Đánh giá khả năng sinh sản của lợn nái

Thí nghiệm được thực hiện tại Trại heo thuộc Công ty Chăn nuôi Vemedim, ở huyện Thới Lai – thành phố Cần Thơ nhằm đánh giá năng suất sinh sản của 2 nhóm giống heo nái lai (lứa đẻ thứ 2 -5); giống Land-York (10 nái) và York-Land (10 nái) ở giai đoạn nuôi con (cai sữa heo con lúc 28 này tuổi). Bên cạnh, thí nghiệm cũng tiếp tục khảo sát năng suất sinh trưởng của heo con Duroc x LY (10 ổ) và Duroc x YL (10 ổ) đến sau cai sữa (60 ngày tuổi). Kết quả đối với heo nái cho thấy các chỉ tiêu về năng suất sinh sản: số heo con ở các thời điểm sơ sinh (còn sống), lúc 21 ngày tuổi và cai sữa; khối lượng heo con ở các thời điểm; tỉ lệ sống, tỉ lệ nuôi sống; hao mòn cơ thể nái đều khác nhau không có ý nghĩa (p>0,05) giữa 2 nhóm giống heo nái lai LY và YL. Đối với heo con thì các chỉ tiêu về tăng trọng (tích lũy, tuyệt đối), tỷ lệ mắc tiêu chảy; tiêu tốn thức ăn và chi phí thức ăn cho mỗi kg tăng trọng đều khác nhau không ý nghĩa (p>0,05) giữa 2 nhóm heo con lai Duroc x LY và Duroc x YL. Hiệu quả kinh tế (thức ăn + thú y) toàn thí nghiệm khi nuôi heo con DYL đã cao hơn heo DLY 1%. Việc sử dụng 2 nhóm giống heo nái lai YL và LY như là heo nái nền trong công tác nhân giống với heo đực thuần Duroc để sản xuất heo con nuôi thịt đều mang lại hiệu quả (về kỹ thuật lẫn kinh tế) trong chăn nuôi trang trại ở Đồng bằng sông Cửu Long.

1 GIỚI THIỆU

Trong quy trình kỹ thuật chăn nuôi heo thì giai đoạn heo con theo mẹ và sau cai sữa là vấn đề đáng quan tâm vì có ý nghĩa rất lớn, ảnh hưởng đến sản lượng, năng suất cũng như kinh tế đối với người chăn nuôi. Hiện nay, hầu hết người chăn nuôi có những biện pháp nuôi dưỡng riêng, song tỷ lệ mắc tiêu chảy, sự hao hụt ở heo con theo mẹ và sau cai sữa còn khá cao. Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến vấn đề này là sự thay đổi sinh lý của heo con lúc sơ sinh; tình trạng sinh lý lại tùy thuộc chủ yếu vào yếu tố di truyền của heo (Lê Hồng Mận, 2006; Trần Thị Dân, 2006).

Một trong những giải pháp nâng cao năng suất heo nái là sử dụng nhiều giống heo lai tạo với nhau, nhằm tạo ưu thế lai cao nhất cho nái sinh sản. Trong đó, lai hai giống heo ngoại giữa Landrace, Yorkshire và ngược lại đã tạo con lai (Landrace x Yorkshire và Yorkshire x Landrace) được xem là có ưu thế lai cao về nhiều chỉ tiêu sinh sản, trở thành một tiến bộ trong thực tế sản xuất. Người ta sử dụng đực Duroc phối với heo cái lai (Yorkshire x Landrace hay Landrace x Yorkshire) tạo con lai ba giống, nuôi mau lớn, chịu đựng stress, heo cho nhiều thịt nạc, phẩm chất thịt tốt (Nguyễn Ngọc Tuân và Trần Thị Dân, 2000; Võ Văn Ninh, 2001; Nguyễn Văn Thắng và Đặng Vũ Bình, 2006; Đoàn Văn Soạn và Đặng Vũ Bình, 2010; Vũ Đình Tôn và Nguyễn công Oánh, 2010).

Do vậy, đề tài nêu trên được thực hiện nhằm mục tiêu đánh giá năng suất sinh sản của hai nhóm giống heo nái lai LY và YL cũng như khả năng sinh trưởng của heo con lai nuôi thịt thuộc hai nhóm giống Duroc x LY và Duroc x YL trong điều kiện thực tế của trang trại ở Đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó, giúp người chăn nuôi chọn lựa được giống heo con có khả năng tăng trọng nhanh, hiệu quả sử dụng thức ăn cao và thích ứng tốt với môi trường của vùng.

2 PHƯƠNG TIỆN VÀ PHƯƠNG PHÁP

2.1 Phương tiện

2.1.1 Thời gian và địa điểm

Thí nghiệm được thực hiện tại Trại chăn nuôi thuộc Công ty Chăn nuôi Vemedim, ở huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển thuộc Công ty cổ phần sản xuất kinh doanh (vật tư và thuốc thú y) Vemedim Cần Thơ, từ tháng 12/2013-3/2014.

2.1.2 Đối tượng

Thí nghiệm được tiến hành trên 2 nhóm heo nái lai (Landrace x Yorkshire: 10 nái và Yorkshire x Landrace: 10 nái). Tinh heo đực Duroc được sử dụng để phối giống cho đàn heo nái. Heo con sinh ra thuộc hai nhóm giống heo lai: DLY (10 ổ) và DYL (10 ổ) (Hình 1). Heo con được nuôi từ sơ sinh đến cai sữa (28 ngày tuổi) và tiếp tục nuôi giai đoạn sau cai sữa (đến 60 ngày tuổi).

2.1.3 Thức ăn thí nghiệm

TĂHH dùng cho heo nái nuôi con được phối hợp từ nguồn thực liệu và công thức của trại (Bảng 1).

Đánh giá khả năng sinh sản của lợn nái

Đánh giá khả năng sinh sản của lợn nái

Thức ăn nuôi heo cai sữa là thức ăn hỗn hợp của trại (Bảng 3). Thành phần dinh dưỡng và năng lượng của TA được trình bày trong Bảng 4.

Đánh giá khả năng sinh sản của lợn nái

2.1.4. Chuồng trại

Diện tích toàn trại khoảng 33.000 m2 . Trại gồm các khu vực: Văn phòng, kỹ thuật và khu chăn nuôi (gia súc, gia cầm). Trại heo với mục đích sản xuất chính là cung cấp heo con giống nuôi lấy thịt cho thị trường trong thành phố và các tỉnh lân cận. Trại được xây dựng với trục chuồng hướng Đông Bắc – Tây Nam.

Trại được xây với kiểu chuồng kín hoàn toàn với hai mái đơn được lợp bằng tole; nền chuồng bằng xi-măng. Sàn chuồng heo nái nuôi con được làm bằng tấm bê-tông có các khe rộng 1 cm, dài 10 cm; có núm uống tự động và máng ăn. Heo con được nuôi trên mặt sàn bằng nhựa chuyên dụng, có các khe rộng 0,8 cm, dài 15 cm; có núm uống tự động và máng tập ăn cho heo con. Mỗi ô chuồng có một lồng úm và 1 bóng đèn điện có công suất 100W để úm heo con. Ô chuồng nuôi heo con cai sữa có kích thước: dài 2,5 m, rộng 2,0 m và cao 0,85 m. Sàn chuồng được lót bằng tấm nhựa chuyên dụng; trong mỗi ô chuồng có 1 máng ăn và núm uống tự động.

2.1.5 Vật dụng

Cân điện tử (max 1.000 kg) để xác định khối lượng heo nái sau sinh 2 ngày; cân đồng hồ 5, 20 và 60 kg để xác định khối lượng heo con hàng tuần; cân thức ăn hàng ngày. Nhiệt kế, ẩm kế để đo nhiệt độ và ẩm độ ở trong và ngoài chuồng nuôi. Thuốc thú y, thuốc sát trùng chuồng trại cùng các loại vật tư, hóa chất ở phòng thí nghiệm.

2.2 Phương pháp thí nghiệm

2.2.1 Bố trí thí nghiệm

Thí nghiệm được bố trí 2 nhóm giống heo nái lai F1 (LY, YL) nuôi con, bao gồm 20 ổ heo con theo mẹ từ sơ sinh đến cai sữa (28 ngày tuổi) và heo con sau cai sữa tiếp tục được nuôi đến 60 ngày tuổi). Heo con thuộc 2 nhóm giống heo lai Duroc x LY (10 ổ) và Duroc x YL (10 ổ).

2.2.2 Các chỉ tiêu đánh giá

Theo Lê Hồng Mận (2006), Phạm Hữu Doanh và Lưu Kỷ (2006), Nguyễn Thiện và Võ Trọng Hốt (2007) thì các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật đối với heo nái nuôi con như số lứa đẻ, số con sơ sinh sống (đến 24 giờ), lúc 21 ngày tuổi và cai sữa (con/ổ); tỷ lệ sống (số con sống đến 24 giờ so với số con đẻ ra), tỷ lệ nuôi sống (số con cai sữa so với số con còn sống lúc sơ sinh, để nuôi). Khối lượng heo con lúc sơ sinh sống, lúc 21 ngày tuổi và cai sữa (kg/ổ); sự hao mòn cơ thể heo nái mẹ (Tỷ lệ hao mòn, % = [(KL heo nái sau khi đẻ 24 giờ – KL heo nái khi cai sữa)/P heo nái sau khi đẻ 24 giờ] * 100). Một số chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật đối với heo con như tăng trọng (tích lũy, tuyệt đối); tỷ lệ mắc tiêu chảy: số heo con theo mẹ mắc tiêu chảy so với số heo nuôi (Huỳnh Kim Diệu, 2008); tiêu tốn thức ăn/kg tăng trọng heo con (thức ăn heo nái mẹ và heo con tập ăn so với tăng trọng heo con) và hiệu quả kinh tế toàn thí nghiệm (thức ăn và thú y).

2.2.3 Xử lý số liệu

Số liệu được thu thập và xử lý bằng phần mềm Excel và Minitab Version 16.2; phần thống kê mô tả, phép kiểm định T, so sánh 2 trung bình mẫu. Sử dụng phép thử Chi – Square test (2 ) để xử lý các số liệu quan sát và đếm được (tỷ lệ %) trong thí nghiệm.

3 KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

3.1 Các chỉ tiêu đánh giá năng suất sinh sản của heo nái mẹ

3.1.1 Số heo con ở các thời điểm

Dựa vào Bảng 5, số con sơ sinh sống của heo nái giống YL cao hơn không có ý nghĩa (p>0,05) so với giống LY. Điều này cho thấy heo nái lai giống LY và YL có khả năng thích nghi và cho năng suất sinh sản như nhau trong điều kiện sản xuất của trại. Kết quả thí nghiệm cũng phù hợp với nghiên cứu của Nguyễn Văn Thắng và Đặng Vũ Bình (2010). Trần Văn Phùng (2005) cũng cho rằng đây là chỉ tiêu kinh tế quan trọng, nói lên khả năng đẻ nhiều hay ít con của giống, kỹ thuật thụ tinh và kỹ thuật chăm sóc heo nái mang thai. Nguyễn Thiện và Đào Đức Thà (2007) cho rằng số heo con sơ sinh/ổ nhiều chứng tỏ trạng thái hoạt động của buồng trứng tốt, tình trạng sinh lý của cơ thể mẹ (động dục, mang thai, đẻ) bình thường.

Số con 21 ngày tuổi và số con cai sữa của heo nhóm giống heo YL và LY khác nhau không có ý nghĩa thống kê (p>0,05). Lê Hồng Mận (2002) cho rằng số heo con ở thời điểm 21 ngày tuổi nói lên tính tốt sữa và tính khéo nuôi con của heo nái. Nguyễn Thiện (2008) cho rằng số con cai sữa phụ thuộc vào khả năng tiết sữa của heo mẹ, kỹ thuật chăn nuôi heo con theo mẹ cũng như khả năng hạn chế các yếu tố bệnh tật cho heo con.

Đánh giá khả năng sinh sản của lợn nái

Tỷ lệ sống (%) và tỷ lệ nuôi sống (%) của heo con ở 2 nhóm giống LY và YL khác nhau không có ý nghĩa thống kê (p>0,05). Qua đó thấy được năng suất sinh sản của heo nái giống LY và YL đều tốt. Số heo con chết lúc sơ sinh, số thai non, số thai gỗ là những nguyên nhân làm giảm số heo con sơ sinh sống đến 24 giờ trên một lứa đẻ (Nguyễn Thiện, 2008). Theo Nguyễn Thị Viễn & cs (2007) thì heo nái giống LY và YL thể hiện được đặc tính của giống về sinh sản và biểu hiện tính làm mẹ cao. Ngoài ra, tỷ lệ sống của heo sơ sinh cũng tương đương với kết quả nghiên cứu của Phan Xuân Hảo và Hoàng Thị Thúy (2009) mặc dù tỷ lệ nuôi sống có thấp hơn trong điều kiện chăn nuôi của trang trại.

3.1.2 Năng suất sinh sản của heo nái qua khối lượng heo con (kg/ổ)

Khối lượng sơ sinh của heo con DYL cao hơn không có ý nghĩa (p>0,05) so với giống DLY (Bảng 6). Cả 2 nhóm giống heo nái đều cho khối lượng heo con sơ sinh cao. Theo Nguyễn Thiện và Võ Trọng Hốt (2007) thì khối lượng toàn ổ sơ sinh là chỉ tiêu thể hiện khả năng nuôi dưỡng thai của heo mẹ, kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc quản lý và phòng bệnh cho heo nái chửa của một cơ sở chăn nuôi. Kết quả thí nghiệm ở chỉ tiêu này (kg/ổ) có cao hơn của Nguyễn Văn Thắng và Đặng Vũ Bình (2006) ở heo DLY (14,42) so với DYL (14,86). Sự chênh lệch về khối lượng lúc 21 ngày tuổi và khi cai sữa của heo con DLY và DYL là không cao (p>0,05) trong thí nghiệm. Đây là chỉ tiêu đánh giá tăng trọng của heo con, khả năng tiết sữa của heo mẹ. Khả năng tiết sữa của heo mẹ đạt cao nhất ở ngày thứ 21, sau đó sẽ giảm dần. Do đó khối lượng toàn ổ lúc 21 ngày tuổi được dùng để đánh giá khả năng tiết sữa của heo mẹ (Nguyễn Thiện và Võ Trọng Hốt, 2007). Theo Từ Quang Hiển & cs (2004) thì tăng trọng (kg/ổ) từ SS-21 ngày tuổi của giống YL là 25,1 thì kết quả của thí nghiệm này cao hơn. Trần Văn Phùng (2005) thì cho rằng khối lượng cai sữa có liên quan chặt chẽ đến khối lượng sơ sinh, làm nền tảng và điểm xuất phát cho khối lượng heo xuất chuồng.

Đánh giá khả năng sinh sản của lợn nái

3.1.3 Mức ăn và dưỡng chất tiêu thụ hàng ngày của heo nái nuôi con

Dựa vào Bảng 7, mức ăn của heo nái trong giai đoạn nuôi con từ SS-CS của giống YL cao hơn không có ý nghĩa (p>0,05) so với giống LY là do số heo con/ổ của giống YL cao hơn LY nên heo nái cần ăn nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu bú sữa của heo con.

Đánh giá khả năng sinh sản của lợn nái

3.1.4 Tiêu tốn thức ăn (heo mẹ và heo con) cho mỗi kg tăng trọng heo con

TTTĂ/kg tăng trọng heo con từ SS-CS của giống DLY cao hơn không có ý nghĩa (p>0,05) so với giống DYL; mặc dù chỉ tiêu này ở giống DYL có hiệu quả chuyển hóa tốt hơn.

Đánh giá khả năng sinh sản của lợn nái

Tỷ lệ hao mòn cơ thể (%) của heo nái ở 2 giống LY và YL đều thấp (p>0,05) (Bảng 9). Theo Lê Hồng Mận (2002) thì tỷ lệ hao mòn của heo nái nuôi con là 10 – 15%. Trương Lăng và Nguyễn Văn Hiền (2000) cho rằng mức hao mòn cơ thể của heo nái bình quân là 15% tùy vào lứa đẻ, số heo con, thời gian cai sữa và chăm sóc nuôi dưỡng. Theo Nguyễn Thiện và Võ Trọng Hốt (2007) thì tỷ lệ hao mòn cơ thể heo nái càng thấp, càng tốt, khi cai sữa sớm heo con được xem như là một biện pháp kỹ thuật hữu hiệu.

Đánh giá khả năng sinh sản của lợn nái

3.2 Các chỉ tiêu khảo sát trên sự sinh trưởng của heo con

Khối lượng heo con (kg/con) lúc sơ sinh và 21 ngày tuổi thuộc 2 giống DLY và DYL khác nhau không có ý nghĩa (p>0,05) (Bảng 10). Trần Văn Phùng (2005) cho rằng khối lượng heo con sơ sinh càng cao thì khả năng sinh trưởng càng nhanh, khối lượng cai sữa sẽ cao và khối lượng khi xuất chuồng sẽ lớn. Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam (2004) thì khối lượng 21 ngày tuổi của heo lai có thể đạt từ 4,5 – 5,0 kg/con. Kết quả của thí nghiệm về KLSS và KLCS (kg/con) lúc 28 ngày tuổi đều cao hơn trong nghiên cứu của Vũ Đình Tôn và Nguyễn Công Oánh (2010). Khối lượng heo con lúc 60 ngày tuổi của giống DYL cao hơn không ý nghĩa (p>0,05) so với DLY. Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam (2004) thì khối lượng heo con cai sữa đến 60 ngày tuổi đạt 14 – 16 kg.

Đánh giá khả năng sinh sản của lợn nái

Tăng trọng tích lũy (kg/con) heo con từ SS-21 ngày tuổi và SS-CS của giống DYL cao hơn không có ý nghĩa (p>0,05) so với giống DLY. Kết quả thí nghiệm này cao hơn so với nghiên cứu của Nguyễn Văn Thắng và Vũ Đình Tôn (2010), tăng trọng SSCS của giống LY là 4,37 và giống YL là 4,65 (Đặng Vũ Bình & cs, 2005). Tăng trọng heo con từ SS-60 ngày tuổi của giống DLY cũng thấp hơn không có ý nghĩa (p>0,05) so với DYL.

TTTĐ (g/con/ngày) từ SS-21 ngày tuổi của heo DLY và DYL khác nhau không có ý nghĩa (p>0,05). Ở thời kỳ 3 hoặc 4 tuần tuổi, tốc độ tăng trưởng tuyệt đối của heo con có chiều hướng giảm đi là vì nguồn sữa mẹ cung cấp cho heo con bắt đầu giảm, liên quan đến quy luật tiết sữa của heo nái. Ngoài ra, khả năng tiêu hóa thức ăn bổ sung sẽ bị hạn chế ở thời kỳ đầu của heo con do hoạt lực của các men tiêu hóa kém (Nguyễn Thiện, 2008).

TTTĐ từ SS-CS và từ SS-60 ngày tuổi của heo con DYL cao hơn DLY; sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê (p>0,05). Lúc này, lượng sữa mẹ cung cấp cho heo con bắt đầu giảm, heo làm quen với thức ăn mới nên tốc độ tăng trưởng cũng chậm lại. Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam (2004) thì TTTĐ từ SS-CS trung bình của heo con theo mẹ là 180-240 g/con/ngày.

Dựa vào Bảng 11, tỷ lệ mắc tiêu chảy của heo con DLY cao hơn không ý nghĩa (p>0,05) so với DYL. Trần Thị Dân (2006) cho rằng gia súc non từ 15-20 ngày tuổi thì thân nhiệt mới dần ổn định và trong giai đoạn này heo con rất dễ bị bệnh; thời tiết thay đổi đột ngột cũng là nguyên nhân gây tiêu chảy heo con. Nếu heo con bị tiêu chảy nhiều thì khối lượng heo con lúc cai sữa nhỏ, ảnh hưởng đến tăng trọng sau này. Tỷ lệ tiêu chảy thấp sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao trong chăn nuôi heo (Trương Lăng, 2000).

Đánh giá khả năng sinh sản của lợn nái

Dựa vào Bảng 13, tổng chi phí thức ăn và thú y của heo con giống DLY thấp hơn ở heo DLY, tuy nhiên ở heo con giống DYL có tăng trọng cao hơn nên tổng thu cho tăng trọng nhiều hơn. Từ đó, lợi nhuận do giống heo con DYL mang lại cao hơn 1% so với heo DLY.

Đánh giá khả năng sinh sản của lợn nái

4 KẾT LUẬN

Cả 2 nhóm giống heo nái lai LY và YL đều cho năng suất sinh sản cao và tỷ lệ hao mòn cơ thể thấp. Hai nhóm giống heo con lai DLY và DYL có khả năng tăng trưởng và phát triển tốt ở cả 2 giai đoạn theo mẹ và cai sữa. Hiệu quả sử dụng thức ăn và hiệu quả kinh tế toàn thí nghiệm cũng tương đương nhau. Do đó, trong điều kiện chăn nuôi của trại thì nên sử dụng 2 giống heo nái lai LY và YL làm heo cái nền sinh sản để phối giống với heo đực thuần Duroc, sản xuất heo con thương phẩm để nuôi thịt cũng như cung cấp cho các trại heo khác trong vùng.