứng:

Thứ nhất, việc thanh toán hợp đồng xây dựng phải phù hợp với loại hợp đồng, giá hợp đồng và các điều kiện trong hợp đồng mà các bên đã ký kết. Khi thanh toán theo các thỏa thuận trong hợp đồng các bên không phải ký phụ lục hợp đồng, trừ trường hợp bổ sung công việc chưa có trong hợp đồng.

Quy định về thanh toán hợp đồng xây dựng năm 2024

Thứ hai, việc thanh toán các khối lượng phát sinh (ngoài hợp đồng) chưa có đơn giá trong hợp đồng thực hiện theo các thỏa thuận hợp đồng hoặc thỏa thuận bổ sung hợp đồng mà các bên đã thống nhất trước khi thực hiện và phải phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan.

III. Hình thức thanh toán hợp đồng xây dựng được pháp luật quy định như thế nào?

Theo khoản 3 Điều 21 Nghị định 37/2015/NĐ-CP quy định về hình thức thanh toán hợp đồng xây dựng gồm:

  • Tiền mặt
  • Chuyển khoản
  • Hình thức khác

Các bên có thể thỏa thuận hình thức thanh toán nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật và phải được ghi trong hợp đồng.

Quy định về thanh toán hợp đồng xây dựng năm 2024

Ngoài ra theo khoản 2 Điều 19 Nghị định 37/2015/NĐ-CP thì các bên có thể thỏa thuận về số lần thanh toán, giai đoạn thanh toán, thời điểm thanh toán, thời hạn thanh toán, hồ sơ thanh toán và điều kiện thanh toán.

IV. Hồ sơ thanh toán hợp đồng xây dựng theo quy định pháp luật

Theo Điều 20 Nghị định 37/2015/NĐ-CP quy định về hồ sơ thanh toán hợp đồng xây dựng, cụ thể từng trường hợp sẽ cần chuẩn bị những giấy tờ khác nhau.

Thứ nhất, đối với hợp đồng trọn gói, hồ sơ gồm:

  • Biên bản nghiệm thu khối lượng hoàn thành trong giai đoạn thanh toán có xác nhận của đại diện bên giao thầu hoặc đại diện tư vấn (nếu có) và đại diện bên nhận thầu; biên bản nghiệm thu khối lượng này là bản xác nhận hoàn thành công trình, hạng mục công trình, khối lượng công việc phù hợp với phạm vi công việc phải thực hiện theo hợp đồng (đối với hợp đồng thi công xây dựng phù hợp với phạm vi công việc phải thực hiện theo thiết kế; đối với hợp đồng tư vấn phù hợp với nhiệm vụ tư vấn phải thực hiện) mà không cần xác nhận khối lượng hoàn thành chi tiết;
  • Bảng tính giá trị nội dung của các công việc phát sinh (nếu có) ngoài phạm vi hợp đồng đã ký kết có xác nhận của đại diện bên giao thầu hoặc đại diện tư vấn (nếu có) và đại diện bên nhận thầu;
  • Đề nghị thanh toán của bên nhận thầu cần thể hiện các nội dung: Giá trị khối lượng hoàn thành theo hợp đồng, giá trị khối lượng các công việc phát sinh (nếu có), giảm trừ tiền tạm ứng, giá trị đề nghị thanh toán trong giai đoạn sau khi đã bù trừ các Khoản này có xác nhận của đại diện bên giao thầu và đại diện bên nhận thầu.

Thứ hai, đối với hợp đồng theo đơn giá cố định, hồ sơ gồm:

  • Biên bản nghiệm thu khối lượng hoàn thành thực tế (tăng hoặc giảm so với khối lượng theo hợp đồng) trong giai đoạn thanh toán có xác nhận của đại diện bên giao thầu hoặc đại diện tư vấn (nếu có) và đại diện bên nhận thầu;
  • Bảng tính giá trị cho những công việc chưa có đơn giá trong hợp đồng (nếu có), trong đó cần thể hiện cả khối lượng và đơn giá cho các công việc này có xác nhận của đại diện bên giao thầu hoặc đại diện tư vấn (nếu có) và đại diện bên nhận thầu;
  • Đề nghị thanh toán của bên nhận thầu cần thể hiện các nội dung: Giá trị khối lượng hoàn thành theo hợp đồng, giá trị khối lượng các công việc phát sinh (nếu có), giảm trừ tiền tạm ứng, giá trị đề nghị thanh toán trong giai đoạn sau khi đã bù trừ các Khoản này có xác nhận của đại diện bên giao thầu và đại diện bên nhận thầu.

Thứ ba, đối với hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh, hồ sơ gồm:

  • Biên bản nghiệm thu khối lượng hoàn thành thực tế (tăng hoặc giảm so với khối lượng theo hợp đồng) trong giai đoạn thanh toán có xác nhận của đại diện bên giao thầu hoặc đại diện tư vấn (nếu có) và đại diện bên nhận thầu;
  • Bảng tính đơn giá đã điều chỉnh do trượt giá (còn gọi là đơn giá thanh toán) theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng có xác nhận của đại diện bên giao thầu hoặc đại diện nhà tư vấn (nếu có) và đại diện bên nhận thầu;
  • Bảng tính giá trị cho những công việc chưa có đơn giá trong hợp đồng (nếu có), trong đó cần thể hiện cả khối lượng và đơn giá cho các công việc này có xác nhận của đại diện bên giao thầu hoặc đại diện tư vấn (nếu có) và đại diện bên nhận thầu;
  • Đề nghị thanh toán của bên nhận thầu cần thể hiện các nội dung: Giá trị khối lượng hoàn thành theo hợp đồng, giá trị khối lượng các công việc phát sinh (nếu có), giảm trừ tiền tạm ứng, giá trị đề nghị thanh toán trong giai đoạn sau khi đã bù trừ các Khoản này có xác nhận của đại diện bên giao thầu và đại diện bên nhận thầu.

Thứ tư, đối với hợp đồng theo thời gian, hồ sơ gồm:

  • Biên bản nghiệm thu thời gian làm việc thực tế hoặc bảng chấm công (theo tháng, tuần, ngày, giờ) tương ứng với kết quả công việc trong giai đoạn thanh toán có xác nhận của đại diện bên giao thầu hoặc đại diện tư vấn (nếu có) và đại diện bên nhận thầu. Trường hợp, trong quá trình thực hiện có công việc phát sinh cần phải bổ sung chuyên gia mà trong hợp đồng chưa có mức thù lao cho các chuyên gia này thì các bên phải thỏa thuận và thống nhất mức thù lao trước khi thực hiện. Khi đó, hồ sơ thanh toán phải có bảng tính giá trị các công việc phát sinh (nếu có) ngoài phạm vi công việc phải thực hiện theo hợp đồng và được đại diện các bên: Giao thầu hoặc đại diện tư vấn (nếu có) và bên nhận thầu xác nhận;
  • Đề nghị thanh toán của bên nhận thầu cần thể hiện các nội dung: Giá trị hoàn thành theo hợp đồng, giá trị cho những công việc phát sinh (nếu có), giảm trừ tiền tạm ứng, giá trị đề nghị thanh toán trong giai đoạn sau khi đã bù trừ các Khoản này có xác nhận của đại diện bên giao thầu và đại diện bên nhận thầu.

Thứ năm, đối với các hợp đồng xây dựng có công việc cung cấp thiết bị, thì khối lượng hoàn thành có thể căn cứ vào hóa đơn, chứng từ, vận đơn, biên bản nghiệm thu, bàn giao thiết bị và các tài liệu khác có liên quan.

Thứ sáu, Đối với các hợp đồng xây dựng có công việc tư vấn khó xác định khối lượng hoàn thành (khối lượng hoàn thành chỉ mang tính chất tương đối) thì khối lượng hoàn thành được xác định căn cứ vào các hồ sơ, tài liệu hay các sản phẩm mà bên nhận thầu đã hoàn thành được bên giao thầu xác nhận phù hợp với giai đoạn thanh toán được thỏa thuận trong hợp đồng.

V. Quyết toán hợp đồng xây dựng ra sao?

Quyết toán hợp đồng xây dựng được thực hiện theo Điều 22 Nghị định 37/2015/NĐ-CP, theo đó quyết toán hợp đồng là việc xác định tổng giá trị cuối cùng của hợp đồng xây dựng mà bên giao thầu có trách nhiệm thanh toán cho bên nhận thầu khi bên nhận thầu hoàn thành tất cả các công việc theo thỏa thuận trong hợp đồng.

Quy định về thanh toán hợp đồng xây dựng năm 2024

Tùy từng loại hợp đồng và giá hợp đồng mà bên nhận thầu lập hồ sơ quyết toán hợp đồng sao cho phù hợp. Nội dung của hồ sơ quyết toán hợp đồng xây dựng phải phù hợp với các thỏa thuận trong hợp đồng, các tài liệu quyết toán cần chuẩn bị bao gồm:

  • Biên bản nghiệm thu hoàn thành toàn bộ công việc thuộc phạm vi hợp đồng và công việc phát sinh ngoài phạm vi hợp đồng.
  • Bảng tính giá trị quyết toán hợp đồng xây dựng (gọi là quyết toán A-B), trong đó nêu rõ giá trị công việc hoàn thành theo hợp đồng; giá trị khối lượng công việc phát sinh (nếu có) ngoài phạm vi công việc theo hợp đồng đã ký, giá trị đã thanh toán hoặc tạm thanh toán và giá trị còn lại mà bên giao thầu có trách nhiệm thanh toán cho bên nhận thầu.
  • Hồ sơ hoàn công, nhật ký thi công xây dựng công trình đối với hợp đồng có công việc thi công xây dựng.
  • Các tài liệu khác theo thỏa thuận trong hợp đồng.

Thời hạn thực hiện quyết toán hợp đồng xây dựng được quy định tại khoản 2 Điều 147 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm c khoản 64 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng thì: “Các bên có thể thỏa thuận về thời hạn thực hiện quyết toán hợp đồng xây dựng. Tuy nhiên đối với hợp đồng xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, thời hạn quyết toán hợp đồng không vượt quá 60 ngày, kể từ ngày nghiệm thu hoàn thành toàn bộ công việc của hợp đồng, bao gồm cả phần công việc phát sinh (nếu có). Trường hợp hợp đồng xây dựng có quy mô lớn thì được phép kéo dài thời hạn thực hiện quyết toán hợp đồng nhưng không vượt quá 120 ngày.”

VI. Các câu hỏi thường gặp

1. Các bên dùng vàng thực hiện thanh toán hợp đồng được không?

Tại khoản 4 Điều 19 Nghị định 24/2012/NĐ-CP quy định rằng sử dụng vàng là phương tiện thanh toán là một trong các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh vàng. Như vậy, các bên trong hợp đồng không được sử dụng vàng để thực hiện thanh toán hợp đồng.

2. Mức xử phạt hành chính khi dùng vàng thực hiện thanh toán hợp đồng như thế nào?

Căn cứ khoản 1 và khoản 2 Điều 24 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về mức xử phạt hành chính khi dùng vàng thực hiện thanh toán hợp đồng như sau:

  • Phạt cảnh cáo đối với hành vi sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán.
  • Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần.

Lưu ý: Trên đây là mức phạt đối với cá nhân, đối với tổ chức vi phạm sẽ bị phạt gấp đôi theo điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định 88/2019/NĐ-CP.

3. Dùng ngoại tệ thanh toán hợp đồng giữa các bên trong nước được không?

Căn cứ theo Điều 22 Pháp lệnh ngoại hối 2005 sửa đổi bởi khoản 13 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh ngoại hối năm 2013 thì:

“Điều 22. Quy định hạn chế sử dụng ngoại hối

Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.”

Đồng thời, theo Điều 3 Thông tư 32/2013/TT-NHNN quy định về việc hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam thì trừ các trường hợp được sử dụng ngoại hối thì mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác (bao gồm cả quy đổi hoặc điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ, giá trị của hợp đồng, thỏa thuận) của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối.

Quy định về thanh toán hợp đồng xây dựng năm 2024

Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 37/2015/NĐ-CP quy định như sau:

“Điều 21. Đồng tiền và hình thức thanh toán hợp đồng xây dựng

1. Đồng tiền sử dụng trong thanh toán hợp đồng xây dựng là Đồng Việt Nam; trường hợp sử dụng ngoại tệ để thanh toán do các bên hợp đồng thỏa thuận nhưng không trái với quy định của pháp luật về ngoại hối.”

Như vậy, các bên trong nước khi tham gia giao kết hợp đồng có thể dùng ngoại tệ để thanh toán hợp đồng nếu như các bên tham gia hợp đồng có thỏa thuận với nhau, và việc sử dụng ngoại tệ để thanh toán hợp đồng này không trái với quy định của pháp luật về ngoại hối, tuy nhiên việc dùng ngoại tệ thanh toán hợp đồng giữa các bên trong nước rất hạn chế.

VII. Bảo đảm thanh toán hợp đồng xây dựng như thế nào?

Bảo đảm thanh toán hợp đồng xây dựng được quy định tại Điều 17 Nghị định 37/2015/NĐ-CP, cụ thể:

  • Bảo đảm thanh toán hợp đồng xây dựng là việc bên giao thầu thực hiện các biện pháp nhằm chứng minh khả năng thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng xây dựng đã ký kết với bên nhận thầu thông qua các hình thức như kế hoạch bố trí vốn được phê duyệt, bảo đảm của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng, hợp đồng cung cấp tín dụng hoặc thỏa thuận cho vay vốn với các định chế tài chính.
  • Trước khi ký kết hợp đồng xây dựng, bên giao thầu phải có bảo đảm thanh toán phù hợp với tiến độ thanh toán đã thỏa thuận trong hợp đồng. Nghiêm cấm bên giao thầu ký kết hợp đồng xây dựng khi chưa có kế hoạch vốn để thanh toán theo thỏa thuận thanh toán trong hợp đồng, trừ các công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp.

Trên đây là bài viết liên quan đến thanh toán hợp đồng xây dựng, nếu bạn còn vướng mắc cần tư vấn hoặc hỗ trợ các thủ tục pháp lý, liên hệ ngay với chúng tôi theo thông tin sau: