Đượm tình là gì

1/Những ngày này, mọi thứ đều trở nên ách tắc, trở ngại và ngột ngạt. Ai cũng nơm nớp lo lắng. Đường phố vắng vẻ, hàng quán đóng cửa im lìm… Dịch bệnh làm xáo trộn tất cả. 

Nhưng ngay trong lúc nguy nan nhất, tình người lại trỗi dậy hơn bao giờ hết. Tinh thần tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách” đẹp vô ngần. Mọi người cùng san sẻ, cùng giúp nhau vượt qua đại dịch. Chỉ là dăm ba ký gạo, chục hột vịt, vài bó rau, con cá, thùng mì, lốc sữa… cùng lời động viên nhau cố gắng thôi đã đủ ấm, xoa dịu bao âu lo, thắc thỏm. Nhà trồng mớ rau cải, mớ bầu bí, người ta cũng nhờ chính quyền địa phương, đoàn thanh niên đi phân phát cho người đang cần. Có gì góp đó. Ai có của góp của, ai có sức góp sức. Những gian hàng một đồng, những chuyến xe 0 đồng, những chương trình hạt gạo sẻ chia, triệu phần quà yêu thương… cứ đong đầy từng ngày. Chương trình “giải cứu nông dân” lan rộng. Những gia đình trong khu cách ly vẫn bảo đảm lương thực hằng ngày nhờ vào đội ngũ thanh niên đi chợ giúp. Có những giáo viên tranh thủ ngày hè vận động quyên góp và tự tay chế biến các món ăn như khô, dưa cà, dưa mắm… để gửi lên cho bà con ở vùng khó khăn. Có các nhóm tình nguyện viên, đoàn viên sinh viên cần mẫn làm khẩu trang, kính bảo hộ gửi đến người dân trong các khu cách ly, đội ngũ y, bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch. Yêu thương cứ thế, nồng hậu, thắm đượm và dạt dào… 

Tờ mờ sáng, chuyến xe chở đầy nhu yếu phẩm đỗ bên đường. Các chiến sĩ công an chia nhau mang nhu yếu phẩm đến từng phòng trọ. Ở đó nhiều công nhân đang loay hoay với khoản tiền trọ hằng tháng. Ở đó có những sinh viên trọ học chưa kịp về quê. Tôi lặng nhìn những cử chỉ ấm tình chiến sĩ mà thầm cảm phục. Một anh chiến sĩ đến hỏi chúng tôi bằng giọng ấm áp: “Anh chị ở đây có cần hỗ trợ gì không? Có cần giúp gì thì cứ nói với tụi em nhe!”. Có lẽ hỗ trợ lúc này thì ai cũng cần, nhưng sẽ có hoàn cảnh cần hơn nhiều…Vào bệnh viện mới thấy nhiều hoàn cảnh ngặt nghèo, thương tâm vô hạn. Họ chính là những người đang cần và đáng được giúp đỡ hơn nhiều. Có những người mấy tháng liền thất nghiệp mà còn bệnh tật, nạn tai bất ngờ. Những phần cơm từ thiện ở bệnh viện giúp họ cảm thấy ấm lòng và đỡ khổ biết bao. Tình hình dịch bệnh theo đó cũng bớt căng thẳng, nặng nề. 

Có những người không hề khá giả nhưng biết có hoàn cảnh khổ hơn mình thì vẫn sẵn sàng chung tay đóng góp. Mỗi người một ít, cùng thắp lên ngọn lửa sưởi ấm yêu thương, cứu người đang lâm vào hoàn cảnh nguy kịch. Tôi nhớ đến chị, chị Nhung. Nhớ ánh mắt đỏ hoe tràn đầy ý chí và nghị lực phi thường của chị. Chị làm nên chiến thắng kỳ tích, chị đã “chết đi sống lại” nhờ các y, bác sĩ tận tình cứu chữa, nhờ sự đùm bọc cưu mang của mọi người và trên hết là nhờ vào ý chí mạnh mẽ của chị. Giờ đây, chị có thể an lành về với đứa con còn đỏ hỏn, đang khát sữa và mong chờ hơi ấm của mẹ. Ngày ra viện, chị rưng rưng xúc động, biết ơn những tấm lòng vàng. Dẫu biết rằng, con đường phía trước còn gian nan, nhọc nhằn lắm, vợ chồng chị làm thuê mướn và đều thất nghiệp vì Covid-19 ròng rã mấy tháng liền, thân chị lại mang trọng bệnh (suy tim, suy thận...). Nhưng ân huệ cuộc đời đã cho chị ở lại với các con thơ thì từ đây không khó khăn nào mà chị không thể vượt qua, chị nhé!
 
2/Những ngày này, càng nghĩ càng thương những người vợ đảm, vừa lo việc nhà, việc của đơn vị, vừa làm cha vừa làm mẹ để chồng yên tâm làm nhiệm vụ nơi các chốt kiểm soát, nơi tuyến đầu của Tổ quốc. Như em Phượng, là nhân viên y tế nên mùa này em càng phải tất bật, vất vả hơn. Mấy tháng rồi chồng không về nhà, em phải gồng gánh mọi việc và lo chăm hai con nhỏ (một bé chỉ vừa mới biết ngồi). Ấy vậy mà em vẫn rạng rỡ nụ cười trên môi, luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ bởi vì theo em đây là “khi Tổ quốc cần” chúng ta cống hiến nhất! Mọi khó khăn, mệt mỏi sẽ vơi đi nếu chúng ta luôn nỗ lực và lạc quan. Tinh thần vững vàng của hậu phương sẽ hun đúc ý chí của bao người nơi tuyến đầu chống dịch, chắc chắn thế phải không em?

Sống chậm lại, bớt đòi hỏi và yêu thương nhiều hơn là thông điệp mà người dân quê tôi luôn nhắc nhở nhau và tự răn mình. Với gần 100 km biên giới, có nhiều đường mòn, lối mở…, An Giang phải đối mặt nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao. Bao cán bộ, chiến sĩ bộ đội, công an, dân quân tự vệ phải ngày đêm túc trực bên các chốt, lán trại, phải đội nắng dầm mưa tuần tra kiểm soát, phải cơm canh vội vã nơi đồng ruộng nắng gió... Bao y, bác sĩ đang phải gồng mình cứu chữa cho nhiều người dân không may bị nhiễm Covid-19. Vì nỗi lo chung mà họ âm thầm cống hiến, bất chấp hiểm nguy và gian khó như thế. Vậy nên ai còn được ngồi yên trong nhà, cơm canh ba buổi đã là diễm phúc lớn lao rồi…

3/Khi tôi ngồi gõ những dòng này, ngoài kia trời vẫn cao xanh, nắng nhẹ, chút gió thoảng đưa, nhưng sự yên tĩnh kỳ lạ làm tôi có chút bối rối. Ngày thường, tiếng xe ồn ã, tiếng nhạc hàng quán xập xình, tiếng cười đùa ầm ĩ của lũ học sinh… làm tôi bao phen cảm thấy mệt mỏi. Nhưng giờ đây, tôi lại thèm được nghe những âm thanh thường nhật ấy đến nao lòng. Trong không gian yên tĩnh lắng đọng, chợt câu chuyện của đứa bé chơi một mình trong sân nói vọng qua sân nhà hàng xóm. Nó huyên thuyên kể với đứa bé nhà bên ấy về những ước mơ sau khi hết dịch Covid-19. Đương không khoảng trời bé thơ của các con bị thu nhỏ lại, từ trong nhà ra ngoài sân hẹp. Thương làm sao! Những ước mơ “xíu xiu”, bình thường như được đi công viên, đi nhà sách, được đến trường… của các con sẽ thành hiện thực, trong một tương lai gần nhất. Hãy luôn vững niềm tin như thế con nhé, bởi vì nghĩa tình luôn thắm đượm quanh ta!