Phương pháp nghiên cứu báo cáo tài chính

Mục lục bài viết

  • 1. Các cách tiếp cận về phương pháp đo lường chất lượng BCTC
  • 1.1Đo lường chất lượng BCTC theo các đặc tính chất lượng thông tin
  • 1.2Đo lường chất lượng BCTC theo chất lượng lợi nhuận
  • 2. Các nghiên cứu quốc tế
  • 3. Các nghiên cứu tại Việt Nam

1. Các cách tiếp cận về phương pháp đo lường chất lượng BCTC

Đến nay, đã có rất nhiều các nghiên cứu về các phương pháp đo lường chất lượng BCTC; trong đó chia làm 2 hướng chính. Đó là:

1.1Đo lường chất lượng BCTC theo các đặc tính chất lượng thông tin

Phương pháp này đo lường chất lượng BCTC thông qua thang đo được xây dựng để đánh giá các đặc tính chất lượng thông tin được quy định bởi các tổ chức nghề nghiệp hoặc của nhà nước về kế toán (Nguyễn Trọng Nguyên, 2015); ví dụ các đặc tính chất lượng thông tin do FASB và IASB quy định như: “đáng tin cậy”, “tính thích hợp”, “trình bày trung thực”, “có thể so sánh được”, “có thể hiểu được”, “tính kịp thời”, … Phương pháp này được sử dụng nhằm đánh giá các khía cạnh và kích thước của thông tin tài chính và phông tin phi tài chính của BCTC nhằm xác định tính hữu ích của thông tin tài chính đó mà không nhằm vào các mục đích đo lường chất lượng lợi nhuận (Nguyễn Thị Phương Hồng, 2016). Ưu điểm của phương pháp này là đo lường chất lượng thông tin BCTC một cách trực tiếp (Nguyễn Trọng Nguyên, 2015). Tuy nhiên, hạn chế của phương pháp này là việc khó xác định thang đo cho các đặc điểm chất lượng; mặt khác, đánh giá dựa trên cơ sở thang đo dẫn đến kết quả thu thập được có độ tin cậy không cao, mang tính chất cảm tính cao vì phụ thuộc vào ý kiến chủ quan của người đánh giá, không phản ánh đúng thực trạng chất lượng thông tin trên BCTC mà các công ty đã công bố (Nguyễn Thị Phương Hồng, 2016).

Phương pháp nghiên cứu báo cáo tài chính

>>Luật sư tư vấn pháp luật thuế, gọi:1900.6162

1.2Đo lường chất lượng BCTC theo chất lượng lợi nhuận

Phương pháp này đo lường chất lượng BCTC thông qua việc đánh giá kết quả phân tích các thông tin về lợi nhuận trên các BCTC đã được công bố của các CTNY (các thông tin thứ cấp). Ưu điểm của phương pháp này đó là thông tin có thể thu thập trực tiếp trên BCTC của các CTNY hoặc các website của các công ty (Nguyễn Trọng Nguyên, 2015). Việc đánh giá chất lượng BCTC theo chất lượng lợi nhuận đem lại kết quả có độ tin cậy cao hơn so với phương pháp đo lường chất lượng BCTC theo đặc tính chất lượng nói trên, bám sát theo thông tin trên BCTC thực tế đã được công bố (Nguyễn Thị Phương Hồng, 2016). Tuy vậy, phương pháp này có hạn chế là chỉ tập trung vào lợi nhuận để đánh giá về chất lượng thông tin BCTC mà bỏ qua các thông tin khác như thuyết minh BCTC và các thông tin phi tài chính khác (Nguyễn Trọng Nguyên, 2015).

Từ những tổng quan trên, trong phạm vi đề tài nghiên cứu này, tác giả lựa chọn phương pháp đo lường chất lượng thông tin BCTC theo chất lượng lợi nhuận với lý do sau:

- Theo đánh giá của Dechow và các cộng sự (2010) trong nghiên cứu tổng hợp các nghiên cứu về chất lượng lợi nhuận, các tác giả đồng ý với các nghiên cứu khác rằng, chất lượng lợi nhuận càng cao đem lại càng nhiều thông tin về các khía cạnh của tình hình hoạt động tài chính của một công ty mà có liên quan đến một quyết định cụ thể của một người đưa ra quyết định cụ thể. Nói cách khác, chất lượng lợi nhuận càng cao sẽ giúp các đối tượng có liên quan có được quyết định tốt hơn dựa trên thông tin về tình hình tài chính của công ty. Như vậy, chất lượng lợi nhuận rất quan trọng khi đánh giá về chất lượng BCTC của một công ty.

- Với đối tượng nghiên cứu là các CTNY thuộc nhóm ngành BĐS trên sàn chứng khoán Việt Nam, các thông tin, dữ liệu cần thiết cho việc nghiên cứu nghiên cứu có thể thu thập được thông qua các BCTC và các thông tin được công bố rộng rãi trên sàn chứng khoán.

- Kết quả của phương pháp đo lường chất lượng thông tin BCTC theo chất lượng lợi nhuận có độ tin cậy cao hơn, ít phụ thuộc vào ý kiến chủ quan của người đánh giá.

2. Các nghiên cứu quốc tế

Trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu về chất lượng BCTC, các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng BCTC, mối liên quan giữa chất lượng BCTC và hiệu quả đầu tư, hiệu quả thị trường vốn, nghiên cứu về chất lượng lợi nhuận và các nghiên cứu có liên quan đến việc khai báo lợi nhuận không chính xác (tức điều chỉnh lợi nhuận), các nhân tố ảnh hưởng đến điều chỉnh lợi nhuận và các yếu tố có liên quan khác.

Một số nghiên cứu về chất lượng BCTC, các nhân tố ảnh hưởng và các vấn đề liên quan:

Nghiên cứu “Understanding earnings quality: A review of the proxies, their determinants and their consequences” của Dechow P., et al., (2010) đã phân tích tổng quát hơn 300 nghiên cứu trên thế giới về đo lường chất lượng lợi nhuận, các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng lợi nhuận và kết quả, hệ quả của chất lượng lợi nhuận. Nghiên cứu đã tổng hợp và phân chia các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng lợi nhuận thành 6 nhóm, đó là:

(1) Đặc điểm công ty, bao gồm: hiệu suất hoạt động công ty, nợ, tăng trưởng và đầu tư của công ty, và kích thước công ty.

(2) Thực tiễn báo báo cáo tài chính, bao gồm: phương pháp kế toán, thực tiễn BCTC khác, và, so sánh phương pháp báo cáo dựa trên cơ sở nguyên tắc (principles based) với dựa trên cơ sở quy định (rules based).

(3) Quản trị công ty và kiểm soát, bao gồm: đặc điểm của HĐQT và Ban Giám Đốc, quy trình kiểm soát nội bộ, tỷ lệ sở hữu vốn, chế độ đãi ngộ và thay đổi nhà quản trị.

(4) Kiểm toán viên, bao gồm: rủi ro kinh doanh, chi phí cho danh tiếng (của công ty kiểm toán- loại công ty kiểm toán) và tính độc lập của kiểm toán viên.

(5) Lợi ích của thị trường vốn, bao gồm: động lực khi công ty tăng vốn và lợi ích khi cung cấp các mục tiêu lợi nhuận đạt được.

(6) Các nhân tố bên ngoài, bao gồm: yêu cầu của thị trường vốn, quy trình chính trị, các quy định liên quan đến thuế và các quy định khác.

Nghiên cứu “ Audit committee, board characteristics and quality of financial reporting: An empirical research on Chinese securities market” của Qinghua et al. (2007) đã nghiên cứu mẫu gồm 1192 công ty trên thị trường chứng khoán Trung Quốc trong năm 2002 để tìm ra các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng BCTC. Các tác giả nghiên cứu chất lượng BCTC thông qua quản trị lợi nhuận được đo lường bằng mô hình Jones điều chỉnh, sử dụng phương pháp phân tích thống kê mô tả và hồi quy đa biến để phân tích các nhân tố. Kết quả nghiên cứu cho thấy: (1) Tính độc lập của BGĐ là nhân tố chính có ảnh hưởng đến chất lượng BCTC, BGĐ có tính độc lập càng cao thì BCTC càng có chất lượng cao; (2) Các nhân tố thuộc nhóm đặc điểm chuyên gia của HĐQT là rất cần thiết cho việc giám sát hiệu quả và chất lượng của báo cáo tài chính; (3) Các nhân tố đặc điểm hành vi của HĐQT (tỷ lệ sở huuũ của BGĐ, tính thườn xuyên các cuộc họp,không có ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng BCTC của các công ty được nghiên cứu.

Nghiên cứu “Board Characteristics and Financial Reporting Quality among Jordanian Listed Companies: Proposing Conceptual Framework” của tác giả Ebraheem Alzoubi (2012) đã sử dụng quản trị lợi nhuận để đánh giá chất lượng BCTC và đưa ra khung nghiên cứu về mối liên hệ của các đặc điểm của BGĐ với quản trị lợi nhuận. Tác giả tóm tắt các nghiên cứu trước đây và đưa ra khung nghiên cứu gồm có các nhân tố ảnh hưởng đến quản trị lợi nhuận gồm có: Tính độc lập của BGĐ, sự kiêm nhiệm của CEO, chuyên môn tài chính của HĐQT, Quy mô HĐQT, Các cuộc họp của HĐQT.

Nghiên cứu “ Financial Reporting Quality, Does Monitoring characteristics matter? An empirical analysis of Nigerian manufactoring sector” của Hassan S. U. (2013) đã tìm hiểu về ảnh hưởng của các đặc điểm quản lý đến chất lượng báo cáo tài chính của 160 công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Nigerian trong thời gian 2007- 2011. Tác giả dùng quản trị lợi nhuận đo lường bằng mô hình của Dechow and Dichev (2002) để đo lường chất lượng BCTC. Các nhân tố đòn bẩy tài chính, tính độc lập của BGĐ, quy mô ban kiểm soát, tính độc lập của ban kiểm soát và tính thường xuyên các cuộc họp của HĐQT, quyền sở hữu của tổ chức, sự tập trung quyền sở hữu có ảnh hưởng thuận chiều và quyền sở hữu của nhà quản lý có tác động ngược chiều lên chất lượng BCTC.

Nghiên cứu “Does Corporate Governance affect Earnings Quality: Evidence from an Emerging Market” của Houque et al. (2010) nghiên cứu mẫu quan sát gồm 648 công ty trong giai đoạn từ 2001-2006 để kiểm tra ảnh hưởng của thực tiễn quản trị công ty đến chất lượng lợi nhuận tại Bangladesh. Kết quả nghiên cứu cho thấy, cơ chế quản trị công ty có ảnh hưởng tích cực đến chất lượng lợi nhuận của công ty. Các tác giả đã sử dụng mô hình Jones 1991 để đo lường điều chỉnh lợi nhuận thông qua biến kế toán dồn tích để đánh giá về chất lượng của lợi nhuận và sử dụng phương trình hồi quy với biến kế toán dồn tích là biến phụ thuộc, các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng là biến độc lập. Kết quả nghiên cứu cho thấy các biến quyền sở hữu của nhà quản lý, quyền sở hữu của tổ chức, quyền sở hữu của nhà nước, quy mô hội đồng quản trị, loại hình công ty kiểm toán (big4 và không big4), quyền sở hữu của gia đình có ảnh hưởng thuận chiều, các biến ….. có ảnh hưởng ngược chiều và các biến… không có ảnh hưởng đến chất lượng lợi nhuận của các công ty được quan sát.

Nghiên cứu “Corporate Governance and Financial Reporting Quality: The Case of Tunisian Firms” của Klai and Omri (2011) đã nghiên cứu ảnh hưởng của cơ chế quản trị lên chất lượng BCTC với mẫu nghiên cứu gồm 22 công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Tunis giai đoạn 1997-2007. Các tác giả đã tập trung nghiên cứu các nhân tố liên quan đến đặc điểm của BGĐ và cấu trúc sở hữu vốn, cũng như danh tiếng của kiểm toán độc lập. Kết quả nghiên cứu cho thấy các nhân tố quyền sở hữu bởi nhà nước, quyền sỡ hữu bởi tổ chức, quy mô BGĐ, tỷ lệ thành vên BGĐ độc lập, tính kiêm nhiệm của CEO, có ảnh hưởng thuận chiều và các nhân tố quyền sở hữu bởi nước ngoài, sự tập trung quyền sở hữu, quyền sở hữu của các thành viên trong gia đình, quy mô công ty, triển vọng phát triển (tỷ lệ giá thị trường/ sổ sách) có ảnh hưởng ngược chiều với chất lượng BCTC.

Nghiên cứu “ Board Monitoring, Management Contracting and Earnings Management: An Evidence from ASX Listed Companies” của J. Liu (2012) nghiên cứu ảnh hưởng của quản trị công ty và hợp đồng quản trị đối với quản trị lợi nhuận của mẫu nghiên cứu gồm 138 công ty trên thị trường chứng khoán Australia. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tính độc lập của ban giám đốc, quyền sở hữu của nhà quản lý, quy mô hội đồng quản trị, có ảnh hưởng thuận chiều, sự kiêm nhiệm của CEO, tuổi của công ty có ảnh hưởng ngược chiều và sự tập trung quyền sở hữu, sự tồn tại kế hoạch thưởng (lợi ích trong ngắn hạn của nhà quản lý), đòn bẩy tài chính không ảnh hưởng đến quản trị lợi nhuận tại các công ty được nghiên cứu.

Nghiên cứu “Audit Committee Characteristics and the Perceived Quality of Financial Reporting: An Empirical Analysis” của Felo et al, (2003) kiểm tra mối quan hệ giữa các đặc điểm của ban kiểm soát (ủy ban kiểm toán) với chất lượng báo cáo tài chính. Các tác giả sử dụng dữ liệu thu thập từ tổng cộng 77 công ty trong khoảng thời gian 1992-1993 và 1995-1996 tại Mỹ. Kết quả nghiên cứu cho thấy, số lượng thành viên ủy ban kiểm toán có trình độ chuyên môn về kế toán và quản trị tài chính, quy mô ủy ban kiểm toán ảnh hưởng thuận chiều và tính độc lập của ủy ban kiểm toán không có ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo tài chính.

Nghiên cứu “Effects of Audit Quality on Earnings Management and Cost of Equity Capital- Evidence from China” của Chen et al. (2011) sử dụng mẫu gồm 3310 công ty nhà nước và tư nhân quan sát trong thời gian từ 2001 đến 2004 tại Trung Quốc để phân tích ảnh hưởng của chất lượng kiểm toán đến đến quản trị lợi nhuận và chi phí vốn chủ sở hữu của các công ty này. Các công ty kiểm toán chất lượng cao được định nghĩa trong bài nghiên cứu này là BIG8 gồm BIG4 và 4 công ty kiểm toán lớn khác tại Trung Quốc. Kết quả của nghiên cứu cho thấy, nhóm công ty tư nhân quản trị lợi nhuận ít hơn và có chi phí vốn chủ sở hữu giảm so với nhóm công ty nhà nước khi cả hai cùng thuê công ty kiểm toán có chất lượng cao.

Nghiên cứu “How does financial reporting quality relate to investment efficiency?” của tác giả Gary C. B., et al. (2009) đã quan sát mẫu nghiên cứu gồm 34.791 BCTC của các công ty từ năm 1993 đến năm 2005 để kiểm tra mối quan hệ giữa chất lượng của BCTC đối với tính hiệu quả của việc đầu tư tức thị trường vốn. Các tác giả đã đưa ra ba kết luận từ kết quả của nghiên cứu, đó là:

- BCTC chất lượng cao có liên quan đến việc có ít vốn đầu tư từ bên ngoài tại các công ty có nhiều tiền và không vay nợ, và có vốn đầu tư bên ngoài nhiều tại các công ty thiếu tiền và có số vay nợ cao.

- Các công ty có chất lượng BCTC cao đầu tư ít hơn khi có vốn đầu tư tổng hợp cao và đầu tư nhiều hơn khi có vốn đầu tư tổng hợp thấp.

- Các công ty có chất lượng BCTC cao thường ít đi chệch mức độ đầu tư dự đoán của họ.

3. Các nghiên cứu tại Việt Nam

Nghiên cứu đầu tiên tác giả muốn đề cập đến là luận án tiến sĩ “Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo tài chính của công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán - bằng chứng thực nghiệm tại Việt Nam” của tác giả Nguyễn Thị Phương Hồng (2016). Sử dụng dữ liệu là các báo cáo tài chính đã được kiểm toán và công bố, báo cáo thường niên của các công ty niêm yết tại Việt Nam trong giai đoạn 2012-2014; tác giả tổng hợp các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng BCTC của các công ty niêm yết từ các nghiên cứu trước, đồng thời thêm vào các nhân tố mới để phân tích và kiểm định. Thông qua kết quả phân tích, tác giả rút ra rằng, thực trạng chất lượng BCTC của các công ty niêm yết trên TTCK Việt Nam hiện nay chưa cao, và, trong số 23 nhân tố được kiểm định, có 17 nhân tố có ảnh hưởng và tác động đa chiều đến chất lượng BCTC của các công ty niêm yết trên TTCK Việt Nam.

Luận án tiến sĩ “Các nhân tố tác động đến chất lượng thông tin báo cáo tài chính trong các doanh nghiệp tại Việt Nam” của Phạm Quốc Thuần (2016) đã đo lường chất lượng thông tin BCTC trong các doanh nghiệp tại Việt Nam theo các đặc điểm chất lượng của FASB và IASB. Tác giả đã xác định và phân tích 10 nhân tố tác động đến chất lượng thông tin BCTC, bao gồm : hành vi quản trị lợi nhuận, áp lực từ thuế, quy mô doanh nghiệp, niêm yết chứng khoán, hỗ trợ từ phía nhà quản trị, hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ, chất lượng dữ liệu đầu vào, quy trình hệ thống thông tin kế toán và năng lực nhân viên kế toán. Trong các nhân tố trên, nhân tố niêm yết chứng khoán và quy mô doanh nghiệp thực sự có ảnh hưởng và làm thay đổi tác động của các nhân tố khác đến chất lượng thông tin BCTC.

Luận án tiến sĩ “Minh bạch thông tin tài chính của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam” của Lê Thị Mỹ Hạnh (2015) thực hiện đánh giá mức độ minh bạch thông tin tài chính của các CTNY trên TTCK Tp.HCM. Tác giả xác định các nhân tố thuộc nhóm nhân tố tài chính và nhóm nhân tố quản trị công ty và mức độ ảnh hưởng của các nhân tố này đến sự minh bạch thông tin tài chính của các CTNY trên TTCK Việt Nam. Sử dụng dữ liệu là BCTC năm trong giai đoạn 2011-2012 của các công ty nói trên, sau khi phân tích, tác giả đưa ra nhận xét rằng, “tính minh bạch thông tin tài chính của các CTNY trên TTCK Việt Nam thời gian qua chưa cao, mức độ minh bạch thông tin tài chính của các CTNY trên TTCK VN chỉ ở mức trung bình khá”; “khoảng cách chênh lệch giữa các công ty có mức độ minh bạch cao nhất và thấp nhất là khá xa”. Trong số các nhân tố được phân tích, các nhân tố: đòn bẩy tài chính, lợi nhuận, công ty kiểm toán và cơ cấu hội đồng quản trị có ảnh hưởng đến mức độ minh bạch thông tin tài chính của các CTNY trên TTCK Việt Nam

Luận án tiến sĩ “ Tác động của quản trị công ty đến chất lượng BCTC tại các công ty niêm yết tại Việt Nam” của Nguyễn Trọng Nguyên (2015) nghiên cứu về ảnh hưởng của quản trị công ty đến chất lượng BCTC tại các CTNY trên sàn giao dịch HOSE và HNX tại Việt Nam trong năm 2012. Tác giả đã sử dụng thang đo cho 5 đặc tính chất lượng BCTC theo FASB và IASB là “ Tính thích hợp”, “ Trình bày trung thực”, “ Dễ hiểu”, “ Có thể so sánh” và “ Kịp thời” để đánh giá chất lượng BCTC của các CTNY đủ điều kiện nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu cho thấy, chất lượng thông tin BCTC của các CTNY VN là dưới mức trung bình, có tới 81.1% trong 195 công ty có BCTC đạt mức yếu, kém. Hầu hết các CTNY tại VN công bố thông tin trên BCTC theo hướng tuân thủ luật pháp nhà nước nhiều hơn là hướng đến thông tin hữu ích cho việc ra quyết định của người sử dụng. Kết quả nghiên cứu mối tương quan giữa quản trị công ty và chất lượng thông tin BCTC cho thấy, các CTNY tại Việt Nam chưa xây dựng cơ cấu quản trị công ty hiệu quả, chưa định hướng và giám sát tốt dẫn đến chất lượng của các thông tin phi tài chính thấp, khiến cho chất lượng thông tin BCTC thấp. Các nhân tố tính độc lập của HĐQT, mức độ chuyên môn kế toán tài chính của HĐQT, số lượng các cuộc họp, mức độ chuyên môn kế toán tài chính và tồn tại kiểm toán nội bộ có ảnh hưởng thuận chiều đến chất lượng BCTC; các nhân tố sự kiêm nhiệm chức danh của chủ tịch HĐQT, tính độc lập của BKS không ảnh hưởng đến chất lượng BCTC.

Luận văn thạc sĩ “ Nghiên cứu hành vi điều chỉnh lợi nhuận ở các công ty cổ phần trong năm đầu niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam” của tác giả Huỳnh Thị Vân (2012) thực hiện nghiên cứu hành vi điều chỉnh lợi nhuận tại các CTNY lần đầu trên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM và Hà Nội trong giai đoạn 2008-2010. Sử dụng đồng thời hai mô hình nghiên cứu là mô hình DeAngelo (1986) và mô hình Friedlan (1994) để kiểm nghiệm các giả thuyết thông qua các thông tin được công bố trên BCTC của các CTNY thỏa mãn điều kiện nghiên cứu, tác giả tìm thấy các kết quả như sau: (1) Hầu hết CTNY điều chỉnh tăng lợi nhuận trong năm đầu niêm yết trên TTCK VN. (2) Khả năng điều chỉnh tăng lợi nhuận trong năm đầu niêm yết phụ thuộc thuận chiều vào điều kiện ưu đãi thuế TNDN công ty được hưởng. (3) Mức độ điều chỉnh lợi nhuận không phụ thuộc vào quy mô công ty. Bài nghiên cứu “Các cách đo lường sự trung thực của chỉ tiêu lợi nhuận”

của tác giả Phạm Thị Bích Vân (2013) đưa ra 4 cách để đánh giá sự trung thực của chỉ tiêu lợi nhuận (T) trên BCTC của doanh nghiệp niêm yết, đó là: (1) Phương pháp của của Leuz et al (2012) dựa trên tỷ lệ giữa độ lệch chuẩn của lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh và độ lệch chuẩn của dòng tiền từ hoạt động kinh doanh; (2) Phương pháp của Barton và Simko (2002) dựa trên tỷ lệ giữa tài sản hoạt động thuần và doanh thu thuần; (3) Phương pháp của Penman (2001) dựa trên tỷ lệ giữa dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và lợi nhuận sau thuế;và (4) Phương pháp của tác giả dựa trên tỷ số giữa biến kế toán dồn tích có thể điều chỉnh được và lợi nhuận thuần sau thuế. Kết quả nghiên cứu khuyến cáo các bên liên quan khi đánh giá sự trung thực của chỉ tiêu lợi nhuận trên BCTC thì cần tiến hành đồng thời 4 phương pháp nêu trên, nếu kết quả có sự khác biệt thì cần cẩn trọng trong khi đưa ra quyết định.

Bài nghiên cứu “Mô hình nhận diện hành vi điều chỉnh lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết ở sở giao dịch chứng khoán Hà Nội” của tác giả Phạm Thị Bích Vân (2012) thực hiện trên mẫu gồm 60 doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán HNX. Kết quả nghiên cứu cho thấy, mô hình Modified Jones không hiệu quả trong việc nhận diện hành vi điều chỉnh lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán HNX. Tác giả đã phân tích môi truờng vĩ mô và lựa chọn thêm các biến: chi phí giá vốn hàng bán, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, phải trả người bán, chi phí khấu hao, chi phí dự phòng, đưa vào mô hình. Kết quả là các biến nêu trên có ý nghĩa trong mô hình hồi quy để nhận diện hành vi điều chỉnh lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HNX.

Bài nghiên cứu “ Kiểm định và nhận diện mô hình nghiên cứu hành vi điều chỉnh lợi nhuận của các công ty niêm yết tại Việt Nam” của tác giả Nguyễn Anh Hiền và Phạm Thanh Trung (2015) tìm ra rằng trong ba mô hình được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng để nhận diện điều chỉnh lợi nhuận của nhà quản lý, mô hình (Modified-Jones) Jones điều chỉnh của Dechow, Sloan và Sweeney (1995) và mô hình của Kothari, Leone và Wasley (2005) phù hợp để nhận diện điều chỉnh lợi nhuận của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong đó, mô hình (Modified-Jones) Jones điều chỉnh của Dechow, Sloan và Sweeney (1995) và mô hình của Kothari, Leone và Wasley (2005) là thích hợp.

Nghiên cứu “Các nhân tố quyết định hành vi điều chỉnh thu nhập làm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp: Trường hợp Việt Nam” của Bùi Thị Mai Hòa và Nguyễn Thị Tuyết Hoa (2015) được thực hiện với mẫu gồm 211 công ty niêm yết rên hai sàn giao dịch chứng khoán ở Việt Nam trong thời gian từ 2009 – 2013. Bằng phương pháp ước lượng Logit, các tác giả phát hiện ra các yếu tố quyết định đến hành vi điều chỉnh thu nhập làm giảm số thuế phải nộp tại các CTNY là: (1) Hưởng chính sách ưu đãi thuế, (2) Ghi nhận doanh thu chưa thực hiện, doanh thu theo tiến độ (3) Ghi nhận số lượng các khoản dự phòng và (4) ghi nhận chi phí thuế TNDN hoãn lại.

Trân trọng!

Bộ phận tư vấn pháp luật thuế- Công ty luật Minh Khuê