Hiện tượng học sinh chán học văn

LTS: Trước thực trạng hiện nay nhiều em học sinh không có hứng thú và yêu thích môn ngữ Văn, tác giả Thanh An - người thầy đang trực tiếp giảng dạy tại một trường trung học phổ thông đã chỉ ra những nguyên nhân của vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết. Văn phong và nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.                                                              

Đã từ lâu, đã có một hiện thực đang tồn tại ở rất nhiều trường phổ thông hiện nay đó là một bộ phận học sinh không thích học văn, ngán học văn. 

Các em học Văn chỉ vì môn học này được sử dụng để thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi tốt nghiệp trung học Quốc gia. Vì thế, việc cảm thụ các tác phẩm văn học trong nhà trường bị hạn chế. 

Hiện tượng học sinh chán học văn
Hiện nay, nhiều học sinh có tâm lý không thích học môn ngữ Văn (Ảnh nguồn: Classbook.vn).

Nhiều tiết học, thầy cô dạy còn hời hợt, học trò thì học theo kiểu đối phó nên những tiết học tẻ nhạt cứ diễn ra một cách máy móc, khiên cưỡng. 

Vậy vì sao lại có hiện tượng này?

Chúng ta đều biết, môn Văn là một môn học rộng bao gồm ba phân môn nhỏ là Văn học, Tiếng Việt và Tập làm văn. 

Môn học này đang chiếm thời lượng nhiều nhất nên số lượng tiết học dao động từ 4-5 tiết/tuần. Vì lượng kiến thức rộng, đòi hỏi người dạy và học có sự khái quát cao mới cảm nhận hết được. 

Trong khi đó, trải qua nhiều lần chỉnh sửa sách giáo khoa chúng ta phải thừa nhận rằng cách viết sách hiện nay vẫn dài dòng, rườm rà.  Đặc biệt là phân môn Tập làm văn, nhiều bài nhập nhằng vào nhau và diễn đạt một cách chủ quan theo người viết sách. 

Nội dung phản ánh của môn học rộng, chẳng hạn như môn Văn học gồm các tác phẩm Văn học trong nước, nước ngoài nhưng lại không sắp xếp theo trình tự thời gian mà hướng người dạy, người học theo hướng tích hợp cả ba phân môn. 

Hiện tượng học sinh chán học văn

Nếu không phải thi, môn Văn sẽ chẳng mấy học sinh muốn học

Chính vì vậy mà đang Văn học trung đại lại nhảy sang Văn học hiện đại, hay Văn học nước ngoài . 

Vì thế, nếu học sinh không chú tâm sẽ rất khó nhớ được tác phẩm văn học nào là hiện đại, tác phẩm nào là trung đại và không có một mạch cảm xúc xuyên suốt. 

Đồng thời, sách giáo khoa cũng bố trí quá nhiều văn bản nhật dụng vào môn học nên giảm đi đặc trưng của văn học.     Trong khi đó, nhiều thầy cô dạy Văn không chịu làm mới mình. Một số thầy cô vẫn chủ quan cho rằng mình dạy lâu năm có nhiều kinh nghiệm, lên lớp cứ thao thao từ năm này qua năm khác với chừng ấy kiến thức.  Phần văn học trung đại là phần đòi hỏi phải có nhiều kiến thức Lịch sử, Triết học, sự hiểu biết về chữ Hán, Nôm thì mới thẩm thấu hết được, đằng này chỉ bám vào phần dịch thơ, hay văn bản tiếng Việt.  Chúng ta biết rằng nhiều bài thơ dịch không thể sát với nguyên bản tiếng Hán bởi người dịch phải dịch theo thể thơ, theo vần điệu… Nhiều thầy cô chỉ bám vào hướng dẫn của sách giáo viên và thiết kế bài giảng đã có sẵn nên bài giảng cứng nhắc, rập khuôn.  Môn Văn lại luôn cần sự sáng tạo, luôn cần cái riêng để khám phá cái hay, cái đẹp của văn chương.   

Từ lâu, khi kinh tế đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường, nhiều ngành nghề mới được mở, khả năng sau khi ra trường kiếm được thu nhập cao hơn, cơ hội xin việc dễ hơn. 

Trong khi môn Văn chỉ thi được một số ngành mà cơ hội việc làm lại thấp. Vì thế, các môn tự nhiên là đối tượng các em yêu thích hơn, đầu tư nhiều hơn. 

Hiện tượng học sinh chán học văn

Vừa học vừa chán môn văn

Các bậc cha mẹ cũng hướng con mình đến những môn học tự nhiên, những môn học có thể thi được nhiều ngành nghề nhằm sau khi học xong có thể dễ xin việc làm. Nhiều người quan niệm: môn Văn được là môn học viển vông, lãng mạn, lạc hậu với xu thế thời đại. Điều này dẫn tới các em không chú trọng đối với môn Văn cũng là điều dễ hiểu.    

Một điều khó khăn nữa là một số hướng dẫn hiện hành mang tính cứng nhắc. Bởi từ năm học 2010-2011, Bộ Giáo dục phát hành quyển Chuẩn kiến thức môn Ngữ văn. 

Vì thế, trong quá trình dạy phải hướng học sinh tới cái “chuẩn” đã quy định. Nhất là phần nghệ thuật và ý nghĩa phải giống nhau nên tạo nên những máy móc bắt buộc.

Ai cũng phải thực hiện các mục này giống nhau. Nếu không giống thì bị bắt bẻ khi có giáo viên, Hội đồng bộ môn hay Ban giám hiệu dự giờ. Trong khi hai phần này gần như đều đã nằm trong ghi nhớ của bài học.  Chúng ta cũng cần thiết có một cái chuẩn chung cho mọi đối tượng học sinh. Nhưng, việc bắt buộc người dạy, người học phải đi qua chừng ấy các đề mục là điều không cần thiết.  Văn chương trước hết phải là văn chương, không nên gò bó hàng triệu mái đầu vào cùng chung một suy nghĩ của một người viết “chuẩn kiến thức”.     Trong những năm gần đây, việc thay đổi liên tục về phương pháp, cách tiếp cận, cách ra đề kiểm tra, đề thi cũng là một trong những nguyên nhân làm cho môn Văn không còn được nguyên vẹn như trước. 

Mãi đến giữa học kì 1 của lớp 9 các em mới bắt đầu tiếp cận với phần nghị luận văn học nhưng cách định hướng kiểm tra cho phần cảm thụ văn học không nhiều, chủ yếu mới dừng lại ở phần “vận dụng thấp”...

   

Theo quy định hiện hành mỗi học kì giáo viên phải dự giờ một số tiết theo quy định, đặc biệt là thỉnh thoảng chúng tôi được dự một số tiết thao giảng của các trường trong huyện, tỉnh hoặc một số tiết dạy mẫu trong các đợt tập huấn. 

Hiện tượng học sinh chán học văn

Dạy và học môn Văn: Cô, trò đều… ngán

Mặc dù, những tiết dạy mẫu có sự đầu tư của nhiều người cho tiết thao giảng, hay là sự báo trước cho chuẩn bị của các giáo viên trong trường, chúng tôi vẫn cảm thấy tiết dạy nhạt nhẽo và nhiều lỗi.

Nhiều tiết giảng văn mà giống như giảng bài môn học Giáo dục công dân. Êm đều, không có một điểm nhấn, cách đọc thơ vô hồn rất khó chấp nhận của một người giảng văn. Chất văn trong mỗi giờ học rất ít có.

Có lẽ, muốn cho học sinh yêu thích học môn Văn, thiết nghĩ không phải là điều quá khó đối với mỗi người thầy. Chúng ta phải đặt mình trong vị trí người học. Nếu như một tuần có từ 4-5 tiết Văn mà người thầy cứ vào dạy một cách máy móc thì học sinh sẽ rất mau nhàm chán.  Từng buổi học, chúng ta phải tự làm mới mình bằng nhiều phương pháp khác nhau.  Khi cảm thấy học sinh căng cứng phải cần phải thay đổi phương pháp hoặc có thể kể một câu chuyện vui liên quan đến bài giảng để tạo khoảng nghỉ và thư giãn cho học sinh.  Người thầy phải chuẩn bị chu đáo từng câu hỏi, từng bài để gợi mở cho các em tìm tòi, khám phá.  Chúng ta tận dụng tối đa những điểm nhấn của công nghệ thông tin về tranh, phim ảnh, về những bài ngâm thơ mẫu để tạo cho các em sự hứng thú và tái tạo lại bối cảnh lịch sử qua từng tác phẩm để các em đối chiếu tác phẩm văn học qua từng giai đoạn lịch sử. 

Những bài dài như phân môn Tập làm văn phải biết cô đọng lại bài để 45 phút của tiết học các em phải hệ thống được kiến thức bài giảng và đặc biệt là giúp các em nắm được các kĩ năng làm bài Văn . 

Dù ở thời đại nào thì môn Văn cũng là một môn học quan trọng trong trường phổ thông bởi môn học này không chỉ giúp các em nắm được các kĩ năng cảm thụ văn học, kĩ năng viết bài, nắm được sự giàu đẹp của tiếng Việt mà đây còn là môn học định hướng nhân cách, đạo đức, sống có ước mơ, hoài bão cho học trò. Vì thế, môn Văn có một vị trí vô cùng quan trọng trong trường phổ thông và đã đến lúc chúng ta cần phải nhìn nhận lại cách dạy và học của môn học này.

Thanh An

Hiện nay, vẫn còn hiện tượng một số học sinh không thích học môn Ngữ văn vì nghĩ rằng nó không cần thiết. Đó hoàn toàn là ý nghĩ sai lầm, vì học Ngữ văn là để làm giàu tri thức và nâng cao trình độ hiểu biết. Cần phải có phương pháp học tốt và đạt kết quả cao thì mới có niềm say mê môn học này.

Có thể nói, lịch sử phát triển của văn học cũng lâu đời như lịch sử của nhiều lĩnh vực khác. Từ xa xưa, con người đã biết sử dụng văn học như một phương tiện để lưu truyền kinh nghiệm và phản ánh đời sống xã hội. Dân tộc nào trên thế giới cũng coi văn học là sản phẩm tinh thần của dân tộc mình, văn học cũng là tiếng nói dân tộc, tiếng mẹ đẻ thân yêu.

Nếu chúng ta không học tốt môn Ngữ văn thì điều đó sẽ ảnh hưởng xấu đến con đường tri thức sau này, nói đúng hơn là thiệt thòi cho chính bản thân mình. Ngay từ khi học THCS, nhiều học sinh đã tập trung học theo ban A nên chỉ chú trọng những môn Toán, Vật lí, hóa học vì vậy chỉ cần học Ngữ văn sao cho đủ điểm trung bình là được rồi. Hoặc nhiều học sinh đến giờ Ngữ văn chưa tập trung nghe bài giảng của thầy cô, không hiểu bài nên kiểm tra không đạt kết quả cao, vì vậy họ không thích môn Ngữ văn và về nhà không làm bài tập. Điều đó cứ dần dần trở thành thói quen, càng về sau này kiến thức văn học sẽ càng bị mất gốc. Muốn học Ngữ văn tốt cần phải có một năng lực suy nghĩ một trực quan nhạy bên, một tư duy hợp lí, điều hết sức cần thiết cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, học sinh phải chăm chỉ học thì mới hiểu và nắm vững kiến thức một cách có hệ thống. Nếu lơ là, chểnh mảng, thiếu nghiêm túc trong việc học Ngữ văn thì rốt cuộc là tốn thời gian, tiền bạc mà kết quả thu được chẳng đáng là bao. Ngữ văn là môn học cần thiết, nếu không đó cũng là môn học đặc biệt quan trọng để tạo nên nhân cách. Nên chúng ta không coi trọng môn này thì tâm hồn sẽ khô cứng, vô cảm trước con người và cuộc đời, dẫn đến thái độ dửng dưng trước vẻ đẹp phong phú và sự giàu có của lịch sử dân tộc.

Hiện nay, chính vì một số học sinh không nhận thức được tầm quan trọng của việc học Ngữ văn đối với sự thành công hay thất bại của đời người, nên mới dẫn đến những nhận thức lệch lạc và có hành động sai lầm, thiếu suy nghĩ. Đến lúc muốn học lại thì cũng đã quá muộn màng. 

Văn chương phản ánh cái hay, cái đẹp, cái tinh túy của cuộc sống. Bởi vậy, nếu cuộc sống thiếu văn chương thì sẽ tầm thường, tẻ nhạt và con người sẽ có tâm hồn khô cằn. Văn chương giải tỏa sự mệt mỏi ấy và làm tăng niềm vui, niềm tin cho con người. Trong thời đại khoa học kĩ thuật phát triển với tốc độ chóng mặt như hiện nay, văn học lại càng cần thiết. Thông qua văn học, chúng ta nhầm thức được nhiều điều bổ ích về con người, về cuộc sống trong quá khứ cũng như hiện tại. Đọc ca dao, tục ngữ, hay thần thoại, cổ tích, chúng ta hình dung được tổ tiên, ông cha ta xưa kia sinh sống ra sao trong suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước. Những ước mơ, khát vọng chinh phục thiên nhiên, những bài học đạo lí, kinh nghiệm sống ở đời được gửi gắm qua văn học cứ thấm dần vào mẫu thịt, qua năm tháng tạo nên đời sống tinh thần phong phú cho con người. Việc học Ngữ văn sẽ giúp chúng ta có được kĩ năng sử dụng thành thạo ngôn ngữ nói và ngôn ngữ Việt hai kĩ năng này liên quan chặt chẽ với nhau và là cơ số nền tảng để chúng ta học tốt các môn khác. Học Ngữ văn để có tâm hồn nhạy cảm của một thi sĩ. Sẽ thú vị biết bao khi đọc một bài thơ, một truyện ngắn hoặc một tiểu thuyết nào đó mà ta hiểu được cái hay, cái đẹp của nó và rút ra từ tác phẩm những bài học bổ ích cho mình. Văn học cho chúng ta hiểu rõ mình hơn trong mối quan hệ với cộng đồng, nó khơi dậy những điều tốt đẹp và mở rộng trước mặt ta một chân trời tươi sáng. Học Ngữ văn không phải để lấy điểm trung bình, để đối phó với bố mẹ và thầy cô, mà điều đầu tiên là học cho chính bản thân mình, học là để mở mang kiến thức, mở rộng tầm nhìn. Ví dụ, khi đọc thơ Tago, thơ Lý Bạch, Đỗ Phủ, ta hiểu đời sống tinh thần phong phú của người phương Đông. Đọc thơ Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, ta hiểu xưa cha ông ta đã từng sống đau khổ và mơ ước khát vọng những gì. Đọc thơ của Hồ Chí Minh, ta hiểu cái dũng, cái trí, cái nhân cách của người chiến sĩ cách mạng đẹp đẽ biết bao. Học Ngữ văn không chỉ để rèn luyện tri thức mà còn là quá trình rèn luyện tình cảm và đạo đức. Không thích học Ngữ văn không phải là xấu, mà lười biếng, không chăm chỉ, học đòi phó, không biết suy nghĩ cho bản thân thì mới đáng xấu hổ.

Xem thêm:  Suy nghĩ của em về lòng yêu nước

Để có niềm say mê môn học, chúng ta bắt buộc phải rèn luyện chăm chỉ, trong suốt quá trình học tập phải tìm hiểu sâu những kiến thức mà thầy cô giảng trên lớp, càng chểnh mảng và lơ là thì cả đời chúng ta sẽ chẳng bao giờ thích học Ngữ văn. Sẽ không ai trách khi chúng ta chỉ thích học những môn như tin học, kinh tế, ngoại ngữ,… nhưng nếu chỉ giỏi chữ số mà quên chữ viết, giỏi kĩ thuật mà kém văn hóa thì sẽ là thiệt thòi lớn cho mỗi con người.

Điểm mới trong việc học môn Ngữ văn là sự kết hợp chặt chẽ giữa quá trình tiếp thu kiến thức và rèn luyện kĩ năng. Chính vì vậy, điều có ý nghĩa quyết định đối với năng lực học Ngữ văn của mỗi người là phải nắm vững lí thuyết, nắm vững những kiến thức cơ bản. Khi làm một bài văn muốn nó hay thì bài văn đó phải truyền đạt được tâm tư, tình cảm của người viết đến với người đọc. Làm thế nào để được như vậy? Trước hết, chúng ta phải có niềm đam mê học Ngữ văn, không hẳn là phải quá say mê và dành quá nhiều thời gian cho môn học này, mà ít nhất cũng tự bản thân mình phải ý thức được, phải chăm chỉ, chủ động học tập bằng cách chịu khó đọc sách, suy ngẫm, khám phá và phát hiện, biến kiến thức của sách vở, của người khác thành của chính mình. Ở trên lớp phải chăm chú nghe thầy cô giảng bài qua việc thực hiện đồng bộ bốn thao tặc tai nghe, mắt nhìn, có suy nghĩ và tay ghi bài giảng. Nếu đọc một tác phẩm văn học thì phải hiểu được cái hay, cái đẹp về nghệ thuật và nội dung của tác phẩm đó. Khi ghi chép lời thầy cô giảng thì phải cân nhắc, suy nghĩ, ghi những điều được nhấn mạnh, khắc sâu. Khi soạn bài môn Ngữ văn, thì phải đọc trước bài văn, bài thơ sẽ học. Phải chăm chỉ tự mình, làm. bài. tập, không sao chép của các bạn, không,r nhờ người khác giải giùm. Chúng ta cần tìm hiểu thêm những kiến thức mới có liên quan đến bài học. Tuyệt đối không nên chép bài giải có sẵn để học đối phó với thầy cô. Học Ngữ văn là để rèn luyện kĩ năng sử dụng ngôn ngữ cho nên phải thường xuyên, liên tục, theo trình tự từ dễ đến khó, từ thấp đến cao. Kiến thức vững vàng, chính xác quyết định phần lớn đến khả năng cảm thụ của bài học. Năng lực: thưởng thức, phân tích một tác phẩm văn. học tùy thuộc vào trình độ hiểu biết cùng cách cảm thụ của mỗi cá nhân.Trước một tác phẩm văn học, muốn hiểu được cái hay về nội dung, cái đẹp về nghệ thuật, người đọc phải vận dụng hiểu biết của mình về hoàn cảnh ra đời. của tác phẩm, tâm trạng tác giả, đặc trưng của thể loại, ngôn từ và hình tượng văn học trong tác phẩm. Muốn muốn hiểu được như vậy thì điều cần nhất là phải chăm học, biết cách tự học để không ngừng bổ sung và nâng cao kiến thức. Có vốn liếng kiến thức chưa phải là đủ. Khi làm bài, người viết cần phải biết huy động kiến thức, vận dụng trí nhớ để chọn ra những kiến thức cần thiết cho một bài làm văn cụ thể. Chúng ta phải biết rèn cho mình kĩ năng học thuộc lòng vì trong quá trình học tập, khối lượng kiến thức căn nhớ rất nhiều, phải nhớ chính xác những bài tập đã học và tự tìm hiểu, bổ sung để không ngừng nâng cao kiến thức. Phải biết tự giác đào tạo bản thân, biến kiến thức của sách vở và của mọi người thành kiến thức của mình. Học Ngữ văn mà không có tính tự giác, cần mẫn thì kết quả không cao. Quá trình rèn luyện nghị lực sẽ đem lại cho chúng ta khả năng hiểu biết, phân tích, cảm thụ và sáng tạo, làm được bài văn hay thì thái độ và tình cảm của người viết cũng rất quan trọng. Đó là biết ứng xử giao tiếp trong gia đình, trường học và xã hội một cách có văn hóa. Để rèn luyện kĩ năng học Ngữ văn thì cần có một quá trình học tập và phấn đấu lâu dài, quan trọng nhất là sự nỗ lực của bản thân.

Xem thêm:  Phân tích khổ 3 bài thơ Việt Bắc

Văn học là kho tàng lưu giữ khối kiến thức khổng lồ của nhân loại được tích lũy qua mấy ngàn năm, là chiếc chìa khóa vàng mở cửa tòa lâu đài tráng lệ với vô vàn những điều kì diệu. Vì vậy, có niềm đam mê học Ngữ văn chính là cơ hội để ta khám phá những điều kì diệu ấy. Đừng vì sự lười biếng của bản thân, những suy nghĩ bồng bột mà đánh mất cơ hội để đến bến bờ tri thức. Để giỏi Ngữ văn thì trước hết phải yêu thích, say mê văn chương, phải cảm nhận tác phẩm bằng cả lí trí và tình cảm để thấy được tài nghệ của tác giả. Việc học Ngữ văn là vô cùng cần thiết và chúng ta không nên xem nhẹ nó. Niềm yêu thích môn học này sẽ giúp chúng ta hái được những trái chín ngọt ngào của tri thức.

Từ khóa tìm kiếm

  • nghị luận về hiện tượng học sinh không thích học văn