Nguyên nhân dẫn đến thất nghiệp ở thanh niên

Nguyên nhân dẫn đến thất nghiệp ở thanh niên

Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao kỷ lục
Vấn đề việc làm cho thanh niên Hàn Quốc ngày càng trở nên nghiêm trọng. Số người chưa tìm được việc trong độ tuổi từ 15 đến 29 trong tháng 2 vừa qua đã tăng lên 560.000 người, ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên đạt mức kỷ lục chưa từng có là 12,5%. Tiến sĩ Ryu Sang-yun thuộc Viện nghiên cứu kinh tế LG phân tích về thị trường việc làm ảm đạm của lớp thanh niên Hàn Quốc.

Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao nhất từ trước đến nay là 11,5%, được ghi nhận vào tháng 7 năm 1999. Song trong tháng 2 vừa qua, tỷ lệ này đã tăng lên mức 12,5%, một con số đáng lo ngại. Nghiêm trọng hơn là tỷ lệ này vẫn trên đà tăng lên. So sánh số liệu tháng 2 của những năm vừa qua, ta thấy tỷ lệ thanh niên thất nghiệp vào thời điểm này của 2012 là 8,3%, tỷ lệ này tăng lên 10,9% vào năm 2014, 11,1% vào năm 2015, và 12,5% vào năm nay. Tuy tỷ lệ thất nghiệp ở các nhóm tuổi khác vẫn ổn định, nhưng thị trường việc làm cho thế hệ trẻ những năm gần đây được cho là khá khắc nghiệt.

Nguyên nhân gia tăng tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên
Vào tháng 2, số thanh niên thất nghiệp ở Hàn Quốc thường cao hơn các tháng khác, nguyên nhân là do có nhiều sinh viên đại học tốt nghiệp trong tháng này. Mặc dù vậy, sự gia tăng liên tục tỷ lệ thất nghiệp ở độ tuổi thanh niên được cho là đáng lo ngại. Tiến sĩ Ryu Sang-yun nói:

Có một số nguyên nhân đặc biệt khiến tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên tăng cao kỷ lục trong tháng 2 vừa qua, như đây là thời điểm sinh viên tốt nghiệp đại học hay tham dự kỳ thi công chức toàn quốc. Tuy nhiên, có một vài lý do khác khiến tình trạng thanh niên thất nghiệp tăng lên trông thấy trong vài năm gần đây. Kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng chậm và không mấy chắc chắn khiến các doanh nghiệp tư nhân hạn chế việc tuyển dụng nhân viên mới, dẫn đến số thanh niên thất nghiệp tăng cao. Tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm và khả năng cạnh tranh của các ngành công nghiệp chủ chốt của Hàn Quốc cũng đang đứng trước nhiều thách thức. Ngoài ra, nhiều người cho rằng dù có bằng cấp đầy đủ cũng khó có thể kiếm được công việc phù hợp. Minh chứng cho điều này là số lượng sinh viên học đại học đang ngày một giảm dần. Việc nhiều thanh niên trẻ vội vàng tìm kế sinh nhai ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông càng khiến cho con số thất nghiệp ở giới trẻ Hàn Quốc gia tăng nhanh chóng.

Xã hội không có việc làm
Trên thực tế, thị trường việc làm cho thanh niên tại Hàn Quốc đang trở nên khó khăn đến nỗi một nửa các các tập đoàn lớn của Hàn Quốc thậm chí còn chưa quyết định sẽ tuyển dụng thêm bao nhiêu nhân sự mới trong năm nay. Tình trạng này được cho là sẽ còn kéo dài và không mấy khả quan trong thời gian tới. Chi tiêu trong nước giảm sút buộc các nhà bán buôn và bán lẻ lớn hạn chế tối đa việc tuyển thêm người. Bên cạnh đó, tính bất ổn từ bên ngoài nền kinh tế đang tăng lên, khiến các nhà sản xuất ngần ngại khi thuê lao động mới. Trước thực trạng thị trường việc làm của Hàn Quốc bị đóng băng như hiện nay, có thể suy đoán rằng Hàn Quốc sẽ giống như Nhật Bản, nước đã trải qua vấn nạn thanh niên thất nghiệp trong nhiều năm. Ông Ryu Sang-yun nhận định:

Nhật Bản đã trải qua thời kỳ kinh tế suy thoái kéo dài, sau sự kiện vỡ bong bóng kinh tế vào những năm đầu thập niên 1990. Thị trường tài sản của Nhật Bản sụp đổ và các khoản nợ tồn đọng tăng vọt, khiến chỉ tiêu phát triển đình trệ, buộc các doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô và sa thải bớt nhân viên. Thế nhưng Nhật Bản lại có thông lệ tuyển dụng nhân viên lâu dài, và các công ty bị ràng buộc bởi các quy định và luật lệ, khiến họ khó có thể sa thải số lượng lớn công nhân. Vì vậy, cách duy nhất để Nhật Bản điều chỉnh nhân lực là giảm tuyển dụng nhân viên mới. Đây chính là lý do khiến tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên Nhật Bản tăng nhanh hơn so với tỷ lệ thất nghiệp ở các nhóm tuổi khác. Kinh tế Hàn Quốc gần đây cũng rơi vào tình trạng tăng trưởng kém, mặc dù không đến nỗi nghiêm trọng như hiện tượng bong bóng kinh tế tại Nhật Bản trong những năm 1990, song cũng chưa biết liệu các công ty Hàn Quốc có thể giữ được lợi thế cạnh tranh trước các đối thủ Trung Quốc đang ngày càng phát triển trong bao lâu nữa. Trong khi đó, những nỗ lực cải cách giúp Hàn Quốc thoát khỏi tình trạng này vẫn chưa có hiệu quả, khiến Hàn Quốc hiện đang phải đối mặt với những khó khăn khá giống như Nhật Bản trong quá khứ.

Tuyển dụng ngắn hạn và việc làm tạm thời tại Nhật Bản
Trong những năm 1970, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ở Nhật Bản vào khoảng 4%, khi bong bóng kinh tế vỡ vào thập niên 1990, tỷ lệ này tăng lên hơn 10%. Tiếp đến là đầu những năm 2000, ở Nhật Bản xuất hiện hiện tượng thanh niên không tham gia học hành, đào tạo, hay làm việc, còn gọi là thanh niên NEET, bắt nguồn từ cụm từ tiếng Anh viết tắt “Not in Education, Employment or Training”. Thời điểm này, Nhật Bản ghi nhận số thanh niên đã tốt nghiệp đại học mà vẫn chưa thể tìm được việc làm cũng như không được đào tạo nghề lên tới 600.000 người, và tỷ lệ lao động không thường xuyên lên đến hơn 40%. Tình trạng thất nghiệp ở Nhật Bản giảm dần sau khi đạt đỉnh vào năm 2003, nhưng các vấn đề liên quan tới tuyển dụng ngắn hạn hay việc làm tạm thời vẫn còn kéo dài cho đến tận ngày nay. Tiến sĩ Ryu Sang-yun cho biết thêm:

Trước khi bong bóng kinh kế của Nhật Bản bị vỡ, chỉ có 20% lao động trẻ của nước này làm việc bán thời gian. Nhưng tỷ lệ người làm ngắn hạn hay làm thêm đã tăng liên tục suốt thập niên 1990 và lên tới 30% trong những năm 2000. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản gần đây đã giảm xuống, song phần trăm lao động làm bán thời gian không hề giảm chút nào. Nguyên nhân là do thói quen tuyển dụng của doanh nghiệp đã thay đổi, họ có xu hướng thích thuê những lao động thời vụ hơn là lao động chính thức dài hạn. Và thậm chí cơ cấu ngành công nghiệp của nước này cũng chuyển hướng sang ngành dịch vụ, vốn có nhu cầu cao về lao động bán thời gian. Những kinh nghiệm mà Nhật Bản đã trải qua cho ta thấy, nếu Hàn Quốc không tạo được những ngành công nghiệp thuê mướn lao động trẻ hoặc không phục hồi được những ngành công nghiệp vốn đang trong tình trạng không tuyển dụng được những lao động mới thông qua tái cơ cấu, thì số lượng người thất nghiệp có thể giảm xuống nhưng chất lượng việc làm sẽ không thể cải thiện.

Giờ là lúc cần giải pháp cơ bản
Giới trẻ Nhật Bản đang phải đối mặt với cái gọi là “Kỷ nguyên đóng băng việc làm”, thói quen tuyển dụng mới của doanh nghiệp đang gây khó khăn cho thanh niên tìm việc ở cả hai khía cạnh định tính và định lượng. Đặc biệt, tình trạng thanh niên thất nghiệp ở Nhật Bản đã không ngừng tăng trong thập kỷ vừa qua do kinh tế nước này rơi vào suy thoái kéo dài. Việc giới trẻ Hàn Quốc không có việc làm có thể cũng phải trải qua một thời gian dài nếu như tăng trưởng kinh tế vẫn ì ạch như hiện nay. Đây chính là nguyên nhân khiến Hàn Quốc cần phải tìm ra một số giải pháp cốt lõi cho vấn nạn này. Ông Ryu Sang-yun đề xuất:

Việc cải thiện số lượng và chất lượng việc làm cho lao động trẻ là nhiệm vụ không mấy dễ dàng. Tất nhiên một vài chính sách vi mô có thể giảm thiểu những khó khăn cho thanh niên tìm việc và giảm tổn thất về nguồn nhân lực, chẳng hạn như tạo điều kiện cho thế hệ trẻ dễ dàng tiếp cận thông tin tuyển dụng, hay khuyến khích các sinh viên tốt nghiệp đại học từng bỏ ý định tìm việc, chủ động quay lại kiếm việc làm. Việc lập kế hoạch và thực hiện các biện pháp đó là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng đối sách cơ bản nhất để cải thiện tình trạng thất nghiệp ở thanh niên phải bao gồm cả việc tái cơ cấu doanh nghiệp song song với tạo động lực tăng trưởng mới để có thể khôi phục lại tiềm năng tăng trưởng.

Chính phủ Hàn Quốc dự định sẽ giới thiệu một số biện pháp tạo việc làm cho giới trẻ vào tháng tới. Trên thực tế, việc giải quyết nạn thất nghiệp ở thanh niên luôn là ưu tiên hàng đầu, song song với việc tăng cường các chương trình đào tạo nghề, mở rộng các chương trình thực tập và làm việc tại nước ngoài. Mặc dù vậy nạn thất nghiệp vẫn chưa được cải thiện. Chính phủ cần phải nhanh chóng tìm ra các biện pháp cơ bản để giải quyết vấn nạn thất nghiệp của lớp thanh niên trẻ.

Lựa chọn của ban biên tập

Nguyên nhân dẫn đến thất nghiệp ở thanh niên

Tin giải trí

Chương trình “Tripmate: Who Are You” sẽ phát sóng tại Việt Nam từ ngày 19/11

2022-11-18

Nguyên nhân dẫn đến thất nghiệp ở thanh niên

Tin giải trí

Trưởng nhóm RM của BTS phát hành album solo “Indigo” vào ngày 2/12

2022-11-11

Nguyên nhân dẫn đến thất nghiệp ở thanh niên

Âm điệu ngàn xưa

Khí hậu trong đời sống thường nhật và đời sống âm nhạc của người dân Hàn Quốc

2022-11-10