Khí hư huyết trắng là gì

Bệnh huyết trắng là một trong những bệnh phụ khoa phổ biến mà chị em nào cũng có thể mắc phải. Phần lớn nữ giới đều xem nhẹ vấn đề này mà không điều trị, dẫn đến những hậu quả khó lường. Vậy bệnh huyết trắng là gì? Nguyên nhân và chẩn đoán, điều trị ra sao? Bài viết dưới đây, MEDLATEC sẽ cùng bạn giải đáp những thắc mắc trên.

1. Bệnh huyết trắng là gì?

Huyết trắng là một chất dịch tiết từ âm đạo người phụ nữ. Đây là một chất sinh lý có màu trắng sữa, trong như lòng trắng trứng, độ nhớt cao và thường không có mùi khó chịu. Huyết trắng giữ vai trò rất quan trọng đối với sinh lý sinh dục ở nữ giới: cân bằng độ ẩm trong âm đạo, bảo vệ đường sinh dục nữ chống lại sự xâm nhập và phát triển của các vi sinh vật có hại, tạo môi trường thuận lợi cho tinh trùng di chuyển trong âm đạo.

Bình thường, huyết trắng thường được tiết khoảng 1 - 4 ml cứ mỗi 24 giờ. Khi chịu các tác nhân tác động tiêu cực đến đường sinh dục nữ, huyết trắng có thể thay đổi về số lượng, màu sắc, mùi hôi. Huyết trắng tiết ra nhiều vượt quá ngưỡng sinh lý kèm theo các viêm nhiễm sinh dục được gọi là bệnh huyết trắng.

Bệnh huyết trắng là bệnh rất phổ biến ở chị em phụ nữ

Một số trường hợp sinh lý cũng có khả năng làm thay đổi đặc tính của huyết trắng nhưng không đáng kể. Ví dụ một số trường hợp có thể thay đổi đặc tính của dịch âm đạo nhưng không nguy hiểm là:

- Phụ nữ mang thai, cho con bú.

- Phụ nữ đang trong thời kỳ rụng trứng, kinh nguyệt.

- Sử dụng các biện pháp tránh thai estrogen - progestin.

- Phụ nữ trong thời kỳ tiền mãn kinh.

- Căng thẳng, áp lực làm thay đổi nội tiết tố nữ.

- Một số loại thuốc cũng có khả năng làm thay đổi dịch tiết âm đạo ở phụ nữ.

Trong những trường hợp bình thường mà thấy dịch âm đạo bất thường thì bạn không được chủ quan mà hãy tìm hiểu các kiến thức liên quan đến sinh sản sinh dục nữ. Bởi vì có thể đó là dấu hiệu của các căn bệnh nguy hiểm không lường trước được.

2. Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh huyết trắng có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra. Ngoài các trường hợp sinh lý làm thay đổi lượng dịch âm đạo thì nguyên nhân của bệnh thường do thay đổi pH âm đạo, dẫn đến sự thay đổi của hệ vi sinh vật âm đạo. Có thể điểm qua một số nguyên nhân dẫn đến bệnh như sau:

Nhiễm khuẩn âm đạo:

Âm đạo chứa một hệ vi khuẩn chung sống với nhau và được cân bằng ổn định nhờ sự cân bằng của pH âm đạo. Khi pH âm đạo thay đổi kéo theo sự thay đổi của hệ vi khuẩn, các vi khuẩn có hại phát triển ồ ạt gây viêm nhiễm âm đạo. Kết quả là thay đổi sự tiết dịch âm đạo, gây nên bệnh huyết trắng.

Nhiều trường hợp bệnh là do sự xâm nhập của các tạp khuẩn từ bên ngoài vào. Nguyên nhân là do quan hệ tình dục không đảm bảo, vệ sinh vùng kín không đúng cách, thụt rửa âm đạo,… các nguyên nhân này đều có thể gây nhiễm khuẩn âm đạo và dẫn đến bệnh.

Biểu hiện của bệnh gây ra do nhiễm khuẩn âm đạo là khí hư ra nhiều, có màu vàng hoặc xám, không vón cục mà loãng, thường có mùi hôi tanh khó chịu. Bệnh có thể kèm theo dấu hiệu ngứa vùng kín, vùng kín bốc mùi, cảm giác rất khó chịu.

Nhiễm nấm Candida albicans:

Nấm âm đạo Candida albicans là một tác nhân phổ biến gây nên nhiều bệnh phụ khoa ở chị em. Bệnh thường gặp phải khi pH âm đạo thay đổi, dùng thuốc kháng sinh kéo dài, phụ nữ mang thai hoặc gặp ở những người mắc các bệnh gây suy giảm miễn dịch như bệnh gan, HIV, tủy xương,…

Triệu chứng của bệnh do nhiễm nấm Candida albicans là khí hư có màu trắng đúc, vón cục, dính từng mảng như bã đậu, phô mai, thường không có mùi hôi nhưng kèm theo ngứa rát vùng kín.

nấm Candida là tác nhân thường gặp của các bệnh nhiễm trùng sinh dục nữ

Nhiễm Trichomonas:

Trùng roi Trichomonas là tác nhân gây bệnh huyết trắng rất thường gặp. Phụ nữ có thể nhiễm trùng roi từ nguồn nước mất vệ sinh khi vệ sinh vùng kín. Bệnh do trùng roi Trichomonas gây ra thường có các dấu hiệu: khí hư ra nhiều, khí hư có màu vàng hoặc xanh, loãng và có bọt, có thể có mùi hoặc không, ngứa rát âm đạo.

Các bệnh lý đường sinh dục nữ khác:

Một số bệnh lý đường sinh dục, chủ yếu là bệnh lý tử cung có thể là nguyên nhân gây ra bệnh huyết trắng. Hai căn bệnh tử cung thường gặp đó là u xơ tử cung và viêm lộ tuyến cổ tử cung.

  • U xơ tử cung: khí hư ra nhiều, đôi khi lẫn máu hoặc mủ do nhiễm khuẩn, kinh nguyệt không đều, chảy máu âm đạo bất thường,…

  • Viêm lộ tuyến cổ tử cung: khí hư ra nhiều có màu sữa đục, dính thành từng mảng, có mùi hôi khó chịu, kèm theo viêm nhiễm nặng thì khí hư càng nặng mùi hơn.

Các bệnh lý tử cung có thể là nguyên nhân gây ra bệnh huyết trắng

3. Phòng và điều trị bệnh huyết trắng như thế nào?

Phòng bệnh:

  • Vệ sinh vùng kín đúng cách: rửa bằng nước sạch, không thụt rửa quá sâu, vệ sinh hàng ngày và hạn chế vệ sinh quá nhiều lần,…

  • Sử dụng dung dịch vệ sinh vùng kín phù hợp với cơ địa mỗi người hoặc có thể sử dụng nước muối sinh lý. Không nên sử dụng các dung dịch tẩy rửa, xà phòng để vệ sinh vùng kín.

  • Vệ sinh vùng kín sạch sẽ vào các ngày đèn đỏ.

  • Không mặc áo quần bó sát, sử dụng quần chip thông thoáng, mềm mịn, thấm hút mồ hôi tốt.

  • Quan hệ tình dục an toàn có sử dụng các biện pháp bảo vệ, tránh mạnh bạo gây tổn thương âm đạo, tạo điều kiện cho sự viêm nhiễm.

  • Không lạm dụng thuốc kháng sinh. Lạm dụng thuốc kháng sinh với liều không đúng và kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc, suy yếu hệ miễn dịch chống vi khuẩn.

Vệ sinh vùng kín đúng cách để phòng bệnh huyết trắng

Điều trị:

  • Nhiễm nấm Candida albicans: Dùng thuốc đặt âm đạo Miconazole hay Clotrimazole viên 100 mg (đặt 3 - 5 đêm). Uống Fluconazole liều duy nhất 150 mg.

  • Nhiễm trùng roi Trichomonas: Uống Tinidazole hoặc Secnidazole 2000 mg (4 viên) liều duy nhất.

  • Nhiễm khuẩn âm đạo: Uống Metronidazol 500 mg uống 7 ngày, ngày 2 lần hoặc 2000 mg liều duy nhất.

  • Uống thuốc điều trị cần kết hợp với vệ sinh âm đạo đúng cách và chế độ sinh hoạt hợp lý.

Có thể thấy bệnh huyết trắng là một bệnh khá phổ biến mà chị em nào cũng có thể hoặc đã từng mắc một lần trong đời. Bệnh thường không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, vì thế không nên chủ quan trước các dấu hiệu của bệnh. Để biết thêm các thông tin chi tiết về bệnh này, bạn có thể liên hệ qua đường dây nóng 1900 56 56 56 để được tư vấn bởi các chuyên gia của MEDLATEC nhé.

Bước vào độ tuổi dậy thì, “cô bé” của bạn gái sẽ có nhiều thay đổi, trong đó có sự xuất hiện của khí hư. Khi “cô bé” có vấn đề, chính những bất thường của khí hư sẽ là lời cảnh báo về bệnh lý phụ khoa có thể sẽ đến. Bài viết sau đây sẽ mách cách nhận biết khí hư bình thường và khí hư bệnh lý cực dễ để bạn gái sớm phát hiện ra tín hiệu cần bảo vệ mình.

1. Kiến thức chung về khí hư

1.1. Khí hư có vai trò gì

Khí hư (huyết trắng) là dịch tiết ở vùng âm đạo của nữ giới, bắt đầu có từ độ tuổi dậy thì đến thời kỳ mãn kinh. Sự xuất hiện của khí hư cũng là mốc đánh dấu thay đổi trong cơ quan sinh dục nữ.

Khí hư bình thường có màu trắng trong hơi giống lòng trắng trứng

Khí hư bình thường giúp làm sạch, cân bằng và dưỡng ẩm cho môi trường âm đạo từ đó hạn chế vi nấm, vi khuẩn có hại phát triển và gây bệnh cho vùng kín. Không những thế, khí hư còn là chất bôi trơn để quan hệ tình dục dễ dàng hơn, giúp tinh trùng dễ dàng di chuyển đến vòi trứng để hình thành quá trình thụ tinh.

1.2. Tính chất và thành phần có trong khí hư

Bên ngoài, nhìn bằng mắt thường, khí hư có màu trắng trong gần giống với màu của lòng trắng trứng. Nó có chứa nước, acetic acid, pyridine, lactic acid, urea, Alcohol, squalene, glycol, aldehyde và ketone.

Độ kết dính, mùi và màu sắc của khí hư ở nữ giới có sự khác nhau vì nó phụ thuộc nhiều vào yếu tố tuổi tác, di truyền, chu kỳ kinh nguyệt, chế độ ăn uống, việc vệ sinh vùng kín và bệnh lý phụ khoa mắc phải.

2. Cách nhận biết khí hư bình thường và khí hư bệnh lý nhanh chóng

2.1. Nhận biết khí hư bình thường

Muốn nhận biết khí hư bình thường và khí hư bệnh lý thì trước tiên nữ giới cần phải nắm được chính xác đặc điểm của khí hư bình thường. Với những trường hợp bình thường thì khí hư sẽ có màu trắng trong giống như lòng trắng trứng, đôi khi có thể hơi ngả vàng nhưng nó không gây ngứa ngáy và cũng không có mùi hoặc nếu có thì là mùi tanh nhẹ.

Khí hư có sự thay đổi theo độ tuổi vì nó là kết quả của sự tác động từ nội tiết tố Estrogen bên trong cơ thể:

- Trước giai đoạn dậy thì: hầu hết các bé gái không có khí hư.

- Từ tuổi dậy thì đến khi kết thúc thời niên thiếu: khí hư bắt đầu xuất hiện kèm theo kỳ kinh. Nó là kết quả của sự hoàn thiện buồng trứng và nồng độ estrogen.

- Thời điểm trưởng thành (20 - 30 tuổi): khí hư nhiều và ổn định vì nồng độ estrogen đã đạt đỉnh, buồng trứng cũng đã hoàn thiện.

- Thời kỳ trước và mãn kinh: khí hư giảm dần vì lúc ấy nồng độ nội tiết tố nữ và buồng trứng cũng suy giảm.

- Thời kỳ hậu mãn kinh: khí hư giảm sút nghiêm trọng nên dễ gây khô âm đạo. Nguyên nhân của nó là do sự suy giảm mạnh của estrogen.

Khí hư chuyển sang màu xanh, có mùi hôi là dấu hiệu bất thường, cảnh báo bệnh lý phụ khoa

Tùy theo giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt mà khí hư bình thường cũng có sự thay đổi như một tín hiệu để báo trước sự xuất hiện của những ngày đèn đỏ:

- Thời kỳ nang noãn: khí hư sệt, màu nâu hoặc sẫm do có lẫn máu kinh. Về sau nó chuyển sang dạng lỏng và giảm về lượng dịch.

- Thời kỳ rụng trứng: khí hư nhiều, mềm, màu trắng trong tương đối giống màu lòng trắng trứng, không mùi, đôi khi có máu.

- Thời kỳ sau rụng trứng đến lúc có kinh nguyệt: khí hư giảm về lượng, keo như hồ, mất đi độ ướt. Nguyên nhân của tình trạng này là do sự tăng lên của hàm lượng progesterone và sự giảm xuống của nồng độ estrogen.

Những thông tin này sẽ giúp nhận biết khí hư bình thường và khí hư bệnh lý để không phải lo lắng về sự xuất hiện của nó ở vùng kín.

2.2. Nhận biết khí hư bệnh lý

Bên cạnh những đặc điểm bình thường thì khí hư cũng có thể trở nên bất thường khi nó xuất phát từ nguyên nhân bệnh lý phụ khoa bên trong cơ thể. Khi ấy, khí hư sẽ có sự thay đổi về tính chất, màu sắc và mùi. Cụ thể như sau:

Nhận biết khí hư bình thường và khí hư bệnh lý để khám phụ khoa sớm giúp bảo vệ sức khỏe sinh sản cho nữ giới

- Khí hư đặc như bã đậu, màu trắng xanh, ra nhiều

+ Bị nấm âm đạo.

+ Các dấu hiệu đi kèm: vùng kín ngứa, đau, nóng rát, nhức. Một số trường hợp có thể sưng vùng kín hoặc đau khi đi tiểu, đau khi quan hệ tình dục.

- Khí hư có màu trắng, màu xám hay màu vàng

+ Bị viêm âm đạo do tác nhân chính là vi khuẩn.

+ Các dấu hiệu đi kèm: ngứa ngáy, sưng và có mùi tanh ở vùng kín.

- Khí hư loãng như nước, có màu xanh hoặc vàng

+ Bị nhiễm trùng roi Trichomonas.

+ Dấu hiệu đi kèm: khí hư có mùi rất hôi tanh.

- Khí hư có màu nâu hoặc có máu

+ Bị các bệnh lý ở buồng trứng hoặc tử cung.

+ Các dấu hiệu đi kèm: chảy máu âm đạo không trong kỳ kinh, đau ở vùng chậu.

- Khí hư màu vàng hoặc xanh giống màu nõn chuối

+ Bị bệnh lậu.

+ Các dấu hiệu đi kèm: đi tiểu buốt có máu và mủ, đau ở xương chậu.

Từ những phân tích về cách nhận biết khí hư bình thường và khí hư bệnh lý trên đây chúng ta có thể thấy không hề khó nhận diện tình trạng khí hư bất thường. Bản thân khí hư bình thường không giống nhau và có sự thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt,... nên thăm khám phụ khoa định kỳ là việc nên làm để giúp nữ giới nhận biết sớm những vấn đề bất thường ở khí hư, từ đó có biện pháp xử trí kịp thời, tránh được những hệ lụy xấu cho sức khỏe sinh sản về sau.

Do khí hư bất thường có thể trở thành dấu hiệu cảnh báo bệnh lý phụ khoa gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe nữ giới nên khi nhận thấy sự khác thường của khí hư kèm với các dấu hiệu sau, chị em cần đi khám bác sĩ phụ khoa càng sớm càng tốt:

- Vùng kín ngứa rát, đau.

- Đi tiểu rắt, tiểu có cảm giác khó khăn và đau buốt.

Việc nhận biết khí hư bình thường và khí hư bệnh lý không phải ai cũng làm được. Vì thế, khi nghi ngờ mình có những thay đổi về khí hư, bạn đọc có thể gọi tới tổng đài 1900 56 56 56 để chia sẻ cùng chuyên viên y tế Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Bằng kiến thức chuyên môn vững vàng, chúng tôi sẽ lắng nghe và chia sẻ tới bạn hướng xử trí an toàn nhất cho sức khỏe phụ khoa.