Dành sự thông cảm trong tiếng anh là gì năm 2024

Xã hội càng ngày càng phức tạp và những phương tiện thông tin cũng như di chuyển mới càng ngày càng nối kết con người lại với nhau, tương tác giữa con người với con người càng ngày càng quan trọng. Câu nói xưa của John Donne (1572-1631) càng có vẻ đúng hơn trước: “Không ai là một ốc đảo, tự tại riêng một mình mình" (No man is an island, entire of itself)(1). Bởi vậy khả năng "cảm thông" càng ngày càng được đặt ra. Trong tiếng Anh, có từ ngữ "symphathy" và 'empathy" có nghĩa tương tự như nhau, Google translate dịch sympathy là cảm thông và empathy là đồng cảm.

Làm thế nào để chúng ta có thể thật sự hiểu tình cảm của người khác là một câu hỏi được đặt ra từ thời Trang Tử.

Trang Tử cùng Huệ Tử dạo chơi trên cầu sông Hào. Trang Tử nói: “Cá du ra chơi thong thả, đó là niềm vui của cá” Huệ Tử đáp: “Bác không phải cá, sao biết được niềm vui của cá?” Trang Tử nói: “Bác không phải tôi, sao biết tôi không biết niềm vui của cá?” Huệ Tử nói: “Tôi không phải bác, không biết bác đã đành. Nhưng bác vốn không phải cá, thì hẳn là bác không biết được niềm vui của cá”. Trang Tử nói: “Xin nói lại từ gốc. Bác hỏi tôi sao biết được niềm vui của cá, thế là bác đã biết tôi biết mà hỏi tôi. Tôi thì biết điều đó ở trên sông Hào nầy”.(2) (Sách Trang Tử; Trang Chu (369-298 TCN); Trần Văn Chánh dịch)

Hiện nay, khoa tâm lý giải thích bằng "thuyết lý luận tâm lý" ("theory of mind", google translate tiếng Trung Hoa dịch là "tâm lý lý luận 心理理論), hay tâm lý học trực giác ("intuitive psychology") để chỉ cái khả năng trực giác mà hầu hết mọi người đều có sau tuổi 3-4, giúp cho chúng ta đoán rằng có những trạng thái và quy trình tâm lý đang xảy ra ở người khác mà ta không quan sát được, và từ đó giải thích hành vi của người đó dực trên những trạng thái và quy trình đó.(3)

Trong cảm thông/sympathy chúng ta quan tâm đến tình cảm người khác, nhưng trong empathy chúng ta hiểu, chia sẻ và cảm nhận được cảm xúc của người khác. Lúc tang chế, người Mỹ thường nói “Chúng tôi cảm thông và có lời cầu nguyện" (our sympathy and prayers"), hay "You are in our thoughts and prayers” hay “Our heartfelt sympathy goes out to you and your family", trong lúc chúng ta nói "phân ưu" hay "chia buồn", có lẽ cách nói của chúng ta thân tình hơn, "đồng cảm" hơn, tuy chữ "condolences" (con= cùng với, doleo= đau) của tiếng Anh cũng có nghĩa "chia buồn".

Cách đây chừng 50-60 năm, theo tôi nhớ thì người ta bắt đầu dùng từ ngữ "thông cảm" ở miền Nam, thường như là lời năn nỉ xin lỗi, đối với cấp trên: ví dụ "Em bịnh nên làm bài không kịp, xin thầy thông cảm". Sau đó, khoảng thập niên 1960, trong danh từ y khoa dịch "nerf sympathique" là thần kinh giao cảm và "para-sympathique" là đối giao cảm.

Đi ngược thời gian, trong Tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, do Phạm Quỳnh chủ biên, xuất bản năm 1931, không có "thông cảm", "đồng cảm", nhưng có "cảm thương": "động lòng mà thương xót", và cho ví dụ trích ra từ truyện thơ nôm Nhị Độ Mai, có lẽ thuộc thế kỷ thứ 19 : "Ngẩn ngơ mình những cảm thương nổi mình"(có lẽ ở đây theo nghĩa tự tội nghiệp cho mình, tủi thân). Từ điển Hán Việt Thành Ngữ của Bửu Cân (1933, in lại 1971) cũng không có “thông cảm”, hay “đồng cảm”, nhưng lại có liệt kê "cảm thông", theo nghĩa "comprendre" (hiểu), với ví dụ "Đọc sử để có cảm-thông với tiền-nhân" (Kỉnh Đình).

Tuy vậy, không có nghĩa rằng trước đây chúng ta không có "empathy". Trong truyện Kiều, lúc Thuý Kiều đi ngang mả nàng ca kỹ nổi tiếng một thời là Đạm Tiên, Kiều cũng biết tội nghiệp cho Đạm Tiên: "Nỗi niềm tưởng đến mà đau", để em gái phải than:

"Vân rằng : Chị cũng nực cười.

Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa".

Ngay đến một quan lớn như Chu Mạnh Trinh (sinh 1862), đậu Tam Giáp Tiến Sĩ, làm Án Sát Sứ ba tỉnh, cũng không kém phần "ướt át". Trong tựa cho truyện Kiều, ông viết bằng chữ Hán:

“Bộc bản đa tình, cảm thân đồng điệu

Vị ngộ không hoa ư sắc giới, thiên lâu ảo mộng ư xuân trường”

Đoàn Tư Thuật dịch là:

“Ta cũng nòi tình, thương người đồng điệu

Cái kiếp không hoa lẩm cẩm, con hồn xuân mộng bâng khuâng…” (4)

Danh từ "empathy" chỉ mới được "phát minh" trong tiếng Anh hồi đầu thế kỷ thứ 20, chứng tỏ khái niệm này cũng tương đối mới (5). Lúc đầu, từ empathy dùng để dịch một từ tiếng Đức Einfühlung ( ein = "in", trong + Fühlung ="feeling") nói về một thuyết trong nghệ thuật cho rằng khả năng thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật tuỳ thuộc vào việc người nhìn chiếu phóng nhân cách [cá tính] của mình vào tác phẩm đó. Hiện nay, nghĩa của empathy đã chuyển qua nghĩa khác, chỉ "khả năng tự đặt mình vào địa vị, hoàn cảnh của người khác, hiểu và cảm nhận những gì người đó đang cảm nhận hay trải qua.

Có nhiều người than phiền là chúng ta càng ngày càng mất khả năng đồng cảm, và một từ ngữ mới "empathy deficit" (tương tự như hội chứng "attention deficit") được dùng để chỉ hiện tượng này, cũng như nhiều nghiên cứu về tâm lý học để chứng minh là nó có thật. Theo tôi nghĩ, nếu nhìn lại lịch sử, thì chúng ta, nhất là đối với người Việt, biết thông cảm với người khác hơn hồi trước nhiều. Các nhóm văn chương hiện thực tiền chiến giúp độc giả ý thức nhiều hơn thân phận người nghèo, bị bóc lột, một phần được ảnh hưởng bởi phong trào xã hội của Châu Âu. Thân phụ Phạm Duy, Phạm Duy Tốn, viết truyện ngắn "Sống chết mặc bay"nói về tâm trạng tàn nhẫn của người "có"/"have" đối với người "không có"/ "have not" của xã hội. Được viết vào năm 1918, có thể xem là một trong những truyện ngắn đầu tiên của Việt Nam, chuyện kể các quan lại dửng dưng chơi tổ tôm trong lúc mưa gió đang làm vỡ đê điều sông Hồng , đe doạ tính mạng bao người dân (6). Cách chúng ta suy nghĩ và cảm thông cũng được những tác giả như Victor Hugo (trong Les Miserables, Những Kẻ Khốn Nạn, do Nguyễn Văn Vĩnh dịch, 1925)), Charles Dickens (Oliver Twist), John Steinbeck (The Grapes of Wrath, dịch tiếng Việt là “Chùm Nho Uất Hận”, được giải Pulitzer và Nobel) thức tỉnh lương tâm con người, mặc dù Phật, Khổng Tử và Chúa đã từng dạy những điều này mấy ngàn năm nay.

Bây giờ chúng ta có cảm tưởng đồng cảm (empathy) trong xã hội giảm có thể vì những lý do sau đây:

  1. Vỡ mộng với chủ nghĩa xã hội nhất là chủ trương "đấu tranh giai cấp", gây hận thù giữa các tầng lớp xã hội; chủ trương tái phân phát tài nguyên của người giàu cho đồng đều (redistribution of wealth).
  1. Đóng vai Good Samaritan" không giản dị, có thể bị kiện, lằn ranh giữa "làm phước" và "áp đặt"(impose) rất mỏng manh; ví dụ các bà xơ ở Canada bị kiện vì nuôi dạy các trẻ em da đỏ để "văn minh hoá" theo tây phương.(7-8)
  1. Các nhà nước theo chủ nghĩa dân chủ xã hội phóng khoáng (liberal social democracy) như Pháp, Bắc Âu, Đức bị lợi dụng, khuynh đảo.(9)
  1. Cách suy nghĩ của chúng ta bị khoa học hoá, y học hoá ("medicalized"); tựu chung vui buồn, đau đớn được giải thích bằng những mức lên xuống của những chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ (neurotransmitters như serotonin, dopamine…)
  1. Welfare State: mọi việc có chính phủ lo: social security, Emergency medical Service, các cơ quan chuyên môn: người bị chấn thương đầu, mình đụng vào có thể làm nguy hiểm hơn cho nạn nhân.
  1. Cá nhân những người tốt bụng cũng bị gạt gẫm nhiều.
  1. Youtube, Facebook, internet cho thấy đủ mọi thứ ghê gớm trên đời (tai nạn, bắn giết, xử tử, thật có giả có) nên chúng ta không còn nhạy cảm như trước. Giống như nhiều người coi phim sex, bạo lực nhiều quá thành vô cảm.
  1. Không khí chính trị ở Mỹ hiện nay: trào lưu chính trị muốn dành ưu tiên cho quyền lợi nước Mỹ, cơ hội để các chính khách đối lập buộc tội TT Trump "vô cảm” về bất cứ tệ nạn xã hội nào xảy ra (ví dụ Puerto Rico bị bão Hurricane Maria tàn phá chưa kịp cứu trợ)(10).
  1. Trong quan hệ ngoại giao giữa các nước, các cố gắng nhân đạo cũng có thể bị nghi ngờ. Ví dụ ngay những chương trình nhân đạo hàng chục tỷ của Bill Gates giúp đem đến thuốc chích ngừa cho trẻ em khắp thế giới cũng bị nghi ngờ là có mục đích ngăn cản sinh sản ở các nước nghèo.

Dù thế nào đi nữa, nhìn qua bao đổi thay, con người có vẻ đối với nhau tốt hơn thời vua chúa chúng ta còn tru di tam tộc, xử tội lăng trì (tùng xẻo, nghĩa là xẻo từng miếng thịt của tội nhân mà không cho chết để tiếp tục đau đớn; trong Bộ luật Gia Long “Phàm kẻ mưu phản và đại nghịch và những kẻ cùng mưu, không phân biệt thủ phạm hay tòng phạm đều lăng trì xử tử”), hay giết dân da đỏ hàng loạt ở Mỹ, Nhật tàn sát hàng trăm ngàn người Trung Quốc ở Nam Kinh. Hiện nay do nhiều tin tức hơn, nghe, thấy nhanh hơn, nên dù những điều ghê gớm như vậy tương đối không còn xảy ra nhiều như trước, lại dễ gây thất vọng hơn, dễ gây kinh sợ hơn.

Mới đây, một tiến sĩ tâm lý học, Diane Dreher, có bài viết trong Psychology Today về hiện tượng "thiếu sót cảm thông" xảy ra trong xã hội Mỹ trong các thập niên gần đây và có vẻ tệ thêm nữa(11). Hai nguyên nhân chính được nêu ra là: sự cô lập theo giai cấp (class isolation), người giàu, đa số là da trắng, học thức cao sống cách biệt với người nghèo, ít học hơn, thường là da màu; và stress trong đời sống càng ngày càng tăng. Một số khảo cứu cho thấy người thuộc các tầng lớp xã hội được ưu đãi càng ngày càng ít thông cảm, tội nghiệp cho những người nghèo cô thế. Đồng thời người ta đưa ra ví dụ một thí nghiệm năm 1973 ở Đại học Princeton, Mỹ: các sinh viên tu sĩ đang hối hả gấp rút đến trình bày về đề tài "Người Samaritan tốt" thấy một người đang bị ngất xỉu trong con hẻm thì đều lơ không đến giúp; trong lúc những sinh viên không bị hối thúc vì trễ giờ thì lại đến giúp người bị nạn.

Người "Samaritan tốt" (gốc ở xứ Samaria) được nhắc ở đây là nhân vật được nhắc đến trong Thánh Kinh [Luke 10]:

"Đức Chúa Jêsus lại cất tiếng phán rằng: Có một người từ thành Giê-ru-sa-lem xuống thành Giê-ri-cô, lâm vào kẻ cướp, nó giựt lột hết, đánh cho mình mẩy bị thương rồi đi, để người đó nửa sống nửa chết.

Vả, gặp một thầy tế lễ đi xuống đường đó, thấy người ấy, thì đi qua khỏi.

Lại có một người Lê-vi cũng đến nơi, lại gần, thấy, rồi đi qua khỏi.

Song có một người Sa-ma-ri đi đường, đến gần người đó, ngó thấy thì động lòng thương; bèn áp lại, lấy dầu và rượu xức chỗ bị thương, rồi rịt lại; đoạn, cho cỡi con vật mình đem đến nhà quán, mà săn sóc cho.

Đến bữa sau, lấy hai đơ-ni-ê đưa cho chủ quán, dặn rằng: Hãy săn sóc người nầy, nếu tốn hơn nữa, khi tôi trở về sẽ trả.

Trong ba người đó, ngươi tưởng ai là lân cận với kẻ bị cướp?

Thầy dạy luật thưa rằng: Ấy là người đã lấy lòng thương xót đãi người. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hãy đi, làm theo như vậy."

Tác giả bài báo khuyên chúng ta "xây dựng" khả năng đồng cảm, cảm thông của chính mình bằng cách:

-thực hành "chánh niệm" (mindfulness) nhiều hơn, nhất là để giảm stress (practicing greater mindfulness, especially when we’re under stress).

-tự mình bớt hối hả, từ tốn lại để người khác có cảm giác rằng họ được thấy và được lắng nghe nhiều hơn (slowing down to listen to the people around us, helping them feel seen and heard.)

Theo Jon Kabat-Zinn: “Chánh niệm là một phương pháp tu tập cổ truyền trong đạo Phật, vẫn còn rất thích hợp đến đời sống hiện tại của chúng ta ngày nay. Sự thích hợp ấy tự nó không dính dáng gì đến đạo Phật, hoặc việc trở thành một Phật tử, nhưng nó là sự tỉnh thức dậy, biết sống hòa hợp với chính mình và thế giới chung quanh. Chánh niệm có nghĩa là ta biết tự nhìn lại mình, quan niệm sống của mình, và ý thức được tính chất toàn vẹn của mỗi giây, mỗi phút trong cuộc sống. Và trên hết, chánh niệm có nghĩa là tiếp xúc được với thực tại, những gì đang xảy ra chung quanh ta.”(12)

Tóm lại, xã hội chúng ta càng ngày càng "văn minh" hơn, “nhân bản” hơn trước, cho nên tiêu chuẩn chúng ta về nhu cầu đồng cảm cao hơn, làm cho chúng ta có cảm tưởng con người càng ngày càng khô khan, lạnh lùng trước sự đau khổ của người đồng loại. Tuy nhiên nhắc nhở để chúng ta luôn luôn cảm thông với sự đau đớn, đau khổ của người khác vẫn là chuyện tốt nên làm và cần phải làm.

BS Hồ Văn Hiền

Ngày 7 tháng 12 năm 2017

1)https://www.phrases.org.uk/meanings/no-man-is-an-island.html

  1. Sách Trang Tử; Trang Chu (369-298 TCN); Trần Văn Chánh dịch
  2. Internet Dictionary of Philosophy:

“Theory of Mind is the branch of cognitive science that investigates how we ascribe mental states to other persons and how we use the states to explain and predict the actions of those other persons. More accurately, it is the branch that investigates mindreading or mentalizing or mentalistic abilities. These skills are shared by almost all human beings beyond early childhood.

They are used to treat other agents as the bearers of unobservable psychological states and processes, and to anticipate and explain the agents’ behavior in terms of such states and processes. These mentalistic abilities are also called “folk psychology” by philosophers, and “naïve psychology” and “intuitive psychology” by cognitive scientists.”

http://www.iep.utm.edu/theomind/

  1. theo Lê văn Phúc; sangtao.org

5)https://www.etymonline.com/word/empathy

6)http://vnthuquan.org/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nmnvn31n343tq83a3q3m3237nvn&AspxAutoDetectCookieSupport=1

7)Canada to Pay Millions in Indigenous Lawsuit Over Forced Adoptions

https://www.nytimes.com/2017/10/06/world/canada/indigenous-forced-adoption-sixties-scoop.html

  1. Canada’s Forced Schooling of Aboriginal Children Was ‘Cultural Genocide,’ Report Finds

https://www.nytimes.com/2015/06/03/world/americas/canadas-forced-schooling-of-aboriginal-children-was-cultural-genocide-report-finds.html?action=click&contentCollection=Canada&module=RelatedCoverage®ion=Marginalia&pgtype=article

9)The Immigration Crisis Is Tearing Europe Apart Fear of terrorism, Muslims, and refugees is driving the parties of the right and left further apart than ever before.

http://foreignpolicy.com/2016/07/22/the-immigration-crisis-is-tearing-europe-apart/

10)https://www.washingtonpost.com/politics/trump-defies-critics-by-conducting-business-as-usual/2017/10/01/64ef8c94-a6e1-11e7-b3aa-c0e2e1d41e38_story.html?utm_term=.321b83a003d4

  1. Why Do We Have an Empathy Deficit?

https://www.psychologytoday.com/blog/your-personal-renaissance/201711/why-do-we-have-empathy-deficit

12)CHÁNH NIỆM LÀ GÌ Tác giả: Jon Kabat-Zinn Dịch giả: Nguyễn duy Nhiên.

https://thuvienhoasen.org/images/file/8IRKXZ1G0QgQAGdj/chanh-niem-la-gi-jon-kabat-zinn-nguyen-duy-nhien.pdf