Các nguyên nhân tăng nhãn áp

Tăng nhãn áp là một kẻ thù thầm lặng đối với sức khỏe. Bạn có thể bị tăng nhãn áp mà không có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào. Tuy nhiên, hậu quả mà nó để lại là rất to lớn: suy giảm thị lực không hồi phục. Dù vậy, phát hiện sớm và điều trị đúng hoàn toàn có thể ngăn chặn diễn tiến xấu. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu các thông tin cơ bản về tăng nhãn áp bao gồm: nguyên nhân, biểu hiện, thăm khám và điều trị.

Nội dung bài viết

  • Tăng nhãn áp là gì?
  • Nguyên nhân của tăng nhãn áp là gì?
  • Ai có nguy cơ cao mắc tăng nhãn áp?
  • Tăng nhãn áp có triệu chứng như thế nào?
  • Tăng nhãn áp được phát hiện như thế nào?
  • Điều trị bệnh tăng nhãn áp như thế nào?

Tăng nhãn áp là gì?

Tăng nhãn áp là tình trạng áp lực ở bên trong của mắt tăng cao hơn sinh lý bình thường. Nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến tổn thương thần kinh thị giác và suy giảm thị lực không hồi phục (còn gọi là bệnh glaucoma – hay bệnh cườm nước).

Nguyên nhân của tăng nhãn áp là gì?

Tăng nhãn áp gây ra bởi sự mất cân bằng giữa quá trình sản xuất và thoát dịch ở phía bên trong mắt. Bạn có thể hình dung một cách đơn giản rằng mắt chúng ta như một quả bóng chứa đầy nước. Lượng nước trong quả bóng càng nhiều, áp lực trong quả bóng càng tăng. Nhãn áp tăng cao lâu ngày sẽ làm chết các tế bào thần kinh ở phía sau của mắt.

Các nguyên nhân tăng nhãn áp
Nguyên nhân làm tăng nhãn áp do chất lỏng tích tụ trong nhãn cầu quá nhiều

Tình trạng này có thể xảy ra sau chấn thương hay một bệnh lý ở mắt, hoặc sử dụng thuốc kéo dài (thường là thuốc nhóm steroid).

Ai có nguy cơ cao mắc tăng nhãn áp?

Bất kỳ ai cũng có thể mắc phải tình trạng này. Tuy nhiên, nếu bạn ở một trong các tình huống dưới đây thì sẽ có nguy cơ tăng nhãn áp cao hơn hẳn:

  • Có người thân bị tăng nhãn áp hoặc bệnh glaucoma (cườm nước).
  • Đang mắc đái tháo đường hoặc tăng huyết áp.
  • Trên 40 tuổi.
  • Sử dụng steroid kéo dài (bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp đang điều trị, bệnh nhân xuất huyết giảm tiểu cầu…).
  • Đã từng chấn thương hoặc phẫu thuật mắt.

Tăng nhãn áp có triệu chứng như thế nào?

Tăng nhãn áp thường tồn tại mà không có bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nào. Do đó, khám mắt định kỳ với các bác sĩ nhãn khoa là thói quen rất quan trọng, đặc biệt là khi bạn có các yếu tố nguy cơ đã đề cập ở trên.

Bạn có thể xem qua bài viết: Dấu hiệu và cách điều trị tăng nhãn áp mà bạn cần biết

Tăng nhãn áp được phát hiện như thế nào?

Tại các cơ sở y tế, bác sĩ có thể phát hiện tình trạng này thông qua việc thăm khám và chỉ định các xét nghiệm cần thiết.

1. Đo nhãn áp

Là một phương pháp đánh giá áp lực ở bên trong của mắt. Mỗi mắt sẽ được thực hiện ít nhất 2 – 3 lần để xác định chắc chắn. Bởi vì nhãn áp có thể thay đổi khác nhau ở từng người và từng thời điểm trong ngày.

Các nguyên nhân tăng nhãn áp
Bác sĩ đo nhãn áp bằng dụng cụ đặc biệt

2. Kiểm tra thị lực

Bác sĩ đo khả năng nhìn bằng cách dùng bảng chữ cái chuyên dụng được đặt ở khoảng cách quy định. Bằng cách này, ta sẽ đánh giá được ảnh hưởng của tăng nhãn áp lên thị lực của người bệnh.

3. Kiểm tra khả năng nhìn ngoại vi

Dùng để loại trừ triệu chứng mất tầm nhìn ngoại vi gây ra bởi bệnh cườm nước. Đây là hậu quả của tăng nhãn áp kéo dài không được điều trị. Bạn cần định kỳ tái khám để thường xuyên đánh giá nguy cơ dẫn đến mù lòa theo lời hẹn của bác sĩ.

4. Soi cấu trúc bên trong mắt

Bác sĩ sử dụng một ống kính lúp đặc biệt để phát hiện các tổn thương ở võng mạc và dây thần kinh thị giác. Ở một vài trường hợp đặc biệt, có thể cần đến hình ảnh chụp võng mạc để theo dõi và đánh giá sự thay đổi trong tương lai.

5. Đo độ dày giác mạc

Độ dày/mỏng của giác mạc có thể làm ảnh hưởng kết quả đo nhãn áp. Do đó, đo độ dày giác mạc dùng để đánh giá lại mức độ chính xác của kết quả đo lường trước đó.

Điều trị bệnh tăng nhãn áp như thế nào?

Mục tiêu điều trị là cải thiện tình trạng tăng nhãn áp nhằm tránh dẫn đến tổn thương thần kinh và giảm/mất thị lực trong tương lai. Tùy vào những tình huống cụ thể, điều trị có thể là theo dõi, dùng thuốc hoặc phẫu thuật.

1. Điều trị bằng cách dùng thuốc

Là phương pháp phổ biến nhất trong điều trị tăng nhãn áp. Trong đó, thuốc nhỏ mắt là dạng được ưu tiên sử dụng để làm giảm áp lực ở bên trong của mắt. Đôi khi, cần phải phối hợp từ hai loại thuốc trở lên mới đạt được mục tiêu điều trị.

Trong quá trình điều trị, cần tái khám định kỳ để đánh giá về hiệu quả điều trị cũng như các tác dụng phụ không mong muốn của thuốc. Lần tái khám đầu tiên thường rơi vào khoảng 3 – 4 tuần sau khi sử dụng thuốc. Các lần tái khám tiếp theo tùy thuộc vào đánh giá đáp ứng lâm sàng của bác sĩ.

Các nguyên nhân tăng nhãn áp
Điều trị bằng thuốc là phương pháp phổ biến nhất trong điều trị tăng nhãn áp

2. Phẫu thuật

Phẫu thuật và laser thường không được sử dụng rộng rãi trong điều trị tăng nhãn áp. Tuy nhiên, trong trường hợp vẫn không thể kiểm soát nhãn áp bằng thuốc thì hai phương pháp này có thể được lựa chọn. Hãy thảo luận với bác sĩ điều trị để hiểu rõ hơn về ưu và nhược điểm của từng phương pháp trước khi quyết định.

Các nguyên nhân tăng nhãn áp
Phẫu thuật được lựa chọn khi không kiểm soát bệnh tăng nhãn áp được bằng thuốc 

3. Giám sát và theo dõi định kỳ

Tăng nhãn áp là yếu tố nguy cơ cao dẫn đến bệnh cườm nước, do đó cần được theo dõi chặt chẽ. Tùy thuộc vào mức độ kiểm soát nhãn áp và tổn thương thần kinh thị giác, lịch tái khám định kỳ có thể thay đổi từ 2 tháng/lần đến 1 năm/lần. Trong trường hợp không thể kiểm soát được nhãn áp, thời gian này có thể ngắn hơn.

Tình trạng này có thể xảy ra ở bất kỳ ai. Nguyên nhân có thể là do một chấn thương hay bệnh lý ở mắt. Các triệu chứng của bệnh biểu hiện một cách vô cùng kín đáo và gây hậu quả to lớn lên chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm, tuân thủ tốt điều trị và tái khám định kỳ thường xuyên, phần lớn bệnh nhân tăng nhãn áp sẽ không phát triển thành bệnh cườm nước và suy giảm thị lực.

Điều trị tăng nhãn áp có thể bao gồm theo dõi, dùng thuốc hoặc phẫu thuật. Một chế độ theo dõi định kỳ và giám sát chặt chẽ sau điều trị là cần thiết để hạn chế nguy cơ phát triển bệnh. Hãy chia sẻ để mọi người cùng biết và phòng tránh bạn nhé!