Đọc sách mà có nguyên trang giấy gọi là gì năm 2024

Một cuộc khảo sát nhỏ mới đây trong group sách CLB52, có tới 83% (26 /31) số người tham gia bình chọn nói rằng họ thích đọc sách giấy hơn. Nhưng tôi tin rằng không phải ai cũng là người từng trải đọc ebook để có thể vote ebook.

Hơn 80% số người được hỏi thích đọc sách giấy hơn ebook. Khảo sát từ Group CLB sách 52

Vậy chúng ta hãy cùng so sánh một vài khía cạnh của ebook và sách in để xem 26 người kia liệu có cân nhắc lại sau khi phân tích những lý do sau đây không nhé!

Tính cơ động

Đây có lẽ là sự khác biệt rõ rệt nhất của ebook và sách giấy, giờ đây các thiết bị điện tử nhỏ gọn như laptop,điện thoại, máy đọc sách có thể chứa nguyên cả một thư viện sách trong túi nhỏ. Các mọt sách không cần phải quá lo lắng cho việc làm thế nào để mang đi một cuốn tiểu thuyết dày 1000 trang đang đọc dở khi đi du lịch hay đi ra khỏi nhà. Chắc hẳn những người có thói quen đọc sách lúc rảnh rỗi ở bất kỳ đâu sẽ rất mê ebook ở khoản này đấy.

Sự tiện dụng

Sự tiện lợi trong việc di chuyển mang theo đã được phân tích, giờ đây chúng ta cùng xem xem trong quá trình đọc, ebook và sách giấy sẽ khác nhau ra sao. Với một người hay ghi nhớ lại những trang sách hay những phần kiến thức bổ ích, cá nhân tôi thấy việc sử dụng ghi chú ebook sẽ hệ thống và dễ dàng tìm lại hơn rất nhiều so với sách giấy. Khi đọc sách giấy tôi thường ghi chép lại ý hay vào chính trang sách, nhưng chúng ta không thể làm thế với một cuốn sách đi mượn phải không nào? Tính năng tìm kiếm, và tra từ điển sẽ là điều mà một cuốn sách giấy không thể tìm được. Việc chỉnh phông chữ, độ sáng, màu nền cũng là tính năng cơ bản của một thiết bị đọc sách, giúp người đọc cảm thấy không bị nhàm chán đó. Với những điều trên thì sách giấy phải lép vế mất thôi.

Cuốn lược sử loại người có giá ~150.000đ, Kindle PPW hơn 2tr và tiếp cận kho ebook khổng lồ miễn phí.

Tiết kiệm chi phí

Một trong những lý do chính khiến cho rất nhiều người chọn ebook để đọc thay vì sách giấy, đó là tiết kiệm. Khi tôi quyết định mua chiếc máy kindle PPW giá $100 ( hơn 2 triệu đồng tiền Việt), tôi có thể tiếp cận tới kho tàng sách ebook khổng lồ trên mạng internet. Năm 2019 tôi đọc 32 cuốn sách, nếu tính trung bình mỗi cuốn sách ở VN là 100.000đ ( giá sách Việt hiện đang khá rẻ so với giá sách của các nước khác) thì năm vừa qua tôi phải dành khoản 3tr 2 cho tiền sách giấy. Trong khi với kindle tôi có thể dùng vài năm thậm chí 10 năm chỉ với chi phí hơn 2 triệu bỏ ra một lần.

Nhiều bạn sẽ thắc mắc sách ebook tải trên mạng sẽ là sách lậu, dùng lậu rẻ là đúng rồi. Nếu bạn để ý, một cuốn sách ebook bản quyền mua trên trang Amazon cũng sẽ rẻ hơn nhiều so với bản sách in tính cả phí ship về Việt Nam.

Sự tác động tới mắt người

Để phân tích những tác động của việc đọc qua màn hình điện tử và trang sách giấy thông thường chúng ta cùng xem lại thói quen của mắt khi đọc. Với sách điện tử việc lật trang chỉ là các thao tác chạm hoặc vuốt lên màn hình, trang mới sẽ hiện ra. Đối với sách giấy thì bắt buộc phải có thao tác lật trang. Mắt sẽ di chuyển từ phải trang trái hoặc từ trái sang phải ( thường là đối với sách nhật bản và sách tiếng Arap), từ trên xuống dưới khi chúng ta đọc một trang sách giấy thông thường, nhưng với các thiết bị đọc sách mắt của chúng ta có xu hướng không chuyển động, và nhìn chằm chằm vào màn hình 7”, 5” hay thậm trí 10”. Và với một thời gian đọc sách 30 phút tới 1 tiếng, chắc chắn mắt của bạn sẽ rất mỏi đó.

Các tinh thể màu đỏ, xanh lá, xanh dương nhấp nháy tạo ra các màu hiển thị khác nhau

Cấu tạo các màn hình làm một nhân tố tác động rất nhiều tới mắt người. Công nghệ màn hình LCD, OLED, hiện đại nhất hiện nay đều hiển thị hình ảnh qua các điểm ảnh nhỏ ( gọi là Pixel) màu sắc mỗi điểm ảnh sẽ được điều khiển từ 3 tinh thể màu đỏ, xanh lá, xanh dương (RGB)[1]. Ví dụ, khi cả 3 tinh thể đều sáng chúng ta sẽ có màu trắng. Cường độ màu của các tinh thể khác nhau sẽ tạo ra màu khác nhau. Nguyên tắc này đúng với nguyên tắc trộn màu từ ba màu cơ bản trong hội họa.

Điều đáng nói, các màn hình LCD hay plasma sử dụng trên tivi, điện thoại, màn hình máy tính đều có tấm đèn nền phát ra ánh sáng với một tần số nhất định. Với các màn hình có tần số thấp ta có thể thấy rõ sự nhấp nháy này khi dùng camera ghi lại hình ảnh. Và sự thật là khi chúng ta đọc sách trên một màn hình màu chúng ta đang nhìn trực tiếp vào một nguồn sáng mạnh với hàng triệu bóng đèn nhỏ đang nhấp nháy. Trong khoảng thời gian dài mắt sẽ yếu đi rõ ràng. Với sách giấy, hình ảnh mắt thu nhận được là hình ảnh đến từ ánh sáng gián tiếp, ánh sáng này sẽ thân thiện với mắt hơn nhiều so với ánh sáng phát ra từ các màn hình điện tử, tuy nhiên nếu đọc sách ở nơi không đủ sáng cũng sẽ làm cho mắt yếu đi rất nhiều.

Hình ảnh phóng to của màn hình LCD và màn hình E-ink

May mắn thay, để giải quyết những vấn đề của màn hình LCD, các nhà khoa học đã phát minh là công nghệ màn hình mới tên là E-Ink[2], một màn hình chỉ có màu đen trắng như giấy và mực. Với đặc điểm đó e-ink được đưa lên các thiết bị chuyên dùng cho đọc sách ( Kindle, Kodo, …)

Tới đây chắc hẳn rất nhiều bạn đã nghĩ tới một tương lai sáng lạng cho sách điện tử rồi phải không? Tuy nhiên sách giấy vẫn có những điểm mạnh ebook không có được.

Tính phổ biến

Bất chấp sự phổ biến của hàng tỷ thiết bị di động, ngày nay trên thế giới vấn có hơn 10% dân số sống dưới mức nghèo khổ ( thu nhập $1.9/ ngày)[3]. Và chắc chắn một thiết bị đọc sách hay điện thoại đó với họ vẫn còn là xa xỉ phẩm. Vậy nguồn sách họ tiếp cận không có gì ngoài những cuốn sách giấy, giấy và mực vẫn sẽ là phương tiện để truyền lại kiến thức kinh nghiệm qua từng thế hệ.

Ngoài ra không phải ai cũng có thể dễ dàng học cách sử dụng một thiết bị điện tử cho việc đọc sách. Những em bé từ 0–10 tuổi hay những người già không thế bắt nhịp với cuộc sống hiện đại chắc chắn sẽ chẳng biết tới khái niệm ebook là gì.

Cảm giác đem lại

Trong hầu hết các bản thăm dò dư luận về sở thích đọc sách giấy hay ebook, số người chọn sách giấy vẫn lớn hơn một trong những lý do căn bản nhất đó là cảm xúc một cuốn sách giấy đem đến cho chúng ta khác với một thiết bị điện tử nhỏ gọn, lạnh lẽo. Những ký ức từ thời tiểu học hơn 10 năm trước của tôi về một cuốn tiểu thuyết trinh thám, dày cộm trang giấy ngả màu vàng bìa sách được vẽ rất đẹp, tôi đã xé đi trang sách nhân vật chính yêu quý bị giết. Điều đó mang lại ấn tượng sâu sắc trong tôi mà tôi chắc chắn sẽ không có nếu tôi đọc ebook. Va đập, quăng quật, gối đầu giường, đó là những thứ con người có thể làm với sách đem đến cho chúng ta một cái gì đó cảm giác khác biệt với những cuốn sách ta yêu thích.

Còn hơn thế nữa

Những cuốn sách bìa đầy sắc màu được xếp ngắn ngắn trên giá cũng là một đồ trang trí đẹp cho căn phòng của bạn. Nếu nhà có trẻ con thì việc để những cuốn sách giấy ở những nơi chúng dễ nhìn thấy cũng là một cách khuyến khích trẻ ham đọc hơn. Thật khó giải thích cho một đứa trẻ 5–6 tuổi về việc bố mẹ đang đọc sách bằng cách nhìn vào màn hình chiếc điện thoại hay ipad phải không nào. Khi đó một cuốn sách giấy sẽ khiến trẻ bắt chước nhanh chóng.

Khó có thể giải thích cho một đứa trẻ mình đang đọc sách trong khi bạn đang nhìn vào màn hình

Cho dù bạn thuộc phe ủng hộ sách giấy hay không thì tất cả chúng ta đều phải công nhận, sách là nguồn kho tàng tri thức khổng lồ, ngoài ra đọc sách còn là một hoạt động giải trí lành mạnh cho não bộ.Thói quen đọc sách hằng ngày cho dù ít ỏi cũng là cần thiết. Với tôi ebook hay sách giấy thực sự không quá quan trọng, ebook đem lại cho tôi sự tiết kiệm và nguồn sách dồi dào. Sách giấy đem lại cho tôi sự thích thú và cảm giác chân thật. Tôi đọc ebook cho những cuốn sách khó mua hoặc những tài liệu nhiều kiến thức, sách giấy cho những tác phẩm văn chương. Khi đó nhâm nhi 1 tách cafe, ngả người trên chiếc ghế dài tắm nắng, trên tay cuốn tiểu thuyết yêu thích thì còn gì bằng phải không nào.

Để kết thúc, tôi xin mượn lời Nassim Nicholas Taleb, một tác giả, học giả nổi tiếng, trong cuốn sách “Khả năng cải thiện nghịch cảnh”

“.. những gì lâu đời sẽ ưu việt hơn so với những gì mới mẻ, và ưu việt hơn nhiều so với bạn nghĩ. Bất kể sự việc có vẻ ra sao, được tường thuật hay dở như thế nào, thời gian sẽ cho ta biết về tính mỏng manh của nó và phá vỡ nó khi cần thiết…. Những gì còn tồn tại đến giờ ắt phải tốt đẹp để phục vụ một mục đích nào đó (thường là ngầm ẩn) mà thời gian có thể thấy nhưng mắt thường và khả năng logic của ta không chắc nắm bắt được”