Bộ ội biên phòng c thành lập vào năm nào

Hướng tới Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng và 30 năm Ngày Biên phòng toàn dân (Phần 1)

Bộ ội biên phòng c thành lập vào năm nào
Ảnh minh họa

Những năm sau hòa bình (1954) được lập lại trên miền Bắc, Đảng và Nhà nước ta đã sớm thấy rõ công tác bảo vệ giữ vững độc lập chủ quyền lãnh thổ miền Bắc có tầm quan trọng đặc biệt và đang đặt ra những vấn đề cấp thiết cần tập trung lãnh đạo.

Sự ra đời của lực lượng Bộ đội Biên phòng

Nắm vững quy luật khách quan, vận dụng kinh nghiệm cha ông vào điều kiện lịch sử mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn coi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia là yêu cầu tất yếu của cách mạng; là cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc, chống thù trong giặc ngoài để giữ vững chủ quyền độc lập dân tộc ở biên giới; giữ gìn an ninh trật tự; thực hiện đường lối đối ngoại, xây dựng tình đoàn kết hữu nghị giữa nước ta với các nước láng giềng. Sau thắng lợi của chiến dịch Biên giới 1950, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã quyết định thành lập lực lượng Công an Biên phòng thuộc Bộ Công an (Sắc lệnh số 141/SL ngày 16/02/1953 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký), bố trí thành các đồn biên phòng dọc biên giới, trực thuộc Ty Công an các tỉnh có biên giới; làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới đất liền, bờ biển, giới tuyến và các mục tiêu quan trọng ở nội địa.

Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới, cần có một lực lượng vũ trang thống nhất, chuyên trách, vững mạnh về chính trị, chặt chẽ về tổ chức; nắm vững đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; hiểu biết sâu về pháp luật, có năng lực quản lý, bảo vệ biên giới, giới tuyến, nội địa bằng các biện pháp nghiệp vụ chuyên sâu và khả năng chiến đấu vũ trang giỏi. Ngày 19/11/1958, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II ra Nghị quyết số 58/NQ-TW “Về việc thành lập lực lượng Cảnh vệ nội địa và Biên phòng”, sau này là lực lượng Công an Nhân dân vũ trang. Đây là nghị quyết đặc biệt, đầu tiên của Đảng về công tác biên phòng, nội địa và giới tuyến, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của biên giới quốc gia; thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với lực lượng vũ trang chuyên trách, nòng cốt bảo vệ biên giới, giới tuyến và các mục tiêu nội địa. Nghị quyết của Bộ Chính trị xác định lực lượng Cảnh vệ nội địa và Biên phòng có nhiệm vụ: “Trấn áp mọi hành động phá hoại của bọn phản cách mạng trong nước và bọn phản cách mạng ngoài nước xâm nhập phá hoại nước ta, luôn luôn sẵn sàng, chiến đấu để bảo vệ an ninh biên giới, bờ biển, giới tuyến và nội địa, bảo vệ an toàn cho các cơ sở kinh tế, văn hóa quan trọng”. Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 03/3/1959, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 100/TTg thành lập lực lượng Công an Nhân dân vũ trang, nêu rõ:“Thống nhất các đơn vị bộ đội thuộc Bộ Quốc phòng đang làm công tác bảo vệ nội địa, bảo vệ biên giới, giới tuyến và các đơn vị Công an Biên phòng, Cảnh sát vũ trang thành một lực lượng vũ trang chuyên trách công tác biên phòng và bảo vệ nội địa, lấy tên là Công an nhân dân vũ trang, đặt dưới sự lãnh đạo của Bộ Công an”.

Tại buổi Lễ thành lập lực lượng, ngày 28/3/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự và huấn thị cán bộ, chiến sĩ Công an Nhân dân vũ trang: “Đoàn kết, cảnh giác/ Liêm chính, kiệm cần/ Hoàn thành nhiệm vụ' Khắc phục khó khăn/ Dũng cảm trước địch/ Vì nước quên thân/ Trung thành với Đảng/ Tận tụy với dân”.

Từ đây, nước ta chính thức có một lực lượng vũ trang chuyên trách công tác nội địa, biên phòng, tập trung thống nhất từ Trung ương đến cơ sở, gồm 3 cấp: Trung ương có Ban Chỉ huy Trung ương Công an Nhân dân vũ trang (tháng 7/1961 đổi tên thành Bộ Tư lệnh Công an Nhân dân vũ trang) do đồng chí Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an làm Tư lệnh, kiêm Chính ủy đầu tiên của lực lượng; cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Ban Chỉ huy Công an Nhân dân vũ trang tỉnh, thành phố; cấp cơ sở có các đồn Công an Nhân dân vũ trang và đơn vị cơ động. Từ đó, ngày 03/3/1959 chính thức trở thành Ngày truyền thống của lực lượng Công an Nhân dân vũ trang và Bộ đội Biên phòng ngày nay.

Ngay từ khi thành lập và suốt quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng vinh dự tự hào, thường xuyên được đón nhận sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, toàn diện của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Ngày 02/3/1962, tại Đại hội chiến sĩ thi đua Công an Nhân dân vũ trang toàn quốc lần thứ nhất, Bác Hồ đã đến dự, biểu dương thành tích và tặng cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng bài thơ: “Non xanh nước biếc trùng trùng,/ Giữ gìn Tổ quốc ta không ngại ngùng gian lao./ Núi cao sự nghiệp càng cao,/ Biển sâu chí khí ta soi vào càng sâu,/ Thi đua ta quyết giật cờ đầu”.

Những lời dạy của Bác Hồ kính yêu đã trở thành phương châm hành động của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng. Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Bộ đội Biên phòng liên tục có sự phát triển về biên chế, tổ chức và nhiệm vụ, gắn liền với quá trình vận động, phát triển của tình hình, nhiệm vụ cách mạng của đất nước, được cụ thể hóa bằng các nghị quyết của Đảng và các quyết định của Chính phủ. Trong đó có 4 nghị quyết đánh dấu sự ra đời và thay đổi tổ chức của Bộ đội Biên phòng là: Nghị quyết số 58/NQ-TW, ngày 19/11/1958 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II về “Thành lập lực lượng bảo vệ nội địa và biên phòng” đánh dấu sự ra đời lực lượng Công an Nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng)"; Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10/10/1979 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV về việc “Chuyển giao nhiệm vụ và lực lượng Công an Nhân dân vũ trang sang Bộ Quốc phòng thành lực lượng Bộ đội Biên phòng”; Nghị quyết số 07/NQ-TW, ngày 30/11/1987 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI về “Nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới”, nghị quyết đã chỉ rõ: “Chuyển giao lực lượng Bộ đội Biên phòng cho Bộ Nội vụ trực tiếp phụ trách” (tức Bộ Công an hiện nay); đồng thời, tại Chỉ thị số 41-CT/TW, ngày 31/5/1988 của Ban Bí thư về “Chuyển giao lực lượng Bộ đội Biên phòng từ Bộ Quốc phòng sang Bộ Nội vụ” đã ghi rõ: “Bộ Quốc phòng chuyển giao nhiệm vụ, toàn bộ tổ chức, biên chế, trang bị và cơ sở vật chất, kỹ thuật của lực lượng Bộ đội Biên phòng sang Bộ Nội vụ. Lực lượng Bộ đội Biên phòng đặt dưới sự chỉ đạo, chỉ huy toàn diện của Bộ trưởng Bộ Nội vụ”; Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 08/8/1995 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Xây dựng Bộ đội Biên phòng trong tình hình mới” đã quyết định chuyển lực lượng Bộ đội Biên phòng từ Bộ Nội vụ sang Bộ Quốc phòng và xác định nhiệm vụ công tác biên phòng trong tình hình mới rất toàn diện, bao gồm: “Bảo vệ biên giới trên bộ, trên biển; bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của đất nước; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chống xâm nhập và chống buôn lậu qua biên giới; bảo vệ tài nguyên của đất nước; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển với các nước láng giềng. Phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng thi hành các điều ước quốc tế, các hiệp ước, hiệp định; tuyên truyền, vận động nhân dân vùng biên giới tăng cường đoàn kết, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; xây dựng cơ sở chính trị, xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh”.

Ngày 22/12/2004, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX ra Thông báo số 165-TB/TW về tổ chức Bộ đội Biên phòng nhấn mạnh: Công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia và xây dựng Bộ đội Biên phòng phải bảo đảm sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chủ tịch nước, Chính phủ, Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Bộ Quốc phòng và các tỉnh ủy, thành ủy (nơi có Bộ đội Biên phòng). Giữ ổn định lâu dài hệ thống tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng như Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 08/8/1995 của Bộ Chính trị. Bộ đội Biên phòng là một quân chủng thuộc Bộ Quốc phòng, được chỉ huy, đảm bảo thống nhất theo ngành dọc từ Trung ương đến cơ sở, với 3 cấp: Bộ Tư lệnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, thành phố và Đồn Biên phòng. Thường xuyên phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng trên địa bàn; khi có chiến tranh, thực hiện theo quy chế của Bộ Quốc phòng.