Nghệ thuật xây dựng nhân vật đa-ni

Thật vậy, qua hình ảnh một người đàn ông với “cái nhìn khắc khoải” trong một đôi mắt “rân rấn” nước. Chi tiết tưởng chừng như rất nhỏ ấy nhưng cái “cửa sổ tâm hồn” ấy đã hé mở cho ta thấy nhiều điều về một con người. Đôi mắt ấy đã tự nó đã nói lên được cái khao khát mong ngóng hạnh phúc của một người đàn ông giàu lòng yêu thương.

Cũng với hình ảnh đôi mắt nhưng đôi mắt của ông Mười là “đôi mắt dữ tợn lên, đỏ ngầu dưới hai đám lông mày rậm rịt chớm bạc phát ra nhưng tia nhìn như xoay thấu người khác’’. Mới đọc những chi tiết này có lẽ người sẽ chụp mũ đó là nhân vật dữ dằn, thô bạo. Nhưng thật ra ta phải hiểu được rằng lúc có được ánh mắt ấy là lúc ông đang ở trong tâm thế của một người chồng sẵn sàng che chở, bảo vệ cho người vợ yếu đuối của mình. Đằng sau vẻ dữ tợn đó là một tấm lòng lúc nào cũng lo lắng xót xa cho vợ con. Ông thương vợ và ông thể hiện tình thương đó một cách kín đáo, ông chấp nhận mọi người hiểu lầm ông ích kỉ hơn là việc người ta sẽ khơi lại chuyện cũ bởi ông biết rằng mỗi một lần như thế sẽ lại một lần vợ ông bị nhói đau.

Viết về những người đàn bà buôn hương bán phấn, Nguyễn Ngọc Tư đã không cần tốn quá nhiều công sức khi khái quát về tính cách, nghề nghiệp của họ. Viết về họ, Nguyễn Ngọc Tư đã chớp ngay được “cái con mắt đung đưa’’, “nụ cười tung tẩy trên khóe mắt”. Cái con mắt “đung đưa” “tung tẩy” gợi tình, mời tình ấy cũng đủ giúp ta hình dung được sự phong trần, lả lơi của một kiếp đàn bà. Tiếp đến cụ thể hơn là hình ảnh “mắt và cổ đã nhão”, đặc biệt Nguyễn Ngọc Tư còn vạch cho ta thấy nhưng vết thương toang hoác của cuộc đời mà đã chấp nhận để được ăn trên miếng cơm, manh áo của người khác. Sau trận đánh ghen “môi chị sưng vểu ra xanh dờn; những mảnh thịt mà người ta cấu nhéo tím ngắt’’, “đôi vú rách bươm và khoảng đùi rớm máu” đau đớn ê chề nhục nhã nhưng người đàn bà đó vẫn chấp nhận, như một lẽ tất nhiên khi đã chấp nhận dấn thân vào cái nghề tàn khốc đó. Trước sự đau đớn mà chị phải chịu, trước việc biết được người ta đã đổ keo dán sắt vào cửa mình chị thì một lần nữa để thấy được thái độ của mọi người “bằng việc đặc tả đôi mắt của người cha: “tôi đọc được sự ghê sợ, kinh tởm cồn lên trong mắt cha”.

Nhưng cũng với đôi mắt ấy, ở một hoàn cảnh khác sắc thái cảm xúc mà nó biểu hiện lại khác. Sau khi quyến rũ được người cha chung chạ qua đêm với chị “ cha tôi chỉ lạt lẽo nhếch cười...Cha đưa cho chị một ít tiền ngay trong bữa ăn cơm khi nhà đủ mặt, “tôi trả tiền hồi hôm...” rồi điềm nhiên phủi đít đủng đỉnh đứng lên, sự khinh miệt và đắc thắng no nê trong mắt”. Rõ ràng với cách thể hiện như vậy, người đọc chỉ có thể nhận xét rằng đó đích thị là đôi mắt của kẻ tàn nhẫn, bạc bẽo đến vô lương tâm.

Những tưởng người cha trong truyện sẽ càng ngày càng man rợn nhưng không ngờ với đôi mắt “ầng ậc nước... nhoè nhoẹt” khi chứng kiến con gái mình bị hãm hiếp mà ông không làm gì được đã trở thành dấu hiệu sự trở về của con người thật trong ông. Hình ảnh đôi mắt còn xuất hiện rất nhiều trong truyện của Nguyễn Ngọc Tư, đó còn là đôi mắt bị bệnh chảy nước mắt sống của Điền. Đôi mắt cứ chảy nước mắt ròng ròng, đôi mắt bị tổn thương sau khi nhìn thấy những hình ảnh không đáng nhìn khi vừa thức giấc trong bồ lúa. Sau khi Điền bỏ đi theo “chị”, Nương vẫn nghĩ về đôi mắt ấy với một niềm khắc khoải khôn nguôi: “không biết nước mắt của nó đã khô chưa hay vẫn rỉ từng giọt như máu tươi”. Hình ảnh đôi mắt cứ chảy nước ròng ròng ảm ảnh từ đầu đến cuối câu chuyện đã thể hiện ý nghĩa nhân văn sâu sắc, Nguyễn Ngọc Tư đã cho ta thấy một tâm hồn bị tổn thương, yếu đuối .Con người ta có thể chai sạn với mưa nắng nhưng với những cú sốc tinh thần đặc biệt là cú sốc đầu đời đầu đời thì rất khó dể chữa lành. Cú sốc đó mãi còn để lại những di chứng về sau này.

Ngoài những nét chấm phá rất điển hình để miêu tả một khoảnh khắc trong cuộc đời nhân vật, Nguyễn Ngọc Tư còn miêu tả ngoại hình gắn với sự biến đổi theo năm tháng. Nhan sắc của bà Hồng không thể chống lại quy luật tàn phai của thời gian. Thời con gái bà đẹp “tới đứng tim người ta’’. Trải qua bao vất vả cơ cực để cống hiến cũng đã đến lúc “đôi môi đã héo queo, mặt nhăn nhúm nám đen, cái cổ cao ngày trước giờ gần như đổ gục vì cái gánh tâm tư mà cuộc đời chồng chất’’ sự thay đổi đó làm cho ông Khanh “đứng chết lặng ngẩn người ra, lòng đau đớn, đó không phải là nhan sắc mà ông nhớ thương chờ đợi ...”.

Nhìn vào thế giới nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư, ta dễ dàng thấy đặc trưng riêng của từng nhân vật. Tuy nhiên toát nên từ tất cả, từ trẻ đến già ai cũng mang trên mình đặc điểm chung, cái nét chung của người nông dân Nam Bộ cơ cực nghèo khổ lam lũ vất vả nhưng giàu tình yêu thương. Những nét tính cách này càng được nổi bật rõ ràng hơn khi ta đặt những nét ngoại hình đó trong sự đối sánh với nhân vật ông trưởng ấp và ông cán bộ xã: “hai khuôn mặt bị nướng dưới ánh mặt trời, bóng nhẫy, tươm mỡ”, còn ánh mắt thì đó là: “ánh nhìn ham muốn như mũi kim thò ra khỏi bọc, lơ láo”. Chỉ cần hai nét cơ bản như vậy thôi người đọc dã có thể hình dung ra sự ứ thừa của những con người tham lam, ham hố.

Như vậy miêu tả ngoại hình Nguyễn Ngọc tư đã không sao chụp máy móc chân dung các nhân vật mà chỉ phác họa tái hiện lại bằng một vài nét thoáng qua có tính chất chấm phá. Song những nét chấm phá ấy lại có ý nghĩa lớn, nó đạt tới giá trị tạo hình, lại vừa có khả năng gắn rất cụ thể nhằm tái hiện một cách sinh động tính cách nhân vật cũng như đã góp phần nêu bật được quan niệm của nhà văn về con người thế giới.

3. Ngoài ra để người đọc có thể thấy được rõ nét tính cách của nhân vật thì Nguyễn Ngọc Tư còn rất chú ý trong việc mô tả hành động của nhân vật. Thể hiện tính cách nhân vật qua miêu tả hành động là một thủ pháp cơ bản trong nghệ thuật xây dựng nhân vật. “Hành động là những việc làm cụ thể của nhân vật trong các quan hệ ứng xử với các cá nhân vật khác nhau và trong những tình huống khác nhau của cuộc sống’’. Hành động được xem như là kết quả cuối cùng của quá trình nhận thức, quá trình tâm lý, quá trình tình cảm. Qua hành động, Nguyễn Ngọc Tư muốn để cho nhân vật của mình nói lên những suy nghĩ, tư tưởng, trạng thái diễn biến bên trong nhân vật.

Đọc Cánh đồng bất tận người đọc không thể quên được hành động “Người cha cởi áo trên người để đắp cho đứa con gái. Ông ta bò quanh nó, tìm bất cứ cái gì để có thể che cơ thể nó dưới mặt trời”. Có thể nói một hành động chăm sóc yêu thương đó ông đã bỏ quên từ lâu lắm. Rồi hành động khăn gói bỏ xứ ra đi tìm con của ông già Năm Nhớ trong truyện ‘Cải ơi’’. Hành động đó thể hiện lòng yêu thương, lo lắng cho con. Mặt khác ông muốn ra đi, quyết tâm tìm lại con để minh chứng cho tấm lòng của mình trước sự nghi nghờ của vợ và thái độ dò xét của những người xung quanh.

Rồi hành động hết sức cảm động của ông Mười (Mối tình năm cũ). Khi chứng kiến cảnh vợ đau khổ vì làm phim về người yêu cũ đã mất. Ông đã “nhẫn nại cầm chiếc khăn lau những dòng nước mắt trên khuôn mặt vợ’’. Trước hết ta nhận thấy đây là thấy đây là một hành động tràn đầy tình yêu thương, sự nâng niu, trân trọng đối với người vợ đã chịu nhiều mất mát của mình. Và đằng sau tình cảm ông dành cho vợ là tấm lòng vị tha, cao thượng, ông đã không hề mảy may ích kỉ, nhỏ nhen trước chuyện vợ mình vì một người đàn ông khác mà khóc.

Hành động “khăn gói bỏ xứ ra đi” tìm đứa con riêng của vợ cũng là hành động thể hiện được tình yêu thương vô bờ của ông Năm Nhỏ trong Cải ơi. Thương con lưu lạc, bơ vơ, thương vợ nghẹn ngào trong nỗi sầu lo lắng nhớ mong con, ông quyết tâm tìm lại đứa con ấy. Ngoài ra, hành động quyết tâm ra đi cũng thể hiện lòng tự trọng và sự cố gắng minh chứng cho tấm lòng trong sạch của mình trước thái độ dò xét của những người xung quanh và sự ngờ vực của vợ. Hành động ra đi còn xuất hiện rất nhiều trong tập truyện Cánh đồng bất tận: Sự ra đi của Tứ Phương để nhường chị Thể cho anh trai, hành động nhân vật “má” đi tìm tin tức của người vợ cũ cho chồng cũng là những hành động mà chỉ những con người có tấm lòng vị tha, cao thượng mới có được. Hành động bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ nơi giàu sang để đi theo tiếng gọi tình yêu của ông Chín trong Cuối mùa nhan sắc cũng là hành động rất đáng trân trọng của một con người mạnh mẽ, dứt khoát lấy tình yêu là lẽ sống cả đời của mình. Hay hành động ra đi tìm chồng của cô Út trong Cái nhìn khắc khoải cũng đã thể hiện được tình cảm yêu thương, gắn bó và sự chung thuỷ của người phụ nữ Nam Bộ... Những hành động đều rất nhẹ nhàng nhưng tất cả như đã đều toát lên ý nghĩa nhân văn sâu sắc của nó.

Mỗi nhân vật khi làm bất cứ một điều gì, hành động như thế nào đều đã thể hiện một phần tính cách của mình. Mô tả hành động của nhân vật, ngoài để góp phần thúc đẩy cốt truyện, Nguyễn Ngọc Tư còn khéo léo thể hiện tính cách nhân vật, góp phần xây dựng nhân vật trong tính hoàn chỉnh của nó.

4. Khi xây dựng nhân vật, để khắc hoạ rõ nét, sống động cá tính của nhân vật thì các nhà văn còn rất chú ý đến những lời đối thoại của nhân vật. Họ đều là những người nông dân Nam Bộ nên trước hết ta thấy họ đều là những con người bình dị. Ngay từ cách xưng hô giữa các nhân vật với nhau, ta thấy họ gọi nhau là: Bây, tía, má, chế, ý, qua... Đó là những cách xưng hô thân mật của những con người xứ miệt vườn Nam Bộ. Cách diễn đạt của họ cũng rặt một kiểu Nam Bộ: “bảnh thiệt, cà lơ phất phơ, cá chốt rỉa, chành miệng, chộ ba bảy chín, đưa chốt qua sông, đã thiệt....”. Họ là những con người chất phác, thường thì nghĩ sao nói vậy. Vậy nên khi tìm hiểu tính cách nhân vật ta không thể bỏ qua những lời đối thoại của nhân vật.

Qua lời đối thoại, ngoài thông tin thể hiện trong lời nhân vật đó ta còn dễ dàng hiểu được cách suy nghĩ và qua đó mà hiểu được tính cách nhân vật. Chẳng hạn trước khi ra đi ông Sáu Đèo đã nói với Phi như sau : “Chú mầy uống đi, buồn gì, hai đứa mình có duyên gặp ở đây, có phải là vui biết chừng bao nhiêu không? Nhưng qua có lời dặn lại, chú em đừng bao giờ uống say quá, chỉ những người sầu muôn mới uống say thôi”. Nếu không phải là con người từng trải, sâu sắc, chu đáo và rất tình cảm thì sẽ không bao giờ thốt ra những câu nói đầy triết lí nhưng rất chân tình và thấm đẫm tình yêu thương như thế.

Tính cách thẳng thắn, trẻ trung, yêu đời, giàu tình cảm của ông Chín trong Cuối mùa nhan sắc cũng được thể hiện rất rõ nét khi ông nói chuyện với mọi người trong quán cà phê.

“Có người hỏi, sao bữa nay không uống cà phê. Ông Chín Vũ cười lắc đầu, cười tiếp với cái vẻ không muốn nói mà thèm nói quá trời đi:

- Để dành tiền mua cho cổ chai dầu thơm.

Ông già trịnh trọng thì thào. Cả quán rộ lên cười:

  • Già rồi mà còn yêu.

  • Mắc yêu thì yêu - ông già cự lại, vẻ mặt sương sướng không giận gì ai.

  • Bây thì biết gì, tình xưa đó, mà, mình thương người ta mà người ta đâu có thương mình”

Trong Cánh đồng bất tận để thể hiện tính cách tàn nhẫn của người cha và sự cam phận nhẫn nhục của nhân vật “chị”, Nguyễn Ngọc tư cũng đã xây dựng những đoạn đối thoại rất đặc sắc. Sau khi diễn tả sự hạnh phúc của chị khi quyến rũ được nhân vật cha qua đêm với mình trong bữa ăn, cha nói: “Tôi trả tiền hồi hôm…” Chị nhét tiền vào trong áo ngực, cười “Trời ơi ba mấy cưng sộp quá chừng”

Rồi một lần sau khi chị cố gắng để đàn vịt của ba cha con khỏi bị tiêu hủy, sáng sau gặp ở quầy vịt : “Sao, hồi tối có vui không?

Chắc họ tưởng cô là vợ tôi nên hứng thú lắm hả? Cứ để họ nghĩ vậy...”. Chị ngó trân trân vào cha, rồi day qua tôi, chị để rớt từng lời:

- Má cưng ác một, nhưng người cha này của cưng ác tới mười”

(Cánh đồng bất tận)

Qua đó ta thấy lời đối thoại cũng là một phương tiện nghệ thuật rất đắc dụng để nhà văn xây dựng lên tính cách nhân vật. Qua những lời thoại trong tập truyện, Nguyễn Ngọc tư đã cho ta thấy được rõ nét hơn về lối sống, tính cách của các nhân vật trong truyện.

5. Để khắc hoạ nhân vật trong tính toàn vẹn của nó thì bên cạnh việc miêu tả ngoại hình, Nguyễn Ngọc Tư còn rất chú trọng đến việc miêu tả nội tâm nhân vật. Nội tâm là khái niệm chỉ toàn bộ những trạng thái, suy nghĩ, cảm xúc, cảm giác, nhưng phản ứng tâm lý của bản thân nhân vật trước cảnh ngộ và tình huống mà nhân vật chứng kiến trên bước đương đời của mình. Yếu tố tâm lý thường được nhà văn xem là một đối tượng nghiên cứu trực tiếp của mình. Muốn khai sinh cho một nhân vật phải nắm bắt được tâm lý của nhân vật. Đây cũng chính là một thử thách đối với nhà văn bời tâm lý của con người không đơn giản, khó nắm bắt. Mỗi người có một tính cách riêng, cách suy nghĩ riêng với những cảm nhận khác nhau về thế giới và con người. Có thể nói thủ pháp được vận dụng thường xuyên nhất trong truyện Nguyễn Ngọc Tư đấy chính là dùng lời nửa trực tiếp. Cụ thể là trong lời kể chuyện của nhà văn đã bao hàm cả giọng điệu, thái độ, suy nghĩ của nhân vật; kể lại câu chuyện bằng chính giọng điệu của anh ta. Chẳng hạn trong truyện Huệ lấy chồng, Khi Điềm ước sau này sẽ gặp được người tử tế, lấy được một người chồng như Thi (người yêu của Huệ) thì “lòng Huệ nghe ấm ran, nó mơ tới một mái nhà sớm chiều khói tỏa, buổi sáng nó rang cơm cho thi lót lòng đi dạy, trưa đón thi về chăm chút nồi canh chua bông súng ăn với cá sặc kho khô