Quy định về đánh giá viên chức năm 2024

Có hiệu lực từ 15.9, Nghị định số 48/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức có nhiều điểm mới.

Quy định về đánh giá viên chức năm 2024
Người dân thực hiện giải quyết thủ tục hành chính tại công sở ở Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn

Theo đó, Nghị định 48/2023/NĐ-CP có 5 điểm mới trong đánh giá công chức, viên chức.

Thứ nhất, Nghị định 48/2023/NĐ-CP bổ sung hướng dẫn xếp loại công chức, viên chức bị kỷ luật Đảng. Quy định cũ tại khoản 4 Điều 2 Nghị định 90/2020/NĐ-CP chỉ nêu sử dụng kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức để liên thông đánh giá, xếp loại chất lượng Đảng viên.

Điểm mới trong đánh giá công chức từ 15.9.2023 đã bổ sung chi tiết hướng dẫn xếp loại, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức đã bị kỷ luật Đảng hoặc kỷ luật hành chính.

Thứ hai, Nghị định 48/2023/NĐ-CP sửa tiêu chí xếp loại chất lượng không hoàn thành nhiệm vụ. Theo đó, một trong các tiêu chí làm căn cứ xếp loại cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ đã được sửa từ “có hành vi vi phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ bị xử lý kỷ luật trong năm đánh giá” thành “có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật trong năm đánh giá”.

Như vậy, thống nhất ở cả cán bộ, công chức, viên chức việc bỏ cụm từ “trong quá trình thực thi nhiệm vụ”. Đồng nghĩa với đó là, mở rộng phạm vi đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.

Theo Nghị định mới, từ 15.9.2023, không còn giới hạn những hành vi bị kỷ luật trong quá trình thực thi nhiệm vụ nữa mà trong bất cứ trường hợp nào, khi bị kỷ luật trong năm đánh giá thì cán bộ, công chức, viên chức đều có thể bị xem xét đánh giá, xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.

Điểm mới thứ 3 của Nghị định này đó là thay đổi phương thức lưu trữ kết quả đánh giá, xếp loại. Phương thức lưu trữ tài liệu kết quả đánh giá xếp loại chất lượng của cán bộ, công chức, viên chức từ việc phải thể hiện bằng văn bản thì từ 15.9.2023, phương thức lưu giữ tài liệu này còn được thực hiện bằng phương thức điện tử.

Thứ tư là Nghị định quy định không xem xét lại kết quả xếp loại chất lượng trước 15.9.2023. Theo đó, những trường hợp đã có kết quả xếp loại chất lượng trước ngày 15.9.2023 sẽ không được xem xét lại. Các trường hợp cấp có thẩm quyền thực hiện xem xét đánh giá, xếp loại chất lượng trước ngày 15.9.2023, tiếp tục áp dụng quy định của pháp luật tại thời điểm đó, tức là vẫn áp dụng quy định cũ tại Nghị định 90/2020/NĐ-CP.

Điểm mới thứ 5 của Nghị định 48/2023/NĐ-CP là về việc ban hành quy chế đánh giá.

Thực tế cho thấy, quá trình thực hiện các quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, các bộ, ngành, địa phương phản ánh vướng mắc, thiếu căn cứ pháp lý để xử lý một số tình huống phát sinh trong công tác cán bộ. Một số quy định cần sửa đổi để bảo đảm thống nhất trong áp dụng pháp luật như thẩm quyền đánh giá, xếp loại; quy định về việc ban hành Quy chế đánh giá...

Để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đồng thời giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thống nhất giữa pháp luật của Nhà nước và quy định của Đảng, những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thì việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Nghị định 90 là cần thiết, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức.

Theo đó, quy định về nguyên tắc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, ngoài 4 nguyên tắc theo quy định tại Nghị định số 90/2020/NĐ-CP, Nghị định 48/2023/NĐ-CP đã bổ sung thêm 2 nguyên tắc sau:

Thứ nhất, cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật Đảng hoặc kỷ luật hành chính thì đánh giá, xếp loại chất lượng như sau:

Cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật Đảng hoặc kỷ luật hành chính trong năm đánh giá thì xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này.

Trường hợp hành vi vi phạm chưa có quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền nhưng đã được dùng làm căn cứ để đánh giá, xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ trong năm đánh giá thì quyết định xử lý kỷ luật ban hành sau năm đánh giá đối với hành vi vi phạm đó (nếu có) không được tính để đánh giá, xếp loại chất lượng ở năm có quyết định xử lý kỷ luật.

Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên, đã bị xử lý kỷ luật Đảng và kỷ luật hành chính về cùng một hành vi vi phạm nhưng quyết định kỷ luật Đảng và quyết định kỷ luật hành chính không có hiệu lực trong cùng năm đánh giá thì chỉ tính là căn cứ xếp loại chất lượng ở một năm đánh giá.

Thứ hai, tỉ lệ cán bộ, công chức, viên chức xếp loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức tại cùng cơ quan, tổ chức đơn vị và đối với từng nhóm đối tượng có nhiệm vụ tương đồng không quá tỉ lệ đảng viên được xếp loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" theo quy định của Đảng.

Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị có thành tích xuất sắc, nổi trội, hoàn thành vượt kế hoạch các công việc được giao, hoàn thành tốt các công việc đột xuất, có đề xuất hoặc tổ chức thực hiện đổi mới sáng tạo, tạo sự chuyển biến tích cực, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực thì cấp có thẩm quyền quyết định tỉ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phù hợp với thực tế, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức viên chức.

Bổ sung hình thức điện tử trong lưu giữ tài liệu đánh giá, xếp loại

Theo Nghị định 48/3023/NĐ-CP, tài liệu kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng được lưu giữ bằng hình thức điện tử, bao gồm: (1) Biên bản cuộc họp nhận xét, đánh giá; (2) Phiếu đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; (3) Nhận xét của cấp ủy nơi công tác (nếu có); (4) Kết luận và thông báo bằng văn bản về kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức của cấp có thẩm quyền; (5) Hồ sơ giải quyết kiến nghị về kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức (nếu có); (6) Các văn bản khác liên quan (nếu có).

Nghị định nêu rõ, ngoài việc lưu giữ bằng hình thức điện tử, 02 loại tài liệu sau còn được lưu bằng văn bản trong hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức: (1) Phiếu đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; (2) Kết luận và thông báo bằng văn bản về kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức của cấp có thẩm quyền.

Ngoài ra, Nghị định 48/3023/NĐ-CP cũng nêu rõ, căn cứ quy định của cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức về đánh giá, xếp loại chất lượng, cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng cán bộ, công chức, viên chức ban hành Quy chế đánh giá phù hợp với đặc thù của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2023. Xem Nghị định số 48/3023/NĐ-CP (tại file đính kèm)./.

Đánh giá lại công chức khi nào?

Thời điểm đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức được tiến hành trước ngày 15 tháng 12 hàng năm, trước khi thực hiện việc đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên và tổng kết công tác bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Ai có trách nhiệm đánh giá công chức?

Đối với công chức, việc đánh giá, xếp loại chất lượng người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị do người đứng đầu cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp thực hiện. Việc đánh giá, xếp loại chất lượng cấp phó của người đứng đầu và công chức thuộc quyền quản lý do người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức thực hiện.

Đánh giá công chức là gì?

Đánh giá công chức để làm rõ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Kết quả đánh giá là căn cứ để bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với công chức.

Biết phải là như thế nào?

Biệt phái là việc công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị này được cử đến làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khác theo yêu cầu nhiệm vụ.