Hồi ký kẻ sát nhân review năm 2024

Đây là cuốn thứ 3 của Amelie mình đọc sau “Sững sờ và run rẩy” hài đến đau ruột và “Hủy hoại vì yêu” vớ vẩn nhắng nhít hết sức :)

“Hồi ức kẻ sát nhân” theo mình là quyển viết tốt nhất của Amelie đã xuất bản ở Việt Nam. Câu chuyện có mở đầu lạ, hấp dẫn, văn phong châm biếm, thể hiện được suy nghĩ và cảm nhận của tác giả về nghiệp viết theo một cách rất riêng.

Ví như, mình thích đoạn nhà văn Nobel Prétextat Tach nói lên suy nghĩ của lão về các phép ẩn dụ như một kiểu lừa bịp tinh xảo, kiểu như viết cái nồi nhưng ý nói cái chén. Theo mình, ẩn dụ chỉ là cách viết thể hiện thêm một hay nhiều tầng nghĩa, và không mâu thuẫn lẫn nhau. Đôi khi, đó chỉ là một cái cười tinh tế của người viết cùng người đọc đồng điệu, không hẳn thực sự cần thiết để hiểu toàn bộ ý nghĩa của câu ấy, hoặc truyện ấy. Đương nhiên, đó là cách thể hiện quan điểm của Tach, không phải của Amelie, bởi vì trong truyện này của cô, ngược lại, hiện hữu vài ẩn dụ. Về quan điểm cá nhân mà nói, mình không thích ẩn dụ của cô, lý do sẽ được nêu bên dưới.

Lão Tach cũng muốn nói đến việc truyện lão viết dù đoạt giải Nobel, vẫn “không có ai đọc”, và xuyên suốt câu chuyện vấn đề này trở thành mạch chính. Lão bảo bởi không ai thực sự “đọc” lão, họ không nhận ra lời thú tội của kẻ sát nhân được viết sờ sờ ra đấy. Lý luận của lão “điểm mặt” mảng độc giả mua sách và đọc sách hời hợt chỉ để đánh bóng chính mình mà không thực sự suy ngẫm (mình khi đọc cũng chột dạ tẹo J). Thực ra, nhà văn cuồng này đánh giá quá thấp độc giả. Họ có thể đọc hiểu một cuốn, không có nghĩa là họ phải đọc hết tất cả các cuốn bao gồm tiểu sử chi tiết của nhà văn. Họ có thể có nhu cầu hiểu được cuốn truyện họ cầm trên tay không có nghĩa là họ muốn hiểu nhân cách và cuộc sống nhà văn ấy. Hơn nữa, độc giả cũng không phải thám tử để lần mò từng chi tiết một, như thể cầm kính lúp soi từng chữ của cuốn sách và suy nghĩ từng câu được viết ra. Độc giả cũng có quyền, và hoàn toàn có quyền này theo nghĩa đúng đắn nhất, hiểu một câu chuyện theo thế giới quan của chính mình chứ không phải cứ hiểu y chang như tác giả mới gọi là “hiểu”.

Những tác phẩm của Tach chuyên viết về những thứ chết chóc, hủ bại, tha hóa của con người, và chính vì đầy rẫy những thứ khinh bỉ con người như thế, lão nhận được Nobel. Lão ta âm thầm cười nhạo cái giải thưởng ấy, bởi không ai đọc lão, thậm chí đọc mà không hiểu nổi lão, còn trao lão danh hiệu cao quý ấy. Lão ta có lý ở chỗ, những nhân vật được nêu trong khuôn khổ truyện, những phóng viên phỏng vấn lão trước Nina, đều là những kẻ chưa đọc nổi lấy một cuốn của lão ta. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, mình không đồng tình việc bối cảnh truyện vơ đũa cả nắm, bốn phóng viên không đại diện cho số đông, cho toàn thể người đọc. Cả Nina cũng không hẳn là người duy nhất hiểu được lão. Văn phong kiểu trào lộng này muốn xoay chuyển và thống trị cảm xúc người đọc, mình không thích kiểu viết này, có cảm giác gò ép và không khách quan.

Chi tiết khiến mình chú ý, chính là thứ nội dung “chết chóc, hủ bại, phủ nhận con người” như một cái mốt cho những truyện muốn nổi theo hình thức gây sốc. Giới trẻ chiếm đa số, đột nhiên yêu thích nội dung bệnh hoạn, “lạ” và không bao giờ xảy ra với họ. Một cuốn truyện quá đỗi bình thường, cho dù có ý nghĩa, cũng thuộc dạng không thu hút và không trụ lâu trong trí nhớ. Mình không phản đối sở thích, nhưng mình nghĩ, viết theo kiểu này mà khiến câu chuyện sâu sắc lại là một điều rất khó.

Mâu thuẫn ở chỗ, một mặt, câu chuyện muốn lái độc giả theo hướng ác cảm với tuyên ngôn “phủ nhận con người mà vẫn có Nobel” và “viết những thứ bệnh hoạn khó tin” của Tach; một mặt, Amelie lại viết chính câu chuyện đời Tach theo đúng cái hướng như thế: Tach yêu cô em gái họ của mình, chúng sống biệt lập ở một nơi coi như thiên đường, yêu đương loạn luân và làm tình với nhau, rồi cô em họ bị Tach giết bằng một phương pháp rất khoái sướng với lão ta, bóp cổ cho đến khi gãy vụn lớp sụn, để từ đó nâng đôi bàn tay sát nhân ấy thành “bàn tay thần thánh”, chỉ vì nàng ấy lỡ dậy thì! Lại quan điểm cá nhân mà nói, mình không thích kiểu viết muốn lừa mị độc giả như thế, vì tách riêng tình tiết quá khứ ấy ra mà nói, nó vớ vẩn, bệnh hoạn như tâm lý kẻ giết người mà ở mức độ độc giả bình thường (chứ không phải điều tra viên tâm lý tội phạm) chẳng cần phải biết đến hay suy nghĩ! Mặc dù mình cũng thích đọc Murakami, nhưng mình quả tình là từ chối thấu hiểu và từ chối chìm sâu vào cảm giác và lý luận của Tach muốn “chối bỏ sự trưởng thành của một đứa trẻ”, bởi vì câu chuyện hoàn toàn không đủ chi tiết sâu, Amelie rơi vào cái hố của chính mình, viết ra một nội dung “lạ” và hủ bại, không có nền tảng.

Tach, được miêu tả như một kẻ giảo hoạt, lập luận giỏi, muốn khống chế và có khả năng khống chế người khác, nhưng đọc kĩ, những phản ứng và lời đáp của lão ta lại dông dài, quanh co, đôi khi nhảy ra khỏi chủ đề một cách rất thiếu logic. Đặc biệt, lão ta khoái đảo ngược câu chuyện như một cách lẩn tránh, làm loạn Nina (và độc giả) nhằm để đối phương bị rối rắm quá mà coi như lão thông minh kiệt xuất. Còn nhân vật Nina lại hơi bị khiên cưỡng, bị đặt vào cuộc đối thoại và bị cuốn vào dòng xoáy hỗn loạn của tay nhà văn, đối đáp nhiều khi thiếu mạch lạc và cũng ra khỏi chủ đề theo (nếu là người bình thường chắc không hơi đâu mà theo như thế). Có lẽ đây là cơ sở chính để Amelie cho câu chuyện một kết thúc tạm gọi là khá lạ và mang kiểu “luân hồi” hết sức cổ điển: Nina tự tay bóp cổ lão già béo, và (Amelie viết rất rõ ràng đầy chiến thắng) Nina đã trở thành thế thân nhập định của chính lão Tach. Một lần nữa, mình ghét kiểu kết thúc sắp đặt thế này. Đây là mô típ kết thúc mở gợi hình gợi cảm giác thỏa mãn đầy ý nghĩa và hết sức dễ dãi cho người ta ậm ừ đồng tình mà gấp sách lại. Nhưng nó vô lý ở chỗ Nina, trong vòng 2 trang cuối, đột nhiên từ cực kì phẫn nộ và căm ghét liền cảm thấy sung sướng vì đã đồng cảm được với lão, thấu hiểu lão và trở thành lão. Thực ra, chỉ cần Nina cảm thấy ghê tởm quá mức đủ để tự tay giết lão, là đủ, là phản ứng có thể hiểu của một người bị kích động đến mức ấy, chứ không phải là một thế-thân bị điều khiển. Nó phủ định Nina mà mình biết từ ban đầu, một Nina sắc sảo kiên cường tâm lý với “hai phút chờ đợi” và “vồ lấy tay nắm cửa”. Một Nina tinh thần thép dám đọc hết mọi quyển sách, thấu hiểu lão, moi móc những quá khứ ghê tởm dưới lớp tàn tro của đống lửa, mà vẫn yên yên ổn ổn quyết định phỏng vấn lão như bình thường. Thành ra, mình cảm thấy Nina chỉ là một con rối của Amelie, một nhân vật kịch nghệ từ đầu đến cuối, nhân vật chính như thế mà không có cái lõi, hơi uổng. Nina xứng đáng được nhiều hơn thế.

Mặc dù chê bai nhiều, mình vẫn cảm thấy sức hút của câu chuyện đã khiến mình đọc mê mải đến đoạn kết. Nó là thứ sức hút kì cục tạo nên bởi những tình huống kì cục, và mình không ghét bỏ nó, bởi ít có quyển nào mà mình review theo dòng cảm xúc dài đến thế, không như ý định ban đầu là viết ý dòng thôi, mà tự nhiên càng viết càng hăng :), Nhưng câu chuyện không phải là “một quả bom nhỏ được quăng vào diễn đàn văn học”, nó chỉ là một tí pháo sáng lạch tạch trong trời đêm, để ngắm nghía và vui một tí mà thôi.