Hồi giáo cực đoan là gì năm 2024

Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan tạo ra mối đe dọa gì cho phương Tây? Cội nguồn của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan là gì? Bản thân Hồi giáo đóng vai trò gì trong việc gây ảnh hưởng đến chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan? Các mục tiêu chính của những phần tử Hồi giáo cực đoan là gì? Những phần tử Hồi giáo cực đoan sẵn sàng đạt được các mục tiêu ấy đến mức nào? Những nhân tố gì sẽ ảnh hưởng đến tương lai của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan? Những tín đồ Hồi giáo ôn hòa sẽ đóng vai trò gì trong cuộc đấu tranh với chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan? Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan sẽ đe dọa an ninh toàn cầu trong bao lâu? Các câu trả lời của Lý Quang Diệu cho những câu hỏi này phản ánh thực tế rằng các nước láng giềng của Singapore là những nước Hồi giáo và Singapore là một mục tiêu tiềm tàng của các vụ tấn công khủng bố.

Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan tạo ra mối đe dọa gì cho phương Tây?

Tình trạng chia rẽ lớn không còn là giữa các nước cộng sản chủ nghĩa và các nước dân chủ, hoặc giữa phương Tây và phương Đông nữa. Giờ đây, đó là giữa những phần tử Hồi giáo cực đoan với Hoa Kỳ, Israel và những chủ thể ủng hộ họ. Trận chiến thứ hai là giữa Hồi giáo chiến binh và Hồi giáo hiện đại phi chiến binh.

Chúng ta đối mặt với một tình hình mới, vốn chưa từng xuất hiện trong lịch sử văn minh. Chúng ta có một nhóm người sẵn sàng hủy hoại bản thân để gây thiệt hại cho người khác. Những nhóm duy nhất xuất hiện trước họ là phong trào Những con hổ giải phóng Tamil. Nhưng nhóm này đấu tranh cho một sự nghiệp hữu hình, cho một quê hương của những người Tamil ở Sri Lanka. Còn chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan chiến đấu vì Hồi giáo, một sự nghiệp khác hẳn bắt nguồn từ một nhận thức tôn giáo.

Chủ nghĩa khủng bố kiểu Al Qaeda rất mới mẻ và khác thường vì nó diễn ra trên toàn cầu. Một sự kiện ở Morocco có thể làm dấy lên sự giận dữ của các nhóm cực đoan ở Indonesia. Giữa những phần tử cực đoạn khác nhau trên toàn thế giới có chung sự nhiệt thành rất cuồng tín.

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo sẽ mất nhiều năm mới dịu xuống. Trong lúc đó, thế giới bị đe dọa nếu những phần tử khủng bố này có được vũ khí hủy diệt hàng loạt. Nếu điều đó xảy ra, tình trạng tàn sát sẽ vô cùng khủng khiếp. Do đó, cần phải chấm dứt các chương trình hạt nhân của những quốc gia cuồng ngạo, và kho vũ khí và vật tư dự trữ của họ cần bị tịch thu.

Đạo Hồi không phải là một vấn đề. Tuy nhiên, Hồi giáo cực đoan đương thời, hay chủ nghĩa Hồi giáo, lại là một vấn đề. Dầu mỏ không đi kèm với chủ nghĩa Hồi giáo có thể là một vấn đề, nhưng chủ nghĩa Hồi giáo cộng thêm dầu mỏ lại trở thành một hỗn hợp không ổn định. Chủ nghĩa Hồi giáo cộng thêm dầu mỏ cộng thêm vũ khí hủy diệt hàng loạt tương đương với một hiểm họa… Một nước Iran có khả năng về hạt nhân sẽ làm thay đổi cân bằng địa chính trị rất lớn. Các quốc gia khác ở Trung Đông cũng sẽ muốn có vũ khí hạt nhân, làm tăng nguy cơ những nguyên liệu có thể tách ra để sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt sẽ rơi vào tay những kẻ khủng bố.

Cội nguồn của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan là gì?

Cuộc xung đột Israel-Palestine không phải là nguyên nhân của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo. Trong các tín đồ Hồi giáo, đặc biệt ở Trung Đông, có một niềm tin sâu sắc rằng thời đại của họ đã đến và rằng phương Tây đã chèn ép họ quá lâu. Trong khi chủ nghĩa dân tộc đại A-rập không đoàn kết được thế giới Hồi giáo vào những năm 1950 và 1960 thì nhiệt huyết Hồi giáo lại trở thành một lực lượng đoàn kết thay thế.

Hồi giáo chiến binh có sức mạnh từ tình trạng bấp bênh và xa lánh mà toàn cầu hóa tạo ra ở những nhóm kém thành công hơn. Và vì toàn cầu hóa chủ yếu do Hoa Kỳ dẫn dắt và thúc đẩy nên Hồi giáo chiến binh xác định Mỹ và người Mỹ là mối đe dọa đối với đạo Hồi. Việc Mỹ kiên định ủng hộ Israel càng làm tăng nhận thức của các chiến binh Hồi giáo về mối đe dọa. Nhưng chủ nghĩa khủng bố sẽ tiếp tục kể cả nếu vấn đề Trung Đông được giải quyết.

Từ khi thành lập Israel, những người A-rập ở Trung Đông được dạy phải căm thù người Israel và người Do Thái ngay tại trường học và các giáo đường, thường xuyên được củng cố bằng những hình ảnh lặp đi lặp lại trên các phương tiện truyền thông đại chúng về những cuộc tấn công quân sự dữ dội của Israel vào các lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng. Sau 40 năm phát triển kinh tế không đều, nhiều nước A-rập cảm thấy tức giận và xấu hổ vì nền văn minh Hồi giáo một thời quang vinh của họ bị phương Tây, đặc biệt là Mỹ, hạ bệ và bị văn hóa đồi trụy tha hóa… Việc chấm dứt cuộc xung đột của người Palestine sẽ loại bỏ một luận điểm thuận tiện cho các nhóm cực đoan tập hợp lực lượng. Nhưng trừ phi các nhóm vũ trang tại các nước A-rập và các chính thể thần quyền Hồi giáo được thấy rõ là thất bại, nếu không Jemaah Islamiyah và các nhóm chiến binh khác ở thế giới Hồi giáo phi A-rập sẽ tiếp tục tuyển mộ những phần tử cực đoan. Thậm chí nếu có giải pháp cho vấn đề Israel-Palestine thì Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây của mình vẫn phải bảo đảm rằng lực lượng chiến binh Hồi giáo sẽ bị đánh bại bằng kinh tế, quân sự và những phương tiện khác để chứng minh một cách rõ ràng cho những tín đồ Hồi giáo phi A-rập thấy rằng sự cuồng tín và vũ trang không hề có tương lai.

Bản chất của Hồi giáo ở Đông Nam Á đã thay đổi trong hơn 30 năm qua. Trước hết và trên hết, sau khi giá dầu mỏ tăng gấp bốn lần vào năm 1973, Saudi Arabia đã hào phóng rót tiền cho phong trào truyền giáo xây dựng các giáo đường và trường học tôn giáo cũng như trả tiền cho các giáo sĩ trên khắp thế giới, loan truyền những điều răn dạy và tập tục theo trường phái khổ hạnh của Hồi giáo Wahhabi******. Tiếp đến, việc lật đổ chế độ Shah ở Iran vào năm 1979… cũng có tác động sâu sắc đến các tín điều Hồi giáo về sức mạnh của đạo Hồi. Cuối cùng, sự tham gia của một số lượng đông đảo các tín đồ Hồi giáo Đông Nam Á vào cuộc thánh chiến ở Afghanistan trong những năm 1980 và 1990 đã làm cho rất đông các tín đồ Hồi giáo Đông Nam Á trở nên quá khích.

Khi chúng tôi hỏi các tín đồ Hồi giáo của mình “Tại sao các bạn lại quá ngặt nghèo trong các tập tục tôn giáo như vậy?” thì họ trả lời “Bởi vì chúng tôi được giáo dục tốt hơn và hiểu rõ hơn những gì cần được tuân thủ.” Nhưng nhân tố lớn hơn là áp lực đồng đẳng từ trung tâm của thế giới Hồi giáo. Với sự gia tăng lòng mộ đạo trên khắp thế giới do việc Saudi tài trợ cho các giáo đường, các trường Hồi giáo và các thầy giáo tôn giáo, toàn bộ dân số Hồi giáo tăng vọt. Rồi một vài người quá hăng hái bị những phần tử quá khích cực đoan bắt cóc để trở thành những chiến binh thánh chiến. Al Qaeda và các phần tử cực đoan địa phương tuyển mộ từ các giáo đường những người phù hợp với các lớp học tôn giáo riêng của họ, nơi họ được dạy rằng nhiệm vụ của tất cả những tín đồ Hồi giáo tốt là chiến đấu cho tất cả những tín đồ Hồi giáo bị áp bức trên toàn thế giới, và nếu cần thiết, chết cho sự nghiệp, để trở thành những kẻ tử vì đạo.

Ở Đông Nam Á, các tín đồ đạo Hồi rất khác. Họ thoải mái, dễ sống hòa thuận. Nhưng hơn 30 năm qua, kể từ khi cuộc khủng hoảng dầu mỏ và đồng đô la dầu mỏ trở thành nhân tố chính trong thế giới Hồi giáo thì những phần tử cực đoan đã tiến hành xây giáo đường, trường học tôn giáo để dạy về phong trào Wahhabi, ép người khác bỏ đạo… gửi các nhà truyền giáo đi khắp nơi và mở các hội nghị. Toàn cầu hóa, kết nối mạng lưới. Và dần dần, họ thuyết phục được các tín đồ Hồi giáo Đông Nam Á, và trên thực tế, các tín đồ Hồi giáo trên khắp thế giới, rằng tiêu chuẩn vàng chính là Saudi Arabia, rằng đó mới là Hồi giáo chân chính thật sự.

Bản thân Hồi giáo đóng vai trò gì trong việc gây ảnh hưởng đến chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan?

Các tín đồ Hồi giáo muốn đồng hóa chúng ta. Đó là dòng lưu thông một chiều… Họ không có niềm tin ở việc cho phép lựa chọn.

Samuel Huntington có gửi cho tôi một đoạn mà ông ấy đang viết trên tạp chí Foreign Affairs gọi là “Xung đột giữa các nền văn minh.” Khi tôi gặp ông ấy, tôi nói, này nhé, tôi chỉ đồng ý với ông ở những chỗ có tín đồ Hồi giáo, chỉ ở đó thôi… Ấn Độ giáo, Khổng giáo Trung Quốc hoặc chủ nghĩa cộng sản, Thần đạo của Nhật Bản, tất cả đều thật sự rất thế tục. Họ biết rằng để tiến bộ, bạn phải làm chủ khoa học và công nghệ… Nhưng các tín đồ Hồi giáo tin rằng nếu họ nắm vững kinh Koran và sẵn sàng làm được tất cả những gì thánh Muhammad đã dạy, họ sẽ thành công. Cho nên, chúng ta có thể dự đoán những rắc rối này sinh từ họ và điều đó đã xảy ra đúng như vậy.

Các tín đồ Hồi giáo không gây ra rắc rối gì về mặt xã hội, nhưng họ rất khác biệt và tách biệt… Đạo Hồi là độc nhất vô nhị.

Các mục tiêu chính của những phần tử Hồi giáo cực đoan là gì?

Các tín đồ của chủ nghĩa Hồi giáo tin thời điểm đã chín muồi để tái khẳng định uy thế của đạo Hồi. Các chiến binh Hồi giáo trong số những tín đồ này lựa chọn Iraq làm chiến trường thứ hai của họ. Mục tiêu của họ là đuổi người Mỹ ra khỏi Iraq, giống như họ đã làm với Liên Xô ở Afghanistan… Các nhóm Hồi giáo cực đoan ở một vài quốc gia muốn tạo ra một cuộc xung đột giữa các nền văn minh, và dầu mỏ cho họ phương tiện để làm

điều đó.

Những gì Osama bin Laden muốn là chiếm được toàn bộ dầu mỏ ở các nước vùng Vịnh và xây dựng những thể chế kiểu Taliban. Khi đó ông ta sẽ nắm được yết hầu của tất cả các nước công nghiệp – châu Âu Thiên Chúa giáo, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc. Khi đó họ có thể có nhà nước Hồi giáo trên toàn thế giới.

Liệu tình hình ở Iraq có làm cho chủ nghĩa khủng bố thêm tồi tệ không? Về ngắn hạn, có. Nhưng chủ nghĩa khủng bố cũng đã tồi tệ hơn rồi. Trước chiến tranh ở Iraq, các giáo sĩ chiến binh Hồi giáo ở Singapore, Indonesia, Philippines, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh và nhiều quốc gia khác đã sẵn sàng tử đạo vì các lãnh tụ Hồi giáo của họ. Các chiến binh Hồi giáo muốn hủy diệt Israel và đuổi Hoa Kỳ ra khỏi các nước dầu mỏ ở vùng Vịnh. Thái độ thù ghét luôn nung nấu này sẽ sôi sục bất kể Hoa Kỳ có hành động gì ở Iraq hay Afghanistan. Những vụ giết người ngẫu nhiên sẽ tiếp diễn trong nhiều năm và sẽ chỉ dừng lại khi các chiến binh Hồi giáo và những người thầy của họ nhận ra rằng thay vì bắt mọi thứ phải theo ý mình thì việc đánh bom những người dân vô tội sẽ làm cho cả thế giới – bao gồm cả các nước Hồi giáo như Jordan – chống lại họ.

Những phần tử Hồi giáo cực đoan sẵn sàng đạt được các mục tiêu ấy đến mức nào?

Những phần tử quá khích Hồi giáo Al Qaeda tin rằng bằng việc liên tục tiến hành đánh bom tự sát quy mô, họ có thể đuổi người Mỹ ra khỏi Trung Đông, hủy diệt nước Mỹ, và khiến châu Âu khiếp sợ, và nhờ đó giữ được các xã hội Hồi giáo của mình thuần khiết và sùng đạo, như ở thế kỷ 7. Họ không thể thành công, bởi vì công nghệ sẽ tiếp tục phát triển và thay đổi nền kinh tế cũng như lối sống của chúng ta, cho dù chúng ta là tín đồ Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo, Phật giáo, Ấn Độ giáo, vô thần hay bất khả tri.

Tôi không nhìn thấy chuyện những phần tử quá khích Hồi giáo sẽ chiến thắng, và nói thế, ý tôi là họ không thể áp đặt được hệ thống cực đoan của họ. Tôi có thể thấy họ gây ra sự sợ hãi và bất an, nhưng họ lại không có công nghệ và tổ chức để gây ảnh hưởng đến bất kỳ chính phủ nào.

Họ muốn tạo ra… một nhà nước bao gồm Malaysia, Indonesia, miền nam Philippines và Singapore. Điều đó thật ngớ ngẩn và không thể đạt được… Tại sao người Hồi giáo ở Thái, Malaysia hay Philippines phải từ bỏ quyền lực và trao chủ quyền cho cái nhà nước do người Indonesia đứng đầu chứ?… Có thể phải mất 20, 30 năm… nhưng cái nhà nước lý thuyết đó sẽ thất bại. Và những thất bại liên tiếp trong thế giới Hồi giáo sẽ cho thấy cái nhà nước lý thuyết ấy… chỉ là một ảo tưởng.

Những phần tử khủng bố Hồi giáo sẽ dần đánh mất khả năng gây ra tâm lý sợ hãi ở châu Âu và Hoa Kỳ, khi các nước này có những biện pháp cứng rắn và toàn diện để ứng phó với họ… Nếu những người Hồi giáo ở châu Âu và Hoa Kỳ không tự tránh xa và tố giác những kẻ khủng bố trong cộng đồng mình thì họ sẽ bị đe dọa và tẩy chay. Họ sẽ thấy rất khó kiếm được việc làm tử tế. Ở các nước Hồi giáo, chỉ còn là vấn đề thời gian đến lúc những người Hồi giáo ôn hòa phải loại bỏ những kẻ quá khích, hoặc họ sẽ có kết cục là các chính phủ Taliban cai trị họ, giống như ở Afghanistan.

Với việc tiêu diệt Osama bin Laden, phong trào Hồi giáo cực đoan đã bị phân tán và từng nhóm tự mình hoạt động riêng lẻ. Do đó sẽ càng tạp nham và khó kiểm soát hơn. Tuy nhiên, đồng thời các nhóm khủng bố lẻ tẻ ấy lại không có đủ năng lực tri thức để nghĩ ra và tiến hành những cuộc tấn công với quy mô như vụ 11/9.

Những nhân tố gì sẽ ảnh hưởng đến tương lai của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan?

Việc chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan sẽ là một vấn đề lớn hơn hay bé đi trong 10, 15 hoặc 25 năm nữa tính từ lúc này tùy thuộc vào những gì xảy ra ở các quốc gia dầu mỏ, đặc biệt là Saudi Arabia.

Cái giá phải trả cho việc để Iraq trong tình trạng bất ổn sẽ rất cao. Các chiến binh Hồi giáo ở khắp mọi nơi sẽ càng được khích lệ… Vài năm trước, Taliban ở Afghanistan và Iraq thời Saddam Hussein là một vật cản đối với Iran. Taliban lại đang tập hợp sức mạnh, và một chiến thắng của Taliban ở Afghanistan hay Pakistan sẽ có tác động đến toàn thế giới Hồi giáo. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến cuộc tranh luận quy mô lớn trong những người Hồi giáo về tương lai của đạo Hồi. Một dạng Hồi giáo vô cùng suy đồi được xem là đã đánh bại chủ nghĩa hiện đại đến hai lần: lần đầu là Liên Xô và tiếp theo là Hoa Kỳ. Sẽ có những hậu quả sâu sắc, đặc biệt trong chiến dịch chống lại chủ nghĩa khủng bố.

Nếu Hoa Kỳ rời khỏi Iraq khi chưa đúng thời điểm, các chiến binh Hồi giáo ở khắp mọi nơi sẽ được khích lệ phát động cuộc chiến nhắm vào Washington cùng các đồng minh và bạn bè. Đánh bại người Nga ở Afghanistan và Hoa Kỳ ở Iraq, họ sẽ tin rằng họ có thể thay đổi được cả thế giới. Tệ hơn nữa, nếu nội chiến nổ ra ở Iraq, cuộc xung đột sẽ gây bất ổn cho toàn bộ vùng Trung Đông, vì nó sẽ cuốn theo Ai Cập, Iran, Jordan, Lebanon, Saudi Arabia, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.

Nếu lực lượng của Hoa Kỳ hấp tấp rời khỏi Iraq do những vụ tấn công khủng bố thì những phần tử khủng bố Hồi giáo trên khắp thế giới sẽ chiến thắng. Khi người Việt Nam hài lòng nhìn người Mỹ ra đi và tập trung vào xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam thì những chiến binh Hồi giáo cũng sẽ theo đuổi việc xua đuổi người Mỹ ở mọi nơi trên toàn cầu. Nếu các chiến binh này thành công trong việc ngăn cản người Mỹ ở Iraq, nhiệt huyết được chết trong sự nghiệp xây dựng một nhà nước Hồi giáo phát triển trên toàn cầu của họ sẽ đạt đến những đỉnh cao mới.

Những tín đồ Hồi giáo ôn hòa sẽ đóng vai trò gì trong cuộc đấu tranh với chủ nghĩa Hồi giáo

cực đoan?

Chỉ có chính người Hồi giáo mới có thể chiến thắng trong cuộc tranh đấu này. Những tín đồ Hồi giáo hiện đại, ôn hòa, những thủ lĩnh dân sự, tôn giáo, chính trị phải cùng nhau chống lại những kẻ theo trào lưu chính thống. Nhưng các nước phát triển hùng mạnh có thể hỗ trợ. Các đồng minh khối NATO phải… là một khối vững chắc. Những người Hồi giáo hiện đại phải cảm thấy rằng Hoa Kỳ và các đồng minh sẽ cung cấp các nguồn lực, năng lượng và sự ủng hộ để họ trở thành phe chiến thắng. Không ai muốn đứng về bên thua cả.

Chỉ có chính những người Hồi giáo – những người có cách tiếp cận ôn hòa, hiện đại đối với cuộc sống – mới có thể chống lại phe chính thống để giành quyền kiểm soát linh hồn Hồi giáo. Những người Hồi giáo phải chống lại ý thức hệ khủng bố được dựng lên dựa trên một cách hiểu sai lệch về đạo Hồi. Trận chiến này sẽ được hưởng ứng khi những phần tử khủng bố Hồi giáo theo trào lưu chính thống tìm cách thay thế những thủ lĩnh Hồi giáo hiện nay của họ, vì họ phải làm như vậy nếu họ muốn thiết lập kiểu nhà nước Hồi giáo của mình.

Tôi đã nói về những phần tử khủng bố cực đoan như nhóm Jemaah Islamiyah và cả những thành phần thuyết giáo chiến binh chuyên tẩy não họ. Họ không mủi lòng trong việc trấn áp tất cả những ai không đồng ý với họ. Cho nên đạo Hồi của họ là một thứ tôn giáo sai lạc mà đa số tín đồ Hồi giáo ở Singapore không tán thành. Tôi cũng chỉ ra rằng các thủ lĩnh Hồi giáo của chúng tôi rất chừng mực, và rằng giải pháp tối thượng cho chủ nghĩa khủng bố cực đoan là trao cho những tín đồ Hồi giáo ôn hòa lòng can đảm đứng lên và cất tiếng nói chống lại những kẻ cực đoan chiếm đoạt Hồi giáo để tuyển mộ những kẻ tình nguyện cho mục đích bạo lực của họ (Lý Quang Diệu phủ nhận việc ông gọi Hồi giáo là một “tôn giáo độc địa” trong một cuộc gặp vào tháng 7/2005 với Hillary Clinton và Charles Rangel).

Mới nhìn, đây là cuộc đấu tranh giữa một bên là những kẻ cực đoan quá khích trong thế giới Hồi giáo và bên kia là Mỹ, Israel và các đồng minh phương Tây. Nhưng xem kỹ hơn và bạn sẽ thấy rằng về cốt lõi, đây là cuộc đấu tranh xem ý nghĩa của đạo Hồi là gì giữa những tín đồ quá khích và những tín đồ duy lý, giữa những tín đồ theo trào lưu chính thống và những tín đồ hiện đại

chủ nghĩa.

Cuối cùng, cuộc chiến sẽ thu gọn thành cuộc chiến giữa những người Hồi giáo muốn biến đạo Hồi trở lại thế kỷ 11 (khi đạo Hồi đóng cửa với thế giới bên ngoài và gạt bỏ những ý tưởng mới) và những người muốn thấy một đạo Hồi hiện đại hòa hợp với thế kỷ 21. Nếu phương Tây đạt được sự đồng thuận và nhất trí về chiến lược chống khủng bố của mình, như họ đã làm được trong Chiến tranh Lạnh, thì khi đó, cùng với Nhật Bản, Trung Quốc và Nga, những tín đồ đạo Hồi ôn hòa muốn hiện đại hóa các xã hội của mình sẽ đủ tự tin và dũng khí để đấu tranh với những kẻ quá khích và ngăn chặn họ đào tạo thêm những kẻ khủng bố.

Những người ôn hòa trong thế giới Hồi giáo, khi không thể có chính kiến, đi đầu và mở màn cuộc đấu tranh với những kẻ quá khích trong các giáo đường, trường học, thì tức là họ đang né tránh vấn đề và cho phép những kẻ quá khích chiếm đoạt không chỉ đạo Hồi mà là cả cộng đồng Hồi giáo.

Đa số các tín đồ Hồi giáo chẳng có liên quan gì với chủ nghĩa khủng bố hay chủ nghĩa quá khích. Tuy nhiên, các nhóm khủng bố lại lạm dụng đạo Hồi làm động lực cho họ và phát triển đạo theo hướng có hại. Trong toàn thế giới đạo Hồi, những chiến binh tìm cách áp đặt một thứ đạo Hồi theo kiểu của họ. Đa số các tín đồ Hồi giáo ôn hòa đều bị mắc kẹt giữa (1) sự cảm thông và gắn bó chặt chẽ với những người Palestine cùng thái độ tức giận đối với người Israel, và (2) ước muốn về một cuộc sống hòa bình để tăng trưởng và phát triển. Để giải quyết vấn đề khủng bố, Hoa Kỳ và các nước khác phải hỗ trợ những tín đồ Hồi giáo phi bạo lực để những người này dần chiếm ưu thế.

Để ngăn chặn tình trạng gia tăng tuyển mộ phần tử khủng bố, Hoa Kỳ và châu Âu phải bài trừ tư tưởng quá khích, vốn chuyên bóc tách những thông điệp trong kinh Koran ra khỏi văn cảnh, rao giảng tâm lý thù hận chống lại những người không phải tín đồ Hồi giáo và tìm cách lan truyền đạo Hồi thông qua bạo lực. Những tín đồ Hồi giáo muốn là một phần của thế giới khoa học và công nghệ hiện đại phải đương đầu và ngăn chặn những kẻ Hồi giáo chủ nghĩa này trong việc rao giảng bạo lực và thù hận. Họ phải làm cho các học giả và giảng sư tôn giáo luôn dạy rằng đạo Hồi là một tôn giáo hòa bình, không phải là một nỗi khiếp sợ, và rằng tôn giáo ấy khoan dung với những dân tộc và tín điều khác… Ở những quốc gia nơi các tín đồ Hồi giáo là thiểu số, như Anh quốc, họ phải có một thái độ rõ ràng chống lại những kẻ khủng bố Hồi giáo… Ở những nước Hồi giáo như Pakistan và Iraq, các tín đồ Hồi giáo sẽ buộc phải đương đầu với những kẻ Hồi giáo chủ nghĩa hoặc sẽ chứng kiến chính phủ của mình bị lật đổ và dân tộc mình bị kéo lùi lại quá khứ phong kiến, như Taliban đã làm ở Afghanistan.

Hoa Kỳ phải đa phương hơn nữa trong cách tiếp cận của mình đối với việc cô lập các nhóm chiến binh Hồi giáo và tập hợp châu Âu, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và tất cả các chính phủ phi Hồi giáo vào sự nghiệp của mình, cùng với nhiều tín đồ Hồi giáo ôn hòa. Một liên minh toàn thế giới là rất cần thiết để chống lại ngọn lửa hận thù mà những kẻ cuồng tín Hồi giáo đang nhen lên. Khi các chính phủ Hồi giáo ôn hòa, như ở Indonesia, Malaysia, các nước vùng Vịnh Ba Tư, Ai Cập và Jordan, thấy thoải mái và công khai bắt tay với một liên minh đa phương chống lại chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo thì thế của cuộc chiến sẽ bất lợi cho những kẻ quá khích.

Để làm cho nhiệm vụ lâu dài này luôn ổn định, Hoa Kỳ cần một liên minh rộng khắp, chia sẻ trách nhiệm, giảm bớt những gánh nặng quá lớn đè lên chính bản thân. Họ cần những người khác tán thành với những nguyên nhân và giải pháp cơ bản. Đó không phải đói nghèo, đó không phải là túng thiếu, đó là điều gì đó cơ bản hơn, một sự trỗi dậy của niềm tự hào A-rập và Hồi giáo, và một niềm tin rằng thời đại của họ đã đến. Mục tiêu phải là trấn an và thuyết phục những tín đồ Hồi giáo ôn hòa… rằng họ sẽ không thua thiệt, rằng họ sẽ có tiếng nói mạnh mẽ, có nguồn lực của thế giới đằng sau họ. Họ phải có can đảm bước vào các giáo đường trường học và bác lại những kẻ cực đoan.

Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan sẽ đe dọa an ninh toàn cầu trong bao lâu?

Chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo manh nha từ những năm 1970 và không thể dễ dàng, nhanh chóng đập tan được. Cuộc chiến chống khủng bố sẽ lâu dài và gian khổ. Những kẻ khủng bố, sự tồn tại của những vũ khí hủy diệt hàng loạt và cuộc xung đột Israel-Palestine kéo dài sẽ vẫn là những hiểm họa trong nhiều năm nữa.

Chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo sẽ là một vấn đề cho cả thế giới này trong suốt một thời gian rất dài, và vấn đề đó sẽ không thay đổi cho dù bất kỳ ai chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống ở Hoa Kỳ năm 2004.

Vấn đề chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo sẽ không thể dễ dàng trừ bỏ… Những tín đồ Hồi giáo ôn hòa phải được khích lệ đứng lên và cất tiếng nói chống lại chủ nghĩa quá khích. Họ cần tự tin rằng họ có thể làm được như vậy. Chúng ta có thể đi tới điểm tận cùng, nhưng tôi biết sẽ mất nhiều thời gian đến thế nào… Những kẻ khủng bố Hồi giáo sẽ tiếp tục sử dụng bạo lực cho tới khi họ thấy rằng những phương pháp của mình sẽ không thành công. Nếu họ thành công ở Iraq, họ sẽ cố gắng lật đổ các chính phủ thế tục ở những nước khác, chẳng hạn Indonesia.

Người Mỹ phạm sai lầm khi tìm kiếm một giải pháp quân sự. Bạn phải sử dụng sức mạnh. Nhưng sức mạnh sẽ chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề mà thôi. Khi tiêu diệt những kẻ khủng bố, bạn mới chỉ giết được những con ong thợ. Ong chúa chính là các nhà truyền đạo, những người vẫn dạy về một thứ đạo Hồi sai lệch trong các trường học và trung tâm Hồi giáo, chuyên chế ngự và bóp méo suy nghĩ của giới trẻ… Những kẻ khủng bố nói: “Tôi rất vui được chết như một người tử đạo. Sau tôi, sẽ còn cả triệu người khác.”

Chúng ta nên học cách sống chung với nỗi hãi hùng Pakistan trong một thời gian dài. Tôi sợ rằng tình hình Pakistan có thể còn tệ hơn nữa.