Điểm chuẩn đại học Phật giáo

THỜI KHÓA HỌC TẬP

1. Yêu cầu tổng quát

◘ Các sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh phải tham dự ngày lễ khai giảng và các buổi hướng dẫn chọn nhóm vào đầu các niên học, đồng thời phải tham gia các hoạt động tham vấn về học vụ khác.

◘ Các sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh trước khi vào và trước khi rời các lớp chuyên ngành phải điểm danh bằng dấu vân tay để đảm bảo đủ số giờ dự lớp bắt buộc.

◘ Các sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh phải dự lớp đều đặn. Ai nghỉ “không phép” vượt quá 06 tiết học của từng môn học sẽ không được dự thi cuối mùa của môn học đó.

2. Lịch niên học

Số học kỳ: Mỗi niên học gồm có 03 học kỳ gồm hai học kỳ chính và học kỳ hè. Học kỳ 1 bắt đầu vào đầu tháng 9 DL và kết thúc vào hạ tuần tháng 12 DL. Học kỳ 2 bắt đầu vào tháng 2 DL và kết thúc vào cuối tháng 5 DL. Học kỳ hè bắt đầu từ tháng 6 đến cuối tháng 8 DL.

Tổng số tín chỉ tối thiểu cho từng cấp học:

(i) Đối với sinh viên cao đẳng Phật học: 78 TC.

(ii) Đối với cử nhân Phật học: Tối thiểu 129 TC.

(iii) Đối với học viên Cao học Phật học: 57 TC.

(iv) Đối với nghiên cứu sinh Tiến sĩ Phật học: 90 TC đối với NCS có bằng thạc sĩ Phật học.

Số tiết của tín chỉ: Mỗi tín chỉ gồm 15 tiết học.

Số tín chỉ tối thiểu và tối đa: Số lượng tín chỉ tối thiểu trong học kỳ chính là 15 TC và tối đa là 21 TC. Trong học kỳ phụ, tối thiểu 12 TC và tối đa 16 TC.

Thời gian học:

- Cử nhân: 3-4 năm.

- Thạc sĩ: 2-3 năm.

- Tiến sĩ: 3-5 năm.

Sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh có thể rút ngắn thời gian học nếu học 3 học kỳ/ năm.

TÍN CHỈ VÀ HỆ THỐNG ĐIỂM

1. Môn học gồm ba tín chỉ

◘ Để hoàn tất một môn học gồm 3 tín chỉ, sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh phải dự lớp đều đặn, mỗi tuần 2 lần, mỗi lần 90 phút. Không sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh nào được phép vắng lớp quá 06 tiết học cho một môn học, ngoại trừ trường hợp bệnh tật và bất khả kháng.

◘ Đối với các môn học thuộc nhóm nhân văn và xã hội, các sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh phải đậu 01 bài viết nghiên cứu tại nhà và 01 bài thi viết cuối học kỳ tại lớp.

◘ Đối với các môn ngôn ngữ, các sinh viên phải thi hai lần: giữa học kỳ (tuần 7) và lần cuối học kỳ (tuần 13).

2. Chuyển tín chỉ

◘ Các sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh được chuyển các tín chỉ tương đương đã học trong các trường Đại học vào chương trình học của HVPGVN tại TP.HCM.

◘ Tiêu chí xét duyệt tín chỉ tương đương dựa trên cấp trường, cấp học, môn học, số tín chỉ và tiết học của từng môn.

◘ Các tín chỉ hay môn học nào được học tại các trường đại học thuộc hệ thống đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo chấp nhận và các trường đại học nước ngoài đều được xem tương đương với hệ thống tín chỉ của HVPGVN tại TP.HCM.

3. Hệ thống điểm

Tất cả môn đều có thang số 100 điểm được chia thành 2 cột điểm, mỗi cột là 50/50 điểm. Điểm đậu trung bình của mỗi môn học là 50/100, ngoại trừ trường hợp 1 trong 2 phần thi có điểm 5/50.

Điểm Chữ

(Letter Grade)

Điểm Số

(Grade Points Per Credit)

Điểm Bách Phân

(Percentage Grade)

A

4.0-3.9

95-100

A-

3.8-3.5

90-94

B+

3.4-3.2

87-89

B

3.1-2.9

83-86

B-

2.8-2.5

79-82

C+

2.4-2.2

74-78

C

2.1-1.9

70-73

C-

1.8-1.5

65-69

D+

1.4-1.2

60-64

D

1.1-0.9

55-59

D-

0.8-0.7

50-54

E

0.0

40-49

Ghi chú:

D- = 0.8-0.7: Điểm đậu thấp nhất.

E = 0.0: Bị đánh rớt.

HVPGVN tại TP.HCM sử dụng hệ thống chấm điểm bách phân tương đương điểm chữ và điểm số được phân chia theo môn học thuộc lý thuyết hay ngôn ngữ như sau:

4. Điểm chưa hoàn tất

Có những trường hợp vì lý do sức khoẻ (có xác nhận của bệnh viện), hoặc những tình huống bất khả kháng, sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh không thể hoàn tất các phần điểm quy định đối với các môn lý thuyết (gồm bài tiểu luận, bài thi cuối học kỳ), hoặc các môn ngôn ngữ (bài thi giữa học kỳ, bài thi cuối học kỳ), sinh viên phải nhận điểm “chưa hoàn tất”.

Để hoàn tất môn học còn thiếu điểm, sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh đó phải đăng ký Văn phòng HVPGVN tại TP.HCM để thi lại môn học đó trong thời gian sớm nhất có thể.

5. Điểm chấm lại

Trong trường hợp, sinh viên không thoả mãn với số điểm được chấm cho các phần điểm của một môn học nào đó, sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh có thể nộp đơn yêu cầu chấm lại. Hội đồng Khoa học và Đào tạo sẽ đề cử giáo sư khác chấm lại. Nếu số điểm chấm lại lần thứ hai lớn hơn lần thứ nhất 5 điểm cho đến 10 điểm so với lần thứ nhất thì bài điểm chấm lại đó sẽ được lưu giữ. Nếu số điểm mới vượt hơn 10 điểm so với số điểm đầu tiên thì mặc nhiên được chuyển đến vị giáo sư thứ ba.

Số điểm cuối cùng sẽ là số điểm tổng hợp được chia đôi từ hai bài chấm điểm gần nhau nhất. Nếu điểm chấm lại lần thứ hai nằm trong vòng 1-3 điểm trở lại thì giữ nguyên số điểm chấm lần đầu tiên.

6. Học lại

Trong trường hợp không thoả mãn với kết quả điểm của một môn học nào đó sau một học kỳ, sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh có quyền nộp đơn xin huỷ bỏ số điểm cũ và ghi danh học lại môn học đó. Số tín chỉ tối đa cho phép học lại trong một học kỳ là 12 tín chỉ.

7. Dự thính

Trong trường hợp nhận thấy có nhu cầu tìm hiểu trước một môn học nào đó, sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh có quyền ghi danh xin dự lớp với giáo sư bộ môn. Việc được chấp nhận hay không được chấp thuận tuỳ thuộc vào sự đồng ý bằng chữ ký của bộ môn.

Có trường hợp, sau khi ghi danh một môn nào đó, sinh viên cảm thấy mình không đủ sức lấy lớp để thi, thì sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh có quyền nộp đơn xin chuyển từ lớp lấy tín chỉ sang lớp dự thính.

8. Điểm đạt yêu cầu

◘ Điểm đạt yêu cầu (satisfactory) là điểm tối thiểu được xem là đậu, tối thiểu là 50/100. Điểm không đạt yêu cầu (unsatisfactory) được xem là điểm rớt, tức dưới 50/100.

◘ Số tín chỉ tối đa cho phép rớt là 9 tín chỉ, với hai điều kiện: a) Tổng số điểm của tất cả môn học cộng lại phải trên 50%, b) Điểm của hai phần thi của mỗi môn học cộng lại phải đạt từ 45/100.

9. Thôi học

Có trường hợp, sinh viên quyết định xin thôi học, sinh viên cần phải liên hệ với văn phòng HVPGVN tại TP.HCM để được tư vấn và hoàn tất thủ tục xin thôi học theo đúng quy định của văn phòng.

GIÁM SÁT, KIỂM TRA VÀ ĐÁNH GIÁ

1. Đánh giá của Học viện

HVPGVN tại TP.HCM xác định phạm vi kiểm tra đánh giá bao gồm các hệ thống, chính sách, thủ tục, quy trình, hành động, duy trì, giám sát và củng cố chất lượng, để đúc kết những biện pháp cần thiết nhằm duy trì, nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng mục tiêu mà HVPGVN tại TP.HCM đã đề ra.

Để đảm bảo chất lượng đào tạo của HVPGVN tại TP.HCM với các phương pháp đào tạo và nghiên cứu, Học viện đã tiến hành kiểm định chất lượng đào tạo theo bộ tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Công việc này được tiến hành định kỳ và do những bộ phận độc lập tiến hành để đảm bảo tính khách quan.

Các bước kiểm tra đánh giá hoặc kiểm định bao gồm: (i) Tự đánh giá; (ii) Đánh giá ngoài; (iii) Công bố kết quả kiểm định. Để kiểm định chất lượng đại học, HVPGVN tại TP.HCM sử dụng bộ tiêu chuẩn nêu trên với một số tiêu chí nhất định, mỗi tiêu chí có thể đo bằng nhiều mức khác nhau, thấp nhất là đạt yêu cầu và cao nhất là xuất sắc. Bộ tiêu chuẩn của HVPGVN tại TP.HCM dựa trên các tiêu chí sau đây:

1.1. Tiêu chí 1: Nguyên lý kiểm định của HVPGVN tại TP.HCM là lấy việc phục vụ sinh viên, đáp ứng nhu cầu cá nhân và xã hội là mục đích quan trọng nhất.

1.2. Tiêu chí 2: Đảm bảo hoàn thành sứ mạng giáo dục của HVPGVN tại TP.HCM thông qua cơ cấu tổ chức và sự tham gia của các nhà lãnh đạo, quản lý, giảng viên, nhân viên và sinh viên.

1.3. Tiêu chí 3: Xác định qui trình đánh giá, hoạch định của HVPGVN tại TP.HCM nhằm đảm bảo năng lực thực hiện sứ mạng, cải tiến chất lượng giáo dục và sẵn sàng phản hồi các thử thách tương lai.

1.4. Tiêu chí 4: Đảm bảo việc giảng dạy hiệu quả và học tập hiệu quả của sinh viên bằng cách cung cấp các minh chứng xác thực và tương thích.

1.5. Tiêu chí 5: Khuyến khích nghiên cứu và học tập suốt đời của giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên và sinh viên bằng cách củng cố và hỗ trợ việc thu nhận kiến thức, sáng tạo, để đảm bảo chất lượng đào tạo và hiệu quả tiếp thu.

2. Đánh giá của sinh viên

2.1. Mục đích và giá trị: Phiếu đánh giá của sinh viên về chất lượng đào tạo của giảng viên được thực hiện công khai, theo đó, sinh viên cần ghi tên tuổi của mình, để đảm bảo được tính dân chủ và trách nhiệm trong đánh giá. Mục đích của phiếu đánh giá, ngoài sự tương tác và phản hồi tích cực, còn nhằm góp phần nâng cao trách nhiệm và chất lượng giảng dạy của giảng viên.

2.2. Thang giá trị trong phiếu đánh giá: Được phân thành 5 bậc: kém (không đạt yêu cầu), trung bình, khá, tốt, xuất sắc, nhằm phản ánh tương thích giá trị đóng góp hay góp ý xây dựng giảng viên trong việc triển khai nội dung bộ môn.

2.3. Nội dung đánh giá: Bao gồm thời khoá biểu môn học, sự chuẩn bị giáo án, phương pháp giảng dạy, sư phạm trong giảng dạy, tính công bằng của đề thi, chấm thi; nguồn tài liệu tham khảo trong giảng dạy, thái độ và trách nhiệm giảng dạy, sự tiếp thu của học viên, các cảm tưởng và ý kiến khác.

2.4. Thống kê và xử lý phiếu đánh giá: Tất cả phiếu đánh giá sẽ được phân loại theo thang điểm tương thích với 05 bậc thang giá trị. Giảng viên phụ trách bộ môn nào có số lượng phiếu đánh giá đạt 80% ở thang điểm “Tốt” và “Xuất sắc” trở lên được khen thưởng thành tích để khích lệ các giảng viên khác. Giảng viên phụ trách bộ môn nào có số lượng trên 50% số phiếu đánh giá dưới mức “Trung bình” thì được Hội đồng Khoa học góp ý để khắc phục tình trạng “không đạt yêu cầu” trong giảng dạy.

2.5. Biểu mẫu của phiếu đánh giá

1. Giảng viên sử dụng thời gian hợp lý cho tiết học và bảo đảm đúng thời khóa biểu môn học?

c Kém c Trung bình c Khá c Tốt c Xuất sắc

2. Giảng viên đã chuẩn bị giáo án cho giờ dạy?

c Kém c Trung bình c Khá c Tốt c Xuất sắc

3. Phương pháp giảng dạy của giảng viên?

c Kém c Trung bình c Khá c Tốt c Xuất sắc

4. Giảng viên đã nắm bắt môn học và giảng bài một cách rõ ràng, mạch lạc?

c Kém c Trung bình c Khá c Tốt c Xuất sắc

5. Bài thi và điểm thi của giảng viên là công bằng, chính xác:

c Kém c Trung bình c Khá c Tốt c Xuất sắc

6. Giảng viên đã sử dụng và giới thiệu các nguồn sách tham khảo?

c Kém c Trung bình c Khá c Tốt c Xuất sắc

7. Giảng viên có nhiệt tình và đam mê với việc giảng dạy?

c Kém c Trung bình c Khá c Tốt c Xuất sắc

8. Tinh thần học tập của Tăng, Ni sinh về bộ môn này

c Thích thú c Bình thường c Vì nghĩa vụ

9. Cảm nghĩ của Tăng, Ni sinh về môn học này?

10. Nếu là giảng viên bộ môn, bạn muốn thay đổi điều gì?

CHẤT LƯỢNG VÀ CƠ HỘI SAU KHI TỐT NGHIỆP

1. Chất lượng của người tốt nghiệp

Theo cấu trúc môn học, nội dung và phương pháp đào tạo, các sinh viên tốt nghiệp Cử nhân, Thạc sĩ và Tiến sĩ Phật học hạng khá trở lên sẽ đảm bảo được các kiến thức căn bản:

Kiến thức ngoại điển: Nắm vững khối kiến thức đại cương và liên ngành cho các phân Khoa, từ các môn khoa học cho đến các môn nhân văn.

Kiến thức đại cương về nội điển: Nắm vững khối kiến thức Phật học căn bản từ lịch sử, triết học, truyền thống và kinh điển Phật giáo mà bất kỳ một sinh viên Phật học nào cũng cần trang bị.

Kiến thức chuyên sâu về nội điển: Nắm vững kiến thức nền tảng và chuyên sâu về các chuyên ngành Phật học như Pali, Sanskrit, Triết học Phật giáo, Lịch sử Phật giáo, Phật giáo Việt Nam, Trung văn và Hoằng pháp học.

Kiến thức cổ ngữ Phật giáo: Nắm căn bản khối kiến thức thánh ngữ Phật giáo như Pali, Sanskrit, Tây Tạng, hoặc Hán cổ, giúp cho sinh viên đào sâu vào văn bản gốc, để có thể trở thành những nhà nghiên cứu chuyên sâu vào lãnh vực chuyên môn sau khi tốt nghiệp.

Khả năng nghiên cứu và sáng tạo: Từ năm thứ nhất, các sinh viên được huấn luyện về phương pháp nghiên cứu, nhằm phát huy khả năng sáng tạo để có thể đóng góp cho học giới các tác phẩm có giá trị về nghiên cứu và học thuật.

2. Cơ hội sau khi tốt nghiệp

Yêu cầu của của HVPGVN tại TP.HCM là Tăng Ni sinh, sau khi tốt nghiệp, phải đủ khả năng, kiến thức và đạo đức để đảm trách các vị trí trong cơ cấu quản trị hoạt động của GHPGVN, cũng như xã hội bao gồm các lãnh vực giáo dục, nghiên cứu, quản lý tự viện, và đặc biệt tham gia vào các công tác từ thiện xã hội.

Cơ hội du học:Sau khi tốt nghiệp Cử nhân, Thạc sĩ Phật học tại HVPGVN tại TP.HCM, nhiều sinh viên tiếp tục học Thạc sĩ và Tiến sĩ thuộc nhiều Khoa và chuyên ngành tại các nước như: Ấn Độ, Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan v.v… hoặc tiếp tục học các Đại học trong nước. Có hằng trăm Tăng, Ni của HVPGVN tại TP.HCM đã tốt nghiệp Phó Tiến sĩ và Tiến sĩ ở nước ngoài, tham gia giảng dạy tại HVPGVN tại TP.HCM.

Về quản trị Giáo hội: Một số Tăng, Ni sinh tốt nghiệp HVPGVN tại TP.HCM đã trở thành thành phần nòng cốt của Hội đồng Trị sự GHPGVN, các ban ngành trung ương GHPGVN, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh/ thành bao gồm Trưởng ban, Phó ban, Chánh thư ký, các trưởng ban chuyên môn và chánh phó các Ban đại diện GHPGVN quận/ huyện.

Về giáo dục: Thực tế hiện nay, sau khi tốt nghiệp chương trình đào tạo của HVPGVN tại TP.HCM, Tăng Ni sinh đã tham gia vào công tác lãnh đạo (hiệu trưởng, hiệu phó, trưởng ban học vụ, chánh thư ký, giảng viên) của 4 Học viện Phật giáo Việt Nam, 9 trường Cao đẳng Phật học và 35 trường Trung cấp Phật học trong cả nước.

Về nghiên cứu: Nhiều Tăng, Ni sinh xuất sắc, sau nhiều năm nghiên cứu và trước tác đã trở thành các nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, đóng góp nhiều tác phẩm và dịch phẩm có giá trị học thuật cao.

Về quan hệ quốc tế: Lãnh đạo và các giảng viên của HVPGVN tại TP.HCM đã tham gia với các vai trò tổng thư ký, phó tổng thư ký, thành viên sáng lập, thành viên, nhà hoạt động Phật sự trong các tổ chức Phật giáo thế giới như Liên minh Phật giáo quốc tế (International Buddhist Confederation), Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo thế giới (World Buddhist Summit), Uỷ ban Tổ chức Phật giáo quốc tế Đại lễ Phật đản LHQ (United Nations Day of Vesak), Hội nghị Phật giáo châu Á vì hòa bình (Asian Buddhist Conference for Peace), Diễn đàn Phật giáo thế giới (World Buddhist Forum) và nhiều tổ chức Phật giáo thế giới khác v.v…

Về hoạt động xã hội: Song song với các công tác trên, nhiều Tăng, Ni sinh của HVPGVN tại TP.HCM đã trở thành một phần nhân sự chủ lực của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tham gia vào các tổ chức chính phủ và phi chính phủ; đồng thời còn là các nhà hoạt động văn hoá và từ thiện xã hội, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, các vùng cao nguyên và các vùng dân tộc ít người.