Bé 6 tháng ăn bao nhiêu cữ?

Bạn biểu lộ rất quan tâm và cẩn thận khi cho bé ăn dặm, điều đó rất đáng quý. Tuy nhiên, nuôi em bé không thể như chế biến thuốc, không thể có một công thức thật chính xác cho từng em bé được. Mỗi bé sẽ có sở thích và khả năng tiêu hóa riêng, nên bạn chỉ cần biết nguyên tắc cho ăn dặm và sẽ linh động áp dụng cho con mình. Nghĩa là bạn phải chiều theo ý thích và khả năng của bé, không nên ép bé theo công thức của mẹ. Nguyên tắc ăn dặm là từ loãng đến đặc, từ ít đến nhiều, giới thiệu đa dạng món ăn nhưng mỗi lần chỉ giới thiệu 1 món, tập từ từ vài ngày mới chuyển sang món mới. Món nào không thích thì tạm ngưng, mai mốt tập trở lại. Khi đã biết nhiều món thì phải đổi món thường xuyên, mỗi bữa ăn một món để không bị ngán. Từ 6 tháng đến 9 tháng thì ăn ngày 2 bữa, ít hay nhiều do bé quyết định. Nếu ăn ít thì uống sữa thêm bù lại. Mỗi chén cháo cần có đủ 4 nhóm thực phẩm: tinh bột, đạm, béo, chất xơ và vitamin. Mỗi ngày ăn trái cây, uống nước trái cây, ăn sữa chua. Váng sữa và phô-mai thì tùy bé "tròn" hay gầy mà ăn ít hay nhiều. Sau 9 tháng tuổi thì ngày ăn 3 bữa. "Chủ trương" cho ăn khi bé dưới 2 tuổi là ăn cho đủ các chất, không cần ép ăn nhiều, ăn theo khả năng của bé, sữa vẫn là thực phẩm quan trọng cung cấp năng lượng và dinh dưỡng. Nếu ăn ngày 2 bữa thì cần uống ít nhất 800 ml sữa mỗi ngày, nếu ăn ngày 3 bữa thì cần uống ít nhất 600 ml sữa mỗi ngày. Trái cây chỉ cần tán nhuyễn là cho ăn được.

Hy vọng những tư vấn của tôi đáp ứng được yêu cầu của bạn.


BS. CK1. Nguyễn Thị Từ Anh
Khoa Sơ sinh - BV Từ Dũ

Khi em bé nhà bạn được 6 tháng tuổi là thời điểm bé nên bắt đầu ăn dặm. Lúc này, sữa mẹ hoặc sữa công thức vẫn là có vai trò quan trọng nhưng bé cần ăn dặm để bổ sung thêm nguồn năng lượng và dưỡng chất cần thiết. Vậy, nên giới thiệu thức ăn như thế nào, bé 6 tháng ăn dặm bao nhiêu ml? và cần lưu ý gì khi bắt đầu ăn dặm? Mẹ hãy cũng bác sĩ tìm hiểu trong bài viết này nhé!

Khi nào em bé sẵn sàng ăn dặm?

Theo Tổ chức Y tế Thế Giới WHO, 6 tháng là thời điểm ba mẹ nên cho bé tập ăn dặm song song với việc bú sữa mẹ hoặc sữa công thức. Tuy nhiên, sự phát triển của mỗi đứa trẻ là khác nhau. Nếu có những dấu hiệu dưới đây, bạn có thể cho con ăn dặm (nhưng không sớm hơn 4 tháng):

  • Có thể ngồi thẳng mà ít hoặc không cần sự hỗ trợ của bố mẹ.
  • Khả năng kiểm soát đầu tốt.
  • Mở miệng và nghiêng người về phía thức ăn.
  • Nuốt thức ăn thay vì dùng lưỡi đẩy thức ăn ra ngoài như khi bú.
  • Bé cố gắng cầm nắm các vật nhỏ.
  • Đưa thức ăn, đồ chơi vào miệng một cách chính xác.

Bé 6 tháng ăn dặm bao nhiêu ml?

Mỗi em bé sẽ thích và ăn những lượng thức ăn khác nhau. Khó có thể đưa ra con số cụ thể chính xác cho từng em bé.

Ba mẹ có thể bắt đầu bằng cách cho 5–15 ml (1–3 thìa cà phê) mỗi ngày một lần. Thậm chí chỉ cần cho bé ngửi, liếm thử để bé quen dần với mùi vị thực phẩm mới. Khi đã quen, có thể tăng dần lên 1 – 2 thìa canh và theo dõi bé. Cho con ăn thêm nếu chúng biểu hiện đói và ngừng cho ăn khi đã no. Có ngày bé ăn nhiều, ngày khác thì không.

Bé đói và muốn ăn thêm khi:

  • Nghiêng người về phía trước.
  • Với tay lấy thức ăn.
  • Mút môi.
  • Mở miệng khi để thức ăn trước mặt.
  • Đưa tay vào miệng.

Một số dấu hiệu cho thấy bé đã no:

  • Quay đầu đi.
  • Ngậm miệng khi đưa thức ăn trước mặt.
  • Lấy tay che miệng.
  • La hét hoặc khóc.

Bạn nên nhớ, trong giai đoạn 6 tháng tuổi, nguồn năng lượng chính vẫn từ sữa vẫn là quan trọng. Đây là lúc tập cho bé quen dần với thức ăn dặm và giúp ăn tốt hơn trong những năm tháng tiếp theo.

Việc của ba mẹ là chọn thực phẩm lành mạnh và phù hợp với con mà không gây áp lực. Công việc của con là quyết định ăn gì và ăn bao nhiêu.

Bé 6 tháng ăn bao nhiêu cữ?

Cách giới thiệu thức ăn cho trẻ

Ăn từ đơn giản đến phức tạp. Ban đầu, hãy để bé thử một loại thức ăn duy nhất. Điều này giúp mẹ kiểm tra xem liệu con có gặp vấn đề gì với thực phẩm đó không, chẳng hạn như dị ứng thức ăn. Dùng từ 3 đến 5 ngày với từng loại. Nếu ngay từ đầu mẹ đã cho bé ăn cháo hỗn hợp, bé sẽ không cảm nhận được mùi vị của từng loại và rất khó xác định tác nhân nếu có dị ứng.

Ăn từ loãng đến đặc. Ban đầu thức ăn ở dạng lỏng, độ sệt đặc hơn sữa một chút. Về sau bột cần đặc dần và có thêm hạt thức ăn để phù hợp với sự phát triển của nướu và răng.

Tăng dần số bữa cho trẻ. Càng lớn thì nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng càng tăng nhưng dạ dày nhỏ, mẹ phải tăng dần số bữa mới dủ nhu cầu của bé.

Trong những ngày đầu tập ăn dặm, trẻ thường có khuynh hướng từ chối thức ăn mới bằng cách phun, ói hay gáo khóc. Trong trường hợp này, ba mẹ cần ngưng tập ăn cho trẻ ngày hôm đó, tiếp tục cho ăn ngày hôm sau. Trẻ cần 10 – 15 lần tiếp xúc với một loại thực phẩm mới trước khi chấp nhận nó.Từ chối “vật lạ” và cảm giác “sợ mới” là bản năng, cha mẹ cần kiên nhẫn, không nôn nóng và không bỏ cuộc.