Bức xúc không làm ta Vô Can PDF

Review sách BỨC XÚC KHÔNG LÀM TA VÔ CAN (Hoa Tuyết)

Cuốn sách là tập hợp những góc nhìn của tác giả về các vấn đề của xã hội hiện nay. Đặng Hoàng Giang có cái nhìn sâu sắc, nhìn thấu những nguyên nhân sâu xa của vấn đề. Bằng cách phân tích, đánh giá thấu đáo các hiện tượng xã hội, tác giả đã đưa ra quan điểm của mình một cách khéo léo nhưng vẫn rất thẳng thắn. Có những quan điểm ta sẽ gật gù đồng tình, có những cái sẽ khiến ta phải nhìn lại mình, cũng có những quan điểm ta chưa thoả mãn lắm. Tác giả đưa ra một cách nhìn toàn diện từ vi mô đến vĩ mô, từ câu chuyện đạo đức cho đến chuyện Quốc gia đại sự, từ chuyện văn hoá đến chính sách pháp luật. Có những câu chuyện gây bức xúc trong dư luận nhưng khó mà thay đổi nếu không có sự đồng thuận của các nhà lãnh đạo – những người đề ra và thực thi hiến pháp.

Cuốn sách với giọng văn hài hước nhưng chứa đầy tính nhân văn. “Đừng lên án và chỉ trích người nghèo, hãy giúp họ nhen nhóm lên sự tự tin, gây dựng niềm hy vọng với chính bản thân mình”. Lối sống của một người dẫn họ đến sự đói nghèo hay sự đói nghèo đã tạo cho họ lối sống như vậy? Theo quan điểm của tôi thì nó là sự tác động qua lại lẫn nhau.

Tôi thích những điều tự nhiên vốn có. Do đó tôi rất thích cách lập luận của tác giả về “phẫu thuật thẩm mỹ”: Mỗi con người có một bản sắc riêng, sự độc đáo riêng. Phẫu thuật thẩm mỹ là sự chối bỏ cơ thể mình, là sự tự phá hoại bản thân. Trong cuộc chạy đua với thời gian và truy tìm tuổi trẻ, người ta luôn là người thua cuộc, không ai có thể chống lại thời gian và tuổi già để mãi mãi xinh đẹp.

Cuốn sách cho thấy một sự am hiểu rộng của tác giả về mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Ông đưa ra những nhận định tinh tế và thấu hiểu từ nhiều góc độ. Có nhiều thứ hay ho trong cuốn sách và tôi xin nêu một vài điểm nhấn.

“Mọi cái tệ hại của con người đến từ chỗ họ không thể rời smartphone để ngồi yên một mình”. Đọc đến đây chắc nhiều bạn không khỏi giật mình và tôi cũng không ngoại lệ.

Cái tát hữu hình của bàn tay vô hình – nền kinh tế thị trường. Nền kinh tế thị trường phát triển kéo theo một loạt hệ lụy của nó – thứ sẽ phá hủy đất nước và con người nếu ta không có những biện pháp kịp thời để “phát triển bền vững”.

Câu chuyện tác giả đề cập đến khiến tôi cảm thấy chua xót nhất là về những cậu bé mới chỉ học cấp ba, chỉ vì giật chiếc mũ 30 nghìn đồng để trêu bạn nữ phải nhận án tù 3 năm với tội danh cướp giật tài sản gây hoang mang dư luận…., giống như bi kịch của nhân vật Jean Valjean trong bộ tiểu thuyết Những Người Khốn Khổ của Victor Hugo, nhận án tù năm năm vì ăn cắp một ổ bánh mì cho mấy đứa cháu. Với cách nói hài hước đầy xót xa, tác giả đã chỉ ra những cái nhân dân thấy mà nhà nước không thấy, sự lo lắng về tương lai của các em… Đọc đến đây tôi có cảm giác hoang mang, không hiểu luật pháp đề ra để giúp con người sống tốt hơn, an tâm hơn hay để phục vụ một lợi ích nào đó?

“Khi quan hệ giữa người với người, giữa người với thiên nhiên trở nên cằn cỗi thì có ngồi trong Lexus người ta cũng chỉ là kẻ bất hạnh”. Tác giả cũng bàn về “hạnh phúc thực sự”, về sự phân hoá giàu nghèo ngày càng tăng cao.

Cuốn sách gồm nhiều chuyện ngắn, mỗi câu chuyện là một quan điểm của tác giả và lôi cuốn từ đầu đến cuối.

Tôi rất tâm đắc với bài “tôn thờ sách là mê tin dị đoan”. “Mục đích cuối cùng của giáo dục và văn hoá là tạo ra sự bao dung. Chúng ta có thể âu yếm lướt qua các trang sách, nhắm mắt hít vào mùi thơm và lắng nghe tiếng sột soạt quen thuộc của chúng, nhưng việc đó không chứng tỏ chúng ta ưu tú, hay đẳng cấp, hay có văn hoá hơn những người không làm như vậy. Chúng ta có thể học tập vị thiền sư nọ vào thời nhà Đường, người đã quẳng cái tượng Phật vào lửa để lấy hơi ấm, vì nó chỉ là gỗ, tinh thần của Phật không nằm ở đó. Sách cũng thế, để gối đầu giường hay kê dưới chân bàn không quan trọng, chúng chỉ là bột gỗ”.

Bên cạnh đó tôi lại có cái nhìn khác về việc đi du học và đọc sách help-self. Tác giả có cái nhìn tiêu cực, tuy không phải không có nhưng đó không phải là tất cả. Cái gì cũng có hai mặt, đôi khi tốt hay xấu còn ở góc nhìn và quan điểm của mỗi người. Nếu như tác giả cho rằng việc, luôn đặt câu hỏi và không bao giờ hài lòng với các câu trả lời kể cả khi chúng là của bố mẹ, là cứng đầu thì tôi cho rằng đặt câu hỏi là nền móng của sự phát triển, luôn không hài lòng với câu trả lời sẽ thúc đẩy sự sáng tạo. Tôi đọc đi đọc lại không hiểu có phải đoạn này tác giả dùng biện pháp “nói ngược” không? Vì những câu chữ thì thể hiện sự phản đối nhưng tôi nghĩ với tư duy của người đã từng sống ở nước ngoài 20 năm có vẻ như không mấy phù hợp.

Các bạn hãy đọc cuốn sách như một lần tự nhìn lại mình và nhìn nhận một cách nghiêm túc các vấn đề xã hội.

Trích đoạn sách Bức xúc không làm ta vô can

Bức xúc không làm ta Vô Can PDF

“Vào buổi sáng Chủ nhật đẹp trời tuần trước, trên đoạn quốc lộ 1A thuộc tỉnh Quảng Nam, một tài xế xe tải chở xoài vụng về tránh một xe máy cùng chiều, cua tay lái gấp, và làm xe lật nghiêng. Hơn chục tấn xoài đổ tràn ra đường. Người dân xung quanh xúm lại chia nhau bảo vệ hiện trường và giúp tài xế thu gom xoài nằm vung vãi. Các báo đăng một tin ngắn về sự việc. Hôm sau, câu chuyện rơi vào quên lãng. 

Điều này làm tôi suy nghĩ.

Tôi tin chắc rằng nếu như người dân lao vào hôi xoài, thì ngay lập tức dư luận sẽ dậy sóng, trên các mặt báo lại đầy những cảnh báo về đạo đức xã hội suy đồi, và người ta lại hổ thẹn lẫn cho nhau trước các bạn quốc tế. Vậy mà sao hôm đó các ống kính báo chí không chụp cận cảnh những người dân đang tươi tắn, nhễ nhại mồ hôi khuân xoài hộ tài xế, như họ đã từng zoom vào các khuôn mặt tươi tắn và nhễ nhại mồ hôi hôi bia cách đây mấy tháng? Sao không có ai phỏng vấn anh tài xế thở phào nhẹ nhõm vì không phải đền hàng? Và mấy hôm sau, sao không có người dân nào căng băng rôn ven đường “Tôi tự hào là người Quảng Nam”?

Câu chuyện nhỏ này cho ta thấy là chúng ta, một cách vô thức, thờ ơ với các tin tốt, nhưng lại quan tâm đặc biệt tới các tin xấu. Hôm Chủ nhật kia, thậm chí ta còn gần như nghe được tiếng thở dài tiếc rẻ của các nhà bình luận trên mạng, vì vụ xoài đổ này đã không cho họ một cơ hội để khẳng định lại một lần nữa rằng chúng ta thật là những con người tồi tệ, sống trong một môi trường thật tồi tệ.

Tin tức về những “tệ nạn” hay “bất cập” trong xã hội cung cấp cho chúng ta những cái cớ để than phiền và kêu ca. Phàn nàn, bực dọc, cáu kỉnh, chê bai đang trở thành những trạng thái thường trực trong dư luận. Các trạng thái này được gói ghém một cách tài tình trong từ “bức xúc”. Không từ tiếng Việt nào lại có một sự nghiệp thăng tiến ngoạn mục như vậy. Từ chỗ vô danh cách đây bảy, tám năm, bây giờ, nếu gõ “bức xúc” vào Google, ta sẽ được 29 triệu kết quả, gấp gần mười lần “Ngọc Trinh”, một con số ấn tượng cho một từ có làn da xấu xí như vậy.

Vì sao chúng ta lại ưu tiên tin xấu, đắm đuối với chúng, thay vì chú ý tới những điều tốt lành? Vì sao chúng ta muốn kêu ca, phàn nàn thay vì vui tươi chuyền tay nhau những tin vui, những câu chuyện đẹp? Hội chứng “bức xúc” mới nghe thoạt tưởng vô lý, nhưng nó có những lý do tâm lý đằng sau.

Trước hết, khi lên tiếng phê bình hay than phiền về một điều gì đó, chúng ta chứng tỏ cho người khác và cho bản thân là chúng ta không thờ ơ, vô cảm, mà vẫn còn quan tâm, lo lắng. Hơn nữa, khi chê trách người khác, chúng ta cảm thấy ưu việt về mặt đạo đức, và tự hài lòng vì thấy mình tốt đẹp hơn. Càng có nhiều vụ cướp tiệm vàng, bác sĩ vứt xác bệnh nhân, bảo mẫu đánh trẻ, hôi của, bẻ hoa, chúng ta càng có nhiều cơ hội để tự nhủ là chúng ta không phải “họ”, chúng ta chỉ không may bị chung sống cùng “họ”, nhưng thực chất chúng ta ưu tú hơn “họ” nhiều.

Một điểm quan trọng nữa là khi bức xúc, chúng ta phát ra tín hiệu là chúng ta vô can và vô tội. Các chính trị gia đã nhận ra điều đó; các bạn có thấy gần đây các quan chức cũng bức xúc rất nhiều? Đại biểu Quốc hội bức xúc trước tình trạng tham nhũng (Báo điện tử Chính phủ, 29/10/2013). Bộ trưởng Bộ Y tế bức xúc về đồng nghiệp (Tuổi trẻ, 4/11/2013). Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn bức xúc về thực phẩm độc (Báo Đầu tư, 2/1/2014). Khi bày tỏ sự bức xúc, một cách khéo léo, chúng ta tuyên bố là mình không thể thuộc về bên “thủ phạm” được, mà mình đứng về phía bị thiệt thòi, mình cũng là nạn nhân.

Dần dần, chúng ta đâm ra nghiện những cái lắc đầu, những cái chép miệng, lúc thì ta phẫn nộ, khi thì chỉ cười buồn. Cảm giác mình tốt đẹp, đầy sự quan tâm, cộng với sự vô can, không liên đới, không chịu trách nhiệm, là một cảm giác êm ái. Nó cũng giúp xoa dịu những bứt rứt lương tâm thi thoảng nổi lên, khi chúng ta lờ mờ cảm thấy mình không đủ dũng cảm để làm hết những gì có thể làm trước những sai trái trong xã hội. Những lúc đó, cách trấn an bản thân hiệu nghiệm là tỏ ra bức xúc một cách gay gắt.

Nhưng chúng ta không vô can. Cuộc sống của mỗi cá nhân chúng ta đang đặt trên nền của bao nhiêu bất công và phi lý. Những viên gạch xây nên ngôi nhà của ta được đóng bởi những đứa trẻ có tuổi thơ vất vả. Cái ti vi ta dùng được làm bởi những người công nhân di cư có một cuộc sống buồn tẻ và khốn khó, con cái họ bị khó dễ khi tới trường vì không có hộ khẩu.

Cho nên, lần tới, khi ngồi trong quán ăn ở một resort bên bờ biển, bạn cũng đừng bức xúc với mấy người phục vụ quê mùa đang lóng ngóng rót rượu vang vào cốc uống nước cam nữa. Hãy cụp mắt xuống, khiêm nhường, khi họ đứng trước mặt bạn. Bởi có thể gia đình họ đã bị đuổi ra khỏi nơi này, và ngôi làng mà họ đã sống ở đó nhiều đời đã bị xóa sổ để biến thành nơi bạn đang tới nghỉ. Có thể chúng ta không phải là những kẻ trực tiếp tạo ra bất công, nhưng cuộc sống của chúng ta đang phụ thuộc vào những kẻ đó, chúng ta ngồi cùng bàn tiệc với họ.

Ý thức về điều đó là việc tối thiểu mà ta có thể làm. Ngoài việc chúng ta chuyền tay nhau những câu chuyện đẹp, những tin tốt, để chúng nhận được sự công nhận và giá trị xứng đáng.”

Đặng Hoàng Giang – Bức xúc không làm ta vô can

Đọc thêm và tải sách tại: https://drive.google.com/buc-xuc-khong-lam-ta-vo-can-ebooks