Bán hàng đa cấp lừa đảo như thế nào

Nếu các cơ quan quản lý không khẩn trương vào cuộc kiểm tra, xử lý vi phạm, số người bị “sập bẫy” loại hình kinh doanh này sẽ tiếp tục kéo dài.

“Thổi phồng” công dụng sản phẩm

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), thời gian vừa qua, tình trạng đưa thông tin theo hướng “thổi phồng” công dụng sản phẩm, đặc biệt đối với loại sản phẩm là thực phẩm trong hoạt động bán hàng đa cấp diễn ra khá phổ biến. Hoạt động này càng diễn ra trong bối cảnh xã hội thực hiện giãn cách để phòng chống dịch Covid-19, thông qua các phương tiện internet như mạng xã hội, ứng dụng di động, ứng dụng cuộc họp trực tuyến... Các tổ chức, cá nhân này thành lập các nhóm kín trực tuyến như “tư vấn sức khỏe”, “chăm sóc sức khỏe chủ động” hay “nhân chứng dùng sản phẩm”, tập hợp hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người tham gia.

Trong đó, các đối tượng này chia sẻ, trao đổi những thông tin, video clip có sử dụng hình ảnh bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để mô tả, tư vấn và hướng dẫn sử dụng các thực phẩm, hoặc mô tả công dụng thực phẩm như là một “kinh nghiệm thực tế” hay “nhân chứng sống” của người đã từng bị bệnh. Cách thức đưa thông tin này được lạm dụng và củng cố bởi các bình luận phía dưới, càng tạo thêm niềm tin cho người bệnh, người tiêu dùng dễ hiểu theo hướng là các loại sản phẩm này có công dụng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều trị bệnh. Hành vi dạng này sẽ gây tác động tới số lượng người tham gia lớn vì thông tin lan truyền trên môi trường mạng diễn ra rất nhanh và gây hậu quả nghiêm trọng bởi ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Trong đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã đưa ra cảnh báo thực phẩm chức năng có thương hiệu là APLGO có dấu hiệu kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép, người dân không nên tham gia đầu tư. Trên mạng internet, một số tổ chức, cá nhân đã tổ chức giới thiệu, kêu gọi người dân tham gia đầu tư, xây dựng hệ thống và tiêu thụ các sản phẩm “viên ngậm tế bào gốc” mang tên APLGO với cam kết thu về số tiền lớn từ nguồn thu nhập thụ động. Qua xem xét các nội dung trên, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng, mặc dù hoạt động kêu gọi người tham gia và chính sách trả thưởng khi tham gia vào mạng lưới của các tổ chức, cá nhân này có dấu hiệu là kinh doanh theo phương thức đa cấp nhưng đến nay, Cục chưa cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho DN, tổ chức nào mang tên là APLGO.

Vi phạm pháp luật biến tướng

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho rằng, hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp là hoạt động kinh doanh có điều kiện được quy định tại Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Kinh doanh theo phương thức đa cấp vốn dĩ là một hình thức kinh doanh tốt nhưng vì một số người lợi dụng hình thức này để lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác nên nó bị biến tướng. Từ đó, nói đến kinh doanh đa cấp, người ta thường nghĩ đến những điều tiêu cực.

Thực tế đã cho thấy nhiều vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ hoạt động kinh doanh đa cấp bị phát hiện xử lý. Thậm chí có vụ án có đến hàng chục nghìn bị hại, tức là hàng chục nghìn người bị lừa đảo. Thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng lợi dụng bán hàng đa cấp là đưa ra lời kêu gọi tham gia mạng lưới với cam kết lợi nhuận khủng. Sau đó yêu cầu họ nộp tiền để được nhận hàng hóa để bán nhưng hàng hóa nhận lại là hàng kém chất lượng, không thể bán. Để được hưởng hoa hồng, những người tham gia hệ thống phải lôi kéo những người khác tham gia.

Có thể nói lợi nhuận từ hệ thống kinh doanh đa cấp biến tướng không phải nằm ở việc kinh doanh mua bán mà nằm ở việc tuyển thành viên. Mỗi người vào đều phải đóng một khoản tiền, số tiền này lại được rút một phần và trả cho người người đã lôi kéo họ trước đó. Cứ như vậy hệ thống kinh doanh đa cấp biến tướng càng ngày càng mở rộng đến một lúc nào đó những người tổ chức ra hệ thống sẽ biến mất và mang theo số tiền của tất cả thành viên. Tóm lại, các mạng lưới kinh doanh đa cấp thường có một thủ đoạn chung là hứa hẹn lợi nhuận cao để lôi kéo người tham gia, yêu cầu nộp tiền sau đó lấy tiền người vào sau trả cho người vào trước. Đến một thời điểm nào đó người tổ chức sẽ chiếm đoạt tiền của người tham gia mạng lưới và bỏ trốn.

“Các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản lợi dụng hình thức kinh doanh đa cấp đã đẩy rất nhiều người vào tình cảnh mất hết tài sản. Chúng đánh vào tâm lý muốn làm giàu nhanh, sự thiếu hiểu biết và lòng tham của nhiều người. Các đối tượng này khi bị phát hiện có thể bị xử lý về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015. Hình phạt nặng nhất đối với người phạm tội này là tù chung thân nếu chiếm đoạt tài sản giá trị từ 500 triệu đồng trở lên” - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng nêu quan điểm.

Hiện nay, bán hàng đa cấp là một hình thức kinh doanh khá phổ biến ở nhiều nơi, với rất nhiều người tham gia. Tuy nhiên, nhiều người chưa biết rõ phương thức kinh doanh nên xảy ra tình trạng bị lợi dụng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Để giúp mọi người hiểu rõ, xác định đúng, kinh doanh chân chính, phòng tránh kinh doanh đa cấp biến tướng gây thiệt hại tài sản cá nhân và ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự (ANTT) chung; chúng tôi có cuộc trao đổi cùng đồng chí Trung tá Phạm Hữu Trước, Phó trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh.

Phóng viên (PV): Kính thưa Trung tá Phạm Hữu Trước, xin ông cho biết thế nào là bán hàng đa cấp?

Trung tá Phạm Hữu Trước (TT PHT): Nói một cách đơn giản thì bán hàng đa cấp là hình thức bán hàng mà hàng hóa được phân phối trực tiếp từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng không thông qua các cửa hàng bán lẻ hay đại lý trung gian. Người tiêu dùng trực tiếp giới thiệu và phân phối sản phẩm đến người khác như: bạn bè, người thân. Ở đây, người tiêu dùng vừa là người bán hàng, vừa là người cung ứng, quảng cáo sản phẩm, vì vậy giúp tiết kiệm chi phí cho nhà sản xuất, số tiền đó được chia hoa hồng cho các cấp độ trong mạng lưới phân phối của người mua hàng và đầu tư để cải thiện sản phẩm.

Kinh doanh đa cấp xuất hiện ở nước ta những năm 1999 - 2000 với một vài công ty hoạt động nhỏ lẻ. Đến năm 2005, loại hình này mới chính thức được thừa nhận và chịu sự quản lý, điều chỉnh bằng pháp luật.

- Tại Việt Nam hiện nay, bán hàng đa cấp có khoảng 7.000 mặt hàng khác nhau, như thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, mỹ phẩm, hàng điện tử, thiết bị trị liệu, thiết bị tập luyện… chủ yếu có nguồn gốc, xuất xứ từ nước ngoài; trong đó 80% là thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm không đảm bảo chất lượng và có giá thành cao hơn nhiều so với chi phí sản xuất.

PV: Ông đánh giá như thế nào về tình hình kinh doanh đa cấp trên địa bàn tỉnh hiện nay?

TT PHT: Hiện nay, Phòng Quản lý Thương mại - Sở Công thương tỉnh Tiền Giang đã tiếp nhận hồ sơ của 02 Công ty thông báo kinh doanh bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra trong thực tế, hầu hết các doanh nghiệp còn lại không có trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện tại Tiền Giang.

Hình thức hoạt động của họ là ký kết hợp đồng bán hàng đa cấp trực tiếp với cá nhân. Nhiều cá nhân tham gia bán hàng đa cấp là do tâm lý số đông, họ quen biết nhau, truyền miệng về phương thức trả hoa hồng siêu lợi nhuận của doanh nghiệp, sau đó họ lôi kéo nhau vào kinh doanh đa cấp, mua bán nhiều loại sản phẩm. Do nhân viên kinh doanh đa cấp gồm nhiều đối tượng, nhiều thành phần. Họ tiếp xúc, giới thiệu và bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng ở mọi nơi, mọi thời điểm, cho nên ngành chức năng rất khó kiểm soát hoạt động kinh doanh cũng như chất lượng, giá cả sản phẩm.

Thực tế, cũng có trường hợp kinh doanh đa cấp bất chính tạo nên những hình ảnh xấu cho mô hình kinh doanh này, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, gây bức xúc trong xã hội như: Cung cấp thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp; cung cấp thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa; cung cấp thông tin sai lệch về hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp.

Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương và UBND tỉnh Tiền Giang; đồng thời đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Sở Công thương đã phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường và Phòng Cảnh sát kinh tế triển khai thực hiện việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh bán hàng đa cấp, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo các quy định của pháp luật, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

PV: Thế thì đâu là những dấu hiệu để nhận biết thủ đoạn núp bóng kinh doanh đa cấp để lừa đảo?

TT PHT: Thứ nhất, công ty đó yêu cầu người tham gia phải đặt cọc, ký quỹ hoặc mua một số lượng sản phẩm nhất định hay phải trả tiền để được tham gia vào mạng lưới kinh doanh đa cấp.

- Thứ hai, công ty đó không cam kết mua lại hàng hóa trong thời gian luật định và không mua lại với số tiền tối thiểu là bằng 90% giá sản phẩm ở thời điểm bán.

- Thứ ba, người tham gia mạng lưới không phải hưởng lợi ích từ việc bán sản phẩm mà là từ việc lôi kéo người khác tham gia vào mạng lưới. Lợi nhuận không phát sinh từ hoạt động bán hàng mà là từ tuyển dụng người tham gia.

- Thứ tư, công ty đó khuyến khích, hoặc đào tạo người tham gia tuyển người khác vào mạng lưới và hứa trả hoa hồng khi tuyển được người.

- Thứ năm, công ty cung cấp hàng hóa tuy nhiên hàng hóa đó chất lượng kém hoặc không có giá trị sử dụng để bán cho người tiêu dùng.

- Thứ sáu, người trong công ty bán hàng đa cấp hướng dẫn bạn cách vay tiền để mua sản phẩm hoặc vay tiền để đóng phí tham gia mạng lưới.

- Cuối cùng công ty bán hàng đa cấp đó buộc và hối thúc người tham gia mua hàng để bán dù biết hàng hóa đó khó tiêu thụ, không thể bán ra thị trường để thu hồi vốn.

PV: Thực tế hiện nay, có nhiều người bị lừa đảo, nhưng rất hiếm nạn nhân nào đứng ra tố cáo, vì vậy cơ quan chức năng rất khó xử lý. Đâu là nguyên nhân? Ông có ý kiến như thế nào về việc này?

TT PHT: Theo số liệu thống kê thì hiện nay có khoảng hơn 1 triệu người Việt Nam tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp, chiếm 1/90 dân số cả nước. Trong đó đối tượng chủ yếu bị lôi kéo vào mạng lưới bán hàng đa cấp đó là học sinh, sinh viên, người lao động thu nhập thấp, người ở các vùng sâu, vùng xa, ít có điều kiện tiếp xúc với thông tin.

Nguyên nhân bị lôi kéo tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp lừa đảo của các đối tượng này, đầu tiên phải kể đến do kinh tế khó khăn, nhiều người muốn tìm việc làm nhưng không có kinh nghiệm, bằng cấp nên bị các đối tượng trong công ty bán hàng đa cấp lừa đảo lôi kéo bằng các khoản lợi nhuận khổng lồ mà bán hàng đa cấp mang lại, đánh vào tâm lý hám lợi, lòng tham và tâm lý làm ít nhưng hưởng lợi nhiều, bỏ vốn ít nhưng lợi nhuận cao. Thêm vào đó các cơ quan chức năng của Nhà nước chưa có cơ chế kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ và chế tài phù hợp để có thể xử lý một cách hiệu quả hoạt động bán hàng đa cấp lừa đảo này.

PV: Vậy thì người bán hàng cần làm gì để không vi phạm pháp luật, không bị lừa đảo khi tham gia "đa cấp"?

TTPHT: Để tránh rơi vào bẫy của các hệ thống đa cấp lừa đảo, người tham gia cần lưu ý các điểm sau để nhận biết các công ty kinh doanh đa cấp biến tướng:

Thứ nhất, người dân cần tìm hiểu về doanh nghiệp đa cấp trước khi tham gia trên các tiêu chí: Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động; doanh nghiệp đã từng có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện hoặc bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt chưa; tìm hiểu thông tin về lịch sử hình thành và hoạt động đa cấp của doanh nghiệp.

Thứ hai, người tham gia cần lưu ý phương thức bán hàng. Mọi loại hình dịch vụ hoặc các hình thức kinh doanh khác như hợp tác đầu tư, huy động vốn... không được tiến hành kinh doanh theo phương thức đa cấp (trừ những trường hợp sẽ được pháp luật quy định rõ). Người tham gia cũng có quyền yêu cầu doanh nghiệp cung cấp tài liệu, chứng từ chứng minh nguồn gốc, chỉ tiêu chất lượng của hàng hóa.

Thứ ba, người tham gia đa cấp cần tìm hiểu kỹ chương trình trả thưởng, hoa hồng của doanh nghiệp. Hoa hồng lợi ích người tham gia chỉ có được khi bán hàng hóa, không phải từ việc lôi kéo dụ dỗ người khác tham gia vào mạng lưới đa cấp.

Theo quy định, tổng trị giá hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác trả cho người tham gia bán hàng đa cấp trong một năm quy đổi thành tiền không được vượt quá 40% doanh thu trong năm của doanh nghiệp bán hàng đa cấp.

Thứ tư, người tham gia bán hàng đa cấp có quyền chấm dứt hợp đồng với thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp trước thời hạn tối thiểu là 10 ngày làm việc. Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi chấm dứt hợp đồng, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm thanh toán cho người tham gia tiền hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác.

Trường hợp người tham gia bán hàng đa cấp đã liên hệ nhưng doanh nghiệp không giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng, nếu có lý do để cho rằng doanh nghiệp có dấu hiệu lừa đảo hoặc vi phạm pháp luật hình sự, người tham gia bán hàng đa cấp cần trình báo ngay với cơ quan công an để được bảo vệ; hoặc có thể nộp đơn đến cơ quan tòa án có thẩm quyền để khởi kiện và yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật trên cơ sở hợp đồng ký kết giữa các bên.

Trong quá trình bảo vệ quyền lợi của mình, người dân có thể liên hệ với Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương); Sở Công thương tỉnh Tiền Giang hoặc Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an Tiền Giangđể được tư vấn, hỗ trợ.