Phạm vi nghiên cứu trong kinh tế là gì năm 2024

Nghiên cứu khoa học là hoạt động đi tìm cái mới (find out some new problems/matters). Cái mới ở đây không chỉ thể hiện trên kết quả nghiên cứu mà còn ở phương pháp khoa học và khả năng ứng dụng phương pháp mới để giải quyết một vấn đề. Mặc dù vậy, có một thực tế là hiện nay, cả hai khía cạnh này chưa thực sự được nhiều người làm nghiên cứu chú ý đồng thời; có thể họ chỉ quan tâm trình bày những “cái mới” hoặc là ngược lại chỉ đi vào phần “lý luận” khiến cho công trình dừng lại ở những mô tả chứ chưa thể hiện đầy đủ theo quy chuẩn của một nghiên cứu. Vậy, một câu hỏi đặt ra là: thế nào là một công trình nghiên cứu và đã là một công trình thì cần tuân thủ những nguyên tắc nào, cần chuẩn bị, triển khai theo tuần tự căn bản nào để có được kết quả mà ở đó phản ánh đủ hai vấn đề chính là mục tiêu (tìm ra cái mới) và phương pháp? Bài viết bước đầu đề cập tới vấn đề này, trong đó tập trung làm rõ một số khái niệm cốt lõi và bàn về cấu trúc, quy trình thực hiện một công trình khoa học.

1. Lý luận chung

1.1. Một số khái niệm cốt lõi

Để thành công một nghiên cứu, người thực hiện phải nắm được bản chất - nội hàm của những khái niệm cốt lõi dưới đây.

Công trình nghiên cứulà một nghiên cứu có mục tiêu, phương pháp[1]đã được xác định một cách cụ thể, kèm theo đó là những yêu cầu khác cần được chỉ rõ như đối tượng/vấn đề, tình huống và phạm vi nghiên cứu; các câu hỏi nghiên cứu, giả thuyết khoa học, phương pháp khoa học (phương pháp tiếp cận, phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu - sẽ nói ngay ở phần dưới) để đưa ra được kết quả nghiên cứu mới có đóng góp trên cả phương diện lý luận và thực tiễn. Như vậy, một công trình nghiên cứu được gọi là hoàn chỉnh khi và chỉ khi nó thể hiện được cả hai khía cạnh là hướng đi và những phát hiện mới trong kết quả nghiên cứu.

Gắn bó mật thiết với các công trình nghiên cứu luôn là các Báo cáo khoa học. Báo cáo khoa học là một báo cáo kết quả nghiên cứu được khái quát hóa bằng các luận điểm, số liệu cụ thể trên cơ sở kết quả nghiên cứu tổng thể mà công trình nghiên cứu đã thực hiện thành công. Là một báo cáo tổng thể, song có hai vấn đề cốt lõi phải được trình bày trong một báo cáo khoa học đó là phương pháp khoa học đã sử dụng và toàn bộ những kết quả nghiên cứu chính mà tác giả hoặc nhóm tác giả đã thực hiện. Và như vậy, cấu trúc của một báo cáo khoa học có đích và những đặc điểm tương đồng với một công trình hay bài báo khoa học - đó là chỉ ra được hai hạt nhân cót lõi là phương pháp và kết quả mới đã đạt được.

Cần phải nói thêm rằng, trong hoạt động khoa học, thông thường chúng ta gặp ba loại báo cáo là báo cáo điền dã, báo cáo tổng thuật và báo cáo khoa học. Ba loại báo cáo này đôi khi chúng có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Nếu như hai loại báo cáo trước là cơ sở để tiến hành một nghiên cứu thì báo cáo khoa học chính là khâu tổng kết những kết luận được tìm ra từ một chu trình nghiên cứu.

Bảng 1: So sánh đặc điểm căn bản của các loại báo cáo

Phân loại

Đặc điểm

Báo cáo điền dã

- Mô tả chi tiết các dữ liệu ghi chép được khi quan sát và xử lý các tư liệu quay phim, ghi hình.

- Sắp xếp theo trình tự thời gian, bối cảnh ưu tiên trong nghiên cứu.

Báo cáo tổng thuật

Đã có sự khái quát hóa bằng các nhóm chủ đề, vấn đề được bàn tới so với báo cáo điền dã. Báo cáo này có thể thấy phổ biến sau các Hội thảo khoa học.

Báo cáo khoa học

Đưa ra một cách vắn tắt các kết quả nghiên cứu chính cho một nghiên cứu có quy mô.

Đối tượng, phạm vi nghiên cứulà những khía cạnh cụ thể mà người thực hiện hướng tới giải mã để đưa ra kết luận. Ở đây, tên đề tài của một công trình là đối tượng chung chung, bao quát nhưng đối tượng cụ thể sẽ là những chi tiết rất rõ ràng mà người nghiên cứu cần trình bày trong một nghiên cứu. Ví dụ giả định chọn đề tài “Ly hôn của người cùng Công giáo ở Hà Nội hiện nay” thì đối tượng nghiên cứu chính phải là: quan điểm của người Công giáo về hôn nhân gia đình; nguyên nhân, diễn biến và thực trạng - những biểu hiện (diện mạo) của tình trạng ly hôn ở người cùng Công giáo ở Hà Nội; những nghịch lý - bi kịch tinh thần của bản thân và gia đình người cùng Công giáo sau khi ly hôn (xét trên góc độ giáo luật, thần học và các phép bí tích); nhận định hệ giá trị trong quan điểm hôn nhân gia đình của người Công giáo và những đóng góp của nó cho đạo đức xã hội; dự báo những suy thoái về đạo đức của người Công giáo qua tình trạng ly hôn; và các giải pháp ngăn chặn tình trạng ly hôn của người trong cùng Công giáo ở Hà Nội hiện tại. Như vậy, mục tiêu của đề tài cần đi tới là làm rõ những khía cạnh/ đối tượng cụ thể trên cũng như những cái mà người nghiên cứu cần chỉ ra trong công trình này. Những vấn đề cụ thể, trên cơ sở xác định hướng tiếp cận và căn cứ vào Mã chuyên ngành, người nghiên cứu tiếp tục làm rõ những nội dung căn bản ở phần giới hạn nội dung ở phần phạm vi nghiên cứu.

Thông thường, đi cùng với đối tượng nghiên cứu là phạm vi. Phạm vi nghiên cứu là sự giới hạn mà ở đó, ngoài xác định rõ phạm vi về nội dung còn cần xác định phạm vi về thời gian, không gian và một số khía cạnh liên quan. Như vậy, đối tượng nghiên cứu sẽ có những điểm giống và khác với phần giới hạn nội dung ở phần phạm vi nghiên cứu.

Câu hỏi nghiên cứulà những vấn đề, tình huống mà người thực hiện đặt ra để đi tìm câu trả lời. Trong một nghiên cứu thông thường có ít nhất là 3 câu hỏi nghiên cứu chính cần đi sâu tìm hiểu. Trong các câu hỏi lớn mang tính đại diện sẽ xuất hiện những câu hỏi nhỏ phụ thuộc.

Giả thuyết nghiên cứulà những mệnh đề khẳng định hoặc phủ định mà người nghiên cứu phát hiện, đưa ra rồi đi vào chứng minh, nghiên cứu, giải mã. Giả thuyết nghiên cứu, vì thế không phải là các mệnh để Nếu - Thì hoặc những vấn đề đặt câu hỏi chung chung mà là những khía cạnh lớn đã được nhận định là đúng hoặc sai rồi tiến hành chứng minh để đưa ra kết luận. Giả thuyết nghiên cứu, vì thế phải có tiên lượng[2].

Ngoài các khái niệm trọng tâm trên, chúng ta còn có các khái niệm rất căn bản khác là mục tiêu nghiên cứu và mục đích nghiên cứu. Nếu như mục tiêu sẽ cho người nghiên cứu biết sẽ phải hướng tới nghiên cứu tìm ra mấu chốt của vấn đề thì mục đích nghiên cứu sẽ phải trả lời mang kết quả nghiên cứu phục vụ vào việc gì.

Như vậy, trong nghiên cứu khoa học có khá nhiều khái niệm cần phải hiểu một cách bản chất. Khái niệm không chỉ là vấn đề “rường - cột” trong một nghiên cứu mà còn là vấn đề “bản thể” để giúp người nghiên cứu có thế giới quan cũng như hướng tiếp cận khoa học đúng đắn. Chúng tôi sẽ trình bày vấn đề tiếp theo có liên quan qua tiểu mục dưới đây.

1.2. Vấn đề chọn hướng nghiên cứu

Để một nghiên cứu thực sự có những đóng góp mới, người thực hiện cần phải căn cứ vào nhiều yếu tố, trong đó việc xác định được hướng đi sẽ quyết định sự thành bại của công trình. Tác giả sẽ làm rõ một số vấn đề liên quan trực tiếp tới phương pháp khoa học để tìm hướng chung cho một nghiên cứu.

Trước hết, như đã trình bày một phần, trong nghiên cứu khoa học, hai hạt nhân của hoạt động nghiên cứu là mục tiêu và phương pháp - Phương pháp khoa học. Vậy, diện mạo của phương pháp khoa học gồm những bộ phận nào? Tác giả sẽ đề cập tới ba khái niệm có mối liên hệ gắn kết, là phương pháp tiếp cận, phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu cụ thể dưới đây.

Thứ nhất, phương pháp tiếp cận là góc nhìn của người nghiên cứu đến đối tượng nghiên cứu. Thông thường, một vấn đề nghiên cứu có thể nhìn trên nhiều góc độ khác nhau, có thể là tiếp cận liên ngành, cũng có thể là chuyên ngành hoặc phổ biến hiện nay là tiếp cận lý thuyết.

Ví dụ trong đề tài “Luật pháp về tôn giáo ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay” thì phương pháp tiếp cận của đề tài chính là sử dụng nhãn quan của luật học, chính trị học để nhìn vào vấn đề tôn giáo cũng như quan hệ tôn giáo với pháp luật nhà nước trong giai đoạn này. Ngoài những vấn đề lý luận chung về tôn giáo, đối tượng nghiên cứu chính sẽ là: quá trình xây dựng luật pháp về tôn giáo ở Việt Nam; diện mạo và đặc điểm luật pháp về tôn giáo ở Việt Nam; và những đề xuất hoàn thiện để ban hành luật pháp về tôn giáo ở Việt Nam. Và như vậy, công trình đã sử dụng hướng tiếp cận liên ngành luật pháp và tôn giáo để giải quyết vấn đề, ở đây hướng tiếp cận chính của công trình là sử dụng “nhãn quan” của Luật học với thời lượng chiếm 50% của công trình. Ngược lại, một ví dụ khác, giả định công trình là “Tôn giáo trong luật pháp ở một số quốc gia Hồi giáo” thì hướng tiếp cận chủ đạo lại là tìm ra ảnh hưởng của giáo lý Hồi giáo (Tôn giáo học) trong quá trình xây dựng luật pháp của quốc gia này. Và ở đây, ngoài vấn đề giới thiệu chung về diện mạo luật pháp ở các nước này, đối tượng trọng tâm trong nghiên cứu sẽ là hàm lượng giáo luật, giáo lý trong các bộ luật được ban hành ở đây. Trên thực tế, các nước lấy Hồi giáo là quốc đạo thì việc ban hành luật pháp chịu ảnh hưởng trực tiếp giáo lý, kinh sách (ở đây là kinh Koran). Và nghiên cứu này cần được đặt ở Mã ngành Tôn giáo học. Đây là những hướng tiếp cận liên ngành rất phổ biến hiện nay.

Ngoài ra, chúng ta có thể chọn hướng tiếp cận lý thuyết. Đây là một trong những hướng nghiên cứu phổ biến hiện nay. Tiếp cận lý thuyết có nghĩa là chúng ta sử dụng một hay một tổ hợp lý thuyết để làm rõ một vấn đề nào đó trong luật pháp. Ví dụ có thể chọn đề tài “Lý thuyết chức năng trong nghiên cứu các chức năng tố tụng hình sự Việt Nam”[3]. Sau khi khu biệt các khái niệm liên quan đến chức năng, tác giả tập trung làm rõ khái niệm “lý thuyết chức năng” và sử dụng lý thuyết này vào nghiên cứu chức năng để làm rõ chức năng tố tụng hình sự của Việt Nam và đưa ra kết luận phát hiện “chức năng bảo vệ quyền con người trong tố tụng hình sự bị rơi vào tình thế chưa được đề cập nghiên cứu hay thể chế hóa trong chính sách pháp luật”[4].

Cần phải nói thêm rằng, việc sử dụng lý thuyết và một số phương pháp đặc thù chuyên ngành hẹp có những khác nhau về bản chất. Cũng là hệ thống các nguyên tắc, nhưng nghiên cứu lý thuyết tức là căn cứ vào nguyên tắc của một tư tưởng nhưng người nghiên cứu có thể, trên cơ sở đó, phát triển lý thuyết đó cho phù hợp với bối cảnh của những vấn đề tương tự trong một cộng đồng, rộng hơn là một quốc gia mà mình hướng tới giải quyết, đóng góp.

Thứ hai, phương pháp luận, hiểu một cách lý thuyết, là hệ thống lý luận về phương pháp; nói cách khác, các phương pháp nghiên cứu chính là đối tượng nghiên cứu của phương pháp luận[5]. Tuy nhiên, về bản chất, phương pháp luận là tư duy đặt đối tượng nghiên cứu trong tổng thể nguyên hợp của các yếu tố hình thành và tác động vào sự vật, hiện tượng như không gian, thời gian, con người và sự tác động giữa các yếu tố đó; trên cơ sở năng lực tư duy này, người nghiên cứu lựa chọn hướng tiếp cận, phương pháp nghiên cứu hợp lý để phát hiện những vấn đề mới. Như vậy, ở đây, chức năng của phương pháp luận là định hướng, gợi mở và dự báo những vấn đề cho một nghiên cứu. Cần phải nói thêm rằng, để có được tư duy phương pháp luận, người làm khoa học phải trải qua một quá trình rèn luyện, nghiên cứu rất căn bản và tốn nhiều công sức mới có thể đạt đến được.

Một ví dụ, khi giả định đề tài: “Bạo lực gia đình ở Hà Nội từ năm 1930 đến năm 1954”, thì về nguyên tắc phương pháp luận, chúng ta phải đặt thực trạng bạo lực này trong bối cảnh người phụ nữ và đàn ông Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi hai luồng tư tưởng là tư tưởng Nho giáo phong kiến và tư tưởng văn hóa phương Tây được tiếp biến giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, bên cạnh đó là các nguyên nhân trực tiếp khác như tình yêu, vấn đề kinh tế, sự đói nghèo, v.v... Ở đây, một mặt, người đàn ông Việt Nam vốn đặt quá nặng nề về vấn đề “Tam tòng, Tứ đức” theo quan nhiệm Nho giáo; mặt khác, người phụ nữ đã được phương Tây hóa khi nhận ra rằng, cuộc sống cần có cách nhìn nhận mới, hiện đại, con người không thể bị “bó hẹp” trong môi trường gia đình truyền thống, thiếu dân chủ. Và sự “bứt phá” này có nguồn gốc sâu xa là cuộc tiếp biến văn hóa phương Tây vào Việt Nam. Đây cũng là một trong những nguyên nhân căn bản đẩy người phụ nữ Việt Nam vào cái gọi là bi kịch gia đình, khi ngoại tình, tham gia vào chính trị và các quan hệ xã hội hiện đại khác, nhất là đối với phụ nữ trí thức. Song song với đó, sự đói nghèo cũng là một trong những nguyên nhân chính đẩy hôn nhân gia đình người Việt vào “cuộc chơi” với nhiều sự lựa chọn, cái nhìn mới - mà bạo lực gia đình vừa là kết quả vừa là nguyên nhân dẫn tới đổ vỡ hôn nhân. Và ở đây, tư duy phương pháp luận sẽ định hướng cho người nghiên cứu biết chọn phương pháp và lý thuyết thích hợp để phát hiện những vấn đề, nguyên nhân căn bản.

Thứ ba, phương pháp nghiên cứu là hệ thông nguyên tắc có chức năng công cụ phục vụ cho các thao tác tư duy, nghiên cứu mà phương pháp luận đã xác định. Phương pháp nghiên cứu vì thế rất phong phú, đa dạng. Khi chọn một phương pháp nghiên cứu, người ta phải tuân thủ những nguyên tắc rất nghiêm ngặt của phương pháp đó. Ví dụ, khi sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính, chúng ta không được vi phạm nguyên tắc khi tiến hành phỏng vấn sâu, phỏng vấn tham dự bằng hệ thống câu hỏi hay các phiếu điều tra phát ra được tính toán trước theo nguyên tắc.

Tóm lại, phương pháp tiếp cận, phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu có những đặc điểm, chức năng riêng nhưng có mối liên hệ, quan hệ hữu cơ với nhau.

Bảng 2: Phân biệt đặc điểm, chức năng của các loại phương pháp khoa học

Loại phương pháp

Đặc điểm

Chức năng

Phương pháp tiếp cận

- Thường chọn góc nhìn liên ngành và chuyên ngành để “soi” đối tượng nghiên cứu.

- Thường chọn các lý thuyết để tiếp cận vấn đề.

Làm rõ các khía cạnh đặc thù của đối tượng nghiên cứu trên cơ sở một góc nhìn, một lý thuyết nghiên cứu.

Phương pháp luận

- Gắn đối tượng trong tổng thể nguyên hợp của các yếu tố cấu thành.

- Tư duy lý thuyết, tư duy “mảng - miếng” khi thực hiện xem xét đối tượng

Gợi mở, định hướng, dự báo khuynh hướng phát triển của đối tượng nghiên cứu

Phương pháp nghiên cứu

- Phong phú, đa dạng

- Rút ra từ nhiều chuyên ngành khoa học khác nhau

Công cụ trong quá trình giải quyết các thao tác trong nghiên cứu.

Như vậy, khi tham gia vào nghiên cứu khoa học, người nghiên cứu cần phải hiểu bản chất những khái niệm, thuật ngữ chuyên sâu liên quan đến hoạt động này. Nói cách khác, một nghiên cứu chỉ có thể được thực hiện thành công khi và chỉ khi tác giả của nó có được hệ thống tri thức, lý luận liên quan, trong đó nội hàm của các khái niệm căn bản, trừu tượng như đã trình bày ở trên phải được hiểu một cách tường tận. Liên quan trực tiếp tới vấn đề đã trình bày, tiểu mục dưới đây sẽ đi vào giải quyết vấn đề tiếp theo: cấu trúc của một nghiên cứu.

2. Quy trình thực hiện

2.1. Chuẩn bị một nghiên cứu

2.1.1. Xác định tên đề tài nghiên cứu

Việc xác định tên đề tài là một vấn đề không đơn giản mà người nghiên cứu, trên cơ sở chuyên môn sâu, cùng với quá trình đọc tài liệu, đi thực tiễn có thể chọn lựa và đề xuất một nghiên cứu cụ thể. Do đó, một tên đề tài thường gắn với người chủ nhiệm có đủ năng lực để nghiên cứu độc lập.

Về nguyên tắc, tên đề tài không được hiểu theo hai nghĩa, không được dài dòng. Tên đề tài, vì thế cần súc tích, ngắn gọn và có mục tiêu, đối tượng nghiên cứu rõ ràng. Một đề tài không được sử dụng các cụm từ có độ bất động cao (ví dụ: Về, Góp bàn về, Góp (cùng) bàn về…) hay những cụm từ chỉ mục đích (như Để, Nhằm, Góp phần,…)[6]. Một đề tài được gọi là đạt yêu cầu khi và chỉ khi đối tượng, phạm vi và mục tiêu nghiên cứu thể hiện một cách rõ nét. Ví dụ, đây là một đề tài toát lên được các yêu cầu đó: “Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan hành chính nhà nước ở Việt Nam”[7]. Ở đây, sau khi phát hiện tình trạng xảy ra nhiều vi phạm trong thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, tác giả hướng tới thực hiện nghiên cứu với các đối tượng chính là: nguyên nhân, thực trạng và các loại vi phạm về văn bản quy phạm pháp luật ở các cơ quan hành chính nhà nước; và trên cơ sở đó, tác giả nghiên cứu đề xuất giải pháp để giảm thiểu tình trạng trên.

2.1.2. Đọc tài liệu và giới hạn phạm vi, mục tiêu nghiên cứu

Một đề tài có thể theo ba hướng: một là đối tượng nghiên cứu mới, rất ít hoặc chưa có ai làm; hai là, đề tài và những vấn đề liên quan đã được quá nhiều người nghiên cứu; và ba là, đề tài cần đến cả tư liệu thực tiễn chưa có người đề cập và tư liệu sẵn có. Trong ba loại đề tài trên, loại thứ hai, tức loại đã có quá nhiều người nghiên cứu là những đề tài “khó gặm” nhất. Vì để phát hiện ra những vấn đề mới trên cơ sở của những người đã có am hiểu về nó, nhất là các chuyên gia thì đây quả là một sự dũng cảm, một thử thách lớn. Do đó, dù là theo hướng đề tài nào thì đọc tài liệu thật kỹ theo nguyên tắc khách quan sẽ cho ra kết quả nghiêm túc, có đóng góp.

Thông thường, tư liệu mà chúng ta có thể tìm đọc là các Tạp chí chuyên ngành, vì phần lớn các công trình trước khi công bố chính thức thường được cắt, trích công bố những vấn đề liên quan trên Tạp chí[8]. Cũng có thể nói, nhiều trường hợp, tác giả chỉ công bố trong phạm vi một bài nghiên cứu với quy mô vừa và nhỏ ở Tạp chí nên việc khảo cứu các vấn đề liên quan đến tên đề tài ở loại hình xuất bản này là một thao tác khoa học bắt buộc và có hiệu quả để tránh sự trùng lặp.

Sau khi đọc tài liệu, người nghiên cứu sẽ có một cái nhìn toàn cảnh về “diện mạo” vấn đề mình sẽ nghiên cứu, từ đó xác định cho mình một phạm vi thích hợp, đồng thời co hẹp hoặc mở rộng mục tiêu nghiên cứu - cái mà theo chủ quan người nghiên cứu, đã hoặc chưa từng được chỉ ra trong các công trình trước để không rơi vào tình trạng lãng phí thời gian, công sức cho nghiên cứu sắp tới của bản thân.

2.1.3. Xác định phương pháp khoa học - hướng đi của nghiên cứu

Như trên đã trình bày một phần, trong một nghiên cứu, việc xác định hướng đi quyết định sự thành bại của nghiên cứu đó. Hướng đi không chỉ là vấn đề chúng ta sử dụng loại phương pháp khoa học nào mà còn thể hiện ở chỗ, khi áp dụng phương pháp khoa học ấy cho một đề tài cụ thể, vô hình trung, người nghiên cứu đóng góp một phương pháp mới trong nghiên cứu những vấn đề liên quan mà trước đó chưa có ai thực hiện. Ví dụ, khi sử dụng lý thuyết chức năng trong nghiên cứu chức năng của Tòa án, đề tài của tác giả Đinh Thị Mai[9]đã đóng góp một cách tiếp cận mới khi chỉ ra được bản chất chức năng của Tòa án trong quá trình xét xử khi khảo sát các khía cạnh của lý thuyết chức năng của các nhà khoa học lý thuyết mà cách tiếp cận này trước đó chưa được sử dụng. Chính vì thế, trong các xu thế nghiên cứu hiện nay, một công trình nghiên cứu để có được những phát hiện mới thì trong tư duy phương pháp luận cần phải xác định việc sử dụng các lý thuyết nghiên cứu, cách tiếp cận hợp lý là một hướng đi có thể mang lại kết quả tích cực. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta sính sử dụng lý thuyết, nhưng thực tế đã chứng minh lý luận đi lên từ thực tiễn và lý luận quay trở lại để “hướng dẫn” thực tiễn và quan trọng, thông qua đó chúng ta có thể phát hiện nhiều vấn đề mới mà cách làm “truyền thống” trước đây không thực hiện được.

2.2. Thiết kế một nghiên cứu

2.1.1. Xây dựng Đề cương

Từ những công tác chuẩn bị nêu trên, chúng ta thiết kế Đề cương nghiên cứu. Đề cương phải toát ra được những công việc chính mà người nghiên cứu sẽ thực hiện. Nó không chỉ bao gồm nội dung và phương pháp nghiên cứu mà còn phải “thiết kế” cả vấn đề về nhân lực tham gia (nếu là đề tài quy mô lớn), vấn đề phân bổ thời gian, kinh phí cho suốt quá trình. Dù quy mô nghiên cứu có khác nhau, song nhìn chung, một Đề cương nghiên cứu phải nhằm tới những ý cốt lõi dưới đây:

- Tên đề tài/ vấn đề nghiên cứu

- Dẫn nhập

- Tổng quan những vấn đề liên quan đến công trình

- Kết quả nghiên cứu

- Thảo luận

- Kết luận và Đề xuất (có thể không cần)

- Tài liệu tham khảo

- Phụ lục kế hoạch nghiên cứu ( bao gồm thời gian, lực lượng tham gia và kinh phí: đối với công trình của Nhà nước).

Cần phải nói thêm rằng, với thứ tự của Đề cương trên đây, người nghiên cứu có thể chuyển hóa các vấn đề thành các Chương của công trình, trong đó cần có hai Chương phản ánh hai vấn đề cốt lõi là Tổng quan những vấn đề liên quan đến công trình, trong đó có phần trình bày về mục tiêu và phương pháp nghiên cứu, các lý thuyết sẽ sử dụng ở phần nào, giải quyết vấn đề cụ thể nào; và Chương trình bày kết quả và thảo luận kết quả nghiên cứu. Hiện nay, trong hầu hết các công trình nghiên cứu, từ các đề tài mang tính Trường quy như Khóa luận, Luận văn, Luận án, cho đến các đề tài dự án đều thể hiện bằng các Chương, có thể là 2 hoặc 3 Chương, thậm chí nhiều hơn[10].

Quay trở lại vấn đề, từ tên đề tài và phạm vi nghiên cứu đã được giới hạn lại, người nghiên cứu sẽ viết phần Dẫn nhập. Phần này phải toát được hai vấn đề: một là nêu lên những vấn đề chung về lý luận và thực tiễn liên quan đến công trình nghiên cứu để làm nổi lên thực trạng chung cần tiếp tục nghiên cứu; thứ hai là đưa ra câu hỏi nghiên cứu và giả thuyết khoa học; thứ ba là phương pháp nghiên cứu; và cuối cùng là dự kiến kết quả nghiên cứu. Tất cả những phần này được trình bày dưới dạng Văn dẫn nhập, có nghĩa là viết khái quát thế nào để lôi cuốn người đọc dõi theo ý tưởng cũng như những vấn đề mà mình sẽ làm trong phần chi tiết mà không rơi vào tình trạng trùng lặp so với phần viết chính sẽ triển khai ở dưới.

Sang tới phần Tổng quan, người nghiên cứu phải nói được ba vấn đề cốt lõi: thứ nhất là tổng quan được nguồn tài liệu mình đã và sẽ khảo sát; thứ hai là trình bày thật chi tiết các phương pháp mà mình đã và sẽ thực hiện. Phần này rất quan trọng vì thực tế, những nghiên cứu trước đây rất ít chú trọng đến phần này; trong khi chúng ta sử dụng phương pháp khoa học nào, như thế nào, ở đâu thì không nói ra. Thứ ba là đưa ra được hướng tiếp cận, giả thuyết khoa học và khung phân tích lý thuyết mà tác giả sẽ thực hiện trong đề tài. Và cuối cùng, tác giả sẽ phải đưa ra các khái niệm, thuật ngữ liên quan đến công trình này.

Ở phần Kết quả nghiên cứu, phần trọng tâm của một nghiên cứu, tác giả sẽ trình bày những luận điểm ở dạng kết luận. Mỗi luận điểm sẽ đi cùng với luận chứng, biểu đồ, bảng biểu cụ thể (tùy theo từng dạng đề tài); các số liệu đều được giải thích rõ nguồn và trích nguồn. Có nghĩa là, ở đây, chúng ta sẽ trình bày những cái mới và chứng minh nó là những đóng góp mới có sở cứ rất chắc chắn. Thông thường, mỗi một luận điểm sẽ có từ hai luận chứng trở lên; đi kèm với đó là những số liệu đính kèm bảng biểu. Và, cứ ở mỗi luận điểm lớn (sẽ có các luận điểm nhỏ hơn) sẽ có một nhận xét sơ bộ (còn những thảo luận nên đẩy xuống phần dưới).

Thảo luậnlà một phần rất quan trọng, nó phản ánh tương đối rõ bản lĩnh và tính trung thực của người nghiên cứu cũng như độ chính xác cho mỗi nghiên cứu. Phần thảo luận chính là những nhận xét, nhận định, bình luận và kết luận của tác giả, nhóm tác giả về kết quả nghiên cứu. Trong đó, những nhận định về tính ứng dụng của nó trong hiện tại và tương lai, cùng với đó là những bình luận về vấn đề mà các nghiên cứu trước đã làm, sẽ góp phần làm cho công trình có một vị trí riêng

2.1.2. Xử lý, phân bổ tài liệu, luận cứ, luận chứng

Trong phần lớn các nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học xã hội, người nghiên cứu đồng thời thực hiện ba thao tác là nghiên cứu thực địa, đọc tài liệu và xử lý tài liệu trong cùng một thời gian. Ở đó, nguồn tài liệu thực địa được thu thập đến đâu cần được nghiên cứu, phân bổ rồi xử lý đến đó. Chẳng hạn, với các nguồn tư liệu điền dã thu thập từ các phiên tòa, sau khi đưa về, người nghiên cứu cần phân tách ngay về tình trạng tội danh và xếp vào mục trường hợp nghiên cứu A, B hay C - theo nhóm đối tượng tài liệu để dễ xử lý sau này. Thậm chí, người nghiên cứu còn phân tích và nhận xét sơ khởi nguồn tài liệu. Bởi vì chính trong quá trình xử lý dữ liệu chúng ta phát hiện những vấn đề mới mà nếu không đưa ra những nhận xét ngay thì có thể sau đó, chúng ta sẽ quên. Ví dụ, khi khảo sát các Hồ sơ đã được xét xử, người ta nhận thấy một số ý rất quan trọng xuất phát từ nhận thức của nguyên đơn, bị đơn hay từ các thành viên của Hội đồng xét xử mà sẽ là những phát hiện rất quan trọng cho việc nghiên cứu, đề xuất trong nghiên cứu này. Và tư liệu này cần được ghi rất nhanh trong quá trình thực hiện điền dã tư liệu và phải được xử lý, nhận xét sớm để tránh bị lãng quên.

Trước khi bắt tay vào viết công trình, ở phần này, thông thường người nghiên cứu phải tiến hành một bước nữa là xử lý, phân bổ nguồn tư liệu cho các phần liên quan đến Đề cương. Trên thực tế, phần này đã là phần mà tác giả bắt đầu viết; bởi các nguồn tư liệu trong quá trình xử lý chính là quá trình tính toán, đo đạc cùng với quá trình nhận xét, kết luận sơ khởi. Phần này sẽ phục vụ cho cả hai phần: cơ sở lý luận và kết quả nghiên cứu. Cần phải nói thêm rằng, trong một nghiên cứu, người nghiên cứu cần đọc tương đối nhiều những nghiên cứu chuyên ngành và liên ngành liên quan, sau đó “bổ ngang” tư liệu: những tư liệu nào cần tham khảo với tư cách là những “chỉ dẫn” về phương pháp luận, phương pháp hay lý thuyết nghiên cứu thì cần phân tích và trình bày rất cụ thể ở phần Tổng quan cũng như cơ sở lý luận; tư liệu còn lại liên quan trực tiếp tới đối tượng nghiên cứu thì tiến hành sàng lọc rồi tìm những luận điểm, kết luận quan trọng sử dụng làm luận chứng để trích dẫn, làm rõ trong phần kết quả nghiên cứu.

Ngoài ra, có một phần nguồn tư liệu quan trọng bậc nhất ở một nghiên cứu là phần tư liệu nghiên cứu thực địa (đối với phần lớn các nghiên cứu về khoa học xã hội). Nguồn tư liệu này chủ yếu trình bày ở phần kết quả nghiên cứu. Và thông thường, để cho một nghiên cứu có tính minh bạch và dễ dàng theo dõi hơn, người nghiên cứu thường xử lý nguồn tài liệu này dưới dạng các bảng biểu, biểu đồ, rồi trên cơ sở đó đưa ra những nhận xét về bản chất của vấn đề nghiên cứu.

Như vậy, trong một nghiên cứu, để phân bổ tư liệu cũng như sử dụng các nguồn tư liệu phục vụ cho các luận chứng, luận cứ là đặc biệt quan trọng. Dù là nguồn tư liệu dưới dạng tổng hợp từ các nghiên cứu đi trước có liên quan hay nguồn nghiên cứu thực địa thì khi xử lý rất cần tác giả đưa ra khung biểu đồ, bảng biểu bởi trên thực tế, một số liệu được xử lý bằng cách khái quát hóa dưới dạng này sẽ có hiệu quả hơn người viết nói ra bằng nhiều trang. Và như thế, việc khái quát hóa tư liệu bằng các mô hình là một thao tác có thế mạnh.

2.1.3. Viết và hoàn thiện công trình

Sau khi khung - xương của một công trình đã được dựng, người nghiên cứu tiến hành hoàn thiện công trình. Về bản chất, đây là phần “đắp” vỏ ngôn ngữ để diễn giải bản chất thuộc đối tượng nghiên cứu mà mình cần chứng minh để thuyết phục người đọc. Phần này thường thực hiện hai thao tác: phân tích sâu các số liệu và đưa ra nhận xét. Ở phần thứ nhất, sau khi các số liệu đã được xử lý ở phần trên, người thực hiện tiến hành diễn giải các số liệu “biết nói” này để đưa ra kết luận. Trên thực tế, chỉ cần đưa ra các bảng biểu để biểu thị số liệu hoặc đưa ra tỉ lệ phần trăm liên quan đã chứng minh và thuyết phục được đồng nghiệp, song ở đây rất cần một khâu lập luận để những vấn đề chứng minh được tường minh và chặt chẽ hơn.

Ở phần thứ hai, đây thực chất là phần bình luận kết quả nghiên cứu - thảo luận. Các số liệu đã được xử lý, giờ đây người nghiên cứu chỉ cần xây dựng các luận điểm để làm rõ mối quan hệ giữa số liệu với những kết luận về phát hiện mới của công trình. Trong quá trình này, tác giả sẽ dành nhiều thời lượng để chỉ ra rằng đâu là cái mới, có thể so sánh với những “cái cũ” để chứng minh, khẳng định cái mới. Như vậy, phần thảo luận kết quả nghiên cứu là rất quan trọng, như đã nêu trên, để khẳng định năng lực nghiên cứu, phát hiện vấn đề của tác giả.

2.3. Trình bày, báo cáo một nghiên cứu

Trình bày ở đây được hiểu là khâu công bố, báo cáo kết quả nghiên cứu cuối cùng tới đồng nghiệp và cơ quan liên quan. Hiện nay, phần lớn các nghiên cứu đều được báo cáo trên PowerPoint. Đây là một thuận lợi đối với người làm nghiên cứu.

Về nguyên tắc, phần trình bày, báo cáo kết quả nghiên cứu sẽ tập trung vào hai phần chính là công bố những phát hiện mới của một công trình và phương pháp mà tác giả thực hiện nó mà không dông dài sa vào các chi tiết khác để mờ đi những vấn đề cốt lõi cần đề cập. Chính vì thế, người nghiên cứu nên thiết kế các slides đủ để nói những vấn đề nêu trên. Tùy vào quy mô của công trình, song thông thường, người trình diễn PowerPoint nên để khoảng 1 phút/ slide. Chẳng hạn, nếu là một báo cáo đề tài cấp Học viện hoặc cấp Bộ thì với 30 phút cho 30 slides là hợp lý nhất.

3. Thay lời kết

Nghiên cứu là một hoạt động khoa học nhằm tìm ra cái mới. Vấn đề đặt ra là “cái mới” như thế nào và thế nào là “cái mới” - lại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố bên trong người nghiên cứu. Nói cách khác, để đưa ra được những đề tài thực sự có đóng góp, người làm nghiên cứu cần không ngừng trau dồi nhiều đức tính, phẩm chất bên cạnh hệ thống phương pháp khoa học, đồng thời coi hoạt động đọc chuyên nghiệp và viết chuyên nghiệp là hai thao tác cốt lõi (đối với giảng viên của Học viện Tòa án thì có lẽ còn phải là bốn hoạt động: đọc, viết, xét xử và giảng dạy chuyên nghiệp?). Cụ thể, đọc chuyên nghiệp ở đây không chỉ là đọc nhiều sách và nhiều thông tin trong các sách chuyên ngành, liên ngành để tích lũy mà còn phải đọc xem trong một nghiên cứu, một chuyên khảo như vậy thì họ triển khai một vấn đề như thế nào, theo hướng nào: từ cách tiếp cận, cách lập luận, cách trình bày các luận điểm khoa học cho đến các phương pháp khoa học mà tác giả sử dụng. Còn viết chuyên nghiệp chỉ đơn giản là thông qua các hoạt động đọc, xét xử và giảng dạy trên, chúng ta nhận thấy có vấn đề gì mới chưa được nhiều người đề cập hoặc những phát hiện theo mình là thú vị thì đặt bút viết; trong quá trình tranh tụng, xử án, chúng ta phát hiện cái gì là tình huống hay, dở có thể là bài học kinh nghiệm cho đồng nghiệp, học trò, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc trong ngành cần tháo gỡ thì cần thiết phải ghi chép lại và viết ra; trong giảng dạy, cái gì cần bổ sung hoặc lược bỏ, phương pháp nào theo mình là tốt, có hiệu quả thì cũng đặt bút viết ra: một mặt để chia sẻ với đồng nghiệp, mặt khác rèn luyện tư duy nghiên cứu, bố cục và thao tác của người viết, v.v... Mới đầu viết thì không hề dễ dàng nhưng không vượt qua để rèn luyện thao tác này thì không bao giờ có được một nghiên cứu chất lượng. Đây phải là những công việc “sát sườn”, thường xuyên của người giảng viên chuyên ngành của Học viện Tòa án.

Tóm lại, hiện nay Học viện Tòa án đang có một lợi thế là quy tụ được khá nhiều chức danh Tòa án đã từng làm công tác xét xử tại các địa phương về làm công tác giảng dạy. Như vậy, chúng ta đã và đang có một lực lượng làm nghề xét xử chuyên nghiệp; nếu Học viện tiếp tục tuyển dụng nguồn nhân lực theo hướng này, sau đó “đắp” thêm phương pháp khoa học và thường xuyên đưa hoạt động khoa học vào quá trình nghiên cứu và giảng dạy, chúng ta sẽ có một Học viện Tòa án thực sự có những đóng góp cho xã hội - một Học viện Tòa án đào tạo ra được đội ngũ người làm nghề không chỉ có trí tuệ và nhân cách trong xét xử mà còn có khả năng tự cầm bút viết nghiên cứu đề xuất cải cách và hoàn thiện tư pháp cho nước nhà. Và xin được nhấn mạnh lại, trong môi trường học thuật (như Academy), hoạt động nghiên cứu khoa học cần được đẩy mạnh, ứng dụng trong toàn bộ hoạt động giảng dạy và nghiên cứu của Học viện. Hoạt động này cần bắt đầu từ những nghiên cứu nhỏ, những Tiểu luận, Báo cáo (Báo cáo điền dã tư liệu, Báo cáo tổng thuật và Báo cáo khoa học) và phải thực hiện theo Trường quy (quy định mẫu riêng) của Học viện.

Hà Nội, tháng 09 năm 2015

N.L

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Vũ Cao Đàm (2008), Phương pháp luận nghiên cứu khoa học, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

2. Vũ Cao Đàm (2008), “Giả thiết và giả thuyết trong nghiên cứu khoa học”, Tạp chí Hoạt động Khoa học, Số 2, Hà Nội.

3. Đinh Thị Mai (2015), “Các chức năng tố tụng hình sự Việt Nam: nhìn từ lý thuyết chức năng”, Tạp chí Nhân lực Khoa học xã hội, số 5, Hà Nội.

4. Nguyễn Văn Tuấn (2012), Chất lượng giáo dục đại học: nhìn từ góc độ hội nhập, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh.

5. Nguyễn Văn Tuấn (2012), Đi vào nghiên cứu khoa học, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh.

6. Nguyễn Văn Tuấn (2013), Từ nghiên cứu đến công bố: kỹ năng mềm cho nhà khoa học, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh.

7. Nguyễn Văn Tuấn (2013), Tự sự của người làm khoa học, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh.

8. Nguyễn Văn Tuấn (2014), Phân tích dữ liệu với R, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh.

9. Vũ Văn Viên (2015), “Các loại hình phương pháp luận trong lịch sử”, Tạp chí Nhân lực Khoa học xã hội, Số 05, Hà Nội.


[1] Nguyễn Văn Tuấn (2013), Từ nghiên cứu đến công bố: kỹ năng mềm cho nhà khoa học, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh.

[2] Nguyễn Văn Tuấn (2013), Từ nghiên cứu đến công bố: kỹ năng mềm cho nhà khoa học, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh, tr. 361-370.

[3] Đinh Thị Mai (2015), “Các chức năng tố tụng hình sự Việt Nam: nhìn từ lý thuyết chức năng”, Tạp chí Nhân lực Khoa học xã hội, số 5, tr. 10 -15.

[4] Đinh Thị Mai (2015), Tlđd, tr. 18.

[5] Vũ Văn Viên (2015), “Các loại hình phương pháp luận trong lịch sử”, Tạp chí Nhân lực Khoa học xã hội, Số 05, Hà Nội, tr. 59-64.

[6] Vũ Cao Đàm (2008), Phương pháp luận nghiên cứu khoa học, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, Tr. 55, 56.

[7] Học viện Khoa học xã hội (20I5), Luận án Tiến sĩ Luật học, Chuyên ngành: Luật Hiến pháp và luật hành chính.

[8] Theo quy định của Nhà nước, trước khi công bố các đề tài lớn như đề tài cấp Nhà nước, đề tài Luận án, các Dự án nước ngoài,… các công trình này phải công bố một báo cáo khoa học về những vấn đề cốt lõi, liên quan trực tiếp để dư luận xã hội bình luận hoặc có những phản hồi. Đây cũng chính là cách thăm dò dư luận xem tính thực thi của công trình đến đâu.

[9] Đinh Thị Mai (2015), “Các chức năng tố tụng hình sự Việt Nam: nhìn từ lý thuyết chức năng”, Tạp chí Nhân lực Khoa học xã hội, số 5, Hà Nội.

[10] Tuy nhiên, phần lớn trong số những gì tôi được đọc và tìm hiểu thì không lột tả được hai vấn đề cốt lõi của một nghiên cứu là khẳng định được phương pháp nghiên cứu tác giả chọn và quan trọng, đưa ra được những cái mới thực chất. Phần nhiều là những mô tả, tổng quan những gì đã được nghiên cứu rồi đưa ra những Chương vô thưởng, vô phạt đề xuất, kiến nghị