Bỏ rượu bao lâu hết run tay

Hội chứng cai rượu (Alcohol Withdrawal Syndrome – AWS) là một loạt các triệu chứng gặp phải ở người nghiện rượu nặng khi ngưng rượu đột ngột hoặc giảm lượng rượu tiêu thụ một cách đáng kể. Mức độ của các triệu chứng cai rượu có sự khác biệt ở từng bệnh nhân. Thông thường, các triệu chứng sẽ khởi phát trong 6 – 24 giờ kể từ lần sử dụng rượu cuối cùng. Hội chứng này dễ bị nhầm lẫn với loạn thần do nhiễm độc rượu cấp tính. Nhiều người từ bỏ quyết tâm cai rượu do gặp phải hàng loạt các triệu chứng sau khi giảm hoặc ngừng sử dụng rượu.

Bỏ rượu bao lâu hết run tay

Ảnh minh họa

Cơ chế gây hội chứng cai rượu

Nguyên nhân trực tiếp gây ra hội chứng cai rượu là do ngưng hoặc giảm đột ngột lượng rượu tiêu thụ khi đang sử dụng rượu với liều cao, kéo dài. Với những người không lạm dụng rượu bia, việc ngưng sử dụng rượu hoàn toàn không gây ra bất cứ triệu chứng nào.

Rượu là chất ức chế hệ thần kinh trung ương. Cụ thể, rượu ức chế tác dụng kích thích của Glutamate và tăng tác dụng ức chế của axit gamma-aminobutyric (GABA). Những người nghiện rượu chỉ có thể duy trì được cân bằng nội môi bằng cách uống rượu liên tục. Hiện tượng ngưng hoặc giảm đột ngột lượng rượu tiêu thụ khiến các thụ thể không còn bị ức chế và chuyển sang trạng thái hưng phấn.

Nếu mức độ nghiện rượu không quá nghiêm trọng, bệnh nhân thường chỉ gặp phải các triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, cũng có những người phải đối mặt với hội chứng cai rượu nặng. Cơ chế trực tiếp dẫn đến các triệu chứng cai rượu là sự mất điều hòa của hệ GABA.

GABA có tác dụng ức chế các chất dẫn truyền thần kinh, qua đó giảm hoạt động của hệ thần kinh và ngăn chặn tín hiệu của não bộ. Sử dụng rượu làm gia tăng tác dụng ức chế của GABA. Do đó, khi cai rượu, nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh tăng lên đáng kể gây ra một loạt các triệu chứng thể chất và tâm thần.

Các biểu hiện của hội chứng cai rượu

Mức độ nghiêm trọng của triệu chứng tỷ lệ thuận với thời gian và lượng rượu dung nạp:

  • Biểu hiện nhẹ (xuất hiện từ 6 – 36 giờ sau lần uống rượu cuối cùng): rối loạn tiêu hóa, chán ăn, run rẩy, lo lắng, vã mồ hôi, đau đầu, tim đập nhanh, tuy nhiên tinh thần vẫn ổn định.
  • Co giật (xuất hiện từ 6 – 48 giờ sau lần uống rượu cuối cùng): co giật cục bộ hoặc toàn thể trong một thời gian ngắn, một số bệnh nhân có thể gặp phải các cơn động kinh (hiếm gặp).
  • Ảo giác do rượu (xuất hiện từ 12 – 48 giờ sau khi uống rượu): ảo thính, ảo thị, xúc giác bất thường. Các cảm giác còn lại vẫn bình thường
  • Mê sảng do hội chứng cai rượu (xuất hiện sau 48 – 96 giờ kể từ khi cai rượu): bệnh nhân lên cơn kích động, mê sảng, xuất hiện ảo giác liên tục, rối loạn ý thức, tăng huyết áp, vã mồ hôi, nhịp tim nhanh, sốt, mất ngủ hoàn toàn. Các triệu chứng tăng về chiều tối và giảm vào buổi sáng.

Mê sảng do cai rượu (sảng rượu) thường xuất hiện ở những bệnh nhân nghiện rượu nặng, là tình trạng cấp cứu cần được xử trí kịp thời. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể dẫn đến viêm phổi, bệnh cơ tim, rối loạn nhịp tim và tử vong. Nguy cơ tử vong dao động từ 22 – 33% và tỷ lệ xuống còn 5% nếu được xử trí sớm. Ngoài ra, nguy cơ tử vong có thể tăng lên ở bệnh nhân cao tuổi, người có sẵn các bệnh nền như bệnh gan, bệnh tim phổi, viêm tụy,…

Diễn biến của hội chứng cai rượu

Hội chứng cai rượu là tình trạng phổ biến ở người đang cai rượu, thường khởi phát cấp tính và đột ngột. Các triệu chứng xuất hiện chủ yếu vào buổi sáng sau khi ngủ dậy (từ 6 – 12 giờ kể từ thời điểm ngừng uống rượu hoặc giảm lượng rượu đột ngột). Các triệu chứng ban đầu thường có mức độ nhẹ, sau đó rõ rệt từ 24 – 48 giờ kể từ lần cuối uống rượu. Thông thường, hội chứng cai rượu sẽ kéo dài trong khoảng vài ngày hoặc nhiều tuần và thuyên giảm nhanh sau khi được điều trị.

Chẩn đoán hội chứng cai rượu

Hội chứng cai rượu chỉ được chẩn đoán khi bệnh nhân ngừng hoặc giảm đáng kể lượng rượu tiêu thụ khi đang sử dụng rượu ở liều cao trong thời gian dài. Đồng thời phải đáp ứng được ít nhất 2 tiêu chuẩn sau (xuất hiện sau vài giờ đến vài ngày kể từ lần sử dụng rượu cuối cùng):

  • Mất ngủ
  • Buồn nôn, nôn mửa
  • Tăng hoạt động tự động
  • Run tay
  • Lo âu quá mức
  • Hoang tưởng, ảo thanh, ảo thị giác
  • Kích động tâm thần vận động
  • Co giật kiểu động kinh

Các triệu chứng này phải được xác định không do rối loạn tâm thần hay bệnh thực thể nào gây ra, đồng thời gây suy giảm rõ rệt hiệu suất học tập, làm việc và các chức năng xã hội.

Điều trị hội chứng cai rượu

1. Hạn chế cơ học

Việc ngừng hoặc giảm lượng rượu đột ngột sẽ gây hưng phấn não. Điều này sẽ dẫn đến các hành vi kích động, không thể kiểm soát có thể gây tổn thương chính bệnh nhân và những người xung quanh. Chính vì vậy, nên đặt người bệnh ở môi trường an toàn và yên tĩnh.

Trong thời gian này, cần hạn chế tối đa các tác động lên người bệnh để tránh phản ứng chống lại. Sự kích động quá mức có thể gây ra thương tích cho chính bệnh nhân và làm gia tăng các triệu chứng thể chất, tâm thần do hội chứng cai rượu.

2. Đảm bảo dinh dưỡng

Bệnh nhân có biểu hiện tăng thân nhiệt do mất nhiều dịch vì nôn mửa và vã mồ hôi. Do đó, cần đảm bảo dinh dưỡng cho bệnh nhân.

  • Trường hợp nặng, bệnh nhân sẽ được truyền dịch qua đường tĩnh mạch.
  • Trường hợp nhẹ và trung bình, người nhà nên khuyến khích bệnh nhân ăn uống đầy đủ. Nên chế biến món ăn lỏng, mềm, ít gia vị và dễ tiêu hóa để giảm áp lực lên cơ quan tiêu hóa. Ngoài ra, nên khuyến khích người bệnh uống đủ nước và có thể cung cấp vitamin, khoáng chất bằng các loại nước ép, sinh tố.

3. Cân bằng điện giải

Những người nghiện rượu thường phải đối mặt với việc thiếu hụt vitamin B1 do cơ thể giảm hấp thu và giảm dự trữ. Thiếu vitamin B1 có thể gây bệnh não Wernicke, bệnh cơ tim và bệnh thần kinh ngoại biên. Chính vì vậy, nhiều bệnh nhân sẽ được truyền tĩnh mạch vitamin B1 (Thiamine) để phòng ngừa các bệnh lý kể trên.

Ngoài ra, bệnh nhân sẽ được bổ sung glucose, phosphate, magie, kali,… Việc cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất sẽ giúp cải thiện triệu chứng cai rượu và hạn chế các biến chứng do hội chứng này gây ra.

4. Điều trị rối loạn tâm thần

Hội chứng cai rượu gây ra một loạt các triệu chứng tâm thần do mất điều hòa GABA. Do đó, bệnh nhân sẽ được sử dụng thuốc để điều trị các rối loạn tâm thần có liên quan đến tình trạng cai rượu.

  • Thuốc an thần nhóm benzodiapine (Diazepam, Chlordiazepoxide, Lorazepam, Oxazepam,…).
  • Thuốc chẹn beta được sử dụng nếu bệnh nhân mắc đồng thời với bệnh mạch vành.
  • Thuốc hạ huyết áp (Clonidine) có thể được sử dụng để cải thiện các triệu chứng tự chủ khi cai nghiện.
  • Thuốc chống co giật (Phenytoin) thường được dùng để cải thiện tình trạng co giật với những bệnh nhân có tiền sử động kinh.

5. Trị liệu tâm lý

Bệnh nhân gặp phải các triệu chứng cai rượu thường sẽ từ bỏ quyết tâm cai rượu và tiếp tục dùng đồ uống chứa cồn. Tình trạng này lặp đi lặp lại gây ra tổn thương tâm lý nhất định và khiến người bệnh gặp phải các rối loạn tâm thần như rối loạn lưỡng cực, rối loạn lo âu, trầm cảm,… Do đó sau khi hội chứng cai rượu được kiểm soát, bệnh nhân sẽ được xem xét trị liệu tâm lý.

Tâm lý trị liệu là phương pháp tác động đến tâm lý thông qua hình thức giao tiếp. Phương pháp này giúp cho bệnh nhân điều chỉnh suy nghĩ, hành vi không phù hợp và đánh giá khách quan bản thân cũng như mọi khía cạnh xung quanh cuộc sống. Đối với bệnh nhân nghiện rượu, trị liệu tâm lý còn giúp người bệnh ý thức được vai trò của việc cai nghiện và những hậu quả phải đối mặt nếu sử dụng rượu lâu dài. Ngoài ra, tâm lý trị liệu còn giúp người bệnh phục hồi các kỹ năng xã hội và biết cách giải tỏa cảm xúc tiêu cực một cách lành mạnh thay vì chìm đắm trong rượu bia và chất kích thích. Dù không phải là phương pháp chính trong điều trị nghiện rượu nhưng trị liệu tâm lý có vai trò tạo động lực để bệnh nhân vượt qua và hạn chế tối đa nguy cơ tái phát.

Ngoài ra, những người xung quanh cũng cần động viên người bệnh để tạo động lực vượt qua tình trạng nghiện rượu và xây dựng lối sống lành mạnh. Nghiện rượu ảnh hưởng khá nhiều đến sức khỏe thể chất và tâm thần. Do đó, người nhà nên xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, đồng thời khuyến khích người bệnh tập thể thao, ngủ nghỉ đúng giờ và tái khám đúng hẹn. Sự hỗ trợ của gia đình sẽ giúp người bệnh có thêm động lực vượt qua chứng nghiện rượu để quay trở lại với cuộc sống bình thường.

Tuệ Lâm