Các ví dụ thương mại hóa báo chí năm 2024

(LSVN) - Thương mại hóa dữ liệu là vấn đề vô cùng cấp thiết và nổi cộm trong thời đại ngày nay khi dữ liệu được xem là một loại tài nguyên, một loại “dầu mỏ” mới trong nền kinh tế. Do vậy, việc nghiên cứu chi tiết về thương mại hóa dữ liệu rất quan trọng để tạo ra nền tảng cho hoạt động này. Bên cạnh đó, dữ liệu còn là yếu tố nhạy cảm khi có chứa đựng các thông tin về một cá nhân, tổ chức nào đó, tạo ra những xung đột tiềm ẩn về quyền riêng tư đối với dư liệu. Bài viết cho bạn đọc cái nhìn tổng quát về thương mại hóa dữ liệu nói chung, từ đó phân tích mối quan hệ với quyền riêng tư về dữ liệu.

Các ví dụ thương mại hóa báo chí năm 2024

Ảnh minh họa.

Khái niệm và đặc điểm của thương mại hóa dữ liệu

Thuật ngữ “thương mại hóa” có nguồn gốc từ thuật ngữ “thương mại”, xuất phát từ các hoạt động thương mại. Do vậy, những văn bản pháp luật hay các văn bản chính thức khác hiếm khi sử dụng từ “thương mại hóa” mà chủ yếu dùng thuật ngữ “thương mại”.

Một số quan điểm cho rằng, thương mại hóa là “quá trình biến một sản phẩm, dịch vụ, hoặc bất cứ thứ gì có giá trị thành một mặt hàng có thể bán được trên thị trường, mục tiêu chính là tạo ra lợi nhuận”(1) hoặc “quá trình đưa sản phẩm hoặc dịch vụ từ giai đoạn sản xuất đến khách hàng cuối cùng, thông qua các hoạt động marketing và quảng cáo. Nó giúp các doanh nghiệp tăng doanh số bán hàng và thu hút khách hàng mới”(2).

Như vậy, dù hiểu theo góc độ nào thì khi chúng ta sử dụng thuật ngữ “thương mại hóa”, cần nhấn mạnh vào mục đích quan trọng nhất, đó chính là tính sinh lợi. Tổng thể hoạt động thương mại hay thương mại hóa là một quá trình bao gồm rất nhiều các hoạt động khác nhau, nhưng điểm đến cuối cùng cần phải đạt được, đó là mang lợi lợi ích vật chất cho các chủ thể của hoạt động thương mại. Vì thế, khi ghép “thương mại hóa” với “dữ liệu” thì chúng ta có thể hiểu rằng lúc này dữ liệu đóng vai trò là đối tượng của hoạt động thương mại, các chủ thể sẽ tác động vào dữ liệu bằng những phương tiện, cách thức nhất định để các dữ liệu đó sinh lợi cũng như mang lại lợi nhuận một cách tối đa. Điều này cũng có thể nhận ra khi tham khảo một số quan điểm của các học giả nước ngoài, như góc nhìn của tác giả Gulbahar Karatas cho rằng “thương mại hóa dữ liệu có thể định nghĩa là tận dụng dữ liệu có sẵn đạt được từ hoạt động kinh doanh và biến chúng thành dòng doanh thu mới”(3) hoặc “thương mại hóa dữ liệu là quá trình sử dụng dữ liệu của một doanh nghiệp và tận dụng chúng để tạo ra doanh thu hoặc tiết kiệm chi phí”(4).

Tại Hoa Kỳ, hai bang Vermont và California đã thông qua các đạo luật về môi giới dữ liệu (data broker law) lần lượt vào năm 2018 và 2019. Mặc dù các bang này không sử dụng thuật ngữ “thương mại hóa dữ liệu” (data commercilization) mà sử dụng thuật ngữ “nhà môi giới dữ liệu” (data broker) nhưng có thể thấy nội hàm của các thuật ngữ này khá tương đồng. Cả hai bang này đều đưa ra định nghĩa về nhà môi giới dữ liệu, đó là các doanh nghiệp “chủ ý thu thập và bán lại hoặc cấp phép cho một bên thứ ba về các thông tin cá nhân của khách hàng mà những doanh nghiệp đó không có mối quan hệ trực tiếp”(5). Có thể thấy rằng khái niệm về môi giới dữ liệu theo quy định của pháp luật Hoa Kỳ mặc dù có những điểm tương đồng với cách hiểu chung về thương mại hóa dữ liệu ở chỗ cũng có hoạt động tận dụng hay sử dụng dữ liệu có sẵn (thông qua việc thu thập dữ liệu) để tạo ra lợi nhuận thông qua việc bán lại hoặc cấp phép truy cập dữ liệu khách hàng cho một bên khác. Nhưng có một điểm khác biệt, đó là các doanh nghiệp mua lại hoặc được cấp phép sử dụng dữ liệu khách hàng sẽ không có mối quan hệ trực tiếp với khách hàng. Điều này cho thấy môi giới dữ liệu được hiểu theo phạm vi hẹp hơn so với thương mại hóa dữ liệu, trong đó bên môi giới chỉ là bên trung gian thu thập dữ liệu rồi chuyển cho một bên thứ ba khai thác những dữ liệu đó chứ không phải họ là bên trực tiếp khai thác dữ liệu.

Ở châu Âu, Quy định về bảo vệ dữ liệu chung 2016/679-GDPR tại Điều 4 (2) có thuật ngữ “xử lý” (processing) cũng có tính chất tương đồng với thương mại hóa dữ liệu nói chung. Cụ thể, “xử lý được hiểu là bất kỳ hoạt động hoặc một nhóm hoạt động được thực hiện trên dữ liệu cá nhân hoặc các bộ dữ liệu cá nhân, bởi các phương tiện tự động hoặc không, như thu thập, ghi âm, tổ chức, cấu trúc, lưu trữ, điều chỉnh hoặc thay đổi, phục hồi, tư vấn, sử dụng, tiết lộ thông qua việc truyền đạt, phổ biến hoặc các phương thức khác có sẵn, liên kết hoặc kết hợp, giới hạn, loại bỏ hay phá hủy”(6). Tuy nhiên, tác giả nhận thấy rằng nội hàm của thuật ngữ “xử lý” dữ liệu nói trên chỉ thiên về một giai đoạn trong tổng thể toàn bộ hoạt động thương mại hóa dữ liệu, do thuật ngữ này chủ yếu ám chỉ các hoạt động kỹ thuật để tương tác đối với dữ liệu, chứ chưa đề cập đến yếu tố sinh lợi hay tạo ra lợi nhuận đối với chủ thể mang quyền.

Sau khi đã nghiên cứu các quan điểm, khía cạnh khác nhau của nhiều quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam về thương mại hóa dữ liệu, người viết đưa ra một khái niệm tổng hợp về thương mại hóa dữ liệu như sau: “Thương mại hóa dữ liệu là hoạt động khai thác một hoặc nhiều hành vi thuộc chuỗi giá trị của dữ liệu, bao gồm thu thập, xử lý và sử dụng dữ liệu nhằm mục đích sinh lợi”. Thương mại hóa dữ liệu có những đặc điểm sau đây:

Thứ nhất, quan hệ thương mại hóa dữ liệu diễn ra chủ yếu giữa hai bên chủ thể, đó là thương nhân và khách hàng

Dưới góc nhìn của luật thương mại, thương nhân là chủ thể chủ yếu, thường xuyên, phổ biến tham gia vào các quan hệ thương mại nói chung nhằm mục tiêu lợi nhuận. Thương nhân cũng chính là bên cung cấp các hàng hóa, dịch vụ một cách chuyên nghiệp để có thể đáp ứng được các yêu cầu đưa ra từ phía khách hàng hoặc người tiêu dùng. Ở khía cạnh thương mại hóa dữ liệu, điều này càng trở nên quan trọng hơn do thương mại hóa dữ liệu là một quy trình vô cùng phức tạp đòi hỏi rất nhiều những hoạt động khác nhau từ thu thập, xử lý cho tới phân phối dữ liệu. Nếu không phải một chủ thể chuyên nghiệp, có chuyên môn sâu, có đội ngũ nhân lực cũng như cơ sở vật chất, máy móc phức tạp thì khó có thể đáp ứng được những yêu cầu này.

Để có thể trở thành chủ thể chuyên nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ nói chung hay thương mại hóa dữ liệu nói riêng, các chủ thể cần phải có năng lực chủ thể bao gồm hai yếu tố: Một là năng lực pháp luật, tức là phải có quyền được thực hiện các hoạt động thương mại hóa dữ liệu, đặc biệt phải đáp ứng các điều kiện mà pháp luật đưa ra (nếu có) đối với các hoạt động này như phải tiến hành đăng ký hoạt động với cơ quan có thẩm quyền, phải có các chứng chỉ, bằng cấp, giấy phép… Ví dụ Luật Môi giới dữ liệu 2019 ban hành bởi bang Vermont và Luật Đăng ký dữ liệu 2020 của bang California (Hoa Kỳ) đều yêu cầu bắt buộc các nhà môi giới dữ liệu phải tiến hành đăng ký hoạt động tại các cơ quan có thẩm quyền cũng như cung cấp các thông tin về doanh nghiệp và chính sách hoạt động liên quan đến dữ liệu để người tiêu dùng có thể nắm được(7). Hai là năng lực hành vi, tức là khả năng của chính chủ thể đó bao gồm sự chuyên môn hóa, kinh nghiệm, kỹ năng, đội ngũ nhân sự, cơ sở hạ tầng trong việc thực hiện các hoạt động về thương mại hóa dữ liệu để mang lại hiệu quả mong muốn và giảm thiểu các rủi ro có thể xảy ra.

Bên cung ứng các hàng hóa, dịch vụ về thương mại hóa dữ liệu nhìn chung có thể là cá nhân hoặc tổ chức, miễn sao bảo đảm được các yếu tố về năng lực chủ thể để cung cấp hàng hóa, dịch vụ một cách tốt nhất cho khách hàng. Trên thực tế, hầu hết các chủ thể này sẽ tồn tại ở dưới dạng tổ chức. Điều này được lý giải bởi việc các tổ chức có cơ cấu bộ máy bài bản, số lượng nhân sự đông đảo, hoạt động theo quy trình phối hợp giữa nhiều bên thì mới có thể tạo nên sự chuyên nghiệp, từ đó cung cấp dịch vụ được cho rất nhiều khách hàng sử dụng hàng hóa, dịch vụ. Còn nếu bên cung ứng dịch vụ, hàng hóa chỉ là cá nhân thì rõ ràng số lượng khách hàng phục vụ được sẽ bị hạn chế do quy mô nhỏ, một cá nhân không thể đảm đương quá nhiều việc và phục vụ cho nhiều người cùng một lúc.

Bên còn lại, tức là bên được cung ứng dịch vụ, hàng hóa trong thương mại hóa dữ liệu là khách hàng. Thuật ngữ khách hàng ở đây có thể hiểu là người tiêu dùng hoặc một bên chuyên nghiệp được nhận chuyển nhượng dữ liệu hoặc được cấp phép sử dụng dữ liệu từ thương nhân là bên cung ứng dịch vụ, hàng hóa. Đối với khách hàng là người tiêu dùng, lúc này họ sẽ là người tiếp nhận các sản phẩm hoàn chỉnh của hoạt động thương mại hóa dữ liệu, lý do là vì mục tiêu của thương mại hóa dữ liệu cũng là để tiếp cận những khách hàng này để cung cấp những sản phẩm, dịch vụ theo đúng yêu cầu. Ở một góc độ khác, chính những người tiêu dùng cũng có thể là người tạo ra các dữ liệu để trên cơ sở đó, là nền tảng cho các doanh nghiệp tiến hành thu thập và bắt đầu chuỗi giá trị về dữ liệu. Như vậy, người tiêu dùng có thể là chủ thể ở giai đoạn đầu hoặc giai đoạn cuối của hoạt động thương mại hóa dữ liệu, họ có thể chấp nhận cho phép các doanh nghiệp thu thập và sử dụng các dữ liệu của mình hay không, và sau này khi dữ liệu đã được xử lý qua một quá trình, thì chính người tiêu dùng cũng sẽ là đối tượng sau cùng tiếp nhận các dữ liệu đó.

Ngoài ra, khách hàng còn có thể là các bên được nhận chuyển nhượng dữ liệu hoặc cấp phép truy cập, sử dụng dữ liệu từ một bên khác. Lúc này, bên thương nhân ban đầu đóng vai trò như môi giới dữ liệu, tức là họ không sử dụng những dữ liệu đó cho mục đích nội bộ để sinh lợi, mà sẽ cung cấp những dữ liệu đó cho một bên khác và tạo ra lợi nhuận từ hoạt động mua bán hoặc cấp phép sử dụng dữ liệu.

Thứ hai, mục đích của hoạt động thương mại hóa dữ liệu là để nhằm sinh lợi

Mục tiêu, điểm đến của các hoạt động thương mại nói chung và thương mại hóa dữ liệu nói riêng luôn là lợi nhuận mà không thể là bất kỳ thứ gì khác. Thương mại hóa dữ liệu có thể giúp các chủ thể sinh lợi thông qua các cách thức như sau:

(1) Tăng trưởng doanh thu bán hàng thông qua quảng cáo nhắm tới các khách hàng cụ thể. Đây là một trong những ứng dụng phổ biến nhất của thương mại hóa dữ liệu khi các doanh nghiệp, dựa trên những dữ liệu về sở thích, hành vi hoặc các đặc điểm khác liên quan đến một nhóm khách hàng cụ thể, sẽ chạy những chiến dịch quảng cáo để tăng cường khả năng tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ. Bằng các quảng cáo tiếp cận khách hàng ngày càng trở nên chính xác với nhu cầu của khách hàng hơn, doanh thu bán hàng sẽ được cải thiện với các doanh nghiệp sử dụng những dữ liệu này.

(2) Phân tích khách hàng và đánh giá rủi ro. Bản thân hoạt động thu thập và phân tích dữ liệu của người tiêu dùng là một trong những yếu tố then chốt để phát triển bộ nhận diện chính xác trong việc tìm kiếm các khách hàng mới và giữ chân các khách hàng hiện tại. Trong một vài ngành nghề, đây có thể là vấn đề mấu chốt để tạo ra lợi thế cạnh tranh với các đối thủ khác. Ví dụ như ngành bảo hiểm đã có một thời gian dài sử dụng các dữ liệu của khách hàng để nhận biết các rủi ro về hồ sơ khách hàng cũng như đưa ra các khoản phí bảo hiểm. Khách hàng, trong quá trình yêu cầu bảo hiểm sẽ cung cấp rất nhiều các thông tin về bản thân cũng như các vấn đề khác liên quan đến đối tượng được bảo hiểm. Thậm chí các công ty bảo hiểm còn sử dụng thông tin tự thu thập hoặc từ các bên thứ ba về khách hàng để hỗ trợ cho quá trình quản trị rủi ro, giảm thiểu nguy cơ từ các trường hợp lừa đảo hoặc trục lợi. Từ đó, các công ty bảo hiểm có thể tiết kiệm được những khoản chi phí tương đối so với việc phải trả những khoản phí bảo hiểm do hệ quả của các vụ trục lợi bảo hiểm.

(3) Cải thiện và phát triển sản phẩm. Hoạt động thương mại hóa dữ liệu có thể giúp các doanh nghiệp phát hiện ra các khoảng trống tiềm năng trong thị trường cũng như nhu cầu đối với các sản phẩm, dịch vụ chưa tồn tại và phát triển những cách thức mới để giải quyết vấn đề này. Ví dụ như trong ngành game, việc liên tục phân tích các dữ liệu của người chơi là đặc biệt quan trọng để tối ưu các trò chơi, như phát hiện các vấn đề trong các mức độ khó của trò chơi và đặt ra một mức độ khó tương xứng để tránh sự tẻ nhạt và nản chí đối với một số bộ phận người chơi. Điều này sẽ quyết định đến việc các nhà phát triển ứng dụng trò chơi kiếm tiền từ các ứng dụng đó hiệu quả hay không.

(4) Xây dựng các quy trình, chiến lược kinh doanh và cải thiện hiệu suất. Thông qua việc sử dụng các dữ liệu từ khách hàng hay người tiêu dùng, các doanh nghiệp có thể xây dựng các chiến lược kinh doanh như tìm hiểu xem địa điểm nào phù hợp nhất để đặt các cửa hàng tùy theo dữ liệu về vị trí địa lý địa phương, quyết định sản phẩm nào để tích trữ tồn kho và trong bao lâu, tùy thuộc vào dữ liệu về nhu cầu khách hàng và loại sản phẩm hay thương hiệu nào đang trở nên phổ biến hoặc đang không được khách hàng ưa chuộng… Tất cả những hoạt động này đóng góp vào chiến lược kinh doanh một cách tổng thể, tối ưu hiệu suất để cuối cùng tạo ra hiệu quả về mặt doanh số hoặc lợi nhuận cho các doanh nghiệp sử dụng và khai thác dữ liệu.

Thứ ba, thương mại hóa dữ liệu khai thác một hoặc nhiều hành vi trong chuỗi giá trị của dữ liệu

Quá trình thương mại hóa dữ liệu nhìn chung có thể chia thành ba giai đoạn tách biệt với nhau, bao gồm thu thập dữ liệu, xử lý dữ liệu và cuối cùng là sử dụng dữ liệu. Trong đó, thu thập dữ liệu bao gồm xác định loại dữ liệu cần thu thập và sau đó thiết lập một quy trình để thu thập được các dữ liệu đó. Dữ liệu sau khi thu thập được sẽ cần phải trải qua một quá trình trung gian gọi là xử lý dữ liệu. Quá trình này tương đối nhiều các hoạt động khác nhau như tổ chức, làm sạch, tích hợp, phân tích để biến nguồn dữ liệu thô ban đầu trở thành loại dữ liệu có thể khai thác được. Cuối cùng, dữ liệu đó sẽ được sử dụng để có thể tạo ra lợi nhuận cho các chủ thể mang quyền đối với dữ liệu. Việc sử dụng này được hiểu là áp dụng các kết quả từ quá trình phân tích, xử lý dữ liệu để từ đó giải quyết các vấn đề nhất định. Sử dụng dữ liệu có thể bao gồm khai thác dữ liệu trong phạm vi nội bộ, tức là dùng những dữ liệu này để tạo ra những kết quả tích cực về mặt kinh doanh đối với doanh nghiệp đó như tăng doanh thu, giảm thiểu chi phí, quản trị rủi ro, nâng cao hiệu suất hoặc dữ liệu có thể được khai thác thông qua mối quan hệ với một đối tác bên ngoài. Tức là bên thu thập dữ liệu có thể sẽ đóng gói và chuyển nhượng quyền đối với dữ liệu hoặc cấp phép cho một bên thứ ba để bên đó trực tiếp khai thác nội dung của các dữ liệu đó.

Mối quan hệ giữa thương mại hóa dữ liệu và quyền riêng tư đối với dữ liệu Thương mại hóa dữ liệu là mối đe dọa đối với quyền riêng tư

Ngày nay, sự phát triển của khoa học công nghệ giúp giảm các chi phí cho doanh nghiệp trong việc thu thập và khai thác dữ liệu, đặc biệt là các dữ liệu của người tiêu dùng. Điều này làm tăng mối đe dọa đối với quyền riêng tư của người tiêu dùng, khi dữ liệu của họ là nguồn đầu vào và tài nguyên sử dụng trong nhiều trường hợp.

Để tạo ra lợi nhuận hoặc một mục đích khác, các dữ liệu được thu thập thông qua các công nghệ nhất định có thể được chia sẻ giữa các đối tác kinh doanh và các mạng lưới, giữa các nhà sản xuất và nhà cung ứng hoặc công ty con. Các dữ liệu được thu thập từ mạng xã hội, về không gian địa lý, sinh trắc học và các thiết bị truy vết có thể được thương mại hóa theo rất nhiều cách khác nhau. Chúng có thể được sử dụng để nâng cao hiệu quả marketing và kinh doanh thông qua phân tích các chiến lược về phân khúc thị trường và khách hàng khi tạo ra các nội dung, sản phẩm, trải nghiệm được cá nhân hóa cũng như xây dựng và củng cố quan hệ với khách hàng. Những dữ liệu này giúp nâng cấp và tối ưu sản phẩm thông qua một số cải tiến như nhận diện khuôn mặt hay cảnh báo về sức khỏe (đồng hồ đeo tay Apple). Các doanh nghiệp cũng có thể chuyển giao các dữ liệu hay các phân tích về dữ liệu thông qua các giao dịch mua bán cho các doanh nghiệp, tổ chức khác, ví dụ như Facebook bán các hiểu biết và phân tích chi tiết dựa trên dữ liệu của người dùng hoặc Twitter cung cấp các gói đăng ký truy cập vào API cho bên thứ ba, từ đó cho phép các bên khác khám phá hành vi của người dùng.

Tất cả những hoạt động này đang đe dọa tới quyền riêng tư về mặt thông tin khi người tiêu dùng mất kiểm soát đối với những ai đang truy cập vào thông tin cá nhân cũng như những cuộc trò chuyện, trao đổi của bản thân (các dòng tweet, đánh giá trên một trang facebook công khai). Các dữ liệu về địa lý cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức phát hiện ra vị trí của khách hàng; thông qua giám sát các bước chân của khách hàng thì các doanh nghiệp có thể theo sát họ trên những địa điểm khác nhau, từ đó làm dấy lên những lo ngại về quyền riêng tư của cá nhân. Ngoài ra, các dữ liệu sinh trắc học, về tâm trạng hay cảm xúc, cũng tạo ra những vấn đề về mặt đạo đức khi chúng phản ánh cảm xúc của cá nhân nhưng có thể được sử dụng vì mục đích thương mại, từ đó tạo ra các vi phạm về quyền riêng tư của cá nhân. Thông tin của mỗi người có thể còn bao gồm trong đó các chi tiết về những người khác, do tính chất liên kết mạng lưới của các mạng xã hội. Nếu một người dùng đánh dấu một người bạn của mình trên trang facebook công khai, những cuộc trò chuyện này cũng sẽ được phơi bày ra, từ đó tạo ra sự vi phạm về quyền riêng tư đối với giao tiếp của cả hai người nếu các doanh nghiệp ghi lại và khai thác những nội dung bên trong cuộc trò chuyện đó.

Quyền riêng tư tạo ra sự cản trở đối với hoạt động thương mại hóa dữ liệu

Tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp

Các vấn đề về quyền riêng tư ảnh hưởng các doanh nghiệp, tổ chức thông qua việc trực tiếp giảm doanh thu, lý do là vì nhiều người tiêu dùng sẽ lựa chọn không sử dụng hàng hóa, dịch vụ từ những doanh nghiệp có khả năng đe dọa quyền riêng tư của họ. Thêm vào đó, vấn đề về quyền riêng tư còn có thể làm giảm xu hướng mua bán của khách hàng khi họ quyết định không tận dụng các dịch vụ online được cá nhân hóa hoặc sẽ trả thêm tiền để mua hàng từ những website bảo vệ quyền riêng tư một cách hiệu quả hơn.

Tạo ra rủi ro pháp lý đối với các doanh nghiệp, tổ chức

Trong quá khứ, các gã khổng lồ công nghệ bao gồm cả Google, Facebook, Tiktok hay Snapchat đều đã từng phải đối mặt với các vụ kiện liên quan đến việc vi phạm quy định về hình ảnh người dùng và phải trả các khoản tiền khổng lồ lên tới hàng trăm triệu đô la(8). Hay một ngành công nghiệp thường xuyên phải đối mặt với các vấn đề pháp lý liên quan đến cả quyền riêng tư và an toàn đó chính là ngành công nghiệp về đồ chơi thông minh. Năm 2018, nhà sản xuất thiết bị điện cho trẻ em Vtech đã bị phạt 650.000 USD vì vi phạm quy định dữ liệu khi các thông tin cá nhân của hàng triệu trẻ em đã bị lộ. Vtech đã thu thập các dữ liệu về trẻ em bao gồm họ tên, ngày sinh nhật và giới tính mà không có sự đồng ý của cha mẹ, đồng thời lưu trữ các dữ liệu này mà không mã hóa trong các máy chủ của doanh nghiệp(9). Vụ việc này cho thấy rủi ro pháp lý có thể lớn hơn khi các doanh nghiệp hướng đến phân khúc khách hàng coi trọng sự bảo vệ về quyền riêng tư cao hơn, ví dụ như trẻ em.

Các rủi ro pháp lý, đặc biệt tạo ra các chi phí không nhỏ trong việc theo đuổi những vụ kiện đối với các doanh nghiệp nhỏ, so với các doanh nghiệp lớn vốn có nền tảng và nguồn lực đủ mạnh để bảo vệ chính mình. Thông thường thì các doanh nghiệp lớn sẽ theo đuổi những vụ việc này một cách quyết liệt hơn để tránh những vụ việc tương tự lặp lại trong tương lai. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ, vốn cần phải tiết giảm các chi phí để làm nguồn lực tập trung cho hoạt động kinh doanh chính, sẽ là những đối tượng phải chịu thiệt hại không nhỏ khi người tiêu dùng hay khách hàng cân nhắc áp dụng các biện pháp pháp lý nhất định.

Tạo ra rủi ro về quyền đối với dữ liệu của các doanh nghiệp

Khi khả năng tiếp cận các nguồn dữ liệu của doanh nghiệp bị hạn chế, điều đó đồng nghĩa với việc đổi mới trong kinh doanh và marketing sẽ bị ảnh hưởng. Đó chính là khi vấn đề về quyền riêng tư khiến cho các khách hàng có ít động lực chia sẻ thông tin cá nhân với các doanh nghiệp. Hơn nữa, người tiêu dùng có thể xóa các dữ liệu cá nhân khỏi bộ dữ liệu của doanh nghiệp hoặc cung cấp các thông tin giả để đối mặt với vấn đề về quyền riêng tư. Điều này sẽ tạo ra những áp lực lớn cho các doanh nghiệp nhỏ vì bản thân những doanh nghiệp này có ít các nguồn dữ liệu để xác minh và kiểm tra chéo các thông tin của người dùng, và thông thường người tiêu dùng có xu hướng ít tin tưởng các doanh nghiệp nhỏ hơn so với các doanh nghiệp lớn.

Thêm vào đó, các doanh nghiệp có thể phản ứng với các lo ngại về quyền riêng tư bằng cách xây dựng nên cái gọi là “walled gardens” - khu vườn có tường bao quanh, được hiểu là một hệ sinh thái đóng, được kiểm soát bởi một nhà điều hành duy nhất. Ví dụ tiêu biểu chính là hệ sinh thái của Apple, yêu cầu người dùng tải các ứng dụng đã được Apple kiểm soát từ Apple Store. Apple cũng giới thiệu một ứng dụng từ chối truy vết trên trình duyệt của mình Safari để ngăn cản các ứng dụng thu thập dữ liệu thông tin từ người dùng để phục vụ cho các hoạt động quảng cáo. Ngoài việc tạo ra “walled gardens”, các doanh nghiệp có thể hạn chế truy cập dữ liệu đối với các bên khác trong hệ sinh thái. Ví dụ như để bảo đảm tính riêng tư, Google không còn cung cấp cho các đơn vị marketing các dữ liệu của người dùng và ID cho phép các doanh nghiệp đó sử dụng thông tin này từ các ứng dụng độc lập với Google. Thay vào đó, các nhà quảng cáo sẽ phải phụ thuộc vào Google’s Ads Data Hub, một nơi lưu trữ dữ liệu trong đó các dữ liệu dùng để quảng cáo sẽ được lưu trữ và chỉ có thể kết nối với các giải pháp của Google để phân phối, phân tích và quản lý dữ liệu. Điều này sẽ khiến cho các doanh nghiệp nhỏ trở nên khó khăn hơn trong việc phát triển và sử dụng ứng dụng riêng của mình, từ đó khiến cho những doanh nghiệp này khó có khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp khác, dẫn đến sự xung đột giữa mục tiêu của các chính sách về cạnh tranh và chính sách về quyền riêng tư.

Quyền riêng tư có những tác động tích cực trở lại đối với hoạt động thương mại hóa dữ liệu

Tạo ra sự đổi mới về quyền riêng tư với tư cách là một khía cạnh kinh doanh mới

Bên cạnh những tác động tiêu cực lên sự phát triển trong tương lai của thương mại hóa dữ liệu, các vấn đề về quyền riêng tư còn tạo ra những khía cạnh tích cực, một trong số đó là hình thành nên những động lực mở đường cho những hình thức đổi mới tiếp theo, đó chính là đổi mới về quyền riêng tư. Tất nhiều các doanh nghiệp đã bắt đầu phát triển các sản phẩm hay dịch vụ giúp bảo vệ quyền riêng tư của người tiêu dùng. Một ví dụ tiêu biểu trong trường hợp này đó chính là sự phát triển và ứng dụng của công nghệ blockchain. Có rất nhiều ứng dụng của công nghệ này mang lại lợi ích trong việc giải quyết những lo ngại về quyền riêng tư, một trong số đó chính là quản lý dữ liệu và nhận dạng cá nhân, khi hệ thống này bảo đảm rằng người sử dụng sở hữu và kiểm soát dữ liệu cá nhân của mình. Trong một nỗ lực trao cho người tiêu dùng quyền được sở hữu các dữ liệu của họ, startup có tên Hu-manity. co đã xây dựng một ứng dụng dựa trên nền tảng blockchain cho phép người dùng quản lý một cách minh bạch các dữ liệu về vị trí địa lý, lịch sử lái xe và phương tiện, thói quen chi tiêu, lịch sử bệnh án và các thói quen giải trí khác như là một tài sản hợp pháp trên blockchain. Điều này trao cho khách hàng các đặc tính pháp lý của quyền sở hữu đối với dữ liệu, như là tham gia mua bán, đàm phán về giá trị hợp lý cũng như chia sẻ, thay vì bị truy vết bởi các doanh nghiệp(10).

Bên cạnh đó, các nghiên cứu học thuật cũng đã bắt đầu nghiên cứu về các giải pháp bảo toàn quyền riêng tư đối với thương mại hóa dữ liệu. Ví dụ như các dòng điện thoại thông minh kết hợp truy vết online với các sản phẩm liên kết, từ đó đưa ra một cơ sở đầy tiềm năng cho hoạt động đổi mới về quyền riêng tư. Ở góc độ này, một số học giả cũng đã phát triển những giải pháp như học giả Sutanto đề xuất một ứng dụng quảng cáo trên điện thoại được cá nhân hóa, nhưng vẫn lưu giữ lại những thông tin của người dùng ở trên chính điện thoại của họ(11). Tương tự, học giả Enck giới thiệu một hệ thống giám sát việc sử dụng thông tin của khách hàng bởi ứng dụng của bên thứ ba trên điện thoại thông minh(12). Từ đó, có thể nhận thấy rằng đổi mới trong quyền riêng tư có thể tạo ra những lợi ích trực tiếp và gián tiếp cho các doanh nghiệp, cung cấp những cơ hội kinh doanh mới trong khi giảm thiểu các tác động tiêu cực từ những lo ngại về quyền riêng tư lên cả doanh nghiệp và khách hàng.

Tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp

Khi quyền riêng tư trở nên ngày càng quan trọng với người tiêu dùng, những doanh nghiệp nào đáp ứng yêu cầu này có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh so với những doanh nghiệp không áp dụng. Một ví dụ cụ thể đó chính là công cụ tìm kiếm DuckDuckGo. Doanh nghiệp này tạo ra sự khác biệt với những doanh nghiệp sở hữu công cụ tìm kiếm khác ở chỗ không thu thập hay chia sẻ thông tin cá nhân của người tiêu dùng và hiện lên cho người dùng thấy một kết quả tìm kiếm như nhau với cùng một câu hỏi đưa ra, như thể đó là lần đầu tiến hành tìm kiếm của người đó tại website. Ngoài ra, một số kết quả nghiên cứu khác cũng cho thấy rằng với các công cụ tìm kiếm tuân thủ các quy định pháp luật hướng dẫn về thời gian lưu trữ các dữ liệu cá nhân thì gần như không có sự khác biệt về độ chính xác giữa các công cụ tìm kiếm đó. Việc lưu trữ các thông tin cá nhân trên 6 tháng của các công cụ tìm kiếm gần như không có lợi thế gì so với các công cụ tìm kiếm dựa trên sự ẩn danh của người dùng. Điều này được giải thích là do nhiều công cụ tìm kiếm là khá mới và phát triển các dữ liệu về mặt lịch sử của người dùng có ít ý nghĩa trong việc dự đoán người tiêu dùng mong muốn tìm kiếm hơn so với những dữ liệu gần nhất.

Nhìn chung, rất nhiều doanh nghiệp tìm kiếm các lợi thế cạnh tranh thông qua nhấn mạnh rằng đối thủ của mình ít quan tâm về quyền riêng tư của khách hàng, như trường hợp của Microsoft cáo buộc Google sử dụng thông tin của người tiêu dùng không đúng quy định, hoặc tiếp nhận công nghệ mới thân thiện hơn với quyền riêng tư như việc Google đề xuất DuckDuckGo như là công cụ tìm kiếm mặc định tại nhiều thị trường khác nhau(13). Có thể thấy rằng một lợi thế cạnh tranh như vậy có thể không dẫn đến lợi ích vật chất như là tăng doanh thu hay tăng thị phần, nhưng có thể làm tăng mức độ tiếp cận với dữ liệu của người tiêu dùng. Người tiêu dùng lúc này sẵn sàng cho phép các nhà quảng cáo hoặc doanh nghiệp sử dụng thông tin của họ khi những thông tin này được sử dụng một cách phù hợp. Tức là những doanh nghiệp đáp ứng vấn đề về quyền riêng tư của người tiêu dùng có thể đạt được vị thế vượt trội trên thị trường so với những doanh nghiệp ít quan tâm đến vấn đề này. Quyền riêng tư từ đó tạo ra những cơ hội mới.

Kết luận

Thương mại hóa dữ liệu là quá trình tất yếu không thể thay đổi trong xu hướng toàn cầu hiện nay trong bối cảnh dữ liệu được xem là nguồn tài nguyên thiết yếu đối với mọi quốc gia, doanh nghiệp trên phạm vi toàn cầu. Quá trình này tạo ra các giá trị khổng lồ để thúc đẩy các hoạt động kinh tế, từ đó mang lại những nguồn lực lớn lao và tạo điều kiện cho việc đổi mới sáng tạo trên toàn thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh đó chúng ta cần nhìn nhận lại mối quan hệ giữa thương mại hóa dữ liệu với quyền riêng tư về dữ liệu, vốn là hai mặt của cùng một vấn đề, mặc dù có sự xung đột với nhau nhưng cũng đồng thời thúc đẩy và hoàn thiện lẫn nhau. Việc tạo ra giải pháp về dữ liệu cân bằng giữa hai yếu tố này sẽ luôn là mục tiêu quan trọng nhất của mọi quốc gia để vừa bảo đảm được các giá trị về mặt kinh tế nhưng cũng đồng thời bảo vệ các quyền tuyệt đối về mặt nhân thân đối với các cá nhân.

(1) Xem https://vuahoachat.com/thuong-mai-hoa-khai-niem-linh-vuc-ung-dung-va-tam-quan-trong/, ngày 07/11/2023.

(2) Xem https://hocmarketing.org/thuong-mai-hoa-la-gi-cac-buoc-thuong-mai-hoa-san-pham, ngày 07/11/2023.

(3) Xem https://research.aimultiple.com/data-commercialization/, ngày 07/11/2023.

(4) Xem https://arekskuza.com/the-innovation-blog/data-commercialization-and-data-monetization/, ngày 07/11/2023.

(5) Vt. Stat. Ann. tit. 9, § 2430(4); Cal. Civ. Code § 1798.99.80(d).

(6) Xem https://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/HTML/?uri=CELEX:32016R0679&from=EN

d1e1374-1-1, ngày 07/11/2023.

(7) Xem https://ago.vermont.gov/sites/ago/files/wp-content/uploads/2018/12/2018-12-11-VT-Data-Broker-Regulation-Guidance. pdf, ngày 07/11/2023.

(8) Xem https://vnmedia.vn/cong-nghe/202209/vi-pham-quy-dinh-ve-hinh-anh-nguoi-dung-google-phai-tra-100-trieu-usd- 16d5255/, ngày 22/11/2023.

(9) Xem https://www.ftc.gov/news-events/news/press-releases/2018/01/electronic-toy-maker-vtech-settles-ftc-allegations-it- violated-childrens-privacy-law-ftc-act, ngày 27/11/2023.

(10) Alexander Bleier, Avi Goldfarb, Catherine Tucker (2020), Consumer privacy and the future of data-based innovation and marketing, xem http://dx.doi.org/10.1016/j.ijresmar.2020.03.006, ngày 27/11/2023.

(11) Juliana Sutanto, Elia Palme, Chuan-Hoo Tan and Chee Wei Phang (2013), Addressing the Personalization-Privacy Paradox: An Empirical Assessment from a Field Experiment on Smartphone Users, Management Information Systems Research Center, University of Minnesota, xem https://www.jstor.org/stable/43825785, ngày 27/11/2023.

(12) William Enck (2014), TaintDroid: An Information-Flow Tracking System for Realtime Privacy Monitoring on Smartphones, ACM Transactions on Computer Systems, Volume 32, Issue 2, Article No.: 5, pp 1–29, xem https://doi.org/10.1145/2619091, ngày 27/11/2023.

(13) Xem https://searchengineland.com/duckduckgo-a-new-default-search-option-for-chrome-is-it-time-to-start-paying- attention 313940#:~:text=Google%20has%20reportedly%20introduced%20new,60%20markets%20around%20the%20world., ngày 27/11/2023.