Cha mẹ có nên ở riêng khi con chúa

Bố mẹ tôi sinh được 3 người con, hai trai, một gái. Tuổi trẻ họ đã lao động cật lực ngày đêm với mong muốn nuôi con cái được ăn học thành người, sau này kiếm tiền không phải cực khổ như ông bà. Thật may mắn vì cả ba anh chị em tôi đều chăm chỉ học hành, có công ăn việc làm mà theo ông bà là “ngồi trong phòng máy lạnh tao ngồi làm cả ngày cũng được, còn hơn là phải ra đồng cuốc đất làm cỏ giữa trời nắng".

Anh em chúng tôi so với người ta thì chưa giỏi giang đến đâu, nhưng so với ở quê thì như vậy là tốt lắm rồi. Bố mẹ tôi rất tự hào và cảm thấy những giọt mồ hôi rơi xuống của họ là xứng đáng. Điều đáng nói là, khi ông bà còn sức khỏe, làm mấy việc lặt vặt cũng đủ chi tiêu, tiền con cái cho ông bà đều để dành không dùng đến một đồng.

Nhưng rồi tuổi già ập đến, bệnh tật không gọi thi nhau tìm đến, ông bà không còn khả năng kiếm tiền, hàng tháng lại tốn tiền thuốc men nên luôn cảm thấy bản thân là gánh nặng của con cái. Anh em chúng tôi cũng được coi là hiếu thảo, luôn chủ động cho tiền và mua thuốc men đồ bổ cho bố mẹ nên ông bà cũng coi như không phải lo lắng tuổi già không người chăm lo.

Ngặt một nỗi, tôi và em trai đều ở rất xa, không thể trực tiếp chăm sóc cho bố mẹ, nên đành nhờ cậy hết vào vợ chồng anh trưởng vì họ ở cùng nhà với bố mẹ. Dĩ nhiên, không phải vì vậy mà chúng tôi dồn hết gánh nặng qua nhà anh trưởng. Mỗi khi về nhà, thấy đồ dùng trong nhà hư hay thiếu chúng tôi đều mua sắm, tiền lo chữa bệnh cho bố mẹ chúng tôi đều lo hết, rồi cả mua đồ tẩm bổ. Anh chị trưởng muốn mua thêm hay cho bố mẹ cái gì thì tùy, vì chuyện ăn uống hàng ngày của ông bà anh chị là người chăm lo.

Người ta bảo “xa thơm gần thối" quả không sai. Dù bố mẹ tôi là người khá dễ chịu, nhưng khi sống chung cùng vợ chồng con cái anh chị trưởng cũng không thể tránh được những mâu thuẫn. Đơn giản nhất là chuyện dạy cháu, ông bà thì luôn muốn dạy các cháu vào khuôn khổ nề nếp, nhưng bố mẹ chúng thì “mặc kệ".

Khi ông bà cằn nhằn nhắc nhở các cháu nhiều thì cả chúng và bố mẹ chúng đều gắt lên chê ông bà nói nhiều. Rồi ông bà lại tự ái, cảm thấy bản thân như kẻ ăn bám con gái nên lời nói không có trọng lượng. Nhưng trong thực tế thì anh chị tôi chưa phải nuôi bố mẹ ngày nào, mọi chi phí sinh hoạt trong nhà vẫn là do bố mẹ tôi chi trả, bữa cơm hàng ngày vẫn là bố mẹ tôi lo, anh chị thích ăn gì mua thêm, hết.

Thế nên, mỗi lần gọi điện, nghe mẹ than vãn rằng anh chị thế này thế kia, các cháu không nghe lời, không chịu học hành,... là tôi chỉ muốn ông bà dọn ở riêng, vì bố mẹ muốn ở cùng anh chị để có người chăm lo khi về già nhưng chăm lo chưa thấy chỉ thấy mâu thuẫn càng nhiều. Có đôi lần tôi gợi ý hay là bố mẹ ở riêng cho đỡ mệt, chứ ở chung quan điểm sống 3 thế hệ khác nhau thì mâu thuẫn cũng là bình thường, nhưng ông bà không chịu, vì sợ... lỡ có gì không ai lo.

Trong thực tế, bố mẹ bạn bè tôi rất nhiều người nhất định sống riêng chứ không chịu ở cùng con cái, vì họ cho rằng, như vậy mới thoải mái vui vẻ cả nhà, ai cũng muốn cuộc sống tự do tự tại, chung đụng phiền phức. Con cái muốn tiện chăm nom bố mẹ già thì kiếm nhà ở gần, chạy qua chạy lại như thế lại quý mến nhau. Chứ chung nhà hơi tí là đá thúng đụng nia chỉ khiến mẫu thuẫn ngày càng tăng.

Tôi hiểu lý do bố mẹ không muốn ở riêng, vì có bao nhiêu tài sản tuổi trẻ kiếm được đã lo hết cho con cái, khi về già bản thân họ không có bất cứ tài sản tích lũy nào ngoài căn nhà đang ở. Vậy nên họ sợ, sợ ở riêng sẽ thể tự lo được bữa ăn mỗi ngày, rồi lỡ ốm đau bệnh tật tiền đâu đi chữa trị mua thuốc. Mặc dù tôi và em trai khẳng định rằng bố mẹ ở riêng chúng tôi vẫn lo cho bố mẹ đầy đủ nhưng ông bà vẫn không yên tâm. Còn bố mẹ bạn tôi, họ tự tin sống riêng, không muốn phụ thuộc vào con cái là bởi họ có tiền, với số tiền đó họ hoàn toàn có thể tự lo cho bản thân tất cả, không cần nhờ vả cầu cạnh con cái.

Vì thế, mỗi bậc phụ huynh hãy cho con vừa đủ, đừng để dành tất cả cho chúng, hãy chừa cho bản thân một khoản dưỡng già. Khi ấy, sống chung hay sống riêng đều do chúng ta tự lựa chọn.

Vợ chồng chị hiếm muộn, sinh được mỗi đứa con trai, bao yêu thương đều dành cho nó cả. Nhà chị tuy không khá giả nhưng con chị từ nhỏ không thiếu thứ gì. Anh chị đầu tư cho con học hành, thành đạt.

Con trai, đó là niềm tự hào lớn nhất của đời chị. Đó là một chàng trai khôi ngô, thông minh, ngoan ngoãn và hiếu thảo. Từ nhỏ đến lớn, chưa bao giờ chị phải phiền lòng vì con. Rồi con chị lập gia đình, có vợ, có con. Cả gia đình chị sống chung trong căn nhà hai tầng, tuy có hơi chật chội nhưng chị nói vui vẻ, ấm cúng.

Cha mẹ có nên ở riêng khi con chúa

Hình minh hoạ: GettyImages

Thỉnh thoảng chị cũng có đôi chút không hài lòng về con dâu, cũng có bày dạy than phiền đôi câu. Nó không cãi chị, cũng không đáp lời. Quan hệ mẹ chồng nàng dâu không hoàn toàn tốt cũng không đến nỗi tệ.

Rồi mới đây con trai chị nói với vợ chồng chị chúng sẽ ra ở riêng, chúng đã đi xem nhà, và quyết định mua một căn chung cư trả góp. Chị không đồng ý, vợ chồng chị có mỗi đứa con, chăm nuôi nó lớn khôn, nay bố mẹ đã già, sao vợ chồng nó lại có ý định ra riêng chứ. Hơn nữa ở cái thành phố này, tấc đất tấc vàng, tiền của không dư, một căn hộ mấy tỷ nó trả góp bao giờ cho xong, trong khi căn nhà này trước sau gì cũng là của vợ chồng nó.

Chị nghĩ đi nghĩ về đều thấy không thông, lại cho rằng con trai mình ngoan, chắc do con dâu xúi bẩy. Càng nghĩ càng ức, càng nghĩ càng tủi thân. Chị khóc với tôi: “Nó giờ như chim trời, đủ lông đủ cánh rồi nhất quyết bay đi em ạ”.

Tôi nói với chị: “Cứ để chúng nó ra sống riêng chị ơi. Cả đời chị đã vất vả vì con, vì cháu rồi. Đây chính là thời gian chị sống cho mình đấy. Nhân cơ hội này vợ chồng chị cứ thu xếp đi chơi, đi du lịch, về quê, làm tất cả những gì mình muốn. Chúng nó sống riêng sống chung gì thì vẫn là con của chị thôi”.

Tôi nói với chị như vậy cũng rút từ gan ruột tôi mà ra. Vợ chồng tôi cũng có hai con, một trai, một gái. Con gái đã lấy chồng, con trai đã lấy vợ. Thời gian đầu vợ chồng con trai cũng ở với vợ chồng tôi.

Tôi tự thấy bản thân mình là một bà mẹ chồng hiện đại. Tôi không xét nét con dâu, bản thân lúc nào cũng nghĩ “con gái mình cũng đi làm dâu, mình không thương dâu sao dám mong nhà người ta thương yêu con gái”. Con dâu tôi làm việc cho một tập đoàn, áp lực công việc cao, đi sớm về muộn nhưng bù lại thu nhập cũng khá. Cưới xong thì con dâu có bầu, lại công việc đi sớm về muộn nên việc nhà tôi làm hết. Sáng nào tôi cũng dậy sớm, đi chợ, làm bữa sáng, chuẩn bị cả cơm trưa sẵn vào hộp, cả trái cây tráng miệng cho con trai con dâu mang đi ăn trưa. Có lần con dâu bảo tôi “mẹ chăm con còn hơn mẹ đẻ con nữa”.

Mỗi tháng con dâu đưa tôi hơn mười triệu, nói góp tiền sinh hoạt, tôi nói “con đưa thì mẹ lấy”. Thực chất tôi cũng không dùng đến số tiền đó. Con trai tôi đi làm đã lâu nhưng chưa bao giờ góp tiền sinh hoạt với bố mẹ. Giờ có con dâu, tính nó từng bữa ăn thì buồn cười quá nhưng tôi vẫn cầm để con biết chúng nó cũng phải có trách nhiệm trong việc chi tiêu sinh hoạt gia đình.

Từ ngày con dâu có con, một tay tôi chăm thằng bé từ khi ẵm bồng rồi đưa đón đi học. Thậm chí nhiều đêm nó còn ngủ với ông bà. Con trai tôi thường đùa “Bi có một người mẹ mang tên là Bà Nội”. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì gia đình của mình.

Rồi cách đây một năm, vợ chồng con trai tôi nói chúng muốn ra ở riêng. Tôi rất bất ngờ, còn chồng tôi thì nổi cáu: “Chúng nó muốn ra riêng à, cho nó ra, có tiền thì tự mua nhà lấy, một xu tôi cũng không cho”. Tôi cũng bàn bạc với con, nói nhà mình rộng rãi đủ để ở, các con công việc bận bịu, ở với bố mẹ, cơm nước có mẹ lo, cháu đi học có mẹ đưa đón. Giờ ra ở riêng thì xoay xở thế nào. Nhưng nói thế nào chúng nó cũng kiên quyết ra ở riêng. Cũng như con trai chị đồng nghiệp của tôi, các con tôi cũng mua nhà chung cư trả góp.

Ngày chúng nó dọn ra riêng, tôi đưa cho con dâu hơn bốn trăm triệu “đây là số tiền con đưa mẹ sinh hoạt hàng tháng, mẹ không dùng tới, coi như bố mẹ cho các con thêm vào tiền mua nhà. Bố mẹ cũng có một khoản dành để dưỡng già, không có để cho các con. Số tiền đó, sau này bố mẹ ốm đau, nếu các con chăm sóc bố mẹ thì các con hưởng, còn không thì con dùng nó để thuê người chăm sóc, tùy các con”.

Con trai biết tôi buồn nên cố an ủi: “Tất nhiên là chúng con sẽ chăm sóc bố mẹ rồi. Chúng con sẽ thường xuyên về nhà, cuối tuần sẽ đưa cu Bi sang chơi với ông bà nội”.

Mấy ngày đầu vắng con cháu, nhà đúng là rất buồn. Tôi mới nghỉ hưu, không phải đi làm, cơm nước hai ông bà cũng đơn giản, không còn thấy bận bịu vì con vì cháu, cảm thấy chân tay rất thừa thãi. Sao chúng nó lại chọn thời điểm ra ở riêng ngay vào lúc tôi vừa mới nghỉ hưu cơ chứ. Chồng tôi vẫn chưa nguôi giận nhưng vẫn phải làm quen với việc đó, rằng con cái không thể ở mãi với mình được.

Tôi bắt đầu lên kế hoạch cho hai vợ chồng, sáng dậy sớm chạy bộ thể dục, rồi cũng đi chợ sáng, cùng uống cà phê. Tôi liên lạc lại với những đồng nghiệp cũ đã nghỉ hưu, thỉnh thoảng còn mời những đồng nghiệp cũ đến nhà vào cuối tuần ăn uống. Vợ chồng tôi còn đi chơi đây đó, vào cả miền Tây, vào cả Sài gòn. Và cho đến bây giờ, khi ở tuổi sáu mươi tôi mới nhận ra mình thật sự sống cho mình, vô cùng thoải mái, thảnh thơi, không lo âu vướng bận.

Con cái không ở quá xa, khi các con cần chúng tôi có thể trông cháu hộ, hoặc khi chúng tôi ốm đau chúng nó qua thăm nom. Tôi thấy ở riêng cũng có cái hay, không còn lo va chạm nhau mà mỗi lần gặp nhau lại thấy tình cảm và quý hơn.

Vậy nên tôi nói với chị đồng nghiệp: “Chị xem, em thương con dâu em không khác gì con đẻ. Việc nhà em làm từ A-Z, cơm nước em cũng chuẩn bị sẵn, chỉ thiếu nước đút vào miệng cho nó ăn nữa thôi, vậy mà chúng nó vẫn muốn ở riêng. Huống hồ chị và con dâu cũng có mâu thuẫn va chạm. Phải chấp nhận rằng không có cô con dâu nào muốn sống chung với bố mẹ chồng cả. Mà mình sống chung với chúng nó đôi cái cũng không như ý mình, đôi lúc cũng buồn bực mệt mỏi chứ. Thôi thì sống riêng cho thoải mái. Người đời nói “xa thơm gần thối” không sai đâu”.

Vậy nên với trải nghiệm của một bà mẹ chồng, tôi nghĩ những gia đình nếu có thể hãy tạo điều kiện cho con cái ra ở riêng, nếu ở gần nhau thì càng tốt. Ở riêng, chúng sẽ biết cách lo toan vun vén cho gia đình, biết thiết lập trật tự cuộc sống. Ở riêng, con cái được thoải mái sống theo ý chúng nó mà mình cũng không phải bận tâm phiền lòng vì khoảng cách và ý thức hệ. Tất cả mọi người đều thoải mái, vui vẻ, hạnh phúc chẳng phải là tốt hơn sống chung để dè dặt, soi mói, khó chịu và bất mãn về nhau hay sao?

Thanh Xuân