Kinh nguyệt có cục máu đông vì sao

Hiện tượng đông máu kinh kỳ được cho là bình thường ở nữ giới nhưng cũng cần thăm khám nếu chị em có tiền sử mắc bệnh phụ khoa.

Xuất hiện máu đông là hiện tượng bình thường trong kinh kỳ nhưng cũng có thể là triệu chứng của các vấn đề sức khỏe phụ khoa cần được thăm khám sớm. Khi chu kỳ kinh bắt đầu, cơ thể phụ nữ cũng tự kết hợp huyết tương, tiểu cầu (các tế bào máu), hình thành hiện tượng máu đông để tránh mất nhiều máu.

Trong một báo cáo nghiên cứu từ Trung tâm BioMed (Mỹ) tháng 1/2021, máu kinh vón cục thường do các mảnh mô từ niêm mạc tử cung tạo thành hoặc máu đông có thể là một hỗn hợp của cả tế bào nội mạc tử cung và cục máu. Các cục máu đỏ sẫm hoặc hơi đen có thể xuất hiện trong vài ngày đầu của kỳ kinh - khi lượng máu kinh ra nhiều nhất. Máu đông màu đỏ tươi cũng có thể xuất hiện khi sắp hết "đèn đỏ", do máu chảy nhanh, nhiều nên không bị oxy hóa gây sẫm màu. Khi gặp phải vấn đề sản phụ khoa, cục máu đông có thể to hơn do lượng kinh nguyệt của chị em chảy nhiều bất thường.

Các nguyên nhân gây đông máu kinh kỳ

Theo Trung tâm Nghiên cứu Phòng ngừa bệnh tật (Mỹ), rong kinh là hiện tượng ra máu kinh nhiều và kéo dài hơn 7 ngày, chị em thay băng hay dụng cụ lót vệ sinh dưới 2 giờ mỗi lần. Tùy vào độ tuổi và tiền sử bệnh lý, chị em có thể gặp phải chứng rong kinh hoặc hình thành cục máu đông bất thường.

Bệnh vùng tử cung

Tuổi tác, tiền sử bệnh lý của chị em có thể gây ra hình thành máu đông bất thường. Một số bệnh lý sản phụ khoa có thể dẫn đến chảy máu, đông máu như u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, bệnh tuyến - cơ tử cung.

Mất cân bằng nội tiết tố

Chị em mất cân bằng nội tiết tố có thể mắc chứng suy giáp, buồng trứng đa nang (PCOS), tiền mãn kinh, giai đoạn mãn kinh. Mất cân bằng nội tiết tố dẫn đến chu kỳ kinh nguyệt diễn ra bất thường gây bong tróc niêm mạc tử cung, dẫn đến đông máu, chảy máu vùng âm đạo không mong muốn.

Hư thai

Mẹ không biết mình đang mang thai không may bị hư thai sẽ gặp phải triệu chứng đông máu và chảy máu từ âm đạo.

Kinh nguyệt có cục máu đông vì sao

Hiện tượng đông máu trong kỳ kinh có thể cảnh báo vấn đề sức khỏe phụ khoa cần được thăm khám sớm. Ảnh: Freepik

Bị sẹo vùng kín

Vết sẹo sau điều trị bệnh lý vô tình bị rách lại cũng có thể gây chảy máu bất thường. Tuy chưa có nhiều nghiên cứu cụ thể, bệnh ung thư tử cung hoặc ung thư cổ tử cung cũng có thể là nguy cơ gây chảy máu vùng âm đạo, hình thành máu đông.

Cách điều trị

Chị em nên thăm khám khi bị đông máu bất thường trong kinh kỳ hoặc bị chảy máu âm đạo bất chợt. Bác sĩ sản phụ sẽ hỏi về độ dài của kỳ kinh, lưu lượng kinh, lịch trình kỳ kinh, tiền sử mang thai, tiền sử bệnh lý phụ khoa nếu có. Một số các xét nghiệm, siêu âm tử cung, nội soi, chụp cắt lớp (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) tử cung có thể được khuyến nghị khi thăm khám. Sau khi biết nguyên nhân bệnh lý, chị em được hướng dẫn điều trị, dùng thuốc theo toa của bác sĩ.

Bổ sung chất sắt

Nghiên cứu công bố trên tờ Khoa học Y tế (Pakistan) cho thấy, 63,4% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản bị rong kinh cũng có thể bị thiếu máu. Thiếu máu có thể gây mệt mỏi, chóng mặt, choáng, giảm chất lượng sinh hoạt. Bác sĩ có thể kê toa thuốc hoặc khuyến nghị ăn uống chất bổ sung giúp bệnh nhân khôi phục mức chất sắt trong máu. Bổ sung sắt có thể khắc phục các triệu chứng của thiếu máu, cải thiện, tái tạo các hồng cầu khỏe trong máu bệnh nhân.

Kiểm soát thai kỳ

Cũng theo Trung tâm BioMed (Mỹ), bác sĩ có thể khuyến nghị một số thuốc điều trị bệnh sản phụ khoa như IUD nội tiết tố; thuốc ngừa thai kết hợp chứa estrogen, progesterone, thuốc ngừa thai chứa progesterone. Các thuốc dạng viên hoặc dạng thuốc tiêm này hỗ trợ bệnh nhân cầm máu kinh 80%. Vòng tránh thai nội tiết tố cũng hỗ trợ cầm máu hiệu quả 95% sau một năm sử dụng. Bác sĩ cũng có thể kê toa thuốc có chứa ibuprofen hay aspirin dùng trong kỳ kinh để giảm đau, ngừa đau bụng kinh. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy dùng aspirin, một số thuốc giảm đau khác có thể gây chảy máu kinh nhiều.

Liệu pháp nội tiết tố

Theo báo cáo nghiên cứu của Hiệp hội Huyết học Mỹ, liệu pháp nội tiết tố khác với biện pháp dùng thuốc kiểm soát thai kỳ bằng nội tiết tố. Liệu pháp nội tiết tố nhằm duy trì khả năng sinh sản, được ưu tiên cho chị em mong con, mong đều kinh.

Thuốc chống tiêu sợi huyết

Trung tâm BioMed (Mỹ) cho biết, thuốc chống tiêu sợi huyết cũng được khuyến nghị chữa đông máu kinh kỳ, gồm các loại thuốc có chứa axit tranexamic hoặc axit aminocaproic, có thể giúp cầm máu nhờ thành phần thuốc giúp làm chậm quá trình tiêu sợi huyết ngăn tạo máu đông.

Điều trị phẫu thuật

Điều trị phẫu thuật có thể được khuyến nghị khi cần phẫu thuật u xơ, gồm các phương pháp phẫu thuật nội soi tử cung, phẫu thuật cắt nội mạc tử cung hoặc khối u, phẫu thuật nội soi ổ bụng. Khi bệnh trở nặng, phẫu thuật cắt tử cung cũng là một trong các phương án điều trị. Phương án này giúp kết thúc kinh nguyệt, thai kỳ của bệnh nhân vĩnh viễn.

Mai Chi (Theo Verywell Health)

Đa phần cục máu đông xuất hiện cùng máu kinh là tình trạng bình thường của chu kỳ kinh nguyệt, có vai trò hỗ trợ ngăn máu kinh thoát ra quá nhiều. Tuy nhiên, nếu kinh nguyệt ra máu đông nhìn như bào thai thì đó là bình thường hay là dấu hiệu của sảy thai?

Đâu là câu trả lời chính xác nhất cho tình trạng trên, hãy cùng theo dõi những thông tin được bác sĩ sản phụ khoa Huỳnh Kim Dung chia sẻ trong bài viết của Hello Bacsi nhé.

Tình trạng kinh nguyệt có cục máu đông xảy ra khi nào?

Cục máu đông trong kinh nguyệt là một hỗn hợp gồm các tế bào máu, mô ở niêm mạc tử cung và các protein trong máu. Hỗn hợp này xuất hiện khi niêm mạc tử cung bong ra, lượng máu tăng lên và đọng lại trong tử cung hoặc âm đạo. Khi đó, cơ thể sẽ giải phóng các protein khiến máu trong tử cung đông lại và ngăn không cho các mạch máu tiếp tục bong.

Mặc dù tình trạng cục máu đông trong kinh nguyệt là hiện tượng khá bình thường. Tuy nhiên, đó có thể là dấu hiệu của một số vấn đề bệnh lý như:

  • Polyp nội mạc tử cung hoặc u xơ tử cung: Tử cung bị tắc nghẽn, không co bóp như bình thường nên không thể đẩy máu kinh ra ngoài nhanh chóng, dẫn đến máu kinh thoát ra khỏi cơ thể chậm và đông thành cục.
  • Lạc nội mạc tử cung: Mô của niêm mạc tử cung phát triển bên ngoài, gây ra tình trạng kinh nguyệt ra rất nhiều hoặc rong kinh, dẫn đến máu dễ tích tụ và tạo thành cục máu đông.
  • Lạc nội mạc trong cơ tử cung (Adenomyosis): Ở những người bị u tuyến, niêm mạc tử cung phát triển thành cơ tử cung, làm cho nội mạc tử cung và thành tử cung dày hơn, dẫn đến hiện tượng kinh nguyệt ra nhiều hơn. Do đó, nhiều khả năng xuất hiện các cục máu đông trong máu kinh.
  • Mất cân bằng nội tiết tố: Điều này dẫn đến tử cung không khỏe và gây ra nhiều vấn đề, trong đó có kinh nguyệt ra máu đông hoặc rong kinh.
  • Sảy thai: Trong quá trình sảy thai, tùy thuộc vào giai đoạn thai kỳ mà số lượng cục máu đông sẽ được bài tiết ra ngoài như chu kỳ kinh nguyệt đến sớm hay muộn.

Điểm giống và khác nhau giữa chu kỳ kinh nguyệt và sảy thai

Sảy thai là hiện tượng phổ biến trong tam cá nguyệt đầu tiên (3 tháng đầu mang thai) và đôi khi khó phát hiện được vì gần giống với chu kỳ kinh bình thường. Trong một số trường hợp, tình trạng sảy thai có thể xảy ra trước khi các bạn nữ biết có thai vì các biểu hiện sẽ tương tự như có kinh, bao gồm:

  • Chảy máu âm đạo
  • Đau bụng
  • Âm đạo bài tiết các cục máu đông…

Tuy nhiên, trình trạng kinh nguyệt và sảy thai sẽ khác nhau ở một vài điểm bên dưới:

  • Chuột rút ở bụng dưới: Khi mất thai, các cơn co thắt mạnh sẽ gây đau ở lưng dưới và xương chậu, cường độ cao hơn và nặng hơn theo thời gian so với đau bụng kinh.
  • Chảy dịch: Điều này thường không xảy ra trong một kỳ kinh.
  • Xuất hiện máu đông: Các cục máu thường lớn bất thường, khá giống bào thai và có màu xám hoặc trắng.
  • Ra máu: Trong quá trình sảy thai, hiện tượng ra máu có thể bắt đầu khá đột ngột và sẽ bắt đầu thuyên giảm sau vài ngày hoặc vài tuần.
  • Giảm buồn nôn và căng tức ngực: Trường hợp bạn bị sảy thai thì một vài dấu hiệu mang thai sớm có thể biến mất đột ngột.
  • Nồng độ hormone thai kỳ thấp: Nếu bạn dùng que thử thai có thể cho kết quả âm tính giả nếu nồng độ hormone thai kỳ không cao, vì thế nhiều người không biết rằng mình đã mang thai.

Cần làm gì khi kinh nguyệt ra máu đông nhìn như bào thai?

Nếu bạn có quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp tránh thai, kinh nguyệt ra máu đông nhìn như bào thai và nghi ngờ mình có thai, thì hãy đến bác sĩ để được khám và điều trị kịp thời. Mặc dù, không có cách nào để ngăn chặn tình trạng sảy thai đang diễn ra, nhưng bác sĩ có thể giúp bạn:

  • Kiểm tra tình trạng tử cung và âm đạo có xuất hiện dấu hiệu nhiễm trùng hay không?
  • Tình trạng ra máu, nhất là cục máu đông có kiểm soát được chưa?
  • Mô thai đã đào thải ra toàn bộ hay vẫn còn trong tử cung?

Kể từ lúc bắt đầu sảy thai đến khi đào thải mô hoàn toàn ra khỏi cơ thể, có thể sẽ mất gần 2 tuần. Nếu mô vẫn chưa được đào thải ra ngoài, các bác sĩ có thể sử dụng một vài cách sau:

  • Sử dụng thuốc: Một số loại được kê toa như misoprostol (Cytotec), giúp tăng co bóp tử cung và tống mô ra ngoài. Nhưng lưu ý, nếu nhóm máu là Rh âm tính thì cần phải tiêm globulin miễn dịch Rh, giúp ngăn ngừa các biến chứng trong lần mang thai sau này.
  • Hút thai: Dụng cụ hút bằng ống mỏng sẽ được đưa vào tử cũng để hút toàn bộ mô thai ra ngoài. Phương pháp này có sử dụng gây tê cục bộ.
  • Nạo thai: Cổ tử cung sẽ được làm giãn và sử dụng công cụ nạo để nạo nội mạc tử cung. Phương pháp này sử dụng gây tê vùng hoặc toàn thân.

Mặc dù, các phương pháp trên đều được nghiên cứu kỹ lưỡng và chứng minh về độ an toàn nhưng bất cứ ai cũng đều có nguy cơ biến chứng nghiêm trọng nên hãy thực hiện ở bệnh viện hoặc phòng khám uy tín.

Sau khi sảy thai, hãy tránh quan hệ tình dục, không sử dụng băng vệ sinh dạng ống (tampon) và thụt rửa trong hai tuần để giúp ngăn ngừa nhiễm trùng. Ngoài ra, hãy đi kiểm tra nồng độ hormone có trở lại bình thường hay không.

Bài viết trên đã liệt kê đầy đủ những thông tin xoay quanh tình trạng kinh nguyệt ra máu đông nhìn như bào thai. Tuy nhiên, dù nguyên nhân do bệnh lý hay do sảy thai, bạn cũng nên đến bác sĩ để được kiểm tra kỹ càng và đưa ra tư vấn chuyên môn phù hợp.

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.