Khủng hoảng tài chính IMF là gì

Khủng hoảng tài chính IMF là gì

Ngày 21 tháng 11 năm 1997, Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế kiêm Bộ trưởng Tài chính và kinh tế Im Chang-yeol đã tổ chức một buổi họp báo đặc biệt. Tại đó, Phó Thủ tướng công bố chính thức về việc Chính phủ Hàn Quốc xin nhận gói cứu trợ của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Lúc này, tổng nợ quốc gia đã lên tới 120 tỷ USD và dự trữ ngoại tệ chỉ vào khoảng 30 tỷ USD. Và rồi sau nửa tháng, tức đến ngày 3 tháng 12… Phó Thủ tướng Im Chang-yeol và Chủ tịch Quỹ tiền tệ quốc tế Michel Camdessus đã ký vào bản “Cứu trợ tài chính của IMF” tại thủ đô Seoul. Vậy là Hàn Quốc đã trở thành một quốc gia phải nhận gói cứu trợ tài chính của IMF kèm theo các điều kiện tái cơ cấu kinh tế khắc nghiệt. Đây cũng là khúc dạo đầu báo hiệu nhiều chông gai, trắc trở cho dân tộc Hàn Quốc trong giai đoạn này. [Hàn Quốc gặp khủng hoảng tiền tệ chỉ sau một năm gia nhập OECD]

Hàn Quốc gia nhập Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) vào ngày 11 tháng 10 năm 1996, trong bối cảnh làn gió dân chủ hóa chính trị đang lan rộng khắp nơi. Điều này mở ra triển vọng rất lạc quan rằng Hàn Quốc đã đứng vào hàng ngũ các nước phát triển. Tuy nhiên, sau chưa đầy một năm, khủng hoảng tiền tệ xảy ra như một tiếng sét giáng xuống đầu người dân Hàn Quốc. Những người đã trải qua khoảng thời gian đó chia sẻ. “Tôi vô cùng bất ngờ. Thật khó khăn để chấp nhận hiện thực. Tôi cứ ngỡ như đây là việc chỉ có trong phim ảnh hay chỉ xuất hiện trong một thế giới khác. Người dân chúng ta chỉ biết là quốc gia đã vỡ nợ chứ không hề biết được thực chất tác động và những ảnh hưởng cụ thể đến thế nào. Cũng bởi chưa có ai kinh qua tình cảnh này bao giờ.”

Cuộc khủng hoảng tiền tệ này thực chất đã ủ mầm từ một năm trước. [Sự cấu kết giữa giới chính trị và kinh tế]

Vào ngày 23 tháng 1 năm 1997, công ty sắt thép Hanbo thuộc tập đoàn cùng tên, doanh nghiệp thứ 14 trong giới kinh tế khi đó đã tuyên bố phá sản và để lại món nợ khổng lồ lên tới 5.700 tỷ won (hơn 7 tỷ USD theo tỷ giá lúc bấy giờ). Vụ việc này đã phơi bày hết những ung nhọt và tiêu cực trong mối liên kết giữa giới chính trị và tài chính Hàn Quốc. Tiến sĩ Cheon Kyu-seung thuộc Viện nghiên cứu phát triển Hàn Quốc nói về những góc khuất đã bén rễ trong một thời gian dài và làm lung lay nền kinh tế Hàn Quốc: “Để kinh tế phát triển nhanh, Chính phủ phải giao vốn cho một số đơn vị nhất định. Vì vậy, Chính phủ đã chọn ra những doanh nghiệp xuất sắc, đầu tư và hậu thuẫn để biến họ thành các tập đoàn lớn, để rồi thành quả của họ có thể lan tỏa sang các doanh nghiệp khác. Sự gắn bó mật thiết giữa chính trị và kinh tế dần trở thành thông lệ và tại thời điểm đó, không ai nghĩ đường lối này là sai lầm. Các doanh nghiệp muốn hoạt động thì phải đút lót, phải đi “cửa sau” và cứ như thế cho đến khi vụ phá sản của tập đoàn Hanbo xảy ra giống như giọt nước làm tràn ly, làm sụp đổ hoàn toàn kinh tế Hàn Quốc. Lúc này người ta mới nhìn nhận những vấn đề như các doanh nghiệp đút lót tiền cho người nhà của Tổng thống, rồi thân nhân Tổng thống lại lợi dụng quyền hạn để nhờ vả những cơ quan Chính phủ ưu tiên, kiếm lời cho mục đích cá nhân.”

[Nhà đầu tư nước ngoài rút vốn, các tập đoàn lớn sụp đổ dây chuyền, tín nhiệm quốc gia sụt giảm] Vụ phá sản của Tập đoàn Hanbo không chỉ giới hạn trong một doanh nghiệp mà còn gây bão cho toàn bộ nền kinh tế quốc gia. Sau đó, các tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Sammi, Jinro, Daenong, Hanshin… đều lần lượt sụp đổ như một phản ứng dây chuyền. Vào ngày 15 tháng 7 năm 1997, đến lượt tập đoàn lớn thứ tám Hàn Quốc là hãng ô tô Kia cũng không chống đỡ được vấn nạn tài chính và cuối cùng cũng sụp đổ nhanh chóng. Các doanh nghiệp phá sản khiến cho ngành tài chính ôm một khoản nợ khổng lồ và không có khả năng chi trả các khoản vốn vay từ nước ngoài. Quá trình này kéo theo sự suy giảm mạnh dự trữ ngoại tệ và các ngân hàng cũng đứng bên bờ vực phá sản. Mùa hè năm 1997 chính là mốc đánh dấu khủng hoảng tiền tệ ở châu Á, đặc biệt ở khu vực Đông Nam Á cũng như sự sụp đổ của nền kinh tế Hàn Quốc. Trong bối cảnh này, vào ngày 24 tháng 10, hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's (S&P) của Mỹ đã đánh giá Hàn Quốc là “yếu kém” về tín dụng quốc gia. Nền kinh tế ngày càng suy yếu khiến cho thị trường Hàn Quốc mất dần sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, giá cổ phiếu giảm mạnh và tỷ giá hối đoái cũng giao động thất thường. [Hàn Quốc xin cứu trợ tài chính từ IMF kèm điều kiện tái cơ cấu và sa thải hàng loạt]

Vào tháng 1 năm 1997, chỉ số chứng khoán của Hàn Quốc là 653,79 điểm, nhưng sau khi tập đoàn Kia phá sản, chỉ số này liên tục giảm mạnh. Đến ngày 28 tháng 10, chỉ số này tụt dưới mốc 500 điểm và tỷ giá hối đoái leo thang đến mức trần khiến các giao dịch phải tạm ngừng khi tỷ giá đổi 957 won cho 1 USD. Vào tháng 11, Hàn Quốc bắt đầu xem xét việc xin nhận cứu trợ khẩn cấp từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Rốt cuộc, Hàn Quốc đã vay tiền từ IMF vào ngày 3 tháng 12. Nguồn viện trợ của IMF đã giúp đất nước thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ nhưng xã hội Hàn Quốc điêu đứng trong cơn giông tố. Theo thống kê, trong năm 1998 đã có hơn 20.000 doanh nghiệp sụp đổ, những doanh nghiệp còn trụ lại cũng phải tuyên bố kế hoạch tái cơ cấu và sa thải hơn 1.300.000 nhân viên. Lĩnh vực được coi là ổn định nhất cho sự nghiệp như ngành tài chính cũng không tránh khỏi cơn bão cơ cấu lại, tinh giản biên chế, đẩy nhiều nhân viên ngân hàng vào cảnh mất việc. Hai nhân viên ngân hàng thời kỳ đó cho biết. “Vào ngày 29 tháng 6, chúng tôi đi làm như mọi ngày, nhưng đến cửa chi nhánh ngân hàng thì bị cảnh sát chặn lại không cho vào. Tất cả chúng tôi đều bối rối, hoang mang và thấy tương lai bất an, xám xịt. Cha tôi đã mất cách đây bốn năm. Từ một nhân viên ngân hàng, ông phải làm đủ nghề như đi giao sữa, giao hộp giấy…Ông vất vả, buồn bã cả đời cho đến tận lúc nhắm mắt. Tôi vừa thấy thương, vừa thấy có lỗi với cha mình.”

Cắt giảm biên chế do khủng hoảng tiền tệ đã kéo theo một loạt những câu chuyện đầy thương tâm. Có những người đàn ông giấu gia đình về việc bị sa thải, sáng sáng mặc âu phục chỉnh tề để lên núi, hay những người bị mất cả công việc, gia đình, phải ngồi vạ vật ở ga Seoul. Ngay cả những đứa trẻ học tiểu học khi đó cũng biết thế nào là “sa thải” hay “về hưu sớm”. “Công ty của bố tôi bị phá sản nên ngay từ nhỏ tôi đã biết tới những từ như phiếu nợ, tiền nợ. Các bạn cùng thời với tôi khi đó có phong trào đi du lịch ba-lô nước ngoài, đi du học. Nhưng sau khi tỷ giá hối đoái tăng vọt và đất nước gặp khó khăn thì rất nhiều người đã phải hủy các kế hoạch này. Con út của tôi mua nhà bằng tiền vay ngân hàng. Nhưng lãi thì cứ tăng cao liên tục, tới tận 21%. Vậy là chúng tôi đã bị mất nhà trong thời kỳ khủng hoảng tiền tệ đó.”

Sau khi nhận cứu trợ của IMF, vào năm 1998, Tổng sản phẩm quốc dân (GNP) của Hàn Quốc giảm chỉ bằng 10 năm về trước. Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế sau 18 năm cũng giảm còn 6,7%. [Phong trào “Góp vàng” trong dân giúp khắc phục nguy cơ tài chính]

Những khó khăn về kinh tế đã ảnh hưởng lớn tới tinh thần, lòng tự tôn của người dân Hàn Quốc. Nhưng người dân không hề gục ngã, họ lấy khó khăn làm bàn đạp cho hy vọng, phát triển. Bắt đầu từ tháng 12 năm 1998, các đoàn thể dân sự đã phát động phong trào “Góp vàng” để giúp Chính phủ trả nợ nước ngoài. Phong trào “Góp vàng” nhanh chóng lan rộng ra toàn quốc. Nhân dân Hàn Quốc không ngại hy sinh những kỷ vật vốn được cất kỹ trong ngăn tủ như nhẫn cưới, nhẫn mừng thôi nôi của mình để đem đóng góp cho đất nước. Đã có 3,5 triệu người tham gia phong trào “Góp vàng” này. Nhiều báo chí nước ngoài đã khen ngợi và đánh giá cao ý chí và tinh thần kiên cường của nhân dân Hàn Quốc. Ông William R. Rhodes, Giám đốc điều hành Ngân hàng Citibank bày tỏ cảm tưởng. “Tôi từng đàm phán về điều kiện xử lý nợ với nhiều nước trên thế giới nhưng đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến cảnh những phụ nữ xếp hàng trước ngân hàng để tham gia phong trào “Góp vàng” giúp đất nước thoát khỏi tình trạng khó khăn.”

Số vàng được nhân dân đóng góp đã giúp đất nước qua được cơn nguy kịch. Giáo sư Lim Hyung-jin thuộc trường Nhân văn, Đại học tổng hợp Kyunghee nói về ý chí nghị lực của người dân Hàn Quốc. “Phong trào “Góp vàng” của nhân dân đã trở thành điểm sáng trong quá trình khắc phục khủng hoảng tiền tệ tại Hàn Quốc. Khủng hoảng vừa là thách thức nhưng cũng vừa là cơ hội giúp cho mỗi người dân nhận ra nội lực của bản thân và giá trị của sự đoàn kết, nhất trí, đồng lòng. Có thể nói đây chính là thành quả quan trọng nhất và là món quà ý nghĩa nhất chúng ta nhận được qua cuộc khủng hoảng này.”

[Cả nước đoàn kết trả hết nợ cho IMF sau năm năm]

Cùng với quá trình thay đổi cơ cấu, thể chế, nền kinh tế Hàn Quốc đã dần dần ổn định. Tiến sĩ Cheon Kyu-seung thuộc Viện nghiên cứu phát triển Hàn Quốc nói: “Chính phủ đã tiến hành cơ cấu lại bộ máy hành chính với bốn lĩnh vực chủ yếu là tài chính, lao động, giáo dục và công cộng. Nhờ tái cơ cấu Chính phủ mà các thông lệ bất hợp lý trước đây được sửa đổi, phát triển theo mô hình tiên tiến. Các hành vi quan liêu, tham nhũng đã không còn chỗ đứng, người dân cũng có cơ hội được tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng đất nước. Các doanh nghiệp yếu kém dần bị đào thải, cơ chế thị trường cũng ngày càng được siết chặt.”

Nhờ sức dân và cải cách Chính phủ mà năng lực cạnh tranh xuất khẩu của Hàn Quốc ngày càng tăng cao, cán cân thương mại thặng dư và dự trữ ngoại hối ngày càng dồi dào hơn. Theo đó, Hàn Quốc đã sớm trả được nợ và đến ngày 23 tháng 8 năm 2001 đã trả hết hoàn toàn khoản vay từ IMF. [Hàn Quốc tạo nền kinh tế tăng trưởng mới] Toàn thể nhân dân Hàn Quốc đã cùng chung tay khắc phục khó khăn và đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng tiền tệ năm 1997. Qua thử thách cam go này, Hàn Quốc đã cải tổ lại được cơ cấu nền kinh tế lạc hậu, quan liêu và tạo bàn đạp cho sự phát triển kì diệu về sau. Trong những quốc gia nhận viện trợ của Quỹ tiền tệ quốc tế, Hàn Quốc được ghi nhận là một tấm gương điển hình cho việc khắc phục khủng hoảng và vươn lên.