Các ngân hàng liên kết với bảo hiểm nhân thọ

Các ngân hàng liên kết với bảo hiểm nhân thọ

Ngân hàng TMCP Nam Á

201 - 203 Cách Mạng Tháng Tám, Phường 4, Quận 3, Tp. HCM

ĐT: (84-28) 3929 6699 - Fax: (84-28) 3929 6688

Email:

Liên kết nhanh

Thông báo thu giữ TSĐB

Bùng nổ hợp tác ngân hàng - bảo hiểm

VietinBank và Manulife Việt Nam vừa ký kết thỏa thuận thiết lập quan hệ hợp tác độc quyền 16 năm phân phối bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng, bản thỏa thuận sẽ được triển khai ngay sau khi luật pháp chấp thuận. Sự hợp tác này sẽ thêm một kênh phân phối bảo hiểm sức khỏe cá nhân, gia đình, quản lý tài sản và an sinh hưu trí cho người Việt Nam.

Giới phân tích tài chính nhận định, cuộc hợp tác này bảo hiểm Manulife sẽ có cơ hội tiếp cận 14 triệu khách hàng hiện hữu và mạng lưới hơn 1.150 chi nhánh và phòng giao dịch của VietinBank.

Các ngân hàng liên kết với bảo hiểm nhân thọ
Hàng chục ngàn tỷ đồng của các thương vụ bảo hiểm ký kết với các ngân hàng diễn ra trong năm 2020

MSB cũng mới thông báo với nhà đầu tư trước khi niêm yết cổ phiếu của ngân hàng lên sàn chứng khoán, sẽ chọn một công ty bảo hiểm để ký kết và phân phối sản phẩm ra thị trường quý I năm sau. Lãnh đạo ngân hàng này chưa gật đầu với công ty bảo hiểm cụ thể nào, tuy nhiên ba cái tên Manulife, Prudential, Daiichi Life đã gần như được chọn làm đối tác trong chiến lược của MSB.

Trước đó, ACB đã ký với hãng bảo hiểm nhân thọ SunLife Việt Nam phân phối độc quyền sản phẩm bảo hiểm này trong 15 năm. Vietcombank đã hợp tác và đang triển khai phân phối sản phẩm bảo hiểm FWD trong 15 năm…

Rất nhiều thương vụ bảo hiểm hợp tác với ngân hàng được ký kết và thỏa thuận trong năm nay, trong đó tất cả các ngân hàng thì đều quảng bá phân phối với một hãng bảo hiểm, trong khi các tập đoàn bảo hiểm nước ngoài lại có thể hợp tác với nhiều ngân hàng cùng một lúc. Theo các nguồn khác nhau, thương vụ hợp tác giữa Vietcombank và FWD phí trả trước cho ngân hàng khoảng 9.300 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thương vụ của ACB với Sun Life bắt đầu triển khai từ đầu năm 2021 được Công ty chứng khoán VCBS dự báo mức phí ACB nhận trước được khoảng 8.500 tỷ đồng…

Bảo hiểm liên kết với ngân hàng (bancassurance) bán chéo sản phẩm của nhau không phải mới trên thị trường tài chính, tuy nhiên năm nay dịch bệnh Covid-19 xảy ra càng thúc đẩy các hãng bảo hiểm liên kết với ngân hàng để gia tăng thị phần thông qua mạng lưới hiện có của các ngân hàng.

Lợi ích của các nhà bảo hiểm khi liên kết với ngân hàng còn nằm ở điểm các công ty bảo hiểm tranh thủ uy tín và niềm tin của ngân hàng trong mắt người dân Việt Nam để phân phối sản phẩm bảo hiểm. Theo đó, người dân có quan hệ với ngân hàng mua bảo hiểm thông qua ngân hàng thường yên tâm hơn là tiếp cận sản phẩm bảo hiệm qua các cuộc gọi điện thoại của tư vấn bảo hiểm, hoặc qua các kênh đại lý truyền thống của các hãng bảo hiểm.

Song, ngân hàng liên kết với công ty bảo hiểm có cơ hội giữ chân khách hàng tiền gửi, tiền vay và các dịch vụ tài chính khác. Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc OCB cho biết, ngân hàng ông liên kết với bảo hiểm từ nhiều năm trước còn nhằm mục đích thiết kế ra những sản phẩm trọn gói cho khách hàng để tạo một chi phí lãi vay thấp và đi kèm với đó là các chương trình chăm sóc sức khỏe của bảo hiểm cho người dân ở các tỉnh thành xa xôi tốt hơn.

Tăng thu dịch vụ thông qua bảo hiểm

Ngân hàng truyền thống với ba trụ cột chính là trung tâm tiền mặt, trung tâm thanh toán và trung tâm tín dụng hiện nay đang đứng trước một xu hướng cạnh tranh khốc liệt từ các công ty công nghệ tài chính (fintech). Trước xu hướng giảm lệ thuộc vào tín dụng trong phát triển thu nhập, ngân hàng ngoài việc số hóa các dịch vụ thanh toán và tín dụng, thì phải mở rộng sang bảo hiểm để tăng tỷ trọng thu nhập từ dịch vụ.

Số liệu của các công ty chứng khoán thống kê những ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy, tăng trưởng dịch vụ nói chung của các ngân hàng trong nửa đầu năm nay giảm đáng kể do dịch bệnh Covid-19 bùng nổ. Trong những dịch vụ của ngân hàng thì dịch vụ thanh toán các ngân hàng phải giảm phí để chia sẻ với nền kinh tế ước giảm 1.100 tỷ đồng trong năm nay, dịch vụ xuất nhập khẩu thì các ngân hàng gặp khó khăn do các doanh nghiệp không đẩy mạnh xuất khẩu…

Phí bảo hiểm ngân hàng thu được trong năm nay cũng giảm trong bức tranh toàn ngành vì dịch bệnh người dân hạn chế chi tiêu, nhưng lại có những ngân hàng vẫn duy trì được mức doanh thu khá tốt mặc dù không cao bằng năm ngoái. Số liệu theo dõi khách hàng của các công ty chứng khoán cũng cho thấy, Vietcombank, ACB và một số ngân hàng khác vẫn có doanh số phí bảo hiểm tăng trong các tháng đầu năm nay. Số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ trong nửa đầu năm 2020 tăng 19% so với cùng kỳ đạt 55.953 tỷ đồng. Techcombank, VIB và MB những ngân hàng dẫn đầu về doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ.

Nguồn số liệu của các công ty bảo hiểm thống kê cho thấy, tỷ trọng phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng hiện nay của các tập đoàn bảo hiểm đang chiếm đến trên 70% doanh số hàng năm, phần còn lại thuộc về các kênh truyền thống và phân phối qua các phương tiện số hóa. Trong khi doanh số phí bảo hiểm qua ngân hàng ở mức trên 30% trên tổng doanh số phí của các công ty bảo hiểm và dự báo sẽ tiếp tục tăng khi người dân Việt Nam sử dụng dịch vụ ngân hàng ngày một tăng.

Mặc dù, chủ trương khuyến khích các ngân hàng tăng thu từ phí dịch vụ, trong đó có phí bảo hiểm ngân hàng bán chéo, nhưng các ngân hàng không được phép tăng doanh số phí bảo hiểm bằng mọi giá. Đầu tháng 11/2020 vừa qua, NHNN đã có văn 7928 quy định hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm. Trong đó yêu cầu các ngân hàng không được gắn các sản phẩm bảo hiểm vào chương trình vay vốn tín dụng và gửi tiết kiệm của khách hàng. Trên cơ sở đó, các ngân hàng phải thực hiện phân phối sản phẩm bảo hiểm theo hình thức bán chéo sản phẩm theo quy định pháp luật.

Các ngân hàng liên kết với bảo hiểm nhân thọ

Các ngân hàng đẩy mạnh việc bán bảo hiểm qua ngân hàng nhằm gia tăng nguồn thu từ phí, bù đắp cho nguồn thu từ kênh tín dụng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng bị siết chặt, các NH buộc phải tìm nguồn thu từ dịch vụ, trong đó có việc bán bảo hiểm nhân thọ...

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, tỉ lệ chiết khấu phí bảo hiểm nhân thọ khách hàng đóng trong năm đầu tiên cho các NH rất cao, có NH được hưởng đến 60-65%. 

Do vậy, NH đã dùng nguồn này để triển khai các chương trình khuyến mãi cho khách hàng cũng như thưởng cho nhân viên. Hình thức khuyến mãi phổ biến nhất là bán theo "combo" kiểu gửi tiết kiệm, vay vốn hay mở tài khoản thanh toán kèm mua bảo hiểm.

Giảm lãi suất, tặng tài khoản số đẹp

Khi đến làm thủ tục gửi lại kỳ hạn mới cho khoản tiền tiết kiệm 800 triệu đồng tại một NH thương mại vừa đáo hạn, chị Kim Phương (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đã được nhân viên NH này tư vấn mua gói bảo hiểm vì "đang có nhiều ưu đãi" như giảm 30% phí bảo hiểm năm đầu. 

"Ở một sản phẩm khác lại có cơ hội nhận voucher du lịch giá trị tùy theo hợp đồng, nghe rất hấp dẫn" - chị Kim Phương kể.

Tương tự, anh Trung (Q.3) có khoản tiền gửi kha khá tại một NH có trụ sở ở Q.1 cũng được nhân viên NH gọi điện hỏi và giới thiệu chương trình bảo hiểm nhân thọ mà NH đang triển khai.

"Nhân viên tư vấn cho biết nếu đồng ý mua bảo hiểm này, tôi sẽ được hưởng nhiều ưu đãi như được NH tặng tiền mặt nếu có khoản tiền gửi có kỳ hạn tại NH này, còn nếu có khoản vay sẽ được ưu đãi lãi suất..." - anh Trung kể.

Không chỉ người gửi tiết kiệm, ngay cả người đi vay cũng được chào mua các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Anh Quốc Huy (Q.7) cho biết khi đến một NH tìm hiểu thông tin về lãi suất vay vốn mua căn hộ, vợ chồng anh được nhân viên NH này cho biết nếu mua thêm một sản phẩm bảo hiểm nhân thọ với mức phí khoảng 10 triệu đồng năm đầu tiên sẽ được hưởng lãi suất thấp hơn khoảng 1%/năm so với lãi suất hiện hành.

"Dù nghe lãi suất giảm 1%/năm cũng thấy hấp dẫn nhưng tôi còn phân vân vì e ngại gánh thêm khoản phí bảo hiểm bên cạnh lãi suất" - anh Huy kể.

Ngoài giảm lãi suất, tặng voucher du lịch, tặng tiền, một ưu đãi hấp dẫn khác cũng được NH lấy ra để "chiêu dụ" khách hàng mua hợp đồng bảo hiểm là... tài khoản số đẹp. Nhiều người làm kinh doanh muốn có tài khoản số đẹp đuôi thần tài, lộc phát... đã được nhân viên tư vấn nên mua hợp đồng bảo hiểm để được tặng luôn tài khoản số đẹp.

Bù đắp nguồn thu từ tín dụng

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, việc nhân viên NH tận dụng nguồn khách hàng sẵn có để bán chéo thêm sản phẩm bảo hiểm nhân thọ nở rộ trong thời gian gần đây, nhất là khi chỉ tiêu tín dụng NH Nhà nước giao cho các NH mỗi năm dần thu hẹp. "Room" tín dụng hẹp khiến nguồn thu từ lãi giảm đi và NH phải tìm kiếm thêm nguồn thu khác từ phí.

Trong các nguồn thu từ phí hiện nay, nguồn thu từ phí bảo hiểm ngày càng chiếm thị phần lớn. Các NH cạnh tranh nhau rất quyết liệt và các công ty bảo hiểm lớn cũng tìm nhiều cách để có thể "chen chân" vào các NH thông qua các hợp đồng ký kết phân phối độc quyền bảo hiểm.

Chẳng hạn, Generali vừa ký kết hợp tác chiến lược phân phối độc quyền các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ với NH Phương Đông (OCB) với thời hạn 15 năm. Trước đó, đã có hàng loạt cuộc "bắt tay" giữa NH và công ty bảo hiểm: Sacombank ký kết hợp đồng phân phối độc quyền với Dai-ichi Life VN trong thời gian lên đến 20 năm.

Ngoài Sacombank, Dai-ichi Life Việt Nam còn ký kết với SHB với thời gian 15 năm. Manulife Việt Nam cũng đang hợp tác cùng Techcombank, SCB, TPBank. AIA ký kết với VPBank, KienLong Bank, VietCapital Bank, ACB. Công ty TNHH bảo hiểm Hanwha Life Việt Nam cũng bắt tay với NH Woori Bank và Shinhan để bán các sản phẩm bảo hiểm qua kênh NH. VIB ký hợp đồng độc quyền với Prudential.

"Nóng" nhất là cuộc đua tranh giữa nhiều "ông lớn" bảo hiểm để giành hợp đồng phân phối độc quyền bảo hiểm nhân thọ với Vietcombank. Giám đốc khối khách hàng cá nhân một NH thừa nhận nguồn thu từ phí bảo hiểm chiếm tỉ lệ rất lớn trong tổng thu phí của NH, một số NH cổ phần có tỉ lệ này chiếm đến 60-65%, bởi thu phí từ khách hàng đang gặp khó do các NH tranh nhau giảm phí.

"Thậm chí, các NH còn áp dụng mức phí rút tiền, chuyển khoản nội, ngoại mạng 0 đồng để thu hút khách hàng. Chỉ còn hai nguồn phí có thể mang lại số thu lớn cho NH là phí thanh toán quốc tế và phí từ bán bảo hiểm. Với phí thanh toán quốc tế, các NH cổ phần khó có cửa cạnh tranh với các "ông lớn" gốc nhà nước. Do vậy, nguồn thu từ phí bảo hiểm đang dần trở thành nguồn thu chính" - vị này nói.

Các ngân hàng liên kết với bảo hiểm nhân thọ

Tùy vào nhu cầu của khách, nhân viên của ngân hàng có thể tư vấn cho khách mua các loại bảo hiểm nhân thọ, sức khỏe, ôtô... Ảnh: T.T.D.

Người vay sợ tăng thêm chi phí

Do cạnh tranh quyết liệt, nhiều NH thương mại đã đưa chỉ tiêu bán bảo hiểm nhân thọ vào chỉ tiêu cho nhân viên, bên cạnh chỉ tiêu huy động, tín dụng, bán online... khiến áp lực không ít cho nhân viên, gián tiếp tạo áp lực lên khách hàng. Nhiều khách hàng cảm thấy bị rơi vào thế chẳng đặng đừng, kiểu phải mua bảo hiểm mới được vay vốn, khiến họ chịu thêm gánh nặng do phải "gánh" thêm hợp đồng bảo hiểm.

Chị Hoài Thu (Q.Bình Thạnh) phản ảnh rằng trước kia khi vay vốn mua căn hộ chị chỉ phải mua thêm bảo hiểm cháy nổ, nhưng hiện nay còn được NH tư vấn mua bảo hiểm nhân thọ với lý do phòng khi chị có xảy ra vấn đề gì thì có bảo hiểm thay chị trả khoản vay.

"Tôi đã thế chấp tài sản để đảm bảo khoản vay nên việc gợi ý mua thêm khoản bảo hiểm nhân thọ tôi cho là không cần thiết và có cảm giác không thoải mái" - chị Hoài Thu phản ảnh.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia Bùi Quang Tín cho rằng khoản bảo hiểm nhân thọ kèm theo là không bắt buộc và người vay có quyền từ chối mua. Tuy nhiên, do áp lực từ chỉ tiêu được giao để đảm bảo mức lương, thưởng, nhiều nhân viên không nói rõ cho khách hàng điều này mà tư vấn theo kiểu buộc khách hàng phải mua. "Nên có quy định buộc nhân viên phải tư vấn rõ cho khách hàng" - ông Tín đề nghị.

Theo ông Võ Tấn Hoàng Văn - tổng giám đốc SCB, trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, khoản bảo hiểm nhân thọ kèm theo trên thực tế là bảo vệ khách hàng khi có rủi ro xảy ra thì vẫn có công ty bảo hiểm đứng ra để trả nợ thay. Tuy nhiên, đây là khoản bảo hiểm tự nguyện và NH chỉ khuyến khích thông qua việc ưu đãi lãi suất.

"Trên thực tế doanh số bảo hiểm bán cho người vay không nhiều mà phần lớn là ở phía người gửi thông qua các sản phẩm bảo hiểm đầu tư" - ông Văn nói.

Doanh số ngàn tỉ

Theo công bố của các NH, doanh số bán bảo hiểm qua NH liên tục gia tăng thời gian qua. Tính đến cuối tháng 8-2019, hợp tác bancassurance giữa Sacombank và Dai-ichi Life Việt Nam đã đạt gần 1.200 tỉ đồng tổng doanh thu phí bảo hiểm với hơn 300.000 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được phát hành, vượt xa so với kế hoạch đã đặt ra.

Tính đến cuối tháng 9-2019, thu phí bảo hiểm AIA qua NH Bản Việt cũng tăng gần ba lần so với cùng kỳ 2018. Tại nhiều NH khác, doanh thu từ hoạt động hợp tác bảo hiểm này cũng tăng rất mạnh, có NH đạt 700-800 tỉ đồng, thậm chí hơn 1.000 tỉ đồng/năm.

Trên thị trường cũng có các bảng thống kê và "xếp hạng" doanh số bán bảo hiểm của các NH theo từng tháng. Theo bảng thống kê mà PV có được, vị trí dẫn đầu đang thuộc về VIB, kế đến là MB, Techcombank, SCB, ACB, VPBank, Sacombank.

Các ngân hàng liên kết với bảo hiểm nhân thọ
Để TP.HCM thành trung tâm tài chính: Lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng

ÁNH HỒNG