Công thức tính vòng quay tổng tài sản

Big Update tiện ích đọc sách

Công thức tính vòng quay tổng tài sản

Vòng quay tổng tài sản là chỉ số tài chính cực kỳ quan trọng, phản ánh hiệu quả sử dụng toàn bộ tài sản của doanh nghiệp. Dựa vào tỉ lệ này, nhà đầu tư có thể đánh giá một cách khái quát nhất về quá trình hoạt động, phát triển của doanh nghiệp mình dự định đầu tư. Để tìm hiểu chi tiết hơn về khái niệm này cũng như cách tính và ý nghĩa của nó, các bạn hãy cùng 24hMoney theo dõi bài viết dưới đây nhé!

1. Chỉ số vòng quay tổng tài sản là gì?

Vòng quay tổng tài sản có tên tiếng Anh là Total Asset Turnover Ratio, là một chỉ số tài chính dùng để đo lường giá trị doanh thu của một doanh nghiệp so với tổng giá trị tài sản của nó.

Thông qua số vòng quay tổng tài sản, nhà đầu tư có thể biết mức độ hiệu quả trong việc điều hành, phát triển của doanh nghiệp dựa trên nguồn lực tài sản có sẵn. Chỉ số này càng tăng chứng tỏ hiệu quả sử dụng tài sản của công ty càng cao và kế hoạch phát triển của công ty là hợp lý và ngược lại.

2. Công thức tính chỉ số vòng quay tổng tài sản

Chỉ số vòng quay tổng tài sản được tính bằng công thức sau:

Công thức tính vòng quay tổng tài sản

Trong đó:

  • Doanh thu ròng (hay doanh thu thuần): Là tổng doanh thu của doanh nghiệp sau khi trừ các khoản giảm trừ như: chiết khấu bán hàng, giảm giá hàng bán, hàng bán bị trả lại…
  • Tổng tài sản bình quân: Được tính bằng giá trị trung bình của tài sản đầu kỳ và cuối kỳ của doanh nghiệp.

Ví dụ:

Công ty A có doanh thu thuần trong năm 2020 là: $500.000.

Giá trị tổng tài sản đầu kỳ (ngày 01/01/2020) là: $200.000.

Giá trị tổng tài sản cuối kỳ (tại ngày 31/12/2020) là: $300.000.

Tổng tài sản bình quân là: ($200.000 + $300.000)/2 = $250.000.

Vòng quay tổng tài sản của công ty A là: $500.000/$250.000 = 2.

3. Ý nghĩa của tỷ lệ vòng quay tổng tài sản

Tỷ lệ vòng quay tổng tài sản cho biết: Với mỗi đồng đầu tư vào tài sản, doanh nghiệp sẽ tạo ra bao nhiêu đồng doanh thu thuần tương ứng. Trong ví dụ trên, vòng quay tổng tài sản của công ty A là 2 có nghĩa là với mỗi $1 đầu tư vào tổng tài sản, doanh nghiệp A tạo ra được $2 doanh thu thuần.

Thông thường, tỷ lệ này sẽ được tính hàng năm. Giá trị của vòng quay tổng tài sản càng cao có nghĩa là công ty càng hoạt động tốt, tạo ra nhiều doanh thu hơn trên mỗi đồng đầu tư vào tài sản và ngược lại. Chỉ số này thấp cho thấy doanh nghiệp sử dụng tài sản chưa hiệu quả hoặc có các vấn đề về quản lý hay nội bộ.

4. Sử dụng chỉ số vòng quay tổng tài sản trong đầu tư

Công thức tính vòng quay tổng tài sản

​Sử dụng chỉ số vòng quay tổng tài sản trong đầu tư

Thông thường, các nhà đầu tư sẽ ưa chuộng và có xu hướng hướng đầu tư vào những công ty có số vòng quay tổng tài sản cao hơn.

Tuy nhiên, hệ số này cũng khác nhau tùy ngành nghề, lĩnh vực mà doanh nghiệp hoạt động. Ví dụ, các công ty bán lẻ, tiêu dùng yêu cầu lượng tài sản đầu tư tương đối nhỏ nhưng lại có lượng bán hàng và doanh số cao, làm cho vòng quay tài sản trung bình cao. Ngược lại, những doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản lại yêu cầu tài sản lớn, dẫn tới vòng quay tài sản thấp hơn…Vì vậy, nhà đầu tư cần so sánh tỷ lệ vòng quay tổng tài sản giữa các doanh nghiệp tương đồng mới phát huy được ý nghĩa của chỉ số này.

Ngoài ra, bạn cũng cần so sánh tỷ số vòng quay tổng tài sản của doanh nghiệp kỳ này so với những kỳ kinh doanh trước để đánh giá tình hình kinh doanh của công ty đó đang đi theo xu hướng cải thiện hay xấu đi.

5. Sự khác biệt giữa vòng quay tổng tài sản và vòng quay tài sản cố định

Có nhiều người thường nhầm lẫn giữa vòng quay tổng tài sản và vòng quay tài sản cố định. Mặc dù cả hai chỉ số này đều đo lường hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhưng hệ số vòng quay tài sản xem xét tổng tài sản bình quân ở mẫu số, trong khi tỷ số vòng quay tài sản cố định chỉ xem xét giá trị của tài sản cố định.

6. Có thể cải thiện chỉ số vòng quay tổng tài sản bằng cách nào?

Một doanh nghiệp có thể nâng cao tỷ lệ vòng quay tổng tài sản bằng cách dự trữ các mặt hàng có khả năng bán được cao trên kệ của mình, chỉ bổ sung hàng tồn kho khi cần thiết và tăng giờ hoạt động để tăng lưu lượng khách hàng cũng như tăng doanh số bán hàng.

Các doanh nghiệp có thể áp dụng phương pháp JIT (Just In Time). Đây là một triết lý trong mô hình Quản trị tinh gọn (lean), nhằm mục đích giảm thiểu hàng tồn kho, giảm lãng phí bằng việc đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng về sản phẩm, chủng loại, số lượng, địa điểm và thời điểm. Ví dụ: Nếu một nhà máy lắp ráp ô tô cần lắp đặt túi khí, họ sẽ không giữ một kho túi khí trên kệ của mình mà sẽ nhận chúng khi những chiếc xe đó đi vào dây chuyền lắp ráp.

7. Những hạn chế của chỉ số vòng quay tổng tài sản

Công thức tính vòng quay tổng tài sản

​Những hạn chế của chỉ số vòng quay tổng tài sản

Giống như những chỉ số tài chính khác, hệ số vòng quay tổng tài sản cũng tồn tại những hạn chế như sau:

  • Không cung cấp được tất cả những thông tin và phản ánh toàn bộ bức tranh tài chính của doanh nghiệp. Để có cái nhìn tổng thể và ra quyết định đầu tư hiệu quả, nhà đầu tư cần kết hợp nghiên cứu những chỉ số tài chính khác.
  • Có thể bị can thiệp và điều chỉnh theo ý muốn của ban lãnh đạo công ty như bán bớt tài sản, luân chuyển tài sản…để tăng chỉ số vòng quay tổng tài sản. Ngoài ra, việc thay đổi phương pháp khấu hao tài sản cố định cũng sẽ tạo ra tác động tương tự.
  • Bị ảnh hưởng bởi tính thời vụ, luân chuyển tài sản của công ty trong ngắn hạn.
  • Việc so sánh tỷ số trên không có ý nghĩa đối với các công ty khác ngành.

8. Kết luận

Qua bài viết trên, chắc hẳn các bạn đã hiểu chi tiết về vòng quay tổng tài sản, cách tính và ý nghĩa trong đầu tư chứng khoán rồi đúng không nào? Đây là chỉ số tài chính mà bất cứ ai đang kinh doanh hay chuẩn bị đầu tư cũng nên tìm hiểu và nghiên cứu. Nó sẽ là một trong những công cụ đắc lực, giúp bạn ra quyết định đầu tư hiệu quả hơn.

Đừng quên tải app 24hMoney và đăng ký tài khoản hoàn toàn miễn phí ngay tại đây để cập nhật những tin tức kinh tế, chứng khoán, bất động sản…mới nhất nhé!

Ngọc Diệp