Nhà nước nào là nhà nước liên bang

Nga đang thúc đẩy việc Ukraine trở thành một liên bang, khiến Kiev phản ứng lại rằng Moscow hãy lo ổn thỏa việc của mình trước.

Nhưng thực sự Moscow nghĩ gì?

Theo quan điểm của Nga, một liên bang Ukraine sẽ đem đến cho các vùng thuộc nước này thêm nhiều quyền về kinh tế địa phương, tài chính và ngoại thương cũng như ngôn ngữ, truyền thống, thực hành tôn giáo, giáo dục, các quan hệ văn hóa với nước ngoài, và quan hệ với các nước láng giềng, gồm cả Nga.

Các khu vực này, theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo tôn trọng quyền của các dân tộc thiểu số.

Kiev sẽ duy trì các hoạt động ở tầm quốc gia như quốc phòng, đối ngoại và pháp luật. Hay nói cách khác là chính quyền trung ương sẽ bị thu nhỏ rất nhiều.

Những cải cách này có thể diễn ra như thế nào?

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã lặp đi lặp lại rằng Nga hay bất kỳ cường quốc bên ngoài nào cũng không thể cố áp đặt một khuôn khổ nào, mà phải để chính người dân Ukraine quyết định.

Thế nhưng câu hỏi là người dân Ukraine nào? Hoa Kỳ lập luận rằng chính phủ Kiev phải nắm vai trò dẫn dắt.

Nhưng Moscow thì cho rằng Kiev, một chính quyền tạm thời lên nắm quyền nhờ một cuộc đảo chính bất hợp pháp, không thể có quyền phủ quyết những gì diễn ra, mà thay vào đó là phải mời tất cả các lực lượng chính trị và các khu vực tham gia vào cuộc đối thoại toàn quố, nơi tất cả các thành phần tham dự đều có tiếng nói và lá phiếu bình đẳng như nhau.

Điều đó có nghĩa là chính quyền trung ương không thể áp đặt kế hoạch riêng của mình lên những người khác. Thế nhưng nó cũng trao cho các khu vực quyền chủ động hơn khi quyết định xem nên tiếp nhận những quyền gì từ chính phủ trung ương.

Nga cũng đề xuất rằng một khi đã được nhất trí thì khuôn khổ mới sẽ được đưa ra lấy trưng cầu dân ý trên toàn quốc, là điều cần phải thực hiện trước khi có bất kỳ kỳ bầu cử toàn quốc nào. Trên thực tế, điều này có nghĩa là trước khi có kỳ bầu cử tổng thống dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng Năm.

Hồi tuần trước, vị tổng thống bị lật đổ của Ukraine, Viktor Yanukovych nay đang lưu vong tại Nga, nói rằng kỳ trưng cầu toàn quốc sẽ xác định quy chế của từng khu vực thuộc Ukraine, và các vùng khác nhau sẽ được quyền có sự tự trị nhiều hay ít hơn đối với chính quyền trung ương, phù hợp với điều kiện của mỗi vùng.

Nếu một số vùng đòi ly khai?

Một số nhóm thân Moscow tại các thành phố đa phần nói tiếng Nga như Donetsk và Kharkiv đã bóng gió tới khả năng này.

Và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tỏ ý các vùng này cũng sẽ được chào đón nếu muốn gia nhập Nga.

Ông mô tả miền nam và đông nam của Ukraine là những vùng đất lịch sử của Nga, và ám chỉ việc những người Bolshevik trao các nơi này cho Ukraine sau cuộc Cách mạng Tháng Mười 1917 là một sai lầm.

Tại sao Moscow khăng khăng muốn có cải tổ đó?

Nga lập luận rằng Ukraine không thể tồn tại như một quốc gia thống nhất và chỉ có cách chuyển thành một nhà nước liên bang với kết cấu nới lỏng hơn để các khu vực khác nhau có thể giữ được bản sắc riêng và đôi khi cả những quyền lợi xung đột mà không gây ra đổ vỡ.

Do đó, việc liên bang hóa Ukraine thay vì khiến nước này trở nên yếu đuối và dễ bị chia cắt hơn, thực ra sẽ giúp nó tồn tại tốt hơn.

Đặc biệt hơn, chính phủ Nga cảnh báo rằng đó là con đường duy nhất để bảo vệ cho quyền của các nhóm sắc tộc thiểu số như các nhóm nói tiếng Nga khỏi những người theo chủ nghĩa dân tộc thuần túy Ukraine, mà Moscow nói là đang có áp dụng chế độ độc tài tại Kiev.

Nhà nước nào là nhà nước liên bang

Nguồn hình ảnh, AP

Chụp lại hình ảnh,

Hạm đội Hắc Hải của Nga từ lâu nay đã đồn trú tại Crimea

Nhưng những người nghi ngờ về động cơ của Nga thì sợ rằng mục đích chính của đòi hỏi này chính là nhằm làm suy yếu chính quyền trung ương ở Kiev.

Điều này có thể trở thành một cơ chế theo đó cho phép các khu vực ly khai và sáp nhập vào Nga, hoặc việc ra quyết định sẽ ngay lập tức chịu sự phê chuẩn của chính quyền địa phương, trong đó có nhiều nơi Nga hy vọng sẽ là các đồng minh gần gũi với Moscow, do đó cho phép Nga gây ảnh huwongr lên khối liên minh cũng như chính sách của Ukraine.

Những vùng nào muốn nới lỏng quan hệ với Kiev?

Nga tập trung chú ý vào các vùng miền đông và miền nam, nơi thành phần nói tiếng Nga chiếm đa số và nơi đa số dân bầu cho Viktor Yanukovych trong kỳ bầu cử tổng thống trước.

Những nơi này gồm các thành phố Kharkiv, Donetsk và Odessa, nơi đã có các cuộc biểu tình thân Nga và thậm chí có cả việc một số nhóm thân Moscow tìm cách chiếm các trụ sở chính quyền và quốc hội địa phương.

Nhưng kết quả của bất kỳ cuộc trưng cầu dân ý nào cũng khó có thể đoán trước. Nó phụ thuộc vào những tình thế cụ thể, và vào những câu hỏi được nêu ra.

Không hề có gì đảm bảo rằng việc mỗi khu vực đó theo đuổi việc có quan hệ gần gũi hơn với Nga sẽ làm suy yếu nhà nước Ukraine. Và nếu như trong trường hợp Crimea, binh lính đã được triển khai hoặc đã có những lý do khác khiến cho cử tri cảm thấy bị dọa dẫm hoặc nghiêng ngả bởi sức mạnh tuyên truyền, thì nó sẽ ảnh hưởng tới việc người dân bỏ phiếu ra sao, hay liệu người ta có tẩy chay hay không.

Phản ứng từ phương Tây ra sao?

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry chỉ ra rằng Washington sẽ không phản bác ý tưởng nhà nước liên bang, một hướng đi có thể nhằm tìm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng, nhưng chỉ với điều kiện là chính bản thân Ukraine đồng ý với việc đó.

Và ông cũng rất cứng rắn rằng chính phủ lâm thời Kiev có quyền thông qua việc này.

Phản ứng của Kiev thì sao?

Kiev rõ ràng là đã sẵn sàng cân nhắc tới việc trao cho các khu vực thêm quyền lực, nhưng cho tới nay vẫn cương quyết phản đối ý tưởng nhà nước liên bang.

Bộ Ngoại giao Ukraine bác bỏ kế hoạch này và nói điều đó chỉ nhằm một mục đích là chia rẽ và hủy hoại vị thế nhà nước của Ukraine.

Thêm nữa, ngoại trưởng lâm thời Ukraine nói ông lo ngại rằng hiện đang có những kế hoạch nhằm gây bất ổn ở các vùng đông và nam Ukraine, nhằm trao cho Nga cơ hội tạo hành lang chạy xuyên Ukraine, nối liền Nga, Crimea và vùng Trans-Dniester có đông dân nói tiếng Nga, cũng là một vùng ly khai của Moldova ở biên giới phía tây của Ukraine.

Trong những ngày gần đây, Nga đã cảnh báo là họ vô cùng quan ngại về điều mà Moscow nói là sự phong tỏa Trans-Dniester của tân chính phủ Ukraine và gọi đó là điều quá đáng, không thể chấp nhận được.

Những quan ngại này đã được nêu ra với Nato, rằng Nga có thể phải có các kế hoạch can thiệp quân sự vào nơi này.

Liên bang Ukraine so với Nga thì thế nào?

Nga cũng là một liên bang gồm hơn 80 thực thể, trong đó có các nước cộng hòa là nơi sinh sống của những sắc dân thiểu số cụ thể, cũng như các vùng tự trị.

Mức tự trị và tự quản của mỗi thực thể tùy thuộc vào quy chế của thực thể đó, đồng thời phụ thuộc vào việc ai là người nắm quyền tại Kremlin.

Hồi thập niên 1990, dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin, số các vùng tự quản nhiều hơn.

Một số nước cộng hòa như Tatarstan (là một nước cộng hòa ở vùng Trung Á với đa số dân là người Tatar có liên hệ với người Tatar ở Crimea) có quyền tự điều hành khá cao, là quyền được trao như một phần nhằm xoa dịu dân và chặn việc họ tìm cách ly khai khỏi Nga như trường hợp Chechnya.

Nhưng khi Tổng thống Putin lên nắm quyền hồi 2000, một trong những cải tổ đầu tiên của ông là áp quyền kiểm soát lớn hơn lên các khu vực, nhằm tăng cường quyền lực của chính quyền trung ương và làm suy yếu các thách thức từ vùng biên ải.

Quan trọng hơn cả, ông ra lệnh các loại thuế phải được chuyển về trung ương, khiến cho hầu hết các vùng phải phụ thuộc vào sự bảo trợ của Moscow.

Hồi 2004, ông cũng bãi bỏ việc bầu cử trực tiếp ở địa phương đối với vị trí thống đốc, tỉnh trưởng, và ông trở thành tổng thống có quyền bổ nhiệm người vào các chức vụ này.

Hồi 2012, Tổng thống Medvedev khôi phục lại quyền bầu thống đốc trực tiếp, nhưng các ứng viên vẫn phải được tổng thống phê chuẩn khiến Kremlin có quyền lực đáng kể đối với các lãnh đạo cấp vùng.

Sự cứng rắn của Tổng thống Putin trong việc áp đặt quyền cai trị trung ương tại Nga trong lúc hỗ trợ cho phe đối lập tại Ukraine vẫn rõ nét trong tâm trí các chính trị gia Kiev.

Bộ Ngoại giao Ukraine thì nói Nga nên lo cải tổ các cơ cấu liên bang riêng của mình đi hẵng, trước khi nói Ukraine phải làm gì.