Dự báo tỷ giá USD năm 2023

Thống đốc cũng cho biết, áp lực lên vốn tín dụng ngân hàng tăng cao trong bối cảnh nền kinh tế cần vốn để phục hồi nhưng các nguồn vốn khác diễn biến không thuận lợi. Cụ thể, thị trường vốn đang tồn tại một số vấn đề và chưa phát triển tương xứng với vai trò cung cấp vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế; đăng ký vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài so với cùng kỳ năm 2021 và kiều hối có xu hướng giảm.

Tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt từ năm 2020, tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống tài chính. Các tổ chức quốc tế (Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF, Ngân hàng Thế giới - WB), tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc gia đều cảnh báo về tỷ lệ này của Việt Nam.

Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định, mặt bằng lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm 2022 với một số lý do. Đó là: Nhu cầu tín dụng tăng khi nền kinh tế phục hồi; thanh khoản thị trường chịu nhiều áp lực khi tăng trưởng huy động không theo kịp tăng trưởng tín dụng; nhu cầu tiền mặt mùa Tết Nguyên Đán tăng cao vào cuối năm sẽ tiếp tục gây áp lực lên thanh khoản hệ thống.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, cho rằng, sức ép tăng lãi suất đang rất lớn. Dù NHNN đã nới biên độ tỷ giá USD/VND nhằm góp phần giảm áp lực tăng lãi suất, song từ nay đến cuối năm, nhiều khả năng các ngân hàng sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho vay.

Với tỷ giá, theo ông Hiếu, tỷ giá USD/VND tăng ở mức 6 - 7% trong năm nay là mức biến động phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, không tác động quá lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu và kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rủi ro với thị trường ngoại hối bởi đồng USD được dự báo trong xu hướng tăng cao trong khi dư địa can thiệp thị trường ngoại hối của NHNN đang hẹp dần.

Theo nhóm nghiên cứu của SSI, thách thức hiện nay là các biện pháp can thiệp từ NHNN sẽ là “khá hạn chế”, khi dự trữ ngoại hối không còn quá dồi dào. “Còn nếu tăng lãi suất quá mạnh cũng sẽ tác động lớn đến trạng thái ổn định của nền kinh tế, vốn đang ở vị thế khá khó khăn”, báo cáo của SSI nhận định.

Theo chuyên gia Hồ Quốc Tuấn, với sức ép từ điều hành tỷ giá, lãi suất tăng cao có trường hợp lên tới 9% thì còn rất ít dư địa để hỗ trợ DN. Ông Tuấn cho biết, NHNN sẽ phải cố gắng hài hòa hai biến số lãi suất và tỷ giá trong tầm khống chế vì lãi suất tăng quá mạnh thì DN sẽ rất khó khăn và nền kinh tế, tỷ giá tăng quá mạnh thì có nguy cơ dẫn đến vòng xoáy kỳ vọng tỷ giá - lạm phát - phá giá. Áp lực lên những tháng cuối năm và những tháng đầu năm sau sẽ lớn, cho đến khi lãi suất USD ngừng tăng và chỉ số USD Index quay đầu.

Khi không còn nhiều “dư địa” giữ mặt bằng lãi suất ở mức thấp, nhiều ý kiến mong rằng, các chính sách hỗ trợ khác sẽ được Chính phủ và các bộ, ngành đẩy mạnh hơn nữa để giúp DN vượt qua khó khăn.

Theo các chuyên gia, khi chính sách tiền tệ không còn nhiều “dư địa” để giữ lãi suất ở mức thấp thì cần vận dụng các giải pháp khác để hỗ trợ DN nói riêng, qua đó thúc đẩy sự hồi phục của nền kinh tế. Theo đó, có thể tăng liều lượng các chính sách hỗ trợ về tài khóa, như giảm thuế, phí. Đồng thời, triển khai hiệu quả gói hỗ trợ lãi suất 2%, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công...

Ngày 17/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ +/-3% lên +/-5%, có hiệu lực ngay lập tức.

Ngay sau động thái đó, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng đã tăng lên mức 24.320 đồng (+6,5% so với đầu năm) vào ngày 17/10.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm do NHNN ấn định cho cặp tỷ giá USD/VND ở mức 23.586, tăng 1,1% so với tháng trước (+2,0% so với cùng kỳ) trong khi tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do tăng 1,3% so với cuối tháng 8 năm 2022 (+4,0% so với đầu năm).

Tuy nhiên, so với các đồng tiền trong khu vực, VND vẫn là đồng tiền ổn định nhất. Kể từ đầu năm 2022 (dữ liệu tính đến ngày 17/10/2022), hầu hết các đồng tiền trong khu vực đã giảm hơn 8% so với USD, bao gồm Peso Philippine (-15,7% so với USD), Baht Thái Lan (-14,8% so với USD), Nhân dân tệ của Trung Quốc (-13,4% so với USD), Ringgit Malaysia (-13,2% so với USD) và Rupiah Indonesia (-8,6% so với USD).

Theo bà Nguyễn Hoài Thu, Thành viên HĐQT, Giám đốc Điều hành Khối đầu tư chứng khoán Đại chúng và Trái phiếu – Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital, các yếu tố đã hỗ trợ giá trị của VND trong năm nay bao gồm:

Thứ nhất, không giống như hầu hết các nước trên thế giới, chúng ta có lãi suất tiền gửi thực dương (lãi suất tiền gửi cao hơn mức lạm phát 4% hiện tại).

Thứ hai, chúng ta có tăng trưởng xuất khẩu ổn định (mặc dù có dấu hiệu giảm gần đây), nên trong 9 tháng đầu năm, thặng dư thương mại của chúng ta đạt 6,8 tỷ USD. Thứ ba, dòng vốn FDI vẫn rất mạnh, đã tăng 16% trong 9 tháng 2022.

Cuối cùng, Việt Nam chúng ta là một trong số nước hiếm hoi có thặng dư ngân sách (khoảng 3% GDP) trong 9 tháng 2022. Với tất cả những yếu tố tích cực hỗ trợ cho VND, chúng tôi kỳ vọng VND sẽ duy trì ở mức tương đối bền vững so với các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, cũng không nằm ngoài xu hướng của các nước trong khu vực, chúng ta cũng chịu áp lực giảm giá tiền Đồng trong 2 tháng cuối năm nay.

Theo đó, lãnh đạo VinaCapital cho rằng, nếu Fed tăng lãi suất thêm 1,5% cho đến cuối năm 2022 thì lãi suất VND có thể sẽ cần phải tăng thêm ít nhất 0,5% - 1% nữa.

Đồng quan điểm, các chuyên gia phân tích tại VNDirect trong báo cáo cập nhật vĩ mô mới phát hành cũng cho rằng, tỷ giá hối đoái sẽ tiếp tục chịu áp lực trong những tháng cuối năm 2022 do đồng USD neo cao khi Fed duy trì lộ trình tăng lãi suất. Bên cạnh đó, NHNN cũng đã phải bán bớt một phần dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá.

“Theo ước tính của chúng tôi, dự trữ ngoại hối hiện đã giảm xuống còn khoảng 3,0 tháng nhập khẩu (~89 tỷ USD) so với mức 3,9 tháng vào cuối năm 2021. Do đó, chúng tôi cho rằng NHNN có ít dư địa để hỗ trợ tỷ giá hối đoái hơn so với trước đây trong trường hợp đồng USD tiếp tục mạnh lên trong những tháng cuối năm 2022”, các chuyên gia nhận định.

Do đó, VNDirect dự báo VND có thể mất giá khoảng 6-8% so với USD trong năm 2022.

Đối với năm 2023, các chuyên gia kỳ vọng áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam sẽ hạ nhiệt đáng kể và Việt Nam Đồng sẽ tăng giá 1-2% so với USD trong năm 2023 nhờ 4 nguyên nhân.