Chủ nghĩa ái kỉ trong văn xuôi xuân diệu năm 2024

Nó đúng là một trò chơi, một trò chơi chỉ có thể có ở cái thời toàn cầu hóa, khi internet đủ sức tạo ra một thế giới ảo, tồn tại song song, thậm chí xâm lấn vào cái thế giới thực mà mỗi người chúng ta đang sống, đang phải đối mặt từng ngày từng giờ. Vào một ngày đẹp trời, một người phụ nữ Việt Nam đã chấp nhận tham gia trò chơi viết những bức thư online cho một người đàn ông Ấn Ðộ mà chị không hề quen biết, mục đích là phá hủy cuộc tình online của người đàn ông ấy với một người đàn bà khác, và cái giá của chiến thắng là 100 nghìn USD.

Suốt tám tháng trời, họ thư qua thư lại, cái ảo vẫn là cái ảo nhưng đồng thời nó cũng là cái thực, thực đến mức không thể thực hơn. Ở một thế giới mà người ta không phải chạm mặt nhau, không phải chịu đựng sự cọ xát của những quan hệ thực (thường khi chẳng mấy dễ chịu), hai người được bộc lộ những cảm xúc, những suy nghĩ rất thực của mình về mọi chuyện: công việc, cuộc sống gia đình, tình yêu, hạnh phúc và đau khổ... Ðây là nội dung của chương 9, Những bức thư online (dài gần 100 trang, bằng độ dài của chín chương còn lại). Tôi đoán chắc rằng sẽ có rất nhiều bạn đọc thích thú với chương này. Bởi một lẽ đơn giản là những bức thư online đã "gãi đúng chỗ ngứa" của họ, giúp họ nói những điều mà - do định kiến xã hội, do việc phải đeo những persona (mặt nạ) đã được mặc định - họ chỉ dám cất giữ trong những suy nghĩ thầm kín. Ví như những rung động "ngoài chồng ngoài vợ", những khao khát được thăng hoa trong tình yêu mà họ muốn nhưng không thể/ không hề thỏa mãn, những ẩn ức về đời sống tình dục, v.v.

Nhưng thực ra, ít nhất với một người đọc như tôi, cái độc đáo của tác phẩm này không nằm ở đó, không chỉ ở đó. Ðọc hết Trò chơi hủy diệt cảm xúc, ta sẽ nhận ra rằng, chín chương còn lại là những gì mà người phụ nữ tham gia trò chơi viết những bức thư online đã viết trong những khoảng thời gian rỗng, khi chị không viết cho đối tác online ở xứ sở của sông Hằng. Ðó là chín truyện ngắn độc lập trong cấu trúc tổng thể của một cuốn tiểu thuyết. Về nội dung, mỗi truyện ngắn đó nói về một cảnh đời phụ nữ khác nhau, hoặc một lát cắt, một khoảnh khắc đầy ấn tượng trong số phận của người phụ nữ, ở nông thôn hoặc ở thành thị, ít học hoặc nhiều chữ, đang phải lần hồi bán mình để kiếm cái ăn hoặc đang dư thừa tiền bạc, dù sao thì cũng vẫn là phụ nữ. Tôi đặc biệt thích thú với chương 2 (Tôi là ai?) và chương 3 (Một người đàn bà). Tên của hai chương này đặt cạnh nhau đã mang hình thức của một cặp câu hỏi và câu trả lời. Ở chương 2, có cái cảm thức của con người sống giữa đô thị hôm nay: ngổn ngang, bề bộn, biết mình bị đánh mất mình giữa cái ngổn ngang bề bộn ấy mà đành bất lực, buông xuôi. Nhân vật Tôi đi giữa dòng chảy xe cộ, "chợt nghĩ tôi không đi mà đang chảy theo dòng chảy của xe cộ, không được phép dừng lại". Nhân vật Tôi nhìn thấy một cụ già đang ngồi bên thành cầu ở một tư thế không bình thường, chiếc ba-toong rơi bên cạnh, vẻ mặt vô cùng đau đớn. Trong chị đã xuất hiện suy nghĩ phải dừng xe lại, hỏi xem cụ có cần giúp đỡ gì không. Thế nhưng chị vẫn đi, vẫn đi... Ai biết được cụ già sẽ làm gì sau đó? Cụ cầm lấy ba-toong rồi về nhà? Hay cụ sẽ nhảy qua thành cầu để chấm dứt một kiếp người? Tác giả không đặt câu hỏi, và đương nhiên cũng không có câu trả lời, nhưng điều đó ám ảnh người đọc: Có biết bao khoảnh khắc lướt qua trước mắt chúng ta trong cuộc đời này, ta lờ mờ nhận biết rằng có thể đó là những khoảnh khắc rất có ý nghĩa, nhưng vì nhiều lý do khác nhau ta đã bỏ qua, để cái còn lại trong ta, trở đi trở lại, là một nỗi day dứt khôn nguôi... (Chương này, tôi nhận thấy "chất" Sê-khốp/ Tsekhov). Còn ở chương 3, quả thực đó là cả một bữa tiệc của những tiếng cười xả láng! Có một gia đình như thế chăng? Có một người chồng một người vợ, một sự gắn kết và một tình yêu chồng vợ kỳ lạ như thế chăng? Có đấy. Hạnh phúc mang nhiều gương mặt và cuộc đời thì phong phú hơn sự hiểu biết vốn có của con người nhiều lắm! (Chương này, tôi nhận thấy nụ cười của Ka-ran-gia-ki / Karanzakis trong tuyệt phẩm Zorba, tay chơi Hy Lạp).

Trò chơi hủy diệt cảm xúc của Y Ban còn là trò chơi của nhịp điệu và phong cách văn xuôi. Ðọc chương Những bức thư online, có thể sẽ không ít người thốt lên "emotion too much" (ướt át quá, "sến" quá)! Thì đúng, nó là như vậy, là một sự nối dài những đối thoại yêu đương của Romeo và Juliet. Nhưng theo tôi, nó cần thiết cho tổng thể cấu trúc của tiểu thuyết, xét về mặt văn phong. Nó làm chùng lại, dịu lại sự "quá trớn" trong văn phong của những chương còn lại, giống như khoảng thời gian giải lao giữa hai hiệp đấu thể thao căng thẳng vậy. Trước cuốn tiểu thuyết này, người đọc vẫn mặc định Y Ban như một nữ nhà văn của lối viết gồ ghề, góc cạnh, thậm chí trần trụi trong văn xuôi Việt Nam đương đại. Ðiều đó hình như không sai. Nhưng ở những chương ngoài chương 9 trong Trò chơi hủy diệt cảm xúc, sự gồ ghề góc cạnh trần trụi - và rất đáo để ấy - đã được đặt đúng chỗ của nó, tạo nên một văn phong giàu cá tính, một phổ ngôn ngữ vừa đậm chất dân gian truyền thống vừa nồng nã bụi bặm của phố phường thời hiện đại, và giàu liên tưởng bất ngờ. Ví như ở chương 2, khi nhân vật Tôi tự thú: "Tôi đang sống trong một kiếp người non... Ngon này không phải để diễn tả cái ngon chảy nước dãi của gái một con cải ngồng non, cũng không phải chỉ sự non nớt của trí tuệ, non nớt của cuộc sống". Hoặc ở chương 3, khi nhân vật Ả quan sát sự thỏa mãn của chồng: "Ả thích cái vẻ mặt hắn. Nó yên lặng như ruộng vừa gặt hái xong"... Hoặc ở chương 5 (Ðám đông) và chương 6 (Lại đám đông), khi nhà văn lột trần được bản chất lây nhiễm, tính hiếu sự, thói vô công rỗi nghề, ưa chuyện bé xé ra to, đại ngôn một cách vô bổ của cái mà chúng ta quen gọi (một cách chưa chính xác lắm) là "miệng thiên hạ": một tiếng rắm ai đó lỡ đánh ra có khi trở thành cái cớ để trở thành một hiện tượng xã hội! Còn có thể liệt kê ra nhiều câu văn và chi tiết thú vị như thế ở cuốn tiểu thuyết này.

Là tác giả của 14 tập truyện ngắn, truyện vừa và tiểu thuyết suốt từ năm 1993 đến nay, có thể nói, ở cuốn tiểu thuyết mới nhất này, nhà văn Y Ban - ít ra là với cá nhân chị - đã đạt tới một thành công chưa từng đạt tới. Ðó là một sự khích lệ. Nhưng đó hẳn cũng sẽ là một sự thách thức không nhỏ với chính bản thân người sáng tác. Vì đường văn của chị vẫn còn ở phía trước.