Phân tích quá trình lưu manh hóa của chí phèo năm 2024

Khát khao lương thiện của Chí thực sự bùng cháy mãnh liệt sau khi nhận được bát cháo hành của Thị Nở. Lần đầu tiên được ăn cháo, Chí thấy cháo hành thơm ngon lạ lùng. Đây cũng là lần đầu tiên hắn được chăm sóc bởi bàn tay của người đàn bà. Bởi vậy, sau khi ăn cháo Chí trở lại đúng với bản chất hiền lành, lương thiện của anh canh điền ngày xưa. Thị đã khơi dậy những cảm xúc rất nhân văn ở một tâm hồn tưởng như đã cằn cỗi, trơ cứng. Phản ứng tâm lí đầu tiên của Chí Phèo khi thấy Thị Nở mang bát cháo hành đến là sự ngạc nhiên đến mức ngỡ ngàng: “thằng này rất ngạc nhiên”, phản ứng tâm lí này là hoàn toàn tự nhiên và hợp lí bởi đây là lần đầu tiên hắn được cho ăn. Xưa nay muốn có thứ gì hắn thường phải doạ nạn, cướp giật. Bát cháo hành đã giúp cho hắn ngộ ta một điều: “Hoá ra trên đời này người ta có thể cho nhau ăn”. Hết ngạc nhiên, hắn thấy mắt “hình như ươn ướt”. Chí Phèo xúc động đến trào nước mắt. Có lẽ, sau tiếng khóc chào đời, hôm nay hắn mới khóc. Chính tình yêu thương, chân thành, nồng nàn, ấm áp của Thị Nở đã khiến một con quỷ dữ phải rơi nước mắt. Với Nam Cao nước mắt là giọt nhân tính chỉ những người giàu tình thương với biết khóc. Nó cho thấy Chí Phèo đã chính thức tìm lại được những cảm xúc trong khoảng thời gian bị tê liệt. Hắn nhìn bát cháo hành mà “bâng khuâng vừa buồn vừa vui” vì đã có một người làng Vũ Đại đối xử với hắn như một con người. Dường như “Hơi cháo hành nhỏ nhoi, mờ nhạt ấy đã hằn lên vết cứa, vết xước trong tâm hồn người”. Bát cháo hành của Thị mộc mạc, giản dị nhưng mang ý nghĩa vô cùng lớn lao. Đã thế nó còn được nấu bằng đôi bàn tay vụng về của một người dở hơi như Thị. Có lẽ, cảm giác ngon ở đây không đơn thuần về mặt vật chất, mà còn là liều thuốc tinh thần kì diệu của tình yêu, tình người. Một bát cháo được nấu bằng cả tấm lòng, cả tình yêu làm lay động trái tim, vực dậy được con người lương thiện mà bấy nay bị chôn vùi trong Chí. Anh Chí mà trước đây chỉ biết uống rượu, rạch mặt ăn vạ thì giờ đây đã cảm thấy ăn năn, hối hận về những việc đã làm trong suốt hai mươi năm qua. Một câu hỏi hệ trọng đã day dứt hắn: “Hắn có thể tìm bạn được sao lại chỉ đi gây kẻ thù”. Câu nói này không chỉ có ý nghĩa riêng với Chí Phèo mà còn có ý nghĩa với cả nhân loại. Cảm nhận được tình yêu thương của Thị Nở đã khiến cho Chí không còn thấy trước mặt mình là người đàn bà xấu đến mức cả làng Vũ Đại ghê tởm mà ngược lại thấy Thị rất có duyên : “Trông Thị thế mà có duyên. Tình yêu làm cho có duyên”. Trước Thị Nở hắn đã có những biểu hiện thật hồn nhiên: “Hắn thấy lòng thành trẻ con. Hắn muốn làm nũng với thị như với mẹ”. Thị Nở đã bù đắp cho hắn những tình cảm cao quý không chỉ là tình yêu mà còn là tình bạn tình mẹ. Không chỉ là khát vọng được sống lương thiện mà Chí Phèo còn khao khát hơn bao giờ hết được sống hạnh phúc với Thị Nở: “Giá cứ thế này mãi thì thích nhỉ”, “hay là mình sang ở đây ở với tớ một nhà cho vui”. Lời tỏ tình ấy của Chí Phèo mộc mạc mà giản dị nhưng vô cùng thiêng liêng và chất chứa nỗi niềm hạnh phúc. Hắn thấy lòng thành rất vui khi nhìn Thị Nở, được Thị Nở “lườm yêu”. Đó là giây phút mà hắn người nhất sau biết bao nhiêu năm triền miên trong những cơn say. Đến đây bức tranh tâm lí của Chí đã hoàn thiện và đằng sau quá trình tâm lí ấy người đọc đã thấy một sự biến đổi kì diệu để từ một con quỷ dữ người đọc cảm nhận được tâm hồn, nhân phẩm của một con người. Qua đó chúng ta thấy được chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc, mới mẻ của Nam Cao. Ông đã phát hiện và khẳng định sức mạnh của tình yêu chân chính. Người ta thường nhắc đến và ngưỡng mộ về một thiên tình sử của Romeo và Juliet bởi sự vượt lên hoàn cảnh, chiến thắng hận thù để bảo vệ tình yêu của mình. Nhưng theo tôi, chỉ với năm ngày ngắn ngủi thôi, Chí Phèo với Thị Nở đã làm nên một thiên tình sử mang đậm dấu ấn Nam Cao trong lòng bạn đọc.

Thế nhưng, khi bản thân con người ta đang muốn bắt đầu lại từ đầu, cũng là lúc những giông bão cuộc đời ập đến. Cuộc gặp gỡ cách đây năm ngày, tưởng chừng là một kết thúc hạnh phúc cho cuộc đời anh Chí nhưng cuối cùng, lại là bước khởi đầu cho bi kịch đớn đau muôn phần – bi kịch cự tuyệt tình yêu, cự tuyệt quyền làm người. Chí bị người phụ nữ xấu đến ma chê quỷ hờn cự tuyệt. . Lời nói của bà cô Thị Nở như một gáo nước lạnh tạt thẳng vào mặt của Chí Phèo, dập tắt biết bao nhiêu mong mỏi, biết bao nhiêu khao khát và hy vọng của một con người đang muốn quay đầu : “Ai lại đâm đầu đi lấy một thằng không cha không mẹ như cái thằng Chí Phèo”, những định kiến về xuất thân của Chí giống như một lối mòn, chẳng thể nào bị xóa bỏ. Cánh cửa quay trở về với cuộc sống lương thiện vừa hé mở, ngay lập tức bị đóng sầm lại chỉ vì những định kiến, những suy nghĩ cổ hủ xuất phát từ một bà cô già. Thị Nở khước từ Chí, để lại con thú dữ đang muốn quay đầu với một đống ngổn ngang những suy nghĩ. Chí tìm đến rượu, để giải tỏa sự thất vọng và sầu muộn trong lòng của mình. Chí muốn say, muốn thật say để thoát khỏi sự đau đớn và tuyệt vọng này nhưng không hiểu tại sao, Chí càng uống, càng tỉnh, Chí nhận ra bi kịch của cuộc đời mình, Chí thấy đau đớn xiết bao khi nghe “thoang thoảng mùi cháo hành”. Đó chính là hương vị của tình yêu, tình người cứ vương vấn, ám ảnh khôn nguôi, càng nhấn sâu vào bi kịch và niềm khao khát yêu thương của Chí. Đau đớn tột cùng, hắn “ôm mặt khóc rưng rức”. Dó chính là giọt nước mặt tuyệt vọng của một con người tuy giấc mơ hạnh phúc của mình bị tan vỡ mà không làm gì được. Hạnh phúc với Chí ngắn ngủi như chiếc cầu vồng thoáng hiện sau cơn mưa rồi vụt tắt.

Chí quyết định xách dao đến nhà Thị nở để chém chết con “khọm già”, con “đĩ Nở”. Thế nhưng, lối mòn của tội ác lại đưa bước chân của Chí đến một nơi quen thuộc – nhà Bá Kiến. Hơn ai hết, Chí Phèo nhận ra được hoàn cảnh bi kịch của mình lúc này, Chí hiểu được sâu sắc ai đã đưa cuộc đời của mình đến việc đội lốt quỷ để sống, Chí Phèo hiểu kẻ đã làm cho hắn đến nông nỗi này chính là Bá Kiến. Chí Phèo đến nhà Bá Kiến, dõng dạc đòi lại quyền làm người “Tao muốn làm người lương thiện”, “Ai cho tao lương thiện?” Đó là những câu hỏi bỏ ngỏ, cũng là những tiếng kêu cứu đầy thống thiết của một con người mong muốn được quay trở về, được hòa nhập, được thực hiện những ước mơ bình dị của mình nhưng lại bị cả xã hội ruồng bỏ. Câu hỏi đánh thẳng vào bộ mặt của xã hội bất lương, vô nhân đạo, đẩy con người vào bước đường cùng. Câu nói cuối cùng của Chí: “ Tao muốn làm người lương thiện” day dứt cả thế nhân. Đồng thời nó cũng bao quát cả chủ đề lớn trở đi trở lại trong nhiều tác phẩm của Nam Cao: nhà văn luôn day dứt trước tình trạng con người vì miếng cơm manh áo mà đánh mất nhân tính nhân phẩm. Ông viết về vấn đề của một thời nhưng cũng là vấn đề của mọi thời. Hành động của Chí tuy manh động, tự phát nhưng phù hợp với quy luật phát triển: “Tức nước vỡ bờ”, có áp bức có đấu tranh. Qua đó, thể hiện cảm quan hiện thực sắc sảo của nhà văn Nam Cao. Lưỡi dao của Chí Phèo vung lên đã báo hiệu cơn bão tác của Cách mạng tháng Tám. Cái chết của Chí Phèo có ý nghĩa tố cáo mạnh mẽ xã hội thực dân nửa phong kiến đã đẩy người nông dân lương thiên vào con đường bần cùng hoá, tha hoá, lưu manh hoá và phải đi tìm đến cái chết. Sinh ra Chí Phèo bằng xương bằng thịt là một người mẹ khốn khổ, bất hạnh. Nhưng đẻ ra Chí Phèo – một con quỷ giữ là cả một cơ chế xã hội thối nát, người ăn thịt người. Phải thay đổi xã hội bất công tàn bạo đó để con người được sống bình yên, hạnh phúc.

Đúng như Mác-xen Pruxt từng nói: “Một cuộc thám hiểm thực sự không phải ở chỗ cần một vùng đất mới mà cần một đôi mắt mới”. Trước Nam Cao viết về người nông dân đã sừng sững những hình tượng lớn như Chị Dậu trong “ Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, Anh Pha trong “ Bước đường cùng” của Nguyễn Công Hoan. Bình luận về nhân vật Chí Phèo một nhà phê bình văn học viết: “ Khi chị Dậu, anh Pha xuất hiện trên những trang sách của dòng văn học hiện thực phê phán, người ta cứ nghĩ nỗi khổ của người nông dân ở một nước thuộc địa nửa phong kiến đến như thế là cùng. Nhưng khi Chí Phèo khật khưỡng bước ra từ những trang sách của Nam Cao, người ta liền mói nhận ra rằng đây là hiện thân của những gì khốn khổ, tủi nhục nhất”. Chị Dậu phải bán chó, bán con, bán sữa nhưng dẫu sao chị vẫn được gọi là người. Còn Chí Phèo là đỉnh điểm của sự cùng khổ, phải bán cả diện mạo và linh hồn của mình để trở thành con quỷ dữ làng Vũ Đại. Dù là người đến sau trên mảnh đất đã được nhiều người cày xới nhưng với tấm lòng nhân đạo, đôi mắt giàu tình thương, Nam Cao đã khám phá ra bản chất tốt đẹp ẩn sâu trong những người nông dân lương thiện. Điều mà trước đó ta chưa từng thấy. Tác giả đã gửi gắm vào quá trình hồi sinh của Chí Phèo một tư tưởng sâu sắc: đó là niềm tin về sự hoàn lương của con người luôn tồn tại. Quá trình hồi sinh là một ngã rẽ được đặt trong sự đối lập của bi kịch cuộc đời, người ta chỉ thực sự khổ khi họ biết được mình sống trong cái khổ. Giá như Chí cứ say mãi thì đâu phải tỉnh, để nhận ra sự khốn cùng của mình. Để thể hiện được giá trị nội dung sâu sắc của tác phẩm, phải kể đến tài năng của nhà văn. Tài năng đó được thể hiện ở việc sử dụng nghệ thuật độc thoại nội tâm độc đáo, nghệ thuật miêu tả diễn biến tâm lý nhân vật bậc thầy của nhà văn. Tất cả đã khiến người đọc không khỏi ấn tượng và cảm thông sâu sắc trước sự thức tỉnh của người nông dân trong quá trình bị tha hoá.

Sê - khốp đã từng nói: “Một nhà văn chân chính phải là một nhà nhân đạo từ cốt tuỷ”. Thông qua truyện ngắn “Chí Phèo”, Nam Cao đã gửi đến độc giả một tuyên ngôn về chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc, một bản cáo trạng đanh thép đối với xã hội bất công, vô nhân tính. Qua đó, thể hiện niềm tin bất diệt vào những phẩm chất tốt đẹp của người nông dân. Quả thật, Nam Cao đã “biến mình thành kẹp chả dưới tay mình, tự đem mình ra quạt dưới than hồng” (Nguyễn Minh Châu)